.

 

 

 

 

 

 

“Mất thì làm lại chứ đâu thể bỏ luôn”, nông dân Lâm Văn Thái, tổ viên Hợp tác xã (HTX) dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (HTX Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) chia sẻ. Nơi ông đứng, dọc sông Túy Loan chỉ hơn 1 tháng trước đã ngập trong bùn, trong nước do ảnh hưởng bão số 9.

“Tình hình bão lũ năm nay dữ dội hơn năm trước rất nhiều, 3-4 trận bão liên tục, không có cây trồng nào có thể chịu được”, ông Thái kể.

Sau lưng ông, có vạt rau muống đã úa vàng, nhiều giàn mướp, giàn bí chỉ còn trơ trọi vết dây leo khô úa, nhiều vạt đất còn in hằn dấu bùn… Hơn tuần nay, tranh thủ trời ráo tạnh, vợ chồng ông cùng hàng chục hộ tham gia HTX Túy Loan bắt đầu xới đất, lên luống, gieo giống trở lại.

 

Ông Thái kể, sau bão, bà con ở HTX Túy Loan nhận được sự hỗ trợ giống, vôi và phân bón từ phía đơn vị khuyến nông của huyện Hòa Vang.

“Chúng tôi đợi ráo đất rồi làm lại. Từ giờ đến Tết chủ yếu gieo liên tục các loại rau cải, rau muống, rau dền, rau lang, bầu, bí… Có thể sản lượng sẽ ít nhưng cũng được 2-3 ha”, ông Thái cho biết.

 

Cũng giống như HTX Túy Loan, mấy ngày này, những tổ viên của Tổ hợp tác hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đang hối hả chuẩn bị cho vụ hoa Tết và chăm sóc lại vườn tược sau bão. Cơn bão số 9 hơn tháng trước đã quật ngã nhiều giàn sắt trồng hoa của các nhà vườn tại đây cũng như làm hư hại nhiều diện tích hoa.

 

Ông Lý Phước Dạng, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: “Vùng Dương Sơn với diện tích canh tác hoa gần 4,5ha hầu như không chịu ảnh hưởng bởi lụt lội nhưng không gian đất trống trải, lại nằm trên luồng di chuyển của gió bão nên nhiều chủ vườn đã thiệt hại đáng kể. Bão số 9 “bứng” cả trụ giàn sắt của vườn, ước tính 7 hộ bị sập giàn. Việc dựng lại các giàn hoa này là rất lâu và tốn kém. Kinh phí cho một giàn hoa diện tích 1.000m2 khoảng 500 triệu đồng”.

Đối diện dãy nhà giàn đã đổ sập là vườn của bà Từ Thị Sung. Trên mảnh vườn rộng 5 sào với gần 2.000 chậu hoa các loại, trong đó nhiều luống cúc đất gần như không thể bán được do hư hại sau bão. Bà Sung đang tỉ mỉ chăm chút làm đất cho những thân hoa Tết.

 

Từ bão số 9, nhiều nông dân ở Dương Sơn như ông Dạng, bà Sung đã chủ động theo dõi tình hình thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, chuẩn bị các phương án hạn chế ảnh hưởng bão, trong đó có che chắn cây, lấp thêm đất vào chậu cho hoa bớt ngã đổ… Tuy nhiên, vẫn không tránh được thiệt hại.

“Ở Dương Sơn trồng chủ yếu là hoa cúc, hoa lan, hoa dạ yến thảo, sen, súng… May mắn là những nhà giàn đổ sập kia không có trồng hoa treo cho vụ Tết, chứ mà trồng thì coi như mất trắng vì không kịp thời gian chăm sóc vì Tết chỉ còn 2 tháng nữa”, ông Dạng nói.

Từ Hòa Châu, ngược lên Hòa Phú, Hòa Ninh, ở các xã này, nhiều diện tích keo của bà con đang phát triển trở nên xác xơ do luồng đi của bão quét qua. Trong khu rừng keo nằm sâu trong cánh rừng ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, nhiều diện tích keo bị đổ rạp sau bão, nhiều cây bật gốc, có cây gãy ngang thân.

"Nếu rừng keo nằm trên luồng di chuyển của gió lớn thì có thể thiệt hại lên đến trên 50%. Hiện tại bà con chỉ có thể thuê lao động tranh thủ khai thác số keo đã gãy đổ đem đi bán, thu hồi chút vốn. Rừng ở gần đường quốc lộ thì còn có thể vào khai thác được, nếu rừng ở cách xa trục đường chính và lầy lội, hiểm trở, trơn trượt thì việc thu hoạch sẽ khó hơn", ông Nguyễn Cừ, một người trồng keo tâm sự.

 

 

Ghé đến vùng rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) trong những ngày cuối tháng 11, không khí nơi đây đã sôi động và tập nập hơn nhiều. Những khung giàn lưới được dựng trở lại, âm thanh của máy xới đất, máy bơm cũng được vang lên sau nhiều ngày im lặng và vắng bóng.

Gặp lão nông Phan Văn Lộc tại vùng rau, ông cho biết hơn 1.000 m2 canh tác các loại rau, màu của gia đình đều bị hư hại do mưa lớn trong thời gian qua. Những khung, giàn lưới, chòi đều bị tốc mái, hư hỏng. Khi nắng vừa lên, cũng như nhiều nông dân khác, ông liền bắt tay vào sửa chữa công cụ sản xuất, tập trung khắc phục thiệt hại. Những luống đất được cày xới, định hình trở lại, chờ đợi những cây non phát triển.

 

Trong khi đó, gia đình ông Mai Văn Phu (trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) đã gieo trồng được khoảng 3.000 m2 các loại rau cải, xà lách, tần ô, mồng tơi… Những cây non được cấy vào luống đất đã tươi tắn và phát triển. Chỉ vào những luống rau xanh non bên cạnh, ông Phu cho biết khoảng 20 - 25 ngày nữa, số rau này sẽ được thu hoạch.

Ông Phu tâm sự: “Đây là lần thứ 3 tôi gieo trở lại do những lần trước đều bị hư hại. Mấy hôm nay thấy nắng ráo nên nông dân tại đây mừng lắm. Hy vọng thời tiết sẽ thuận lợi để rau màu phát triển. Hiện tôi đang có nửa sào (250 m2) rau cải đang đợi thu hoạch. Sau đợt này, tôi sẽ tập trung gieo các loại súp lơ, khổ qua… phục vụ cho vụ Tết”.

 

Kết thúc cuộc trò chuyện với ông Phu, chúng tôi dạo một vòng nơi đây. Ai nấy cũng tất bật với công việc của mình. Người thì khắc phục thiệt hại, sửa chữa công cụ, một số khác thì xới đất, gieo cấy, tưới nước...

Sau những ngày mưa bão khiến việc sản xuất bị tạm ngưng, những nụ cười, tiếng í ới chào nhau lại vang lên. Màu xanh non cũng trở lại với vùng rau La Hường báo hiệu một mùa vụ mới bắt đầu.

Phó Phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ Đoàn Văn Hòa cho biết, trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, UBND quận Cẩm Lệ cũng đã khuyến cáo nông dân thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thời tiết, hạn chế thiệt hại nhiều lần do mưa, bão kéo dài. Đồng thời, chỉ đạo các phòng liên quan, UBND các phường trên địa bàn quận thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ kinh phí kịp thời cho nông dân phục hồi sản xuất.

 

“Phòng Kinh tế đã phối hợp với Hội Nông dân quận triển khai các kế hoạch khắc phục thiệt hại, hướng dẫn người dân khôi phục sản xuất, trồng trọt. Ngoài ra, UBND quận cũng hỗ trợ một số giống rau, củ, quả và các loại vôi, nấm, phân bón phục vụ cho việc cải tạo đất, giúp nông dân nhanh chóng ổn định, tập trung sản xuất theo đúng lịch thời vụ, bảo đảm hàng hóa phục vụ mùa Tết sắp đến”, ông Đoàn Văn Hòa thông tin.

 

Theo phó Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa Vang Ngô Thị Hạnh, sau bão, UBND huyện và các đơn vị đã triển khai bám sát tình hình, khắc phục hậu quả mưa bão. Trong đó, tập trung khắc phục hệ thống thủy lợi, kênh mương sạt lở, hệ thống tưới tiêu bị bùn non đóng nghẽn, đường giao thông hư hại; hỗ trợ giống, vật tư, phân bón vi sinh, vôi… cho bà con, hỗ trợ bà con nhanh chóng ổn định sản xuất, đặc biệt là nguồn giống, vật tư cho vụ đông xuân.

“Hiện bà con nông dân đang tranh thủ triển khai vụ mùa sau bão. Nông dân mình có kinh nghiệm ứng phó với thiên tai, với mưa bão sau nhiều năm, đã quá quen với El Nino hay La Nina, nên có sự chủ động phòng, chống, hạn chế thiệt hại. Công tác hỗ trợ là động viên người dân nỗ lực khôi phục sản xuất. Lúc khó khăn có nhân dân, lúc sản xuất được cũng có nhân dân nên chúng tôi cam kết hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn do thiên tai”, bà Ngô Thị Hạnh nói.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Nguyễn Phú Ban, hiện tại ngành nông nghiệp thành phố đang tập trung toàn lực để khắc phục hậu quả do mưa bão, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp bà con nông dân ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất, chuẩn bị cho những vụ sản xuất mới.

 

Mưa, bão đã lắng dịu. Sau những ngày âm u, nắng đã bừng lên trên những góc vườn, thửa ruộng. Người nông dân lại hối hả xuống ruộng, ra vườn. Đâu đó giữa tiếng cuốc, tiếng bước chân, người ta nghe được tiếng cười hy vọng. Những vụ mùa mới lại đến, sau khi cơn bão đi qua.

 

 

;
;
.