.

 

 

 

 

 

 

 

Khi Covid-19 tái bùng phát, lực lượng công an đảm nhiệm khối lượng công việc gần như gấp đôi, gấp ba so với thường lệ. Việc tăng cường phòng, chống dịch được thực hiện song hành với công tác bảo đảm an ninh trật tự, tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi phạm pháp…

Trung tá Ngô Thị Hòa Bình, Trưởng Công an phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu cho biết, quân số của đơn vị tính cả bộ phận chỉ huy là 16 người, phối hợp các đơn vị khác như dân quân tự vệ phường, Ban Chỉ huy quân sự quận Hải Châu tham gia làm nhiệm vụ tại 5 chốt trực trên địa bàn phường. Mỗi chốt có ít nhất 2-3 lực lượng hỗ trợ nhau với mỗi ca trực từ 3-6 tiếng đồng hồ.

 


“Khó khăn chung lúc này của các lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu, không chỉ riêng công an, đó là phải thực hiện đồng thời nhiều công tác, bên cạnh trực chốt chúng tôi còn tham gia truy vết, thu thập thông tin dịch tễ, tuần tra kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ… Vì khối lượng công việc nhiều nên phải phân bố cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ sao cho hợp lý. Mục tiêu là vừa bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vừa chung tay đẩy lùi dịch bệnh”, Trung tá Ngô Thị Hòa Bình chia sẻ.

Theo Đại úy Lưu Ngọc Thắng (SN 1986, Công an phường Hòa Thuận Tây), những ngày phòng, chống dịch là những ngày “mở mắt ra đã thấy việc”. Anh cho biết, với ca làm việc ban ngày, hầu như chỉ có thể hoàn thành sau 12 giờ đêm. Với ca đêm thì kéo dài đến 6 giờ sáng hôm sau.

“Nhiều anh em làm ca đêm không chỉ 1-2 đêm mà liên tục, thức đêm nhiều rất mệt mỏi. Đến sáng thì về tắm rửa, ngả lưng chút, sau đó dậy tiếp sức ăn uống gì đó để chiều còn đi làm, thời gian rất nhanh, gấp rút”, Đại úy Thắng cho biết.

 


  
Công tác tại địa bàn có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đại úy Tô Đức Anh (SN 1985, Công an phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết: “Nại Hiên Đông đang là địa phương có nhiều chốt chặn phòng dịch, vì vậy, áp lực công việc của lực lượng rất lớn. Đặc biệt địa bàn có đến 54 chung cư, anh em làm nhiệm vụ đang tập trung phòng, chống dịch tại đây bởi đây là khu vực dịch dễ bùng phát và lây lan nhanh nếu không kiểm soát tốt. Trong đó, có việc triển khai các tổ phòng dịch, kiểm soát và ghi lại thông tin người ra-vào để phục vụ truy vết…”.

 

 

"Hằng ngày, lực lượng Công an phường Nại Hiên Đông thường xuyên phối hợp kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch của người dân trên địa bàn; kịp thời nhắc nhở, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định về phòng dịch", Đại úy Tô Đức Anh cho hay.

 

Bên cạnh đó, lực lượng Công an phường Nại Hiên Đông vẫn đang khẩn trương thu thập dữ liệu thông tin dân cư, duy trì thường xuyên lực lượng 8394 tuần tra kiểm soát và bảo đảm tiến độ báo cáo tình hình an ninh trật tự, phòng, chống Covid-19 trên địa bàn cho UBND phường và Công an quận Sơn Trà.

 

Tại địa bàn quận Liên Chiểu, kim đồng hồ chỉ 1 giờ sáng, chốt kiểm soát người và phương tiện ra-vào thành phố ở đường dẫn phía nam hầm Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc) ghi nhận hàng chục lượt phương tiện qua lại.

Dưới trời mưa lất phất và se lạnh lúc rạng sáng, Đại úy Nguyễn Lương Nam (SN 1989, Đội Cảnh sát giao thông, Công an quận Liên Chiểu) đang kiểm tra giấy tờ xe và hướng dẫn các tài xế khai báo y tế tại chỗ. Anh cho hay, đến hiện tại, dù lượng xe qua lại rất đông, đa số đều là các xe tải, xe đầu kéo loại lớn nhưng tổ công tác vẫn kiểm soát tốt tình hình và chưa có trường hợp nào vi phạm. 

8.jpg

 

“Làm việc xuyên đêm, có thể sẽ buồn ngủ, mưa, lạnh, mệt, nhưng anh em tổ công tác vẫn động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Bởi, chỉ cần lọt, bỏ sót một trường hợp nào ra-vào thành phố, dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn rất nhiều”, Đại úy Nam cho biết.

Những cán bộ, chiến sĩ chúng tôi gặp, đều chung một mong muốn, đó là người dân hãy chấp hành nghiêm và nêu cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. “Hiện nay, nhiều người dân vẫn chủ quan, xem nhẹ tình hình dịch bệnh nên bất chấp, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở, lực lượng công an mong mọi người có ý thức hơn để cùng nhau đi qua đại dịch. Dịch sẽ mau bị đẩy lùi chỉ khi ý thức của mỗi người được nâng cao”, Đại úy Lưu Ngọc Thắng chia sẻ.

 

 

“Hôm nay là sinh nhật con gái tôi, cũng rất muốn về nhà chúc mừng sinh nhật, tặng quà cho con, nhưng công việc không cho phép mình về”, Thượng úy Đặng Minh (SN 1989, Công an phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) mở đầu câu chuyện bằng giọng thoáng buồn. Trên tay anh, chiếc điện thoại cá nhân hiển thị ngày 16-8. Ngày này 2 năm trước, anh vui mừng khôn xiết khi con gái cất tiếng khóc chào đời.

“Bé thương ba lắm. Hôm nay sinh nhật con mà chỉ có thể liên lạc với con và vợ qua tin nhắn điện thoại, qua những cuộc gọi video”, Thượng úy Minh tâm sự.

 

 

Nơi anh đang đứng, là chốt trực tại khu cách ly y tế trên trục đường Trưng Nữ Vương - Giang Văn Minh (đoạn từ số nhà 427 đến số nhà 471 và đoạn từ số nhà 574 đến số nhà 620 đường Trưng Nữ Vương – PV). Cách đó ít ngày, nơi đây ghi nhận 1 ca dương tính với SARS-Cov-2, 1 ca nghi nhiễm Covid-19 và chưa xác định được nguồn lây trong cộng đồng.

“Tình hình dịch bệnh phức tạp như các anh đã thấy. Vậy là suốt 3 tuần chống dịch đã qua, tôi và anh em đơn vị không về nhà, chỉ ở lại cơ quan sinh hoạt và ăn uống, nghỉ ngơi. Một phần vì công việc, một phần để bảo đảm an toàn cho người thân”, anh Minh cho biết.

 

Cùng đơn vị với Thượng úy Đặng Minh, Đại úy Lưu Ngọc Thắng cũng vừa trải qua 3 tuần không ở nhà. Anh có con nhỏ 2 tuổi, đợt dịch này, bé ở nhà với mẹ, nhưng lại xa ba. Anh kể: “Mình gọi điện thoại về nhà, hồi nào gặp con cũng nghe con bi bô “Ba Thắng ơi, ba Thắng về nhà, ba Thắng về nhà!”. Lúc ấy có muốn chạy về ôm con vào lòng cũng không thể, chỉ biết nói rằng, ba đi làm rồi ba sẽ sớm về với con”.

 

“Nhớ mà không thể về”, đó là tâm trạng chung của tất thảy chiến sĩ công an đang “căng sức” cho công tác phòng, chống Covid-19. Với họ, gia đình lúc này “ngỡ gần mà trở nên xa xôi”. Đại úy Tô Đức Anh kể, anh có 2 đứa con sinh đôi, 1 trai, 1 gái. Năm nay, 2 bé tròn 7 tuổi, ngày nào cũng thắc mắc “Sao ba đi miết, đi mãi?”.

 

Nơi anh ở, chỉ cách trụ sở Công an phường Nại Hiên Đông chừng 400m và đã 3 tuần rồi anh không trực tiếp gặp con. “Tới 17-8, địa bàn phường Nại Hiên Đông đã ghi nhận 102 trường hợp F1 và 12 F0, cũng như khá nhiều F2, F3, F4. Mình tiếp xúc nhiều mà, nguy cơ lây nhiễm cao nên đâu thể gặp người nhà được”, Đại úy Tô Đức Anh cho hay.

 

 

Đó là những dòng thơ được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội những ngày đầu tháng 8, là nỗi niềm của những người mẹ, người vợ nơi hậu phương gửi đến người cha, người chồng đang ngày đêm chống dịch. Qua tìm hiểu, bài thơ ấy được lấy cảm hứng từ hình ảnh một chiến sĩ công an trò chuyện cùng con qua ô cửa kính.

 

Người chiến sĩ trong bức ảnh ấy là Thiếu úy Nguyễn Đức Khánh Tùng (SN 1991, Công an xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang). Lăn xả làm nhiệm vụ liên tục tại các “điểm nóng” trên 1 địa bàn đã có ca mắc Covid-19 và nhiều F1 đã bị cách ly, khoản thời gian Tùng dành cho gia đình vì thế cũng ít ỏi hơn. Nỗi nhớ vợ, thương con phần nào nguôi ngoai trong những lần hiếm hoi anh chạy về nhà ăn cơm và lấy đồ đạc.

Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hoài Thương (SN 1995) xúc động tâm sự: “Bé con của 2 vợ chồng tên Sơ Ri, bé thương ba lắm. Mỗi lần thấy ba về là đưa tay đòi ba bế. Ảnh thì sợ nguy cơ lây cho mình và con, nên lần nào về cũng chỉ ăn cơm một mình và vẫy chào 2 mẹ con qua ô cửa kính. Thương lắm!”.

Đồng cảm với câu chuyện của Thiếu úy Nguyễn Đức Khánh Tùng, Đại úy Lưu Ngọc Thắng chia sẻ: “Có vài lần chạy về nhà lấy đồ đạc, anh em đều gọi người thân mang đồ đã chuẩn bị từ trước đặt ở cổng rồi mình tới lấy, hạn chế tiếp xúc tới mức tối đa với người thân trong nhà”.

 

Gác lại bộn bề trong công việc, nỗi nhớ gia đình, người chiến sĩ công an cũng tự tìm cho mình những niềm vui, những động lực. Như Trung tá Ngô Thị Hòa Bình chia sẻ, với chị, động lực đầu tiên là sự động viên, hỗ trợ kịp thời từ Công an thành phố, công an quận, chính quyền địa phương, các lực lượng phối hợp. Là sự chia sẻ, giúp đỡ nhau của đồng đội trong đơn vị từ những ca trực, người này mệt thì người kia san sẻ.

Tiếp đó là sự đồng thuận của người dân trong việc chia sẻ, ủng hộ lực lượng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu. Sự đồng thuận ấy, chính là tình quân dân. Những ngày ở chốt trực, Thượng úy Đặng Minh vẫn nhớ mãi ly chè đậu xanh nóng hổi, ly cà-phê thơm lừng, cái bánh ngọt hay chai nước tiếp tế từ bà con khu phố. Đó có thể là ly cà-phê từ một cửa tiệm phải đóng cửa tránh dịch, là chai nước suối gửi vội từ một người dân đi ngang chốt.

Anh Minh nói: “Có người đi đường, thấy anh em đứng trực làm nhiệm vụ đêm hôm, họ chạy vào gửi chai nước mà tâm lý thì vừa động viên, sẻ chia, cũng vừa e dè do… sợ lây virus, nhưng với chúng tôi thì ly chè, ly cà-phê hay chai nước ấy luôn là những thứ ngon nhất, mát lành nhất”.

Một động lực nữa, đó là nghĩ về những kết quả tốt đẹp. Đã đi qua 2 mùa dịch, những cán bộ, chiến sĩ công an vẫn vẹn nguyên cảm giác vui mừng khi dỡ bỏ hàng rào phong tỏa một khu vực nào đó, vỡ òa khi nghe thông tin những ca mắc Covid-19 được chữa khỏi, bởi lúc ấy, áp lực công việc nhẹ đi một phần, ngày về nhà sẽ gần hơn.

 

Đại úy Lưu Ngọc Thắng tâm sự, nếu hết dịch và về nhà, điều đầu tiên anh làm là sẽ… ôm thật chặt con thơ. Với Đại úy Tô Đức Anh, niềm vui đầu tiên là sẽ đưa các con ra ngoài đi dạo chơi, cùng vợ con ăn một bữa cơm an lành.

Riêng với Thượng úy Đặng Minh, anh sẽ hoàn thành dự định cá nhân đang ấp ủ bấy lâu, đó là tổ chức một sinh nhật chung thật ý nghĩa cho 3 người quan trọng trong cuộc đời. Anh nói: “Tháng 8 này, bên cạnh sinh nhật con gái ngày 16-8, tôi còn bỏ lỡ sinh nhật mẹ ngày 8-8 và sinh nhật vợ ngày 20-8. Hết dịch, nhất định sẽ có một bữa sinh nhật bù thật vui để bù lại những ngày cả nhà xa cách. Ngày đó, sẽ gần thôi”.

Nội dung: XUÂN SƠN
Ảnh: XUÂN SƠN – TƯ LIỆU
Đồ họa: THANH HUYỀN

;
;
.