ĐNO - Năm 2010, Khu căn cứ cách mạng K20 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nơi đây là di tích sống động về lịch sử hào hùng một thời của nhân dân thành phố.
Trong kháng chiến chống Mỹ, địa bàn căn cứ K20 gồm các xóm: Đa Phước (xóm Cát), Nước Mặn (xóm Đồng) (thường gọi chung là Đa Mặn) và một phần của làng Mỹ Thị, Bà Đa thuộc Quận 3 - thành phố Đà Nẵng. Năm 1964, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Quận ủy Quận 3 quyết định xây dựng Đa Mặn, Mỹ Thị, Bà Đa- trong đó, Đa Mặn là khu vực trọng yếu nhất để hình thành một căn cứ lõm cách mạng, lấy mật danh là K20.
Với địa thế quan trọng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. K20 là một trong những nơi diễn ra phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ. Nhân dân khu căn cứ cách mạng K20 không những trực tiếp tham gia kháng chiến mà còn xây dựng nên hệ thống những đường hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, cất giữ vũ khí, lương thực,... Một số nơi vẫn còn tồn tại đến ngày nay và được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia như: nhà ông Huỳnh Trưng, nhà thờ bà Nhiêu, nhà thờ tộc Huỳnh, nhà bà Nguyễn Thị Hải,…
Ngày nay, khu căn cứ cách mạng K20 là một trong những địa chỉ đỏ giúp thế hệ trẻ ghi nhớ, hiểu rõ về công lao, tinh thần đấu tranh anh dũng, đoàn kết, sáng tạo của quân dân vùng Ngũ Hành Sơn nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung.
|
Khu căn cứ cách mạng K20 được thành phố Đà Nẵng đầu tư chỉnh trang, nâng cấp nhưng vẫn giữ nét đẹp yên ả của một vùng quê giữa lòng đô thị. |
|
Đầu tháng 2-1968, đồng chí Năm Thông (Nguyễn Hữu Nỳ) - Bí thư Quận ủy Quận 3 đến gia đình ông Huỳnh Trưng bàn tính chuyện đào hầm bí mật để tiện bề hoạt động. Ngay sau đó một căn hầm dưới bàn thờ gia tiên đã được hình thành. Chỉ có hai người thực hiện đào hầm: đồng chí Năm Thông đào đất còn ông Huỳnh Trưng mang đất đổ ra sông. |
|
Ông Huỳnh Trưng hướng dẫn đường vào hầm bí mật đã từng nuôi giấu nhiều cán bộ khi có khách ghé thăm. |
|
Lối đi xuống đường hầm có chiều dài khoảng 60cm và rộng khoảng 40cm, kích thước chỉ vừa đủ cho một người. |
|
Trong suốt thời gian từ năm 1969 đến 1975, hầm bí mật của gia đình ông Trưng đã nuôi giấu nhiều cán bộ lãnh đạo Quận ủy hoạt động tại K20 như các đồng chí Bảy Chanh, Phan Ngọc Hồi, Đặng Văn Khá, Sáu Trung,… |
|
Ông Trưng vẫn còn lưu giữ tấm sắt dùng để nguỵ trang lối vào hầm bí mật ngày trước. |
|
Nhà thờ bà Nhiêu, di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây có 6 hầm bí mật được xây dựng từ cuối năm 1962 đến năm 1968 tại những vị trí: dưới nền nhà thờ, góc trước sân nhà, sau vườn, dưới các bàn thờ còn lại và trong bếp. |
|
Ông Nguyễn Thông (người trông coi di tích) chỉ dẫn cho khách ghé thăm một hầm bí mật ngay trước sân nhà thờ bà Nhiêu, được nguỵ trang như bậc thềm bình thường. |
|
Với số lượng hầm bí mật nhiều nhất, quy mô lớn và bền vững, nên trong suốt từ năm 1963 đến ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975), nhà thờ bà Nhiêu là một địa điểm quan trọng nhất ở K20. |
|
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà ông Huỳnh Miên (Huỳnh Vấn) là địa điểm để tuyên truyền, sinh hoạt chính trị của cán bộ cách mạng cơ sở và quần chúng nhân dân địa phương. Các đồng chí Hồ Nghinh, Trần Thận - Phó Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà khi về K20 những ngày giáp Tết Xuân Mậu Thân, sau khi được đón tại nhà ông Huỳnh Trưng và sinh hoạt ở các cơ sở khác, đã thông qua nhà ông Huỳnh Vấn để vào xóm Cát, Mỹ Thị, Bà Đa và thâm nhập vào trung tâm thành phố. |
|
Nhà truyền thống K20 là địa điểm được thành phố xây dựng mới. Nơi đây là một trong những địa chỉ đỏ giúp thế hệ trẻ ghi nhớ, hiểu rõ về công lao, tinh thần đấu tranh anh dũng, đoàn kết, sáng tạo của quân dân vùng Ngũ Hành Sơn nói riêng và Đà Nẵng nói chung. |
|
Nhà truyền thống K20 hiện đang lưu giữ các hiện vật, tài liệu, chứng tích của một thời đấu tranh ngoan cường, bất khuất của quân và dân Khu căn cứ cách mạng K20. |
THU DUYÊN