.

 

Ông tên Lê Văn Cảnh (SN 1951, người làng Sơn Phô thuộc phường Cẩm Châu, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Ngày trẻ, ông tham gia cách mạng tại quê nhà Hội An trong giai đoạn 1967-1970 rồi bị địch bắt và đưa đi cải tạo tại nhà lao Côn Đảo từ 1970-1973. Rồi hòa bình lập lại, ông ở lại quê nhà, lập gia đình và làm thợ hồ cho đến bây giờ.

Chuyện lao tù, hầu như ông không nhắc nhiều, bởi “nhớ lại chỉ thấy những trận đòn tra tấn đến đau lòng”. Chỉ có câu chuyện với tấm bản đồ ở Nhà trưng bày Hoàng Sa hôm nay gói trọn những tâm huyết và tự hào của người chiến sĩ cách mạng. Tấm bản đồ mà ông gửi tặng Nhà trưng bày Hoàng Sa thể hiện lãnh thổ Việt Nam có những thông tin chú giải kèm theo bằng tiếng Pháp.

Cái “duyên” của ông Cảnh với tấm bản đồ ấy bắt đầu tại một tiệm photocopy vào cuối tháng 4 vừa qua, khi ông đang đi in sao giấy tờ. “Tôi gặp một bà cụ đang cầm trên tay tấm bản đồ tiếng Pháp có hình ảnh lãnh thổ Việt Nam. Vốn sẵn tính tò mò, thích tìm hiểu bản đồ và hiện vật liên quan đến lịch sử biển, đảo, tôi mới xin bà ấy cho phép in sao một bản, rồi tôi quyết định sẽ mang tặng Nhà trưng bày Hoàng Sa”, ông cho biết.

Từ thành phố Hội An, ông đánh chiếc xe máy cà tàng, chở theo tấm bản đồ ra Đà Nẵng tìm địa chỉ UBND huyện Hoàng Sa. Quãng đường không quá xa, nhưng ông phải vòng vèo hơn một giờ đồng hồ để hỏi han địa chỉ. “Có người chỉ trụ sở UBND huyện Hoàng Sa ở trên đường Yên Bái, nhưng khi tôi tìm đến mới biết trụ sở đã dời đi. Sau đó, tôi được chỉ đến tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng rồi đến Nhà trưng bày Hoàng Sa. Đến gần cuối giờ hành chính, tôi liên hệ hẹn gặp được anh Công (Tiến sĩ Lê Tiến Công - Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa - PV) để trao đổi về tấm bản đồ”, ông kể lại.

 

Tiến sĩ Lê Tiến Công lúc ấy đã rời khỏi nhà trưng bày, nhưng trước sự chân thành và cái tâm của ông Cảnh, ông đã hẹn gặp người cựu tù Côn Đảo năm xưa ở một quán nước để xem bằng được tấm bản đồ. Cuộc gặp chiều hôm ấy đã giúp Nhà trưng bày Hoàng Sa có thêm một tư liệu quý bổ sung vào kho tàng lưu giữ giá trị về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Sau đó ít ngày, ông Cảnh lại gửi đến Nhà trưng bày Hoàng Sa một tấm bản đồ bằng tiếng Pháp khác. Đây là tấm bản đồ thể hiện địa giới hành chính tại Hải Phòng có ghi năm phát hành 1874. Tư liệu này được người chủ tiệm photocopy lần trước lưu trữ bản in trong máy tính và gửi cho ông Cảnh. “Hải Phòng với Đà Nẵng là hai địa phương kết nghĩa, cũng đều là thành phố biển. Tôi gửi thêm bản đồ này với hy vọng nó sẽ cung cấp được thông tin hữu ích cho cả hai địa phương”, ông Cảnh nói.

Cả hai tấm bản đồ mà ông Cảnh cung cấp cho Nhà trưng bày Hoàng Sa đều có bản gốc từ bà cụ mà ông gặp ở tiệm photocopy. “Bằng mọi giá, tôi tìm bằng được địa chỉ nhà bà ấy để tìm hiểu về mấy tấm bản đồ”, ông kể. Rồi ông cũng tìm ra nhà bà ở thôn Đồng Nà (phường Cẩm Hà, thành phố Hội An). Bà tên Tô Nguyệt Hạnh (sinh năm 1944, quê ở Hải Phòng), là Việt kiều Pháp về sống ở phố Hội. Qua trao đổi, ông mới biết bà Hạnh sở hữu một số bản đồ về Việt Nam thời xưa do bạn bè ở Pháp gửi tặng. “Bà Hạnh cũng là người muốn lưu giữ bản đồ cũ về quê hương, bà đã hứa sẽ sưu tầm giúp tôi thêm nhiều tư liệu bản đồ nữa, điều đó thật sự ý nghĩa”, ông Cảnh cho hay.

Bên cạnh những tấm bản đồ, ông Cảnh còn gửi tặng Nhà trưng bày Hoàng Sa quyển hồi ký tự thuật “100 ngày sống trên đảo Hoàng Sa” của một cựu binh Hoàng Sa đang sống ở Mỹ. Từ bên kia bán cầu, người em trai của cựu binh này gửi cuốn hồi ký cho ông Cảnh với mong muốn ông sẽ gìn giữ nó như một tư liệu quý.

Ông Cảnh là một trong nhiều người tích cực sưu tầm và trao tặng tư liệu quý giá về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam cho UBND huyện Hoàng Sa. Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho hay, chính quyền huyện Hoàng Sa bắt đầu sưu tầm các hiện vật, tài liệu về quần đảo Hoàng Sa từ năm 2009. Trong quá trình này, đã có những nhà xuất bản, nhiều tác giả, nhà sưu tầm, nhân chứng gửi đến thư viện Hoàng Sa những đầu sách, tư liệu quý về biển, đảo quê hương.

Nguồn tư liệu ấy được dày công tìm kiếm, lưu giữ qua nhiều năm tháng. Có thể kể đến Bộ sưu tập báo chí “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” do vợ chồng ông Trần Thanh Phương và bà Phan Thu Hương là người con Quảng Nam - Đà Nẵng sưu tập, đóng thành một cuốn sách dày 1.000 trang với kích thước 60 cm x 40 cm; hơn 100 bản đồ và Atlas Trung Quốc không có hình ảnh Hoàng Sa của ông Trần Thắng (Việt kiều Mỹ); thông tin về Hoàng Sa qua nhân chứng Lê Đình Rê - thuyền trưởng tàu quân vận Việt Nam Cộng hòa từng ra cứu hộ binh lính trong trận Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974…

Hay mới đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiến tặng bản in màu kèm lời giới thiệu và dịch chú tờ bản đồ cổ ghi chép về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong tập “Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ” được phát hiện và sao chụp từ Tư Đạo văn khố, Đại học Keio (Tokyo, Nhật Bản).

Tiến sĩ Lê Tiến Công, Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa chia sẻ: “Hầu hết những ai đến với nhà trưng bày, đến liên hệ với UBND huyện Hoàng Sa đều là người có tình cảm đặc biệt, có tâm huyết với câu chuyện chủ quyền biển, đảo quê hương. Chúng tôi đã hết sức cảm kích khi chứng kiến những người như ông Cảnh lặn lội đến tận nơi để tặng bằng được tư liệu quý. Mọi sự trao gửi đều đáng trân trọng. Trên hết là sự đồng lòng hướng về Tổ quốc”.

Được biết, hai tấm bản đồ do ông Cảnh cung cấp đã được tiếp nhận và chuyển đến các chuyên gia, đơn vị chuyên môn thẩm định, nghiên cứu để đánh giá kỹ giá trị của tư liệu.

Theo Tiến sĩ Lê Tiến Công, từ những nguồn tư liệu quý giá đã, đang và sẽ có, UBND huyện Hoàng Sa đang có định hướng xây dựng, mở rộng không gian tổng hợp, phù hợp về văn hóa và chủ quyền biển đảo, về truyền thống vươn khơi bám biển của ngư dân Việt Nam. Ở đó sẽ có những hình ảnh trực quan sinh động về sinh vật biển, ngư cụ truyền thống, sắc bằng của thủy quân thời phong kiến, bằng chứng về sự xuất hiện của người Việt ở Hoàng Sa từ lâu... để mọi thế hệ đều có thể thấy, hiểu và cảm nhận được.

 

Tháng 5, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã mở cửa trở lại sau những ngày tạm đóng cửa vì Covid-19. Đã có những vị khách đến để “mắt thấy, tai nghe” về Hoàng Sa và lịch sử của biển, đảo nước Việt. Nơi này, sẽ lại tiếp tục sứ mệnh phục vụ việc tham quan, nghiên cứu, góp phần vào công tác đấu tranh khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển của Tổ quốc.

 

“Chúng ta cần giáo dục, nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là thế hệ sau, để hiểu được rằng, Hoàng Sa không chỉ là quần đảo, không đơn thuần chỉ là câu chuyện chủ quyền hay địa lý mà còn là không gian sinh tồn gắn chặt với nhiều thế hệ ngư dân Việt Nam nói riêng, người Việt nói chung từ ngàn đời”, Tiến sĩ Lê Tiến Công cho biết.

 

 

;
;
.