.

 

 

 

 

Sau khi được nhắc đến trong tài liệu Catalogue du Musée Cam de Tourane của Henri Parmentier vào đầu thế kỷ XX, di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) đã thêm một lần “ngủ quên”, chìm sâu dưới những nền nhà dân, sau những biến động của lịch sử hơn một thế kỷ trước khi được khai quật vào năm 2012. Và bây giờ, di tích Chăm Phong Lệ đang chờ một bàn tay "đánh thức"....

Chúng tôi trở lại Phong Lệ vào tháng 9-2019, đúng 1 năm sau khi đợt khai quật cuối cùng tại di tích Chăm này khép lại. Di tích này dường như vẫn đang chờ một “cú hích” để phát huy những giá trị văn hóa-lịch sử bị chìm sâu hằng trăm năm qua...

 

 

Trung tuần tháng 9, chúng tôi có cuộc trao đổi với nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Võ Văn Thắng qua điện thoại. Câu chuyện của ông xoay quanh di tích Chăm Phong Lệ. Bằng tất cả tâm huyết của người gắn bó với Phong Lệ từ những ngày đầu khai quật di tích, ông khẳng định giá trị của di tích này là rất lớn, rất ý nghĩa đối với văn hóa thành phố cũng như tiềm năng của nó trong sự phát triển kinh tế, du lịch.

 
 

 

Theo ông Thắng, các kết quả khai quật khảo cổ cho thấy khu di tích Chăm Phong Lệ là một phế tích có quy mô lớn, với nhiều công trình kiến trúc. Kết quả khai quật đã làm xuất lộ dấu tích kiến trúc tháp cổng, tháp thờ chính (Kalan) cùng nhiều hiện vật điêu khắc đá như: bậc cửa, trang trí điểm góc, các tượng thần, các cấu kiện kiến trúc tháp…

Đặc biệt, trong khu vực di tích có phần cấu trúc lòng tháp dưới mặt đất được gọi là “hố thiêng”. Ngoài ra, còn có di tích Miếu Bà có từ thời Tự Đức (1862) có giá trị về di sản kiến trúc và tín ngưỡng dân gian.

Đánh giá về kết quả khai quật lần 3 và cũng là lần cuối cùng ở Phong Lệ, PGS-TS Đặng Hồng Sơn - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, chủ trì đoàn khai quật cho biết: "Đã có thêm nhiều phát hiện mới về di tích Chăm Phong Lệ trong cuộc khai quật lần 3, qua đó có thể đi đến nhận định, khu di tích Chăm Phong Lệ là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy thuộc sông Cẩm Lệ".

 


Các chuyên gia cũng nhận định Phong Lệ thực sự là một trung tâm tôn giáo lớn được người Chăm xây dựng và sử dụng lâu dài trong lịch sử, với niên đại ước tính khoảng 1.000 năm tuổi. Căn cứ theo diện tích phần móng, xác định đây là di tích Chăm thuộc loại lớn nhất của khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng tính đến thời điểm hiện tại.

Tháng 11-2017, UBND thành phố phê duyệt Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ (gọi tắt là Đề án) với thời gian thực hiện từ năm 2017-2022, chia làm 2 giai đoạn.

 

Trong đó, giai đoạn 2018-2022 triển khai xây dựng mái che và lối đi, trùng tu Miếu Bà và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Nhà trưng bày di tích Chăm tại Đà Nẵng; Nhà trưng bày ngành nghề truyền thống và xếp hạng Phong Lệ là di tích văn hóa - lịch sử cấp thành phố…

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại (những tháng cuối năm 2019), vẫn chưa có một động thái cụ thể trong việc phát huy giá trị của di tích 1.000 năm tuổi này.

Cách Quốc lộ 1A chưa tới vài trăm mét, đường vào Phong Lệ hiện vẫn nằm lọt thỏm sau những bức tường nhà dân. Lối đi chính dẫn vào di tích đã bị rào lại bởi một cổng tre. Một tấm biển với nội dung “Xin vui lòng không xâm hại di tích” được dựng lên như lời nhắc nhở.

Bà Phan Thị Cổ, người có gần 3 chục năm “làm dâu sát vùng di tích” dẫn chúng tôi băng qua lớp rào tre sau vườn nhà một người dân để vào khu vực trung tâm di tích. Bà Cổ cho hay: “Do trẻ con và động vật thường xuyên ra vào nơi này nên để hạn chế sự xâm hại, người ta dựng hàng rào bao bọc”.

 

Bây giờ, dấu Chăm xưa vẫn còn nằm đó trơ trọi, đìu hiu sau 7 năm khai quật. Ngoại trừ khu “hố thiêng” ở trung tâm được che chắn bằng mái tôn, những nơi khác gần như “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Những nền móng xưa cũ, từng lớp gạch trơ ra dưới nắng, dưới mưa.

Nhìn quanh góc vườn, mái nhà cũ lâu năm bên khu vực di tích, bà Phan Thị Cổ chia sẻ, nếu thành phố và các đơn vị chức năng triển khai giải tỏa, xây dựng Phong Lệ thành một không gian văn hóa, du lịch thì bản thân gia đình bà cũng như những hộ dân sống cạnh điểm khai quật chấp nhận giải tỏa để nhường đất.

Đồng tình với bà Cổ, ông Nguyễn Hữu Đê - hàng xóm bà Cổ nhấn mạnh: “Nhường đất để phát triển di tích thì nhường liền, để người ta còn biết chỗ ni (Phong Lệ - PV) được hình thành ra sao, có giá trị như thế nào đối với lịch sử của thành phố”.

Video: Hiện trạng Phong Lệ sau 3 lần khai quật

 

 

Trao đổi về câu chuyện Phong Lệ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) thành phố Huỳnh Văn Hùng thẳng thắn nhìn nhận: “Công tác lập quy hoạch đối với Phong Lệ có phần chậm và kéo dài đến 7 năm (2012-2019). Sở dĩ lập quy hoạch chậm vì công tác giải tỏa đền bù chậm. Bên cạnh đó, quan điểm của các chuyên gia trong ngành văn hóa còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng cần mở rộng phạm vi khai quật vì may ra vẫn còn những hiện vật nữa. Có ý kiến thì bảo không nên… Cuối cùng, Sở đã chốt phương án dừng khai quật”. 

Ông Hùng cho hay, hiện tại quy hoạch định hướng mở rộng, bảo tồn phát huy Khu di tích Chăm Phong Lệ đã được lập xong. Sở VH-TT đang làm hồ sơ khoa học để cuối năm nay đề nghị lãnh đạo thành phố xếp loại di tích văn hóa lịch sử cấp thành phố.

 


Sở VH-TT đã phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, lên ý tưởng kiến trúc, lập hồ sơ chủ trương đầu tư công trình, chuẩn bị đầu tư trong năm 2020 và phát huy giá trị của di tích trong những năm tiếp theo; trong đó có giá trị văn hóa - lịch sử, phục vụ phát triển du lịch.

 

 

Về việc hút khách đến với Phong Lệ trong tương lai, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Võ Văn Thắng nhận xét, khu vực xung quanh khu di tích Phong Lệ (thuộc địa bàn Cẩm Lệ - Hòa Vang) là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với nhiều lễ hội, làng nghề, là quê hương của nhiều danh nhân… Ngoài ra, ở đây có đường sá, đất đai thuận lợi để quy hoạch bến thuyền, nơi đậu xe.

Ông Thắng đề xuất: “Đây là cơ hội, điều kiện tốt để đẩy nhanh việc phát huy các giá trị của Phong Lệ. Nếu di tích phục vụ cho du lịch thì bản thân nó khó có thể tạo được sức hấp dẫn với du khách, do đó cần phải gắn liền nó với nhiều hạng mục xung quanh như sân khấu nghệ thuật dân gian, khu trưng bày, hàng quán ẩm thực truyền thống địa phương, sản vật địa phương như bánh khô mè Cẩm Lệ, chiếu Cẩm Nê, đá Non Nước, bánh tráng Túy Loan…”.

 

Đề xuất của ông Thắng trùng hợp với nội dung quy hoạch di tích Chăm Phong Lệ của Sở VH-TT. Theo đó, khi Nhà trưng bày di tích Chăm và Nhà trưng bày ngành nghề truyền thống được xây dựng sẽ có không gian trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể cũng như trưng bày hình ảnh, hiện vật văn hóa, tổ chức hát hò khoan, bài chòi…

Cùng quan điểm với ông Thắng, ông Huỳnh Văn Hùng nhấn mạnh: “Theo nghiên cứu, di tích Chăm Phong Lệ nằm trên một tuyến du lịch. Nếu du khách đi khám phá theo đường sông, trên đường đi sẽ ghé lại Phong Lệ và thăm di tích Chăm này. Đây sẽ là một tour du lịch hấp dẫn trong tương lai”.

 

 

 

 

;
;
.