Phóng viên Hải Định (Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động tại Đà Nẵng) nhớ như in từng chi tiết của “sự cố” gần 1 năm trước, khi anh có dịp tác nghiệp tại Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" do Báo Người Lao Động tổ chức. Hôm ấy là ngày 9-7-2020, anh cùng đồng nghiệp tại văn phòng chuẩn bị sẵn 2.000 lá cờ Tổ quốc và gần 50 túi sơ cấp cứu để trao tận tay ngư dân xã đảo Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Hải Định và một đồng nghiệp cùng cơ quan ra bến phà xã Tam Quang ghi nhận hình ảnh về cuộc sống thường nhật của bà con xã đảo trước khi chương trình bắt đầu. Và chuyện không may xảy đến tại bến phà xã Tam Quang, khi chiếc thuyền thúng chở anh Định cùng người đồng nghiệp bị lật. “Do tôi xuống thuyền chưa đúng, thuyền thúng chao đảo chưa đến 2 giây thì lật úp, toàn bộ 3 người trên thúng chìm trong nước biển, chới với tìm đường thoát thân. Máy ảnh, máy tính và điện thoại di động đều ngấm nước và hư hỏng”, anh Định nhớ lại.
Phương tiện phục vụ buổi tác nghiệp hôm ấy đều “tắt tiếng” sau sự cố. Anh Định và đồng nghiệp phải mượn nhờ máy ảnh của một chiếc sĩ tàu CSB 8002. Chiếc máy tính duy nhất lúc ấy được các anh dùng để nhập tin, bài lại là của nhà báo Đặng Hoàng Dũng - Trưởng đại diện Văn phòng Báo Người Lao Động tại Đà Nẵng.
“Hôm ấy, chiếc máy quá tải vì phải phục vụ việc xử lý tin bài online và báo giấy của chương trình và cả tin thời sự của phóng viên các địa bàn khác gửi về. Cảm giác của tôi đến giờ vẫn như một “tội đồ” vì khiến toàn ekip văn phòng rơi vào cảnh khó xử, rất may là sau đó, chúng tôi được Ban Biên tập động viên, khích lệ, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho anh em mua sắm lại phương tiện tác nghiệp. Khoảnh khắc ấy thực sự nhẹ nhõm”, anh Định cho hay.
Những sự cố khác mà nhiều phóng viên thường gặp là mất file lưu trữ trên thẻ nhớ, quên bật máy ghi âm, quên… cả thẻ nhớ ở nhà hay thẻ nhớ bị lỗi. Bản thân người viết khi tác nghiệp tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2019 (DIFF 2019) đã phải “tá hỏa” khi chiếc thẻ nhớ máy ảnh bất ngờ bị hỏng ngay trước giờ khai màn sự kiện chỉ chừng 10 phút và phải mượn nhờ thẻ của một đồng nghiệp.
Có cùng trải nghiệm, Bùi Toàn (phóng viên Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, văn phòng tại Đà Nẵng) cho biết: “Có thời điểm, mình gặp sự cố mất file do thẻ nhớ bị hỏng, đi làm cả buổi về đổ file ra máy lại không thấy gì. Thông thường gặp những trường hợp này sẽ không thể xử lý được. Nên rút kinh nghiệm những lần sau, mình luôn kiểm tra máy móc thật kỹ trước khi đi làm, copy liền vào bộ nhớ laptop để dự phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra”.
Phóng viên Hà Nam, công tác tại Chuyên trang Trí Thức Trẻ của báo Tổ Quốc cho biết, “tai nạn” anh và nhiều đồng nghiệp thường gặp phải là nạn “xào nấu”, “chôm chỉa” tin bài của nhiều trang tin, fanpage trên mạng xã hội. “Các trang này tự ý lấy ảnh, thông tin của chúng tôi về đăng “nguyên xi” lại, tự ý sửa tít gây sốc, có khi còn cắt gọt thông tin để câu view, câu like. Nhiều bạn đọc hiểu lầm đã công kích người viết rất nặng nề”, anh Nam bức xúc cho biết.
Hà Nam tâm sự, trong đợt tác nghiệp tại các điểm nóng sạt lở do thiên tai ở Rào Trăng (Thừa Thiên Huế), Trà Leng (Quảng Nam) cuối năm 2020, trong lúc anh và các đồng nghiệp đang vất vả vào hiện trường nguy hiểm để ghi nhận vụ việc, nhiều trang tin chỉ chực chờ để khai thác trái phép thông tin từ các báo.
Theo anh Nam, đây là hành động ăn cắp chất xám táo tợn và công khai. Anh mong các cơ quan chức năng sớm có phương án để chấm dứt tình trạng này để những người làm báo chân chính không phải bức xúc như hiện nay, cũng như làm sạch không gian mạng.
Năm 2020, Covid-19 bùng phát, cùng với đó là những sự kiện do thiên tai liên tiếp xảy ra ở Trà Leng (Quảng Nam), Rào Trăng (Thừa Thiên Huế), Quảng Trị… Tác nghiệp trong những thời điểm đó mang đến những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời người làm báo, đặc biệt là nhiều phóng viên trẻ.
Anh Nguyễn Cường (Báo Sài Gòn Giải phóng, văn phòng tại Đà Nẵng) đã có gần 1 tháng trời ròng rã đi dọc miền Trung để tác nghiệp về thiên tai (thời điểm tháng 10-2020). Trong đó, anh trực tiếp có mặt ở 3 điểm nóng về sạt lở là Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), vụ sạt lở vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 (đóng quân trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
“Đường vào hiện trường những vụ sạt lở đều khó khăn, tiềm ẩn hiểm họa với bất kỳ ai. Như tại Trà Leng, chúng tôi và đồng nghiệp di chuyển hơn 15km đường lầy lội mới đến được điểm sạt lở. Cảm tưởng quả núi trên đầu có thể sạt, chân mình có thể ngã xuống vách núi hay dòng lũ cuồn cuộn bất kỳ khi nào. Trong điều kiện tác nghiệp bị hạn chế do thiếu thốn internet, sóng điện thoại chập chờn, anh em đồng nghiệp hỗ trợ nhau gửi tin, bài về tòa soạn bằng bất cứ phương tiện gì có thể, phân chia người vòng ngoài, người vào hiện trường để không bỏ lỡ bất cứ thông tin nào”, anh Cường kể.
Cũng như anh Cường, phóng viên Quốc Dũng (thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng) cho biết, nhiều phóng viên đã phải leo dây, đu vách núi để tiếp cận một phần khu vực sạt lở trên địa bàn huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) vào tháng 10-2020.
“Thời điểm ấy, đường sá vào xã Phước Lộc đã hoàn toàn bị cô lập, mất liên lạc, khu vực chúng tôi tiến vào được cũng bị chia cắt, đường núi loang lổ vết đứt gãy. Trước mặt, nơi xa xa trên địa bàn xã là hiện trường vùi lấp 11 người. Phóng viên, lực lượng chức năng khi ấy ai cũng bàng hoàng, chỉ cầu mong không xảy ra thêm đau thương”, anh Dũng cho biết.
“Đau thương” là 2 từ mà đội ngũ phóng viên lưu lại trong những ngày thiên tai. Phóng viên Bùi Toàn nhớ lại chuyến tác nghiệp ở huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) tháng 10-2020: “Nhiều nơi ở Quảng Bình lúc ấy bị cô lập bởi lũ, chúng tôi phải theo chân các đoàn xe tải cứu trợ, nhờ xe, thuyền của lực lượng công an, quân đội vào điểm lấy tin. Trên hành trình về vùng lũ, cứ nơm nớp lo sợ mình đến trễ, sợ thiết bị hư hỏng… Để rồi, khi nhìn những căn nhà nước ngập đến nóc, nghe tiếng kêu hoảng loạn của người dân trong mưa lớn, nhìn gia súc trôi lềnh bềnh, tôi mới thấy nỗi sợ của mình không là gì, vì mọi thứ lúc ấy chân thực và xúc động quá”.
Phóng viên Nguyễn Cường nhớ như in khoảnh khắc có mặt tại lễ truy điệu 22 cán bộ, chiến sĩ 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4: “Lần đầu tiên chúng tôi có dịp tác nghiệp ở thiên tai, được chứng kiến những hình ảnh bi thương. Nhìn những em nhỏ là con của các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 hồn nhiên chơi đùa bên quan tài bố, rồi sau này chứng kiến những thi thể được tìm thấy ở hiện trường Trà Leng mà mắt mình và các đồng nghiệp mờ nhòa đi lúc nào không hay. Cầm máy ảnh mà không thể chụp, vì cay mắt…”, Cường chia sẻ.
Ngày 11-3-2018, phóng viên Hứa Vĩnh Nhân (Báo Giao thông, văn phòng tại Đà Nẵng) bị một nhóm người giam giữ trái phép, đánh đập suốt 2 giờ đồng hồ khi thu thập thông tin trước khu vực quán Bar Lost and Found, quận Hải Châu. Vụ việc này sau đó được các ngành chức năng thành phố vào cuộc, các đối tượng liên quan bị khởi tố.
“Vụ việc đó nhắc nhở bản thân tôi cẩn thận hơn khi tác nghiệp, đồng thời là kinh nghiệm xương máu trong nghề. Gia đình dạo ấy lo lắng không yên, nhưng bản thân tôi thì vẫn vững tâm để theo đuổi con đường mà mình chọn, là nghề báo, phục vụ bạn đọc”, anh Nhân cho biết.
Đầu tháng 9-2017, nhóm phóng viên Cơ quan thường trú Thông Tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại tỉnh Bình Định gây tiếng vang lớn khi là những người đầu tiên phanh phui vụ phá rừng An Lão - vụ phá rừng tự nhiên lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh này. Là một trong những phóng viên đầu tiên tiếp cận và ghi lại những hình ảnh trực tiếp từ hiện trường vụ phá rừng hơn 60ha này, anh Quốc Dũng (hiện là phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng) kể lại, dưới sự dẫn đường của kiểm lâm địa phương, anh và đồng nghiệp đến hiện trường sau hơn 2 tiếng vượt núi bằng xe UAZ, phát hiện lán trại và dấu tích còn “nóng hổi” của ấm trà, nồi cơm… do lâm tặc vứt lại.
“Vậy là lâm tặc rời đi chưa lâu, hoặc có thể vẫn còn mai phục đâu đó gần khu vực chúng tôi đang đứng. Nhóm đối tượng này rất táo bạo và lì lợm, sẵn sàng lắp đặt rào cổng tại khu vực phá rừng như “địa bàn” của chúng. Mệt vì di chuyển đường rừng liên tục, có chút lo sợ hành vi của lâm tặc, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực ghi hình và nhanh chóng di chuyển xuống núi để kịp gửi thông tin về cơ quan”, anh Dũng cho biết.
Thành quả của chuyến đi nguy hiểm ấy, là loạt bài và hình ảnh nóng hổi “Vụ phá rừng quy mô lớn tại Bình Định” được đăng tải rộng rãi, kịp thời.
Anh Dũng cho biết, sau khi thông tin phản ánh được đăng tải, anh nhận được những cuộc gọi, tin nhắn đe dọa nhưng không vì thế mà dừng lại. Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này sau đó kéo theo sự quan tâm của dư luận cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chính quyền tỉnh Bình Định tiến hành điều tra, làm rõ. Loạt bài này đoạt giải B thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo in) tại Giải Báo chí Quốc gia năm 2017.
Khi theo đuổi nghề báo, ngoài đam mê, điều mà các phóng viên lấy làm động lực là sự chờ đợi thông tin từ độc giả, sự hỗ trợ của tòa soạn, ban biên tập, đồng nghiệp và động viên từ gia đình. Với mỗi phóng viên trẻ, những trải nghiệm trong quá trình tác nghiệp sẽ là hành trang quý giá trên chặng đường làm báo dài lâu.