.

 

 

 

 

So với những thành phố khác như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng không có quá nhiều rạp phim. Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố, tính đến thập niên 70 của thế kỷ 20, Đà Nẵng - mà chủ yếu là trên địa bàn quận Hải Châu - chỉ có khoảng dăm rạp chiếu phim tư nhân như: rạp Kim (sau năm 1975 đổi tên thành Công Nhân B) trên đường Phan Đình Phùng, rạp Lido (sau năm 1975 đổi tên thành 29 Tháng 3) trên đường Phan Châu Trinh, rạp Chợ Cồn (còn có tên là Tân Thanh) trên đường Triệu Nữ Vương nối dài, rạp Kinh Đô (sau năm 1975 đổi tên thành Công Nhân A rồi Đà Nẵng) và rạp Kim Châu (sau năm 1975 đổi tên thành Lê Độ) trên đường Độc Lập, nay là đường Trần Phú… 

 

 

Sau Ngày Giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975), ngành văn hóa - thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp quản các rạp chiếu phim tư nhân vừa nêu và chính những rạp chiếu bóng quốc doanh này đã góp phần đưa công chúng Đà Nẵng đến với nền điện ảnh cách mạng Việt Nam cũng như với nền điện ảnh các nước xã hội chủ nghĩa, chủ yếu của Liên Xô.

Ngoài ra, vào những năm 1990, ở địa bàn quận Cẩm Lệ ngày nay cũng có một rạp chiếu bóng quốc doanh tại góc đường Cách mạng Tháng Tám - Ông Ích Đường.

 

Theo ông Tiếng, có thể nói ngày ấy ở Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, phương tiện nghe nhìn còn rất ít - mãi đến gần cuối thập niên 1980 mà hầu hết máy thu hình là trắng đen, chưa có tivi màu, nên việc công chúng Đà Nẵng được xem phim ở các rạp chiếu bóng quốc doanh tập trung ở khu vực nội thành là một sự hưởng thụ nghệ thuật thứ bảy vượt trội.

“Vượt trội so với đồng bào vùng ven, cũng như ở các huyện nông thôn và miền núi của tỉnh - nơi chủ yếu xem phim ngoài trời, qua các đội chiếu bóng quốc doanh lưu động”, ông Tiếng cho biết.

Sự hưởng thụ nghệ thuật đó đã có những năm tháng vàng son, rạp quốc doanh luôn đông đúc người đến xem, đặc biệt vào cuối tuần. Ông Mai Thành An, năm nay 60 tuổi, là khán giả “ruột” của rạp Lê Độ từ những năm 90 đến nay, chia sẻ: “Đầu thập niên 90, những bộ phim kiểu “mì ăn liền” của điện ảnh Việt Nam ra rạp rất nhiều, với dàn diễn viên như Lê Công Tuấn Anh, Y Phụng, Lý Hùng… Tôi nhớ nhất là “Vị đắng tình yêu” với nhân vật Quang “Don Quixote” do Lê Công Tuấn Anh đóng. Phim Việt Nam khi ấy chưa được đầu tư các cảnh quay đẹp, không kỹ xảo màu mè nhưng lời thoại nhân vật, nhạc phim và ý nghĩa phim đều rất hay, rất da diết…”

 

Với ông Bùi Văn Tiếng, ký ức về những bộ phim Liên Xô vẫn còn đọng lại cho đến bây giờ. Ông kể, khi còn công tác ở Sở Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng, ông may mắn được xem phim ở hầu hết các rạp, trong đó ấn tượng nhất là phim “Tehran – 43” (Liên Xô) của hai đạo diễn Alexandr Alov và Vladimir Naumov.

Phim ấy, ông được xem không những một lần mà đến hai lần tại rạp Công Nhân B trên đường Phan Đình Phùng, bên hông Trường Phù Đổng. “Phim Tehran - 43 rất hay, kể về câu chuyện yêu đương và ly biệt của chàng sĩ quan tình báo Xô viết Andrei Borodin (do diễn viên Igor Kostolevsky đóng) với cô phiên dịch viên người Pháp gốc Nga Marie Louny (do diễn viên Natalia Belokhvostikova - vợ của đạo diễn Vladimir Naumov - một mình thể hiện xuất sắc ba vai diễn với ba tính cách khác nhau)”, ông Tiếng nhớ lại.

 


Hồi ức những người trẻ Đà Nẵng những năm đầu thế kỷ XXI là những rạp phim như Megastar ở siêu thị BigC, LoteeCity (Hàn Quốc) ở siêu thị Bài Thơ (cũ), rạp Fafim (đường Quang Trung) và Cinezen, Lê Độ (đường Trần Phú). Lúc này, những phim đình đám của quốc tế cũng đã manh nha xuất hiện và lan tỏa với cộng đồng khán giả ở thành phố.

Lê Phương Thảo (cựu học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh niên khóa 2008-2011) chia sẻ: “Ngày còn đi học, nhà trường hay tổ chức cho học sinh xem các phim kinh điển của Việt Nam như “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Mùi cỏ cháy” ở rạp Lê Độ rồi về viết báo cáo. Kỷ niệm học trò thì vui lắm, nhưng vẫn có những khoảnh khắc không thể quên được, chính là chuột. Chuột nhiều lắm, có khi đang coi phim mà chuột chạy qua chân giật cả mình”.

 

Những lời kể của người già, người trẻ… đều mang đôi chút tiếc nuối. Tiếc bởi những năm tháng vàng son quá vãng không tồn tại được mãi. Bà Phạm Thị Lý, 20 năm bán bánh bèo, bánh lọc ở đầu hẻm K90 đường Trần Phú kể: “Hồi trước các rạp phim ở đường Trần Phú vào buổi tối hoặc cuối tuần bao giờ cũng rôm rả tiếng cười, nói. Thanh niên coi phim xong kéo ra ăn bánh bèo, uống ly cà phê vỉa hè. Rứa rồi cũng bớt dần. Rạp Cinezen đóng, rạp Lê Độ ít khách, đường phố chừ cũng đông nhưng không còn không khí của những rạp chiếu bóng ngày xưa”…

 

“Tiếc rằng từ sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, phần lớn rạp chiếu phim ở Đà Nẵng chỉ còn trong ký ức của những người hoài cổ - nói phần lớn bởi đến nay rạp Kim Châu/Lê Độ - “của tin còn một chút này” (thơ Nguyễn Du) - vẫn được chính quyền thành phố quyết định giữ lại và đang là nơi diễn ra nhiều sự kiện điện ảnh của thành phố bên sông Hàn”, ông Bùi Văn Tiếng nói.

Theo ông Tiếng, sự biến mất của nhiều rạp quốc doanh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, hoặc là do thời buổi phổ cập máy thu hình, ngồi ở nhà - thậm chí nằm trong phòng ngủ - vẫn có thể xem đủ loại phim trên màn ảnh nhỏ, các rạp chiếu phim của Đà Nẵng một thời gian dài chịu cảnh “chợ chiều” thưa vắng khán giả; hoặc là do chưa phân biệt giữa bao cấp với đầu tư, nhất là đầu tư cho văn hóa - nghệ thuật...  

 

 

Ông Tiếng không nhắc tới sự trỗi dậy của các rạp tư nhân trong những năm gần đây, nhưng có lẽ ông và nhiều người Đà Nẵng cũng ngầm hiểu, đó cũng là một phần cho sự đóng cửa của nhiều rạp quốc doanh. Chúng tôi đi một vòng thành phố, thấy hệ thống Megastar năm nào nay đã thành cụm rạp CGV với 2 điểm chiếu hoành tráng ở siêu thị BigC và Vincom Plaza. Ở “cánh” Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Lotte Cinema vẫn có lượng khách ổn định, cách đó chừng vài trăm mét là rạp Metiz nằm cạnh khu giải trí. Ngược về tuyến đường Điện Biên Phủ, chỉ chừng 3km đã có thêm 2 cụm rạp là Galaxy Cinema và Starlight… Những rạp này đều rất hiện đại, hoành tráng.

 

 

Sự trỗi dậy này, cùng sự xuống cấp về cơ sở hạ tầng và thua thiệt về kinh phí khiến nhiều rạp quốc doanh gần như “đầu hàng”. Khán giả bắt đầu có sự lựa chọn, giữa một bên là những bộ phim được chiếu sớm trong không gian sang trọng, hiện đại và một bên là rạp cũ “chuột chạy” với phim chiếu muộn… Thế hệ chúng tôi, những người ghi lại bài viết này cũng đã có lúc tìm kiếm sự tiện nghi ở những rạp mới, thay vì cùng nhau ngồi lại ở một góc rạp cũ, nơi từng ghi dấu bao kỷ niệm năm nào…

Trải qua bao nhiêu biến động, rạp quốc doanh ở Đà Nẵng bây giờ chỉ còn “của tin còn một chút này” là rạp Lê Độ - rạp quốc doanh cuối cùng của thành phố còn bám trụ và nỗ lực sáng đèn mỗi đêm.
 

 

Tháng 12, tác phẩm chuyển thể “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ – phim điện ảnh Việt Nam được chờ đợi nhất năm 2019 ra rạp. Khắp các trang web đặt vé, các quầy vé ở nhiều rạp tư nhân gần như luôn ở trong tình trạng cháy vé. Trước sức hút của bộ phim, những tưởng rạp quốc doanh Lê Độ sẽ ở trong tình cảnh phải chiếu phim muộn hơn các rạp tư nhân, thế nhưng, “Mắt biếc” vẫn được chiếu với lịch trình tương tự những rạp CGV hay Galaxy Cinema. Thời điểm này, rạp Lê Độ vừa tròn 1 tháng hoàn thành nâng cấp, thay mới diện mạo.

Suất chiếu “Mắt biếc” đêm 20-12 ở rạp Lê Độ gần như kín ghế, khách đi xem phim phần lớn là những bạn trẻ nhưng cũng có khá nhiều người lớn tuổi. Bà Võ Thị Hằng, một khán giả cảm nhận: “So với ngày trước, rạp “xịn” hơn nhiều. Giá vé cũng phù hợp với túi tiền. Mặc dù các con có bảo tôi qua các rạp tư mà coi, hai vợ chồng vẫn muốn coi ở đây, phần để ôn lại kỷ niệm ngày trẻ, phần để ủng hộ rạp”.

 

 

Ông Lê Quốc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh chia sẻ, rạp Lê Độ phải phối hợp với các công ty cổ phần phim (bản quyền trả theo tỷ lệ phần trăm doanh thu bán vé) để có thể chiếu những bộ phim mới nhất - chiếu song song với các rạp lớn. Ông nói, từ đầu năm 2020, rạp sẽ điều chỉnh giá vé tùy theo phim thay cho mức giá cố định 50.000 đồng từ trước đến nay. Cơ sở vật chất khang trang, phòng chiếu hiện đại, giá vé thấp hơn các rạp tư nhân... là những yếu tố thuận lợi để rạp thu hút khán giả; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận cũng như hưởng thụ với loại hình giải trí phim ảnh.

Ông Bùi Văn Tiếng chia sẻ: “Tối 6-12 vừa qua, tôi được Đại sứ quán Chile mời dự khai mạc Liên hoan phim Liên minh Thái Bình Dương, cảm thấy rất mừng vì Đà Nẵng mình vẫn còn lưu giữ được ký ức của một thời chiếu bóng quốc doanh. Thấy rạp mới thì mừng đó, nhưng có lẽ ngành văn hóa nên tìm cách khai thác nhiều hơn nữa và hiệu quả hơn nữa “địa chỉ đỏ” hiếm hoi này”.

 

 

Ông Tiếng đề xuất, từ năm 2007, chương trình Điện ảnh học đường dành cho học sinh trung học phổ thông được tổ chức đều đặn tại rạp Lê Độ. Qua việc trình chiếu các bộ phim liên quan đến những tác phẩm văn chương trong nhà trường, chương trình Điện ảnh học đường đã tạo hiệu ứng tích cực đối với việc dạy - học môn Văn, đồng thời khơi gợi được niềm đam mê đối với nghệ thuật thứ bảy...

Có lẽ Đà Nẵng nên tiếp tục triển khai chương trình Điện ảnh học đường, một phần để tạo sức hút hơn cho rạp, một phần để người trẻ không quên của rạp phim quốc doanh cuối cùng nơi thành phố biển.

 
 

 

 
;
;
.