Rạng sáng 27-5-2021, UBND quận Hải Châu thông báo kết thúc thời gian cách ly y tế tại khu vực vũ trường New Phương Đông và khu dân cư lân cận thuộc các phường Thuận Phước và Thạch Thang. Khi ấy, ngay tại nút giao Đống Đa - đường 3 Tháng 2, người dân, cán bộ y tế… cầm cờ đỏ sao vàng vỗ tay giữa tràng pháo chúc mừng vừa được thắp lên.
Đấy là lần đầu tiên sau 21 ngày, họ được bước ra khỏi hàng rào cách ly, kể từ thời điểm khu vực trên được UBND quận Hải Châu thiết lập vùng cách ly y tế từ 0 giờ ngày 6-5 nhằm khoanh vùng, tiêu độc, khử khuẩn mầm bệnh sau khi xuất hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Bà Phan Thị Kim Liên (tổ 36, phường Thuận Phước) là 1 trong số hơn 300 nhân khẩu được cách ly tại khu vực nói trên, tâm sự: “Dịch vừa bùng phát, ngay lập tức chính quyền và lực lượng chức năng thần tốc khoanh vùng, truy vết ngay. Chính quyền rất gần dân, sát dân. Nhu yếu phẩm ở đây không thiếu do được hỗ trợ kịp thời”.
Điều đọng lại trong lòng những người dân là hình ảnh lực lượng tuyến đầu “ăn không ngon, ngủ không yên” trong bộ đồ bảo hộ kín mít. “21 ngày qua, mọi người nói với nhau một cách vui vẻ, đó là “đi ngủ có người canh”. Vậy mới thấy tình cảm và trách nhiệm của lực lượng tuyến đầu thật lớn lao. Mình đang được cách ly cũng không biết giúp gì, chỉ mong tất cả tự giác giữ sức khỏe cho mình, giảm tải cho Nhà nước, đó cũng là chống dịch!”, bà Liên nói.
Chia sẻ của bà Liên là suy nghĩ chung của nhiều người dân về công tác phòng, chống Covid-19 của thành phố trong “cuộc chiến” chống dịch lần thứ 3. Chỉ một năm và 3 lần “căng sức”, bắt đầu từ ngày 3-5-2021, khi cơ quan chức năng ghi nhận ca mắc cộng đồng đầu tiên ở khách sạn Phú An, ngay lập tức, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố tổ chức họp khẩn. Lúc ấy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn để Đà Nẵng sẵn sàng bước vào cuộc chiến mới với tính chất phức tạp, khó lường hơn.
Từ chỉ đạo trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng mức độ cảnh giác lên tối đa, đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử phạt những trường hợp vi phạm quy định phòng, chống Covid-19. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, phương án, kế hoạch để sẵn sàng đáp ứng kịp thời, phù hợp với các tình huống của dịch bệnh.
Và cũng từ đó, cả thành phố bước vào cuộc chiến chống dịch với tinh thần cao nhất...
Đà Nẵng thể hiện sự chủ động, quyết liệt khi triển khai các phương án chống dịch theo từng cấp độ. Thường trực Thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố họp hằng ngày để đánh giá tình hình dịch bệnh, đưa ra những biện pháp phù hợp tình hình thực tế.
Trong đó, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng những giải pháp giảm thiểu tối đa tác động của dịch đến đời sống xã hội của nhân dân. Thậm chí, khi Đà Nẵng ghi nhận đỉnh điểm 46 ca bệnh/ngày nhưng lãnh đạo thành phố vẫn quyết định chưa áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này làm nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, địa phương nặng nề hơn, nhưng lại giảm bớt gánh nặng, tâm lý cho người dân.
Ngoài các biện pháp can thiệp y tế theo chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo thành phố chủ động áp dụng các biện pháp giãn cách, hạn chế tụ tập theo từng thời điểm. Mỗi quyết định được đưa ra phù hợp với từng thời điểm cụ thể, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế và những nguy cơ tiềm ẩn.
Anh Nguyễn Tấn Được, quản lý quán Ẩm thực Bờm trên tuyến đường Phan Đăng Lưu chia sẻ: “Việc thành phố cho phép các đơn vị kinh doanh ăn uống được bán mang về là quyết định đúng đắn trong mùa dịch và linh hoạt hơn so với những đợt trước, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch mà vẫn giúp các cơ sở như chúng tôi có được doanh thu cơ bản để duy trì vận hành. Cạnh đó, việc chủ động ưu tiên xét nghiệm các đối tượng di chuyển và tiếp xúc nhiều như shipper là hợp lý, tạo cho khách hàng lẫn chủ quán cảm giác tự tin và an toàn hơn khi bán hàng”.
Việc truy vết F1, F2 được xem là nhiệm vụ sống còn, “chạy đua với thời gian”. Đợt dịch này, các địa phương tại Đà Nẵng áp dụng nhiều cách làm mới để truy vết, đặc biệt là “truy vết ngược” F1 tại khu cách ly. Thời gian chủ động, tâm lý thoải mái nên lời khai các F1 chính xác, phù hợp với quá trình đi lại, tiếp xúc trước đó.
Nhân viên y tế đánh giá, sàng lọc theo hướng xem F1 là F0 tiềm năng và F2 là F1 tiềm năng. Từ đó, yêu cầu người tiếp xúc gần khai báo chi tiết lịch trình trong vài ngày gần nhất, bảo đảm không bỏ sót người có nguy cơ, kịp thời xác định vùng dịch tễ trong cộng đồng.
Sau khi các chùm ca bệnh ở vũ trường New Phương Đông, thẩm mỹ viện quốc tế AMIDA được kiểm soát, dịch bất ngờ khó lường hơn khi một công nhân tại Khu công nghiệp Đà Nẵng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) mắc Covid-19 không rõ nguồn lây. Số ca mắc liên quan đến ổ dịch này lên tới hàng chục người, quận Sơn Trà và ngành y tế lập tức khoanh vùng các địa điểm liên quan, thần tốc truy vết các “F”, khẩn trương cách ly, lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp nguy cơ cao.
Lần thứ 3 chống dịch, công tác xét nghiệm được thành phố đẩy nhanh để phát hiện sớm ca bệnh. Trong đó, CDC Đà Nẵng tiếp tục áp dụng phương pháp gộp mẫu 5, mẫu 10 và bước đầu triển khai thành công gộp mẫu kết hợp (gộp 20) để tăng công suất xét nghiệm. Phương pháp này giúp tiết kiệm tối đa chi phí và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trong điều kiện hạn chế về trang thiết bị, nhân lực, vật lực.
Khi UBND thành phố ban hành kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng theo hộ gia đình, CDC Đà Nẵng phối hợp các địa phương đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu, đỉnh điểm xét nghiệm hơn 36.400 mẫu/ngày. Đây là con số kỷ lục chưa địa phương nào làm được trước đó, là kết quả của một hệ thống xuyên suốt, nhịp nhàng từ truy vết, lên danh sách, lấy mẫu, nhập liệu, xét nghiệm và đòi hỏi đội ngũ y tế gần như trắng đêm làm việc.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố ghi nhận, đánh giá cao sự quyết liệt, tốc độ lấy mẫu xét nghiệm của ngành y tế và những địa phương, đơn vị đã nỗ lực không mệt mỏi để góp phần kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời khẳng định, truy vết, xét nghiệm vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu cần tiếp tục phát huy.
Chị Võ Thị Minh Tân, kỹ thuật viên trưởng của Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà chia sẻ, lực lượng kỹ thuật viên làm việc liên tục trong thời điểm bùng dịch để nhanh chóng lấy mẫu gửi về CDC Đà Nẵng. “Đỉnh điểm như trường hợp các ca bùng phát ở ở Khu công nghiệp Đà Nẵng, anh chị em kỹ thuật viên tạm gác việc gia đình, gần như 3 ngày không ngủ, chỉ có thể chợp mắt đôi chút rồi lại đi lấy mẫu. Không thể để công tác này đình trệ”, chị Tân kể.
Trong những ngày tháng căng thẳng, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng chia sẻ: “Áp lực về công tác lấy mẫu là khẩn trương nhưng phải bảo đảm kết quả chuẩn xác. Chúng tôi huy động nhân lực để bổ sung cho khoa xét nghiệm, làm việc 24/24 giờ mới có thể giải quyết được lượng mẫu rất lớn. Xét nghiệm gộp là phương án tối ưu lúc này, không chỉ tranh thủ được “thời gian vàng” để khoanh vùng, truy vết các F, tăng năng lực xét nghiệm cộng đồng mà còn giúp thành phố tiết kiệm chi phí, trong khi kết quả xét nghiệm vẫn được bảo đảm. Chúng ta phải nhanh hơn dịch”.
Năm 2021, dù kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề sau các đợt dịch, nhưng Đà Nẵng vẫn sẵn sàng đón hơn 80% chuyến bay đưa người Việt từ các nước trở về nước cách ly. Trong đó, nhiều trường hợp mắc Covid-19 được cách ly, điều trị tại các bệnh viện của thành phố. Khi những ca bệnh được phát hiện ở các địa phương khác, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại rằng nguồn lây xuất phát từ Đà Nẵng. Thành phố không vội vàng phản bác mà tập trung hành động thần tốc truy vết, xét nghiệm để đối phó với đại dịch.
Trong lúc “oằn mình” chiến đấu với dịch bệnh, Đà Nẵng không quên tinh thần tương thân tương trợ với các địa phương khác. Tối 17-5, thành phố quyết định hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh 12.000 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, tương đương 6 tỷ đồng.
Khi tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, người Đà Nẵng luôn đặt niềm tin vào lãnh đạo, chính quyền và sẵn sàng đồng hành trong mọi phương án, quy định phòng, chống dịch của thành phố. Ở đó, mọi người chia nhau từng chiếc khẩu trang, chai nước sát khuẩn hay nhắc nhau giãn cách mỗi khi ra đường. Những người hàng xóm sẵn sàng san sẻ cho nhau lá phiếu đi chợ hoặc mua giúp nhau thực phẩm cần thiết.
“Nếu không có dịch, chúng ta có thể ngồi bên nhau, ăn uống thoải mái. Nhưng khi dịch bùng phát, không làm được gì to tát cho thành phố thì mình ở yên trong nhà, nhắc nhở nhau đeo khẩu trang. Chỉ mong chúng ta sớm đẩy lùi được Covid-19”, ông Nguyễn Văn Thanh (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) chia sẻ.
Tại những khu vực thiết lập cách ly y tế, các lực lượng chức năng tổ chức trực kiểm soát chặt chẽ; các địa phương, tổ chức, đoàn thể hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồ ăn thức uống cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân trong khu cách ly. Những người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng được các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ quà và trang thiết bị phòng, chống dịch.
Và hơn thế nữa, sau khi ủng hộ Bắc Giang và Bắc Ninh mỗi tỉnh 6.000 sinh phẩm xét nghiệm, trong ngày 31-5 và 1-6-2021, Đà Nẵng tiếp tục chi viện cho Bắc Giang nguồn lực quý báu: đó là 16 bác sĩ, nhân viên y tế lên đường đi vào tâm dịch. Hành động này xuất phát từ suy nghĩ: “Thời điểm Đà Nẵng đối mặt với dịch bệnh bùng phát năm 2020, chúng ta nhận được sự chung tay giúp đỡ của đội ngũ y tế tỉnh bạn. Hành động kịp thời của đội ngũ nhân viên y tế đối với tỉnh Bắc Giang lần này thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự chia sẻ khó khăn, là nghĩa cử cao đẹp, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho xã hội”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chia sẻ.
Chưa thể trả lời câu hỏi “Bao giờ thì hết dịch?”, người dân còn phải sống trong trạng thái bình thường mới. Thế nhưng, với những kết quả đã làm trong hơn 1 tháng qua và trong gần 2 năm qua của các cấp chính quyền thành phố, người dân Đà Nẵng luôn sáng mãi niềm tin về một thành phố năng động, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân thành phố bên sông Hàn!