APEC
Các tác phẩm tại Công viên APEC nói lên điều gì?
ĐNO - Ngày 9-11, Ủy ban Quốc gia APEC phối hợp UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức khai trương Công viên APEC.
Công viên APEC là nơi trưng bày các tác phẩm tượng của các nền kinh tế thành viên gửi tặng cho chủ nhà Việt Nam. Mỗi tác phẩm có ý nghĩa sâu sắc riêng.
Úc - “Nơi gặp gỡ”
Tác phẩm của Úc |
Tác phẩm “Nơi gặp gỡ” được thực hiện bởi tác giả William Stackhouse, nghệ sĩ điêu khắc có nguồn gốc thổ dân Úc cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng nghệ sĩ người Việt Nam.
Tác phẩm điêu khắc này được lấy cảm hứng từ biểu tượng cho nơi gặp gỡ trong nền văn hoá của thổ dân Úc. Vòng tròn ngoài tượng trưng cho lãnh thổ. Các vòng tròn bên trong tượng trưng cho các gia đình trong một bộ lạc. Các hình khối bằng gỗ ở đáy thể hiện sự kỳ vọng và khát khao cho một tương lai tươi sáng và rộng mở.
Brunei - “Nữ tiểu thương trên sông”
Tác phẩm của Brunei |
Tác phẩm “Nữ tiểu thương trên sông” do Khoa Điêu khắc nghệ thuật đồng và gỗ, Trung tâm Đào tạo nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ Brunei thuộc Văn phòng Quốc vương Sultan và Yang Di-Pertuan của Brunei Darussalam thực hiện.
Tác phẩm tượng trưng cho vai trò quan trọng của người Padi trong lịch sử Kampong Ayer (làng nước) và sự phát triển kinh tế của Brunei. Các nữ tiểu thương Padi thường dùng những chiếc mũ rơm rộng lớn và chèo thuyền dọc sông Brunei.
Trong thời đại thương mại và tăng trưởng kinh tế hiện đại này, những ký ức và hình ảnh người Padi góp phần gìn giữ cho việc ghi nhớ truyền thống và di sản của Brunei thời xa xưa.
Canada - “Kiên cường”
Tác phẩm của Canada |
Tác phẩm của Floyd Elzinga về cơ bản được lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên, ông khám phá những vẻ đẹp truyền thống bằng các kỹ thuật phi truyền thống.
Chiếc lá phong khổng lồ lung linh dưới ánh nắng mặt trời, đem lại cảm giác một làn gió nhẹ đang ôm chặt lấy từng góc cạnh của chiếc lá. Bằng cách thể hiện sự vững chãi trong hình dáng hết sức mỏng manh, tác phẩm mang biểu tượng của đất nước Canada đã tôn lên được sự kiên cường và bền bỉ của thế giới tự nhiên.
Trung Quốc –“ Tầm nhìn chung, tương lai chung”
Tác phẩm của Trung Quốc |
Tác phẩm được bao bọc bởi 21 vòng xoắn tượng trưng cho sự tồn tại hòa hợp và tương hỗ lẫn nhau của 21 nền kinh tế thành viên APEC. 21 viên ngọc trắng chấm phá trên sóng biển xanh tượng trưng cho 21 nền kinh tế thành viên APEC trải dài trên khu vực Thái Bình Dương cùng hợp tác với nhau vì một tương lai chung.
Thân tượng hình tròn và đế tượng hình vuông thể hiện triết lý cổ xưa của Trung Quốc về hình ảnh “trời tròn, đất vuông”, tượng trưng cho một tầm nhìn chung vì một tương lai thống nhất, hòa hợp và hợp tác cùng có lợi.
Hồng Kông, Trung Quốc - “Núi và thác nước”
Tác phẩm của Hồng Kông, Trung Quốc |
Danny Lee (Lee Chin Fai Danny) là một nhà điêu khắc nổi tiếng của Hồng Kông với những tác phẩm điêu khắc bằng sơn mực truyền thống. Tác phẩm “Núi và thác nước” được thiết kế so le ba tầng, giống như một ngọn núi cao chót vót với ba thác nước chảy dọc theo sườn núi, đồng thời khắc họa tính tương đồng với những tòa nhà chọc trời, nêu bật văn hoá độc đáo của Hồng Kông.
Tác phẩm thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối của nghệ sĩ Trung Hoa cổ đại đối với thiên nhiên nhưng vẫn thể hiện rõ năng lực và khát vọng tương lai của Hồng Kông đương đại.
Indonesia - “Thuyền buồm Pinisi”
Tác phẩm của Indonesia |
Pinisi là một chiếc thuyền buồm truyền thống lớn vượt đại dương có nguồn gốc từ các nhóm dân tộc Bugis - Makassar ở phía Nam Sulawesi. Pinisi vẫn được sử dụng cho đến ngày nay và được xem như là phương tiện vận tải liên đảo tại Indonesia.
Chiếc thuyền thể hiện khát vọng luôn muốn được chinh phục đại dương, chinh phục những chân trời mới của cư dân nơi đây.
Nhật Bản - “Hào quang chân lý”
Tác phẩm của Nhật Bản |
Tác phẩm “Hào quang chân lý” được tạo ra với niềm tin rằng “Chân lý phải xuất phát từ thiên nhiên” và mong muốn cho nền hòa bình thế giới.
Đá granite từ 5 châu lục và đá pha lê được sử dụng cho tác phẩm, từ dưới lên gồm: đá granite đen (Trung Quốc), đá granite đỏ (Ấn Độ), đá granite vàng (Việt Nam), đá granite xanh lá (Châu Phi), đá granite đỏ (Canada), đá granite xanh đen (Na-uy), đá granite nâu (Úc), đá granite trắng (Hoa Kỳ), đá granite xanh biển (Brazil). Đá pha lê Nhật Bản được sử dụng trên cùng.
Đế tượng được làm từ đá granite Châu Phi, nơi sinh ra của nhân loại. Tượng sẽ thay đổi màu sắc khi trời mưa hoặc nắng.
Hàn Quốc - “Sự khởi đầu: Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”
Tác phẩm của Hàn Quốc |
“Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” không những là chủ đề chính của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam mà còn là nguồn cảm hứng của tác phẩm tượng của Hàn Quốc.
Tác phẩm là sự diễn giải nghệ thuật về động lực bằng cách sử dụng "jwibulnori", một trò chơi truyền thống của Hàn Quốc. Những màu sắc đa dạng của tác phẩm điêu khắc đã khắc họa nên hình ảnh của APEC và sự khởi đầu mới thông qua bàn tay nghệ thuật của nhà điêu khắc Lee Joon-heeis.
Malaysia - Hoa dâm bụt – Biểu tượng của sự đa dạng, thống nhất, hòa hợp và chủ quyền Malaysia
Tác phẩm của Malaysia |
Tác phẩm được lấy cảm hứng từ hoa dâm bụt, quốc hoa của Malaysia, tượng trưng cho sự phát triển mạnh mẽ của Malaysia và sự hòa hợp của cộng đồng văn hóa đa dạng của đất nước này.
Năm cánh hoa dâm bụt tượng trưng cho năm nguyên tắc quốc gia của Malaysia: “Niềm tin vào Chúa; trung thành với nhà vua và quốc gia; hiến pháp là tối cao; tuân thủ pháp luật; sống có đạo đức và tôn trọng lẫn nhau”.
Thân cây được thiết kế dựa theo họa tiết của Diều mặt trăng Wau Bulan – chiếc diều truyền thống của Malaysia, thể hiện sự trung thành tuyệt đối với đất nước.
Tác phẩm cũng có các họa tiết mang màu sắc của bang Sabah và Sarawak, thể hiện sự đa dạng các bản sắc dân tộc và văn hóa của Malaysia. 14 nhụy hoa tượng trưng cho 14 bang của Malaysia thống nhất và thanh bình.
Mexico - “Chuyện phố”
Tác phẩm của Mexico |
Bên cạnh truyền thống nghề gốm của Mexico, tác phẩm “Chuyện phố” thể hiện sự chia sẻ một phần lãnh thổ của Mexico, một phần của trái đất với những vĩ tuyến khác của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và sự chia sẻ một tác phẩm nghệ thuật nhằm chuyển tải bản sắc văn hóa quý giá của người Mexico.
Tác phẩm được làm từ đất sét, chiều thẳng đứng của tác phẩm thể hiện khát vọng hướng đến một vũ trụ nơi mà những sự khác biệt cấu thành sự thịnh vượng vô tận.
Về mặt bố cục, tác phẩm gồm có 9 phần hợp nhất trong một cấu trúc chung. Theo văn hóa truyền thống, số 9 tượng trưng cho sự vĩnh cửu và viên mãn tròn đầy.
New Zealand - “Làn gió nhẹ”
Tác phẩm của New Zealand |
Tác giả Brett Keno đã khắc họa một “Làn gió nhẹ” cho thấy sự mềm mại ẩn sâu trong những thứ tưởng chừng như rắn rỏi và thô ráp. Tác phấm được bắt đầu bằng một đường cong và kết thúc như một chiếc lá đang duỗi mình nhẹ nhàng trong gió. Để thể hiện được sự phản chiếu của ánh sáng và bóng tối trong tác phẩm của mình, người nghệ sĩ đã sử dụng phong cách thiết kế Koru, cộng thêm nét văn hóa Maori - nguồn gốc xuất thân của ông, để tạo ra sự giao hòa giữa ánh sáng và bóng tối, tượng trưng cho những khởi đầu mới và sự tăng trưởng mới.
Peru - “Ngàn năm hiện diện tại Châu Á – Thái Bình Dương”
Tác phẩm của Peru |
Tác phẩm thể hiện hành trình khám phá Thái Bình Dương của các bộ tộc cổ Peru, từ những cuộc thám hiểm với những chiếc bè nhỏ đóng bằng tay làm từ gỗ không thấm nước được lấy từ khu rừng Amazon hùng vĩ, mở ra mối liên hệ và sự tương tác đầu tiên giữa dân tộc Peru với các nền văn hóa cổ của vùng Polynesia.
Những cuộc thám hiểm chứng minh các cư dân Nam Mỹ xưa, trước khi nền văn hóa châu Âu đổ bộ, đã có có sự liên hệ và tương tác với cư dân vùng Polynesia thông qua những cuộc thám hiểm thường xuyên bằng đường biển.
Philippines - Đoàn kết vì cộng đồng
Tác phẩm của Philippines. |
Tác phẩm tượng của Philippines thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng để cùng xây đắp một tương lai chung hòa bình, thịnh vượng. Tác phẩm cũng khắc họa đậm nét những nét văn hóa truyền thống của Philippines.
Nga - Yuri Gagarin – Người đầu tiên bay vào vũ trụ
Tác phẩm của Nga |
Nga mang đến Công viên APEC hình ảnh của phi hành gia Yuri Gagarin, người đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trong chuyến du hành lịch sử ngày 12 tháng 4 năm 1961 trên tàu vũ trụ Vostok, đánh dấu bước ngoặc vĩ đại và mở đầu cho kỷ nguyên chinh phục không gian vũ trụ của nhân loại.
Singapore - “Gắn kết”
Tác phẩm của Singapore |
Tác phẩm “Gắn kết” của tác giả Tan Wee Lit mang đến một trạng thái ảo giác vui tươi về không gian, cho thấy sự kết nối vô hình giữa mỗi nền kinh tế APEC xuyên biên giới/ không gian, vừa độc lập vừa gắn kết với nhau. Với màu sắc và sự phản chiếu của chất liệu thép không rỉ là biểu tượng của sức mạnh và sự tinh tế trong mối quan hệ phát triển kinh tế giữa các nền kinh tế với nhau.
Đài Bắc, Trung Hoa - “Cây đời xanh tươi”
Tác phẩm của Đài Bắc, Trung Hoa |
Tác giả Po-chun Liu đã “trồng” 21 nhánh của “Cây đời xanh tươi” tượng trưng cho 21 nền kinh tế thành viên APEC, thể hiện tinh thần hợp tác và sự gắn kết bền chặt, với những vòng tròn kích cỡ khác nhau ở phần ngọn tượng trưng cho những quả ngọt của sự thịnh vượng về kinh tế.
Các nhánh cây hợp thành một thực thể chung, cùng với những sắc xanh sống động phác họa nên hình ảnh cây đời sum xuê và vững chắc, tỏa ra những hy vọng về một tương lai chung phồn vinh.
Hoa Kỳ - “Thuyền mây”
Tác phẩm của Hoa Kỳ |
Tác phẩm do nghệ sĩ Trần Trọng Tri phối hợp cùng Indochina Art Partnership thực hiện, kết hợp các biểu tượng của con thuyền và bầu trời. Thuyền tượng trưng cho giao thương, còn trời xanh thể hiện ý nguyện của con người nói chung về tự do và công lý.
Việt Nam - “Khởi nguyên”
Tác phẩm của Việt Nam |
Tác phẩm tượng của Việt Nam được nhà điêu khắc Lê Lạng Lương, Đại học Mỹ thuật, lấy cảm hứng từ sự tụ hội của những khối cây cổ thụ là biểu tượng cho sự cộng hưởng sức mạnh với muôn vàn các cột rễ xuất phát từ lòng đất đan cài và tương hợp với nhau tạo nên một khối sức mạnh khổng lồ đang vươn lên kiêu hãnh và giãn nở trong không gian mới.
Khối điêu khắc tượng trưng cho sức mạnh của sự gắn kết, tương trợ của cuộc sống, với bệ đỡ là sức mạnh truyền thống dân tộc của văn hóa quần cư lâu đời. Năng lượng của văn hóa truyền thống đó đã, đang nuôi dưỡng và truyền đến những thế hệ mới sức mạnh, sự tự tin trong thế giới đương đại với tầm vóc mới cao lớn hơn, rộng mở hơn.
Tác phẩm được thực hiện bởi nghệ nhân Nguyễn Long Bửu ở thành phố Đà Nẵng.
SỞ NGOẠI VỤ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG