.

 

 

 

43 năm sau ngày Giải phóng (29-3-1975 – 29-3-2018). Đà Nẵng đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt.

 

Đà Nẵng trong những ngày cuối tháng 3 năm 2018 như đang sống lại cảm xúc của ngày giải phóng. Đã 43 năm kể từ buổi trưa ngày 29-3-1975, những người lính trên mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng ngày ấy nay đã già, mắt đã mờ, tay chân đã yếu hơn, nhưng mỗi lần nhắc về thời khắc lịch sử đó, trong họ vẫn vẹn nguyên ký ức của những năm tháng hào hùng, oanh liệt.

 

 

Hai trong số những chứng nhân lịch sử đó là Đại tá Lê Ngọc Bảy, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn R20 của Trung đoàn 96 và Đại tá Nguyễn Đình Ngật, nguyên Chánh văn phòng Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 5.

Trong ký ức của hai ông, ngày 29-3-1975 là một trong những ngày đẹp nhất cuộc đời.

Đại tá Lê Ngọc Bảy - người Chỉ huy trưởng trẻ tuổi, gan dạ của Tiểu đoàn R20 năm xưa - nay ngấp nghé ở tuổi “xưa nay hiếm”. Bên ấm trà thơm, ông say sưa kể cho chúng tôi nghe về những ngày hào hùng của hơn 4 thập kỷ trước mà cứ như kể chuyện của hôm qua.

 

 

Ông nhớ rõ tên từng đồng chí cùng vào sinh ra tử tại Tiểu đoàn R20, có thể kể chi tiết chiến thắng oanh liệt của Tiểu đoàn R20 tại chiến trường 2 cứ điểm Gò Phong-Đá Đen (thuộc xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam ngày nay), nhớ rất rõ những kỷ niệm với người dân trong thời kỳ ác liệt ấy.

“Đánh chiếm Đá Đen và Gò Phong là nhiệm vụ cấp trên giao cho đơn vị, bằng mọi giá phải thắng vì đây là trận đánh có tính chất “bản lề”, phải quyết tâm đánh để tạo tiền đề cho những trận đánh sau này nhằm mở toang cánh cửa về mặt trận phía tây, tạo điều kiện cho đội hình của Trung đoàn 96 đánh chiếm quận lị Duy Xuyên và phía đông của Quốc lộ 1A”, ông Bảy kể bằng chất giọng hào sảng.

Chiến thắng tại Gò Phong-Đá Đen vào buổi sáng 26-3-1975 đã góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch giải phóng Quảng Đà.

Ngày 26-3-1975, Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng chính thức bắt đầu, các lực lượng của ta tấn công những huyện, thị, vùng ven.

Đến trưa ngày 29-3, từng đoàn xe của ta nối đuôi nhau tiến về Đà Nẵng trong niềm vui hân hoan của người dân. Đại tá Lê Ngọc Bảy cùng Đại tá Lê Công Thạnh - nguyên Khu ủy viên Đặc Khu ủy Quảng Đà, Phó Chính ủy Mặt trận 4 thời điểm đó là hai trong số những người có mặt trên chiếc xe Renault tiến vào Tòa Thị chính trưa 29-3.

“Khi chúng tôi tiến vào Tòa Thị chính thì địch đã rút hết, không còn để lại nhu yếu phẩm nào, bản thân anh em chiến sĩ lúc ấy đều đói lả và mệt mỏi sau nhiều ngày chinh chiến. Chiều hôm ấy có một bà cụ bán bánh mì, ngập ngừng dừng trước cổng Tòa Thị chính với một rổ bánh mì trên tay, mời anh em chiến sĩ ăn cho đỡ đói”, ông Bảy nhớ lại.

 

Lúc ấy, ông thay mặt tiểu đoàn cảm ơn bà cụ, nhưng vẫn ngại vì số bánh mì ấy cũng là sinh kế của một gia đình, dù vậy câu trả lời của bà đã khiến ông và mọi người trong tiểu đoàn xúc động.

“Suốt cả cuộc đời, bây giờ tau mới thấy mặt quân giải phóng. Tau mừng lắm, chỉ biết đãi bọn bây một bữa bánh mì”, ông Bảy xúc động kể lại lời bà cụ.

Trước cổng Tòa Thị chính vào ngày 29-3 năm ấy, dưới lá cờ chiến thắng vừa được kéo lên trên bầu trời Đà Nẵng, một bữa ăn đơn sơ với 60 ổ bánh mì trở thành hình ảnh đẹp, đọng lại mãi trong lòng những người chiến sĩ Tiểu đoàn R20.

Trong không khí hào hùng của ngày giải phóng, ông Bảy nhớ về những người đồng đội đã mãi mãi nằm lại chiến trường. Trong số đó, có Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thời cùng 3 đồng chí khác đã hy sinh do giẫm phải trận địa mìn trước trận đánh Đá Đen.

“Nếu họ sống thêm được vài ngày nữa có lẽ đã có thể thấy Đà Nẵng giải phóng rồi…”, ông Bảy rưng rưng.

Trong ký ức của người cựu chiến binh trên mặt trận Quảng Đà năm xưa, vẫn còn đó hình ảnh những người đồng đội ngã xuống để máu hòa cùng dòng Thu Bồn trôi mải miết, thân thể nằm xuống bên đất mẹ để quê hương, đất nước được hòa bình.

 

 

Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Đình Ngật, lúc bấy giờ chiến sự rất gấp gáp, mọi kế hoạch tác chiến phải hết sức khẩn trương. Thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Tây Nguyên trước đó khiến Tư lệnh Quân đoàn I của ngụy đóng tại Đà Nẵng thời điểm đó là tướng Ngô Quang Trưởng phải lo sợ, tìm cách tháo chạy, trong khi trước đó cũng chính tên này tuyên bố tử thủ Đà Nẵng.

Sáng ngày 28-3-1975, bộ phận đầu não của Đặc khu ủy Quảng Đà hành quân áp sát vùng ven Đà Nẵng và quyết định phát lệnh đồng loạt tấn công và nổi dậy, chiếm thành phố. Ngay trong chiều 28-3, Ngô Quang Trưởng cùng Bộ tư lệnh Vùng 1 chiến thuật bí mật chuồn ra hạm đội 7 của Mỹ đậu ở ngoài khơi, bất chấp lời kêu gọi “tử thủ Đà Nẵng”. 

Nhận được thông tin Ngô Quang Trưởng tháo chạy, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà đã hạ quyết tâm: “Vào Đà Nẵng ngày 29-3-1975”. Rạng sáng ngày 29-3, các cánh quân chủ lực của ta theo ba hướng tiến vào thành phố.

Đến 11 giờ 30 phút, biệt động thành phố và đại đội R20 của Trung đoàn 96 tiếp quản Tòa Thị chính. Lá cờ của quân giải phóng đã tung bay trên nóc Tòa Thị chính và nhiều địa điểm khác.

“Lúc ấy, địch không còn sức chống cự nhiều nữa, chúng bỏ chạy, đồ đạc vứt lại la liệt và chỉ bắn trả yếu ớt”, Đại tá Nguyễn Đình Ngật kể.

 

 

Trong Cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, thắng lợi của Chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần thay đổi cục diện cuộc chiến, tạo “bản lề” cho cuộc hành quân “tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù”, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

 

 

Đà Nẵng đã giải phóng được 43 năm, chính thức trực thuộc Trung ương hơn 20 năm. Trong khoảng thời gian ấy, thành phố trẻ này đã thực sự lớn lên từng ngày. Với thế hệ trẻ Đà Nẵng, những chiến công lịch sử hào hùng từ 43 năm trước, cùng những thành tựu của thành phố hôm nay là động lực để họ ra sức học tập, lao động, chung tay xây dựng và phát triển thành phố.

 

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Grenoble (CH Pháp), TS Võ Văn Chi chấp nhận bỏ môi trường nghiên cứu khoa học lý tưởng, cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn tại Pháp để quay về Đà Nẵng.

“Trong quá trình học tập tại Pháp, tôi luôn mong muốn là học xong sẽ trở về Đà Nẵng để đóng góp sức mình vào sự phát triển tiếp theo của thành phố, mà cụ thể là trong lĩnh vực công nghệ cao. So với những buổi đầu chia tách tỉnh, thành phố đã chú trọng đầu tư về “chiều sâu” nhiều hơn, cụ thể là nhiều tiện ích đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân, thu hút khách du lịch”, anh Võ Văn Chi chia sẻ.

Những người trẻ của Đà Nẵng đều có chung một quan điểm, đó là sự phát triển của Đà Nẵng sau ngày giải phóng và sau khi trực thuộc Trung ương đã tạo cho họ niềm tin về một thành phố đổi mới toàn diện, một môi trường mà họ có thể cống hiến năng lực của mình cho sự phát triển chung và cũng là nơi họ thể hiện tình yêu với chính quê hương mình.

 

 

 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, sau Ngày giải phóng 29-3, Đà Nẵng đứng trước tình thế rất khó khăn. Từ chỗ phải vận động ráo riết để người dân về lại thành phố, tích cực sản xuất nông nghiệp, tháo gỡ bom mìn, khai hoang đất đai để xây dựng lại thành phố. Nay, Đà Nẵng đã có sự thay da đổi thịt trên tất cả các mặt.

Những ngôi nhà chồ nhếch nhác ven sông nay đã thành khu phố xá sầm uất, phục vụ du lịch, thương mại. Nếu như ngày trước chỉ có 1-2 chiếc cầu bắc ngang sông Hàn, người dân phải đi phà, đi đò, thì nay đã có 6 chiếc cầu hiện đại. Thành phố cũng đang có những bước phát triển về công nghệ cao. Đời sống người dân đang từng bước được cải thiện.

 
 

 

Theo báo cáo của UBND thành phố, tính đến năm 2017 (thời điểm tròn 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương), kinh tế của thành phố có sự tăng trưởng cao và ổn định, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Diện mạo đô thị thành phố được quy hoạch, chỉnh trang theo hướng văn minh, hiện đại với không gian đô thị mở rộng lên đến 21.300 hecta, tăng 4 lần so với năm 1997.

 

 

Trong giai đoạn 1997-2017, tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội GRDP của Đà Nẵng luôn ở mức 8-9%, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước.

Nếu như năm 2005, thu nhập bình quân của người dân Đà Nẵng chỉ đạt 850 USD thì đến cuối năm 2016, con số này đã đạt mức 2.980 USD.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố chia sẻ: “Từ nỗ lực của chính quyền và nhân dân mà bộ mặt thành phố đã phát triển vượt bậc trên mọi mặt. Riêng trong lĩnh vực văn hóa, nhiều thiết chế văn hóa đã được thành phố chú trọng nâng cấp, xây mới.

 

Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đã được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ văn hóa được nâng cao qua các sinh hoạt nghệ thuật biểu diễn tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Trưng Vương, các hoạt động văn nghệ quần chúng, ca múa nhạc đường phố…”, ông Huỳnh Văn Hùng nói.

Một dấu son lớn về văn hóa của thành phố trong những ngày tháng 3 lịch sử năm nay là sự kiện thành Điện Hải đã chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và việc khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Sự đổi thay tích cực của thành phố trong những năm qua còn được ghi nhận bởi du khách gần xa.

“Trung tâm Đà Nẵng thời điểm 15-20 năm trước chưa có nhiều tụ điểm giải trí, chưa có nhiều không gian để du khách có thể tham quan, dạo chơi. Nếu so sánh thời điểm đó với hôm nay thì quả thật Đà Nẵng đã có sự “lột xác”, trở thành một thành phố sôi động, rực rỡ màu sắc”, anh Ngô Minh Hoành, du khách người Hải Phòng cho biết.

 

 

Trong cái nhìn của bạn bè gần xa với Đà Nẵng hôm nay, thành phố sau hơn 20 năm trực thuộc Trung ương đã trở thành một địa danh có sức hút lớn về mọi mặt, không chỉ trong mà còn cả ngoài nước. Đó là thành quả từ sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc xây dựng thành phố phát triển toàn diện.

43 năm sau ngày giải phóng, Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu khi kinh tế tăng trưởng khá, chính trị-xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại mở rộng; việc phát triển công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao... có sự chuyển biến tích cực; chất lượng cuộc sống, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị có tiến bộ vượt bậc, diện mạo thành phố ngày càng đổi mới. Đà Nẵng đang ngày càng khẳng định được vai trò là thành phố động lực của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

XUÂN SƠN - TRANG VŨ - HẢI ĐĂNG

;
.