.

 

 

 

 

 

 

Cựu chiến binh Trần Sông Thao, Hội viên Hội Cựu chiến binh quận Cẩm Lệ đã chia sẻ như thế, khi ông mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi vào một ngày trung tuần tháng 7. Đã sắp bước qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, trong ký ức và lời kể của người chiến sĩ đặc công nước thuộc Đơn vị 170 - Mặt trận 44 Quảng-Đà năm xưa vẫn còn nguyên chất “lửa”.

Khi khói lửa tan, hòa bình lập lại, người lính quê huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh rời chiến trường với xác nhận thương binh hạng 2/4, tỷ lệ thương tật 65%, nhưng ông bảo, vẫn còn thấy mình may mắn. May mắn bởi còn được sống, được trở về với vòng tay người thân, gia đình.

 

Nỗi niềm ấy được ông cụ thể hóa bằng những chuyến hành trình về chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội. Hành trình ấy bắt đầu từ năm 1997, đến nay, đã có 10 mộ liệt sĩ của đồng đội được ông đưa về quê hương và 3 mộ liệt sĩ đưa vào quy tập ở nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang).

Mỗi chuyến đi mất cả tuần, cả tháng hoặc nửa năm, hoặc hơn. Có chuyến đi may mắn tìm được nơi đồng đội nằm xuống, cũng có lúc ông trở về trong ngậm ngùi. Ông nói: “Nơi chiến trường ngày xưa, qua quá trình phát triển rồi đô thị hóa, nhà cửa mọc lên, cảnh quan tự nhiên thay đổi, nơi liệt sĩ nằm xuống cũng vì thế mà khó tìm hơn”.

Những chuyến đi đằng đẵng suốt 23 năm đã in hằn trong cuốn sổ kỷ yếu và trong tâm trí của người lính già. Trong đó, ông nhớ mãi kỷ niệm đi tìm hài cốt liệt sĩ đồng hương Nguyễn Xuân Tịnh. Người chiến sĩ ấy hy sinh ở đồi Mô-níc, thuộc xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Lúc ra đi, ông Tịnh được chôn cất bên một cây cổ thụ lớn. Gia đình liệt sĩ Tịnh, suốt mấy chục năm trời đằng đẵng tìm hài cốt người thân nhưng không thành, rồi họ tìm đến ông Thao vào năm 2016.

 

“Nắm thông tin ban đầu về liệt sĩ Tịnh, tôi liên hệ với phòng Chính sách của Quân khu 5 nhờ tra cứu thông tin cụ thể, rồi liên hệ với đơn vị cũ của ảnh để nắm rõ tình hình. Ngày đó, anh ấy bị thương, được đưa về cấp cứu ở trạm xá của đơn vị nhưng không qua khỏi, rồi được chôn cất ở Sơn Kỳ”, ông Thao kể lại.

Rồi chuyến hành trình sau đó của họ, là hàng tiếng đồng hồ băng rừng băng núi bằng xe thồ. Từ sự chỉ dẫn của người dân, họ tìm được nơi ông Tịnh được chôn cất dưới gốc cây cổ thụ năm nào. Khi phần hài cốt của người chiến sĩ lộ ra dưới lớp đất, ai nấy đều không khỏi xúc động. “Vậy là anh Tịnh được trở về nhà, giờ, anh được an nghỉ tại nghĩa trang ở Thạch Quý, Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) rồi”, ông Thao nói.

 

Ông Thao là một trong số nhiều cựu chiến binh dành cả quãng đời còn lại để tri ân đồng đội mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trên chặng đường tác nghiệp. Họ đã trở thành nhân vật trên những bài báo. Có thể kể đến ông Trần Ngọc Doanh (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) từng là chiến sĩ của đơn vị Đặc công 471 (Quân khu 5), đi tìm đồng đội từ năm 1997, hay ông Trần Văn Tần (phường Thanh Bình, quận Hải Châu), là chiến sĩ Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) đi tìm đồng đội từ năm 2008. Với họ, trong những giờ khắc bình yên nhất, dưới bóng cờ hòa bình vẫn luôn đau đáu nỗi niềm về đồng đội cũ, chiến trường xưa.

Tháng 7 về, nỗi nhớ đồng đội lại hiển hiện, động lực để đi tìm kiếm mộ phần thất lạc lại lớn hơn trong lòng họ. “Chừng nào chúng tôi còn khỏe, chừng nào còn những liệt sĩ chưa “về” được quê nhà thì chúng tôi vẫn sẽ đi và tìm. Đó là cái nghĩa tình của người ở lại với đồng đội đã khuất, để họ được an nghỉ đúng nơi chốn và gia đình họ cũng an lòng hơn”, ông Thao cho biết.

 

 

Một ngày tháng 7, Trung tâm Phụng dưỡng người có công Đà Nẵng (trung tâm) trở nên rộn ràng hẳn bởi chương trình giao lưu “Có một miền ký ức mãi xanh”. Chương trình do trung tâm phối hợp với Đội Công tác xã hội (thuộc Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) tổ chức nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2020).

 

 

Trong buổi sáng, các bạn sinh viên dành nhiều thời gian để làm công tác vệ sinh tại trung tâm như quét dọn phòng ở, làm vệ sinh khuôn viên, lau chùi cửa kính, hành lang, phòng ăn, khu vực chữa bệnh… Rồi lại quây quần trò chuyện cùng các cụ, nghe các cụ kể về những năm tháng chiến đấu hào hùng. Đặc biệt nhất phải kể đến phần giao lưu văn nghệ giữa hai thế hệ ngay tại trung tâm. Ở đó, tiếng hát của các cụ xen lẫn tiếng hát của các bạn sinh viên qua những ca khúc: “Hát mãi khúc quân hành”, “Chúng tôi là chiến sĩ’… khiến những người có mặt không khỏi xúc động.

Lê Bảo Trung, thành viên Đội Công tác xã hội chia sẻ: “Các cụ ông, cụ bà nơi đây đã hy sinh cả thanh xuân, sức khỏe, không tiếc máu xương để chiến đấu vì hòa bình độc lập của dân tộc. Những việc làm nhỏ bé của chúng em hôm nay chỉ muốn thể hiện sự tri ân của thế hệ trẻ đối với công lao to lớn của các bậc cha, anh”, Trung nói.

 

 

Ở một góc khác của thành phố, như mọi năm, vào những ngày này, các đoàn viên thanh niên phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đang nô nức ra quân sửa chữa điện nước, thay bồn nước, lát la-phông, sơn cửa tường rào… cho những gia đình chính sách, gia đình liệt sĩ trên địa bàn phường cũng như tích cực quét dọn nghĩa trang.

Anh Nguyễn Hoài Nhớ, Phó Bí thư Đoàn phường chia sẻ: “Điểm mới của hoạt động tri ân tháng 7 năm nay là chúng tôi thực hiện mô hình “Bữa cơm tri ân” – tổ chức nấu mâm cơm cúng tại gia đình của liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng, theo chỉ đạo của Quận đoàn. “Bữa cơm tri ân” sẽ được diễn ra dưới sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương, gia đình liệt sĩ và đông đảo đoàn viên thanh niên”.

 

Ngoài ra, đều đặn ngày 14 và 30 Âm lịch hằng tháng, tuổi trẻ Hòa Hải phối hợp với Hội CCB phường dâng hương và dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ phường”. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức tặng 8 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình chính sách.

Đó là 2 trong số nhiều mảng ghép của bức tranh tri ân mà người trẻ Đà Nẵng thực hiện trong tháng 7 này. Theo Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng, từ cuối tháng 6-2020, Thành Đoàn đã triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ trong tháng cao điểm 7-2020. “Chuỗi hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” trong đoàn viên, thanh thiếu nhi. Thông qua các hoạt động, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần tự hào dân tộc và trách nhiệm cho đoàn viên, thanh thiếu nhi”, anh Dũng cho biết.

 

Hòa Hải là mảnh đất anh hùng. Nơi ấy, khi chiến tranh đi qua vẫn còn lại nhiều thương binh, liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Theo thống kê của UBND phường, toàn phường đang có 1.246 người có công và thân nhân người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Trong căn nhà nằm trong con hẻm trên đường Ấp Bắc (phường Hòa Hải), bà Đặng Thị Học (79 tuổi), đang bón từng muỗng cơm cho người con trai tật nguyền. Vắng bóng người chồng đã hy sinh trong kháng chiến, mấy mươi năm qua, một mình bà bươn chải làm đủ nghề, từ cắt lúa, làm thuê… để nuôi con. Trong ký ức của bà, có những đêm hai mẹ con nép nhau dưới mái nhà xập xệ để hứng nước mưa dột, là những ngày nắng rọi qua mái nóng hầm hập với giấc ngủ “toát mồ hôi”, là công việc chăm sóc cho người con trai Nguyễn Nhựt đang tuổi trung niên nhưng tâm trí thì như một đứa trẻ…
 

 

Hiện tại, bà Học cho biết, những cơ cực ấy phần nào lắng lại trong những năm gần đây, từ sự quan tâm của chính quyền và các đoàn thể của phường Hòa Hải với sự hỗ trợ về mặt tài chính đối với người có công và gia đình chính sách theo quy định, giúp đỡ về chỗ ở... Bây giờ, mái nhà cũ kỹ năm nào đã được lót la-phông, quét vôi khang trang.

Tương tự như trường hợp bà Học, tại phường Bình Hiên (quận Hải Châu), bà Nguyễn Thị Thân (81 tuổi đã phần nào thỏa được mong muốn về một mái nhà đàng hoàng. Bà Thân là mẹ liệt sĩ, có một người con trai hy sinh ở biên giới tây nam, chồng bà cũng mất từ nhiều năm trước. Bà sống cùng một người con trai trong một con hẻm ở đường Hoàng Diệu. Những năm qua, mái nhà che nắng che mưa của hai mẹ con bà nhiều phen xập xệ, xuống cấp.
 

 

Hôm nay, trên nền mái nhà cũ ấy, được sự hỗ trợ một phần kinh phí khoảng 60 triệu đồng bởi UBND phường Bình Hiên, một ngôi nhà mới đang được dựng nên. Số tiền ấy, nếu tính vào chi phí xây nhà thì không quá lớn, nhưng lại mang ý nghĩa khích lệ, động viên bà Thân và gia đình. “Tôi vui chứ, có nhà mới thì sẽ vơi bớt một phần nỗi lo trong những năm tháng tuổi già. Con, cháu có được nơi kiên cố để sống, mình cũng không thoát cảnh sợ nhà sập khi nào không hay”, bà Thân vui vẻ cho biết.

Chung niềm vui từ căn nhà mới, bà Lê Thị Ái Liên (83 tuổi) trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà vừa là vợ liệt sĩ, vừa là thương binh 4/4. Đầu năm 2020, qua khảo sát nguyện vọng của các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn phường, UBND phường An Hải Đông thống nhất hỗ trợ kinh phí 60 triệu đồng giúp bà Liên xây ngôi nhà mới. Sau hơn 2 tháng khởi công xây dựng, ngôi nhà hoàn thành vào đầu tháng 4-2020.

“Ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, có tường rào, cổng ngõ an ninh. Vậy là sau nhiều năm chen chúc trong căn nhà cũ ẩm thấp, giờ đây tôi đã có ngôi nhà kiên cố, có nơi hương khói tươm tất cho chồng. Vậy là ấm lòng rồi”, bà Liên tâm sự.

 

Những trường hợp như bà Học, bà Thân hay bà Liên là một phần trong nhiều trường hợp gia đình chính sách và người có công được chính quyền quan tâm, hỗ trợ nhiều mặt, trong đó có nhà ở. Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và xã hội, trong năm 2019, Trung ương không còn hỗ trợ kinh phí cho chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công với Cách mạng, nhưng thành phố vẫn tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở bằng nguồn ngân sách địa phương. Trong năm này, đã hoàn thành việc triển khai hỗ trợ sửa chữa, xây mới cho 755 gia đình chính sách với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng.

 

 

Tính đến ngày 30-6-2020, thành phố đã triển khai, hoàn thành xây mới, sửa chữa 854/814 nhà, vượt 40 nhà so với kế hoạch ban đầu (đạt tỷ lệ 105%). Trong đó, đã hoàn thành xây mới, sửa chữa 647 nhà (xây mới: 162; sửa chữa: 485), số còn lại đã hoàn thành trên 70%. Sở Lao động-Thương binh và xã hội cũng cho biết đã tham mưu UBND thành phố thực hiện hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với 23 trường hợp, kinh phí 775 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hiên chia sẻ: “Tại địa bàn phường Bình Hiên, từ 2017, chúng tôi liên tục lập các đoàn luân phiên thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và gia đình liệt sĩ vào dịp Tết Nguyên đán và ngày 27-7”.

Theo bà Hiền, nhóm đối tượng người có công và gia đình chính sách trên địa bàn phường đông, nhưng ngân sách của phường còn rất hạn chế, phải vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, dựa vào ngân sách quận và thành phố cũng như kêu gọi xã hội hóa để có thể chăm lo tốt nhất. Bỏ qua khó khăn ấy, hiện tại, công tác tri ân người có công đang được phường thực hiện tốt, với sự đánh giá cao của UBND quận Hải Châu. “Còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để không ai bị bỏ lại”, bà Hiền nhấn mạnh.

 

Cùng ý kiến trên, ông Hoàng Chí Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải cho biết thêm, bên cạnh việc nỗ lực chăm lo cho người có công như xây mới, sửa chữa nhà cửa, tặng quà, quét dọn nghĩa trang… thì phường đang khẩn trương giải quyết hồ sơ tồn đọng liên quan đến công tác công nhận mới liệt sĩ và xác nhận thương binh, nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhóm đối tượng này.

 

Một tháng 7 nữa lại về, toàn hệ thống chính trị thành phố đã và đang dành tất cả sự tri ân chăm lo chu đáo cho những người không tiếc máu xương, đã hiến dâng đời mình cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước

Các phong trào này đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn trong việc xã hội hóa các chương trình chăm sóc người có công, lồng ghép với nhiều chương trình khác như: cho vay vốn ưu đãi, giải quyết việc làm, hỗ trợ phương tiện sản xuất, sinh kế… kết hợp với sự tự phấn đấu vươn lên, đã và đang từng bước nâng cao đời sống của đối tượng, gia đình chính sách trên địa bàn.

 

 

;
;
.