.
 
 

Năm 2020, việc xác định, đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện với 3 trụ cột chính là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Các chỉ số chính, chỉ số thành phần và các tiêu chí để đo lường được xây dựng bám sát nội dung chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời có sự gắn kết, tương đồng nhất có thể với các chỉ số liên quan được sử dụng trong các đánh giá của quốc tế.

Năm 2020, Đà Nẵng xếp vị trí thứ nhất về DTI cấp tỉnh và giữ vị trí dẫn đầu ở cả 3 trụ cột chính. Kết quả này phản ánh đúng năng lực của thành phố qua việc được xếp hạng nhiều năm liên tiếp ở vị trí top đầu tại Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) và phát triển Chính phủ điện tử, báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT Index) của Bộ TT&TT.

 
 
 
 

Thực tế, thành phố đã có nhiều sản phẩm chuyển đổi số được đưa vào sử dụng như dữ liệu số trong thay thế thành phần hồ sơ giấy (hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh...), trong cung cấp dịch vụ công, ứng dụng Bản đồ dịch tễ Covid-19 tại Đà Nẵng, ứng dụng thẻ QR code, ứng dụng đa dạng dịch vụ Danang Smart City...

 

Theo thông tin từ Sở TT&TT, ở vị trí thứ nhất về xếp hạng Chính quyền số cấp tỉnh, Đà Nẵng có 75% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 100% văn bản trao đổi dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật), 100% ứng dụng nội bộ được kết nối, sử dụng qua LGSP, 100% hệ thống thông tin được giám sát, bảo vệ bởi SOC.

Về Kinh tế số: Tổng doanh thu toàn ngành TT&TT đạt 30.383 tỷ đồng, công nghiệp CNTT chiếm 7,5% GRDP thành phố. Tổng quy mô 2 khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động là 132,8 ha. Hiện Đà Nẵng có khoảng 7.000 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề liên quan đến lĩnh vực CNTT.

Về Xã hội số: Khoảng 92% hộ gia đình có internet băng rộng; hơn 91% người dân sử dụng điện thoại thông minh; 180.000 tài khoản điện tử của công dân, doanh nghiệp sử dụng trên mạng của chính quyền thành phố. Tính đến cuối năm 2020, nhân lực ngành CNTT khoảng 40.500 người; 40 cơ sở đào tạo về CNTT, cung cấp cho thị trường khoảng 4.000 cử nhân, kỹ sư mỗi năm.

 

Nhiều ngành, lĩnh vực đang từng bước được số hóa để đáp ứng xu thế chung hiện nay. Trong đó, du lịch là một trong những ngành ứng dụng hiệu quả từ cấp chính quyền đến doanh nghiệp. Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển du lịch nên ngay từ sớm, ngành du lịch đã triển khai ứng dụng CNTT, từng bước chuyển đổi số.

Chỉ số ứng dụng CNTT của Sở Du lịch ngày càng được cải thiện: năm 2016 đạt loại khá (xếp thứ 17/24 sở, ban, ngành) đến năm 2020, đạt loại tốt (xếp thứ 3/24 sở, ban, ngành).

 

Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương cho biết, sở đã ứng dụng CNTT trong công tác quản lý Nhà nước, triển khai hiệu quả các phần mềm phục vụ công tác quản lý và điều hành như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành; phần mềm đánh giá cán bộ, công chức; phần mềm quản lý cán bộ, công chức…

100% công chức, người lao động tại cơ quan sở và viên chức tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sử dụng email công vụ @danang.gov.vn trong giao dịch; hoàn thành cơ sở dữ liệu ngành với việc cập nhật dữ liệu nền bao gồm hơn 26.604 hướng dẫn viên du lịch toàn quốc; tất cả thông tin của các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh dịch vụ lưu trú, khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn.

 

Sở thực hiện số hóa hồ sơ công việc, phục vụ cho công tác lưu trữ, tra cứu hồ sơ; thực hiện lập hồ sơ công việc điện tử, phục vụ cho việc tra cứu hồ sơ được nhanh chóng, kịp thời. Song song với đó, Sở Du lịch ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động truyền thông quảng bá du lịch và đạt một số kết quả tích cực, được người dân và du khách đánh giá cao, như: từ năm 2016, xây dựng và triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch (Danang FantastiCity); Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng (danangfantasticity.com) bằng 5 ngôn ngữ; phát triển các hoạt động truyền thông trên trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Tiktok… và trang dành riêng cho từng thị trường Weibo (Trung Quốc), Naver (Hàn Quốc); xây dựng Chatbot hỗ trợ tương tác với du khách, App Danang FantastiCity; website danangticket.com…

 

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cho rằng, du lịch trực tuyến (hay E-Tourism) đang là xu hướng tất yếu, các doanh nghiệp du lịch của Đà Nẵng buộc phải cạnh tranh, nhanh chóng thích nghi, áp dụng các ứng dụng công nghệ, tạo ra các mô hình kinh doanh và bán hàng trực tuyến đủ mạnh để tăng sức cạnh tranh với các đơn vị lớn, như xây dựng các trang web tích hợp các tính năng đầy đủ từ đặt dịch vụ ăn uống, đi lại, mua sắm, đến giới thiệu điểm đến...

Mới đây, Đà Nẵng đã ứng dụng các công nghệ thực tế ảo VR360 giúp khách dễ dàng tham quan, trải nghiệm các điểm đến của Đà Nẵng khi chưa thể đi du lịch được. Xa hơn nữa, ngành du lịch thành phố đang từng bước triển khai các sàn giao dịch truyền tuyến, thẻ du lịch thông minh, tour du lịch Đà Nẵng qua công nghệ thực tế ảo...

 

Năm 2021 là một năm đặc biệt với Bảo tàng Điêu khắc Chăm khi được UBND thành phố công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố và được tôn vinh trên nền tảng trực tuyến Google Arts & Culture thông qua dự án “Google Arts & Culture: Kỳ quan Việt Nam” do Tổng cục Du lịch phối hợp Tập đoàn Google, Công ty Oxalis Adventure, địa phương và nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt thực hiện.

Nền tảng nói trên là “bảo tàng số hóa” hàng đầu thế giới từ sự hợp tác với trên 2.000 bảo tàng khắp 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 100.000 tác phẩm nghệ thuật. Thông qua đó, công chúng được tiếp xúc với những hình ảnh và video của các tác phẩm nghệ thuật và hiện vật văn hóa bằng công nghệ mới như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR).

 

Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Hồ Tấn Tuấn cho hay, thông tin hồ sơ khoa học của hiện vật và các bộ sưu tập được cập nhật liên tục, kiện toàn, đáp ứng các quy chuẩn thông tin không chỉ trong nước mà trong môi trường học thuật quốc tế; qua đó bảo đảm việc thông tin, giới thiệu cho nhiều đối tượng công chúng đến tìm hiểu, nghiên cứu.

Đơn vị số hóa, scan 3D một phần bộ sưu tập tại bảo tàng và dữ liệu tham quan ảo một số di tích Chăm quan trọng tại miền Trung của Việt Nam. Sản phẩm này được đưa vào sử dụng tại các ki-ốt thông tin ở các phòng trưng bày. Trang tin điện tử của đơn vị được cải tiến, nâng cấp với việc tăng cường tin/bài nghiên cứu - trao đổi về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật Champa và bổ sung nhiều tính năng như tùy biến hiển thị giao diện trên điện thoại thông minh, máy tính bảng; dễ dàng kết nối và chia sẻ trên các mạng xã hội, tích hợp các ứng dụng tham quan ảo.

 

Một đoạn mô phỏng tham quan ảo 3D tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm trên nền tảng số.

 

Từ tháng 9-2019, hệ thống thuyết minh tự động (audio guide) được cập nhật, bổ sung tính năng quét mã QR để du khách có thể chủ động sử dụng bằng thiết bị số của cá nhân. Một năm sau đó, bảo tàng phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố triển khai dự án tham quan ảo 3D. Bảo tàng tăng cường liên kết về cơ sở dữ liệu số, giới thiệu số với các điểm văn hóa, du lịch, các đơn vị xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

 
 
 

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chú trọng công tác truyền thông, quảng bá trên nền tảng công nghệ số từ trước cả thời điểm Covid-19 bùng phát nhằm tiếp cận nhiều đối tượng công chúng. Cho đến thời điểm giãn cách xã hội, đơn vị linh hoạt tập trung chủ yếu vào làm triển lãm trực tuyến và giới thiệu hoạt động trên internet, thông qua website và mạng xã hội.

Theo họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, đơn vị đang quản lý hiện vật bằng phần mềm quản lý tích hợp với website. Đồng thời tổ chức các triển lãm trực tuyến trong điều kiện hạn chế bởi dịch bệnh. Từ tháng 8-2020 đến nay, đơn vị tổ chức thành công các triển lãm trực tuyến gồm: “Đà Nẵng qua đôi mắt người nghệ sĩ”, “Trung thu của em”, “Ký họa chiến trường” và gần đây nhất là “Vẻ đẹp người phụ nữ trong tác phẩm của Lê Công Thành”.

 

Cũng trong thời điểm trên, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chia sẻ hơn 100 bài viết, 20 video clip về các tác giả, tác phẩm, bộ sưu tập thuộc sở hữu của bảo tàng qua website và mạng xã hội. Bảo tàng cử cán bộ túc trực, tương tác với công chúng qua các nền tảng số này một cách nhanh chóng nhất.

Tại Bảo tàng Đà Nẵng đang ứng dụng công nghệ thông tin Bản đồ di sản số bằng tiếng Việt và tiếng Anh tại địa chỉ bandodisandanang.vn. Tại đây những thông tin, hình ảnh về hệ thống di tích trên địa bàn thành phố với 12 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp thành phố được chia sẻ. Có thể kể đến 2 di tích quốc gia đặc biệt (thành Điện Hải, danh thắng Ngũ Hành Sơn), di tích liên tỉnh (Hải Vân quan)...

 
 

Ứng dụng Danang Smart City là thành tựu đáng ghi nhận của Đà Nẵng trong nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử. Từ năm 2020, Sở TT&TT đã xây dựng và đưa vào sử dụng nền tảng ứng dụng di động Danang Smart City (trên iOS/Android) theo hướng tích hợp đa dịch vụ, cung cấp nhiều tiện ích, tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận sử dụng các công nghệ số, hướng đến hình thành công dân số.

Hiện nay, ứng dụng Danang Smart City đã tích hợp với các ứng dụng phục vụ đời sống người dân như ứng dụng Góp ý, Cứu hộ; ứng dụng Danabus (tra cứu lộ trình xe buýt), ứng dụng cho và nhận, Cổng dữ liệu mở, ứng dụng Dịch vụ công (nộp hồ sơ trực tuyến, theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ,...); ứng dụng Phòng chống thiên tai... Đồng thời, cung cấp các tiện ích cho người dân như tra cứu tiền điện, tiền nước; theo dõi lượng mưa; tra cứu giá đất, an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm an toàn giao thông...

Đặc biệt, trên ứng dụng Danang Smart City bổ sung các phân hệ phòng, chống Covid-19 như khai báo y tế điện tử; đăng ký, quản lý người ra/vào thành phố; đăng ký, quản lý xe vận chuyển hàng hóa vào thành phố; quản lý cách ly F1 tại nhà, bản đồ số CovidMaps, tra cứu thông tin tiêm chủng...

 

Đến nay, ứng dụng Danang Smart City đã có hơn 300.000 lượt tải và qua khảo sát cho thấy, 98% người dân, doanh nghiệp hài lòng khi sử dụng các ứng dụng, tiện ích trên môi trường số ở Đà Nẵng.

Thời gian đến, Sở TT&TT sẽ tiếp tục triển khai bổ sung thêm các chức năng, tiện ích khác như thanh toán trực tuyến, quan trắc môi trường, gọi điện thoại VoIP đến 1022, tìm kiếm cây xăng, ngân hàng, ATM theo vị trí GPS... vào ứng dụng này.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT, nói về quá trình chuyển đổi số thời gian qua, những điểm nổi bật của Đà Nẵng phải kể đến như: Đề án chuyển đổi số Đà Nẵng kế thừa những kinh nghiệm và kết quả cơ bản từ 10 năm triển khai chính quyền điện tử, Đà Nẵng đứng nhất trong các tỉnh, thành phố 12 năm liên tiếp về ICT Index; hai năm triển khai thành phố thông minh, đạt giải thưởng Ascocio Smart City 2019 (Tổ chức công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương); triển khai cổng dữ liệu mở để cung cấp dữ liệu, công khai thông tin cho người dân, doanh nghiệp: https://opendata.danang.gov.vn/; có trung tâm giám sát với khoảng 200 camera giám sát giao thông thông minh, khoảng 1.800 camera an ninh chuyên dụng, 34.500 camera giám sát an ninh huy động từ người dân, doanh nghiệp…

 

Từ năm 2016, Đà Nẵng bắt đầu triển khai xử phạt nguội vi phạm giao thông qua hình ảnh camera; 100% đơn vị y tế triển khai ứng dụng y tế điện tử từ một nền tảng dùng chung; ứng dụng tiện ích trên môi trường số với 98% người dân, doanh nghiệp hài lòng khi sử dụng.

 

Để có được những kết quả nói trên, UBND thành phố có Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 28-8-2021 về việc ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án này cũng đã đặt ra cách tiếp cận chuyển đổi số của Đà Nẵng cũng như các hiện trạng liên quan đến chuyển đổi số tại Đà Nẵng.

Theo báo cáo chuyên đề chuyển đổi số và bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số của Bộ TT&TT, các yếu tố tác động đến chuyển đổi số bao gồm thể chế, kết quả triển khai chính quyền điện tử (hạ tầng, dữ liệu, 12 dịch vụ…) phát triển công nghiệp CNTT (nhân lực CNTT, doanh nghiệp, công nghệ số, sản xuất và làm chủ sản phẩm công nghệ số…), tình hình sử dụng internet và điện thoại thông minh của người dân, đổi mới công nghệ và ứng dụng CNTT của doanh nghiệp, đào tạo và kỹ năng CNTT, thương mại điện tử, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo...

Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quang Thanh cho hay, từ năm 2010, Đà Nẵng đã xác định CNTT-TT là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đà Nẵng đã ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng làm nền tảng để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh và bước đầu chuyển dịch theo hướng chuyển đổi số.

 

Nhằm đẩy nhanh chuyển đổi số tại Đà Nẵng, một số nhiệm vụ đã được ngành triển khai như hướng dẫn các quận, phường, xã thí điểm chuyển đổi số; tham mưu cho thành phố ký kết, hợp tác với các đối tác về chuyển đổi số; triển khai khảo sát trực tuyến lấy ý kiến nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố (tại địa chỉ https://dx.danang.gov.vn). Mở chuyên mục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về chuyển đổi số cho người dân…

Nhờ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng đó, việc chuyển đổi số tại Đà Nẵng đã đạt được một số thành quả nhất định. Cụ thể, về hạ tầng CNTT-TT, thành phố đã xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, CNTT đồng bộ như mạng viễn thông dùng riêng (mạng MAN) với băng thông kết nối mỗi cơ quan đến 10Gbp/s, Trung tâm Dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế TIER III với dung lượng lưu trữ đến 170TB, Hệ thống WiFi công cộng miễn phí với 430 điểm truy cập và khoảng 1.000 trạm của doanh nghiệp (không kể các wifi tại nhà hàng, cà phê…), Tổng đài dịch vụ công 1022, các trung tâm giám sát chuyên ngành như giám sát an ninh trật tự, giám sát giao thông,..

 

Thành phố hình thành các cơ sở dữ liệu nền như công dân, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, đất đai, cán bộ công chức... và 560 cơ sở dữ liệu chuyên ngành; triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu và quản lý Nhà nước chuyên ngành ở các sở, ngành, quận, huyện; thí điểm Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố; đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu mở với hơn 570 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội với đa dạng kênh tra cứu, khai thác (API, web, SMS, Zalo); bắt đầu sử dụng một số dữ liệu số thay thành phần hồ sơ giấy trong cung cấp dịch vụ công như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh…

Thành phố cũng đã triển khai các nền tảng chính quyền điện tử như: Egov Platform, trục tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP, cổng dịch vụ công (với gần 100% dịch vụ trực tuyến, trong đó 75% mức độ 4, với 180.000 tài khoản điện tử và đăng nhập một lần); hệ thống thông tin báo cáo điện tử; đưa vào sử dụng 36/37 hợp phần nền tảng đô thị thông minh (Smart City Platform); hình thành Trung tâm Giám sát Mini IOC với 6 dịch vụ thông minh cơ bản theo hướng dẫn của Bộ TT&TT và 12 dịch vụ tăng thêm khác.

Đặc biệt, đã triển khai hiệu quả các giải pháp công nghệ phòng, chống Covid-19 như: Ứng dụng quản lý, cấp giấy đi đường QR Code, ứng dụng quản lý khai báo y tế và kiểm soát ra vào qua QR code, thẻ vé đi chợ QR code, bản đồ dịch tễ CovidMaps, truy vết F1, F2 nhanh qua Tổng đài tự động, ứng dụng xác nhận phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu qua QR code, ứng dụng quản lý cách ly F1 tại nhà, ứng dụng quản lý đăng ký thực phẩm…

 

Có thể nói, Đà Nẵng đang đi đúng hướng khi đầu tư chuyển đổi số đồng bộ, đa dạng, chuyên sâu. Tại hội thảo về đề án “Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do UBND thành phố tổ chức đầu năm 2021, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, chuyển đổi số là một trong các giải pháp chính, là động lực để giải quyết điểm nghẽn trong phát triển thành phố, góp phần đạt mục tiêu “đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN” và tầm nhìn “thành phố Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống”.

 
 

 

;
;
.