Thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, sự chủ động, linh hoạt và quyết đoán trong áp dụng các hình thức làm việc phù hợp tiếp tục là “chìa khóa” để nhiều doanh nghiệp vượt qua những thời điểm khó khăn.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng chia sẻ: “Trong tháng 8 và 9, khi thành phố Đà Nẵng áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh phòng, chống dịch, chúng tôi đã chi gần 11 tỷ đồng để duy trì hoạt động sản xuất cho gần 500 công nhân theo phương án “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến.
Ngoài bố trí ăn ở tại đơn vị cho khoảng 300 công nhân, chúng tôi còn thuê khách sạn cách chỗ làm việc khoảng 15km làm chỗ ăn nghỉ cho số công nhân còn lại. Ngoài ra, công ty ký hợp đồng với Bệnh viện Gia Đình xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho toàn thể người lao động. Đến nay, 100% cán bộ, nhân viên và người lao động đơn vị đều được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1”.
Nhờ áp dụng tốt các biện pháp phòng dịch cũng như chủ động dự báo tình hình sản xuất, ngay khi dịch cơ bản được kiểm soát, Công ty CP Cao su Đà Nẵng nhanh chóng vận hành lại toàn bộ dây chuyền sản xuất, công suất vượt 10% so với kế hoạch đề ra trong năm 2021, doanh thu đạt 4.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 320 tỷ đồng, thu nhập của người lao động trung bình 14,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, lĩnh vực du lịch - dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh. Để vượt qua khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng tìm nguồn chi phí để trả lương, thuê mặt bằng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở sau thời gian đóng cửa...
Ông Văn Thái Ngọc Long, Trưởng phòng Marketing và Truyền thông, Khách sạn Altara Suites Đà Nẵng (quận Sơn Trà) cho biết: “Hiện tại, chỉ những nhân sự nòng cốt đang làm việc đáp ứng nhu cầu thực tế của khách sạn. Để bảo đảm nguồn nhân lực thời gian tới, khách sạn duy trì kết nối với các nhân viên cũ và hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc khi ngành du lịch khởi động trở lại. Đồng thời, Khách sạn Altara Suites đã xây dựng phương án tuyển dụng, đào tạo nhân viên mới để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du khách”.
Hoạt động ở lĩnh vực xây dựng, năm 2021, Công ty CP Kỹ thuật xây dựng Dinco phải tạm dừng thi công gần 4 tháng tại các công trình ở Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương để phòng, chống dịch, nhưng doanh thu ước tính cả năm 2021 của đơn vị vẫn đạt hơn 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 30 tỷ đồng.
Theo khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng đối với gần 500 hội viên trực thuộc chi nhánh (79,14% doanh nghiệp dân doanh, 15,83% doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, 5,03% doanh nghiệp Nhà nước), nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP VBPO, Công ty CP Dệt may 29-3... đã linh hoạt thực hiện các giải pháp nhằm duy trì hoạt động như: thuê khách sạn cho công nhân thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “3 tại chỗ” với giao khoán việc, khoán sản phẩm để người lao động nhận về nhà làm hay tăng tiền lương và thưởng để khích lệ người lao động nâng cao năng suất.
Trong 3 tháng 7, 8 và 9, khi Đà Nẵng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có để ngăn chặn dịch bệnh, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh có tỷ lệ doanh nghiệp duy trì hoạt động cao nhất trong khối các doanh nghiệp công nghiệp với 37,97%; tiếp đến là công nghệ thông tin, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất giấy… với tỷ lệ 21,52%; lĩnh vực vận tải, kho bãi có tỷ lệ 12,66%.
Mặc dù công suất giảm do Covid-19, nhưng phần lớn các doanh nghiệp không chọn giải pháp cắt giảm lao động, chỉ giảm lương, giảm giờ làm, bố trí lao động sản xuất luân phiên.
Nhờ thích ứng linh hoạt, khối doanh nghiệp sản xuất về cơ bản vẫn giữ được liền mạch hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, thành phố phải tính toán nhiều phương án, giải pháp mang tính tình thế cũng như căn cơ để khôi phục nền kinh tế không chỉ cho năm 2022 mà còn cho những năm tiếp theo.
Tiến sĩ Trần Sĩ Chương, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư HDI nhìn nhận: “Tại Đà Nẵng, thị trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn cho thấy khả năng phục hồi nhanh chóng ngay sau mỗi lần dịch bệnh được kiểm soát tốt. Điều này cho thấy tâm thế chủ động trong ứng phó và vượt qua khủng hoảng của cả hệ thống chính trị các cấp cũng như cộng đồng doanh nghiệp, người dân khi đứng trước những sự cố mang tính toàn cầu như Covid-19”.
Trong bối cảnh dịch bệnh, những chính sách từ Trung ương đến địa phương được ban hành một cách đúng đắn và kịp thời, thực sự là “bà đỡ”, góp phần giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh.
Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều gói chính sách lớn, những giải pháp tình thế trong bối cảnh chống dịch đặc biệt để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội như: Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 về một số chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 (gọi tắt là Nghị quyết 68)…
Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thành phố đã hỗ trợ cho hơn 2.000 lao động nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc… với tổng số tiền khoảng 8 tỷ đồng.
Ngoài ra, thành phố cũng đã hỗ trợ hơn 3.000 hướng dẫn viên du lịch với số tiền hơn 11 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 7.000 hộ kinh doanh với số tiền hơn 21 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ gần 25.000 lao động tự do bị mất việc như: giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục, nhân viên, bảo mẫu nhóm trẻ; thuyền viên phục vụ tàu du lịch, lái xe, phụ xe của 12 tuyến xe buýt trợ giá của thành phố, lái xe, phụ xe các tuyến cố định… với số tiền gần 37 tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội thành phố cũng đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 9.000 đơn vị, với hơn 177.000 người với số tiền hơn 25 tỷ đồng. Tổng kinh phí của thành phố đã chi cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh khoảng 2.590 tỷ đồng.
Việc chăm lo đời sống cho người lao động cũng được Công đoàn các cấp quan tâm. Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Công đoàn thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho 2.520 đoàn viên, người lao động thuộc các trường hợp bị mất việc làm, giảm thu nhập, là F0 hoặc bị cách ly, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, ở nhà trọ, lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ, bị bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng; kịp thời hỗ trợ bữa ăn cho hơn 6.000 đoàn viên, người lao động ở 60 doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 6,4 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho các trường hợp công nhân lao động là F0, F1, F2 có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng.
Đồng thời, đôn đốc các đơn vị thực hiện hồ sơ cho người lao động thụ hưởng chính sách, chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ đến với lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển (quận Thanh Khê) cho biết: “Thời gian qua, thành phố đã có ý kiến đối với ngân hàng và doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn vay, được giãn nợ. Nhờ vậy, doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, tạo niềm tin đối với cộng đồng này”.
Để ứng phó và thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế, lãnh đạo thành phố có nhiều động thái vào cuộc nhanh chóng. Trước hết, UBND thành phố kịp thời xây dựng và ban hành Kế hoạch số 662/CV-BCSĐ ngày 11-10-2021 phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới, nêu rõ các phương án cần thiết để đạt mức tăng trưởng đề ra.
Thành phố tổ chức hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” vào ngày 24-9, chỉ gần nửa tháng sau khi kết thúc chuỗi 20 ngày áp dụng biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt chưa từng có “ai ở đâu thì ở đó”. Thành phố xác định “sức khoẻ” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế; đặc biệt sức mạnh nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa quan trọng, vì đây chính là nhân tố bảo đảm việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển.
Tiếp đó, với việc kiện toàn Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố và giao một Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng cho thấy quyết tâm của Đà Nẵng trong việc đẩy nhanh các gói, chính sách hỗ trợ từ Trung ương và địa phương đến đúng người, đúng đối tượng.
Cùng với các nội dung trên, nhiều chương trình thu hút đầu tư trực tiếp được thành phố tổ chức hoặc tham gia như “Diễn đàn xúc tiến đầu tư ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng” do UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 30-11 vừa qua. Hàng loạt động thái này cho thấy, cả hệ thống chính trị của thành phố đầy quyết tâm cũng như nỗ lực trong việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp từng bước khôi phục kinh tế, tạo đà cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn nhằm chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, đặt quyền và lợi ích của nhân dân lên trên hết trong cuộc chiến phòng, chống dịch. Theo báo cáo của Ban Quản lý KCNC&CKCN, tính đến nay, đã có 71.417 chuyên gia, người lao động tại KCNC, các KCN và Khu Công nghệ thông tin tập trung được tiêm vắc-xin mũi 1 (đạt tỷ lệ 86,8% tổng số người lao động); có 60.740 người lao động được tiêm vắc-xin mũi 2 (đạt tỷ lệ 82,3% tổng số người lao động).
Dù gặp khó khăn, ngành du lịch cũng đã có những nỗ lực đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Sở Du lịch và các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư và hỗ trợ nhà đầu tư triển khai đầu tư các dự án tạo sản phẩm du lịch như: hoàn thành giai đoạn 1 dự án Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, khai trương Trung tâm thương mại VV Mall, khởi động dự án Khu phức hợp đô thị và du lịch Làng Vân, triển khai Khu phố du lịch An Thượng...
Qua đó, một số sản phẩm du lịch, dịch vụ đã đưa vào phục vụ khách trong năm 2021 như: Công viên nước trong nhà - Water Park 365 tại Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa; Trung tâm thương mại VVmall; Chợ Cá Gỗ - Beach Coffee & Bar; Tổ hợp khách sạn BRG Danang Golf Resort, Khu du lịch biển D.A.P; Khu du lịch nghỉ dưỡng và tổng hợp Làng Vân.
PGS.TS Hồ Tấn Sáng, nguyên Trưởng khoa Chính trị học, Học viện Chính trị Khu vực 3 (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, công tác an sinh xã hội được làm tốt không chỉ củng cố lòng tin trong quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; bảo đảm giữ ổn định an ninh, chính trị của quốc gia, địa phương, mà còn phát huy sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, huy động được nguồn lực to lớn trong toàn xã hội để đầu tư phát triển kinh tế, góp phần chung tay vào cuộc chiến chống dịch bệnh chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước nhà nói chung, Đà Nẵng nói riêng.
“Bảo đảm an sinh xã hội là gốc rễ, tạo nền tảng vững chắc cho nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế bền vững trong thời gian tới. Đây chính là tinh thần “trọng dân, gần dân và an dân” mà Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, đặt lên hàng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước”, PGS.TS Hồ Tấn Sáng nói.
Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cho rằng, với cách tiếp cận theo hướng vừa khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội vừa kiểm soát dịch bệnh như hiện nay, ngoài biện pháp bảo đảm an sinh xã hội và đẩy nhanh tiến độ phủ rộng tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 1, mũi 2, thậm chí mũi 3, việc triển khai hiệu quả các gói kích thích kinh tế đã được Chính phủ ban hành từ năm 2020 đến nay cũng như các chính sách chủ động từ địa phương là cần cho lúc này để vực dậy nền kinh tế.
PGS.TS Bùi Quang Bình, nguyên giảng viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, động lực quan trọng cho sự phục hồi vững chắc trong ngắn hạn của nền kinh tế khi bước sang năm 2022 vẫn là dựa vào đầu tư cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng.
Trong khi đó, nguồn thu từ thị trường nội địa sẽ còn khiêm tốn trong thời gian tới do tiêu dùng của người dân còn hạn chế sau gần 2 năm thu nhập bị sụt giảm mạnh do dịch bệnh kéo dài. Hoạt động du lịch - dịch vụ nội địa và quốc tế chưa thể mở cửa hoàn toàn khi các biến chủng mới của vi-rút SARS-CoV-2 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển, quan trọng nhất là phải giao thương thuận lợi mới có thể phục hồi và phát triển sản xuất, phát triển. Cụ thể, cần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tìm đầu ra cho hàng hóa khó tiêu thụ.
Đồng thời gỡ được những ách tắc thông qua việc bao phủ tiêm chủng vắc-xin, tạo điều kiện cho người lao động và các phương tiện trong lĩnh vực như phân phối bán lẻ, vận tải và logistics… có thể di chuyển là yếu tố then chốt để bảo đảm cho nền kinh tế hoạt động trong bối cảnh khó khăn.
Liên quan đến phục hồi ngành du lịch - dịch vụ, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietnam TravelMart, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố đề xuất, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động tiếp cận các gói “giải cứu” của Chính phủ để tránh đóng cửa, giải thể, phá sản, duy trì cuộc sống, các địa phương cần nhanh chóng ban hành kế hoạch phục hồi du lịch cả trong ngắn hạn và dài hạn, với các kịch bản cụ thể tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh và độ phủ vắc-xin. Đà Nẵng, Quảng Nam hay Khánh Hòa vừa được Chính phủ lựa chọn thí điểm triển khai “hộ chiếu vắc-xin” cho khách quốc tế, vì vậy, cần tận dụng cơ hội này để đột phá vào các thị trường có độ an toàn cao, tạo đà cho sự quay lại của cả khu vực.
Doanh nghiệp ngành du lịch - dịch vụ nên tận dụng thời gian này để tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc nguồn khách theo hướng bền vững hơn; thay đổi cách thức tiếp cận trong xúc tiến, quảng bá, quảng cáo, truyền thông phù hợp với sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và hành vi của du khách sau đại dịch.
Liên quan đến vấn đề giảm lãi suất cho vay, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố cho biết, trên cơ sở chủ trương của UBND thành phố, quỹ đang tham gia ý kiến theo đề nghị của Sở Tài chính đối với cơ chế hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách cho chủ đầu tư (các doanh nghiệp nhỏ và vừa) vay vốn tại quỹ để thực hiện dự án phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Song song đó, tiếp tục phối hợp hướng dẫn các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lập hồ sơ để được hỗ trợ theo hướng dẫn tại Thông tư số 14/2021/TT NHNN ngày 7-9-2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong đó tập trung cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gia hạn nợ), giữ nguyên nhóm nợ đối với chủ đầu tư bị ảnh hưởng trực tiếp của Covid-19 như giáo dục, sản xuất...
Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, ưu tiên hàng đầu là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là các chính sách hỗ trợ về vốn vay, lãi suất vay, các ưu đãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ về tín dụng và các chính sách về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng hạ tầng của doanh nghiệp thuê đất, thuê lại đất trong KCNC&CKCN Đà Nẵng...
Bên cạnh đó, sở tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp: thường xuyên đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang được các sở, ban, ngành, đơn vị triển khai trên địa bàn nhằm kịp thời tổng hợp, đề xuất UBND thành phố sớm có chỉ đạo điều chỉnh chính sách theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời tham mưu UBND thành phố báo cáo Ban cán sự Đảng UBND thành phố, Thường trực Thành ủy xin chủ trương cho phép giãn tiến độ triển khai dự án do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhằm giảm áp lực cho nhà đầu tư.
Để phục hồi và phát triển kinh tế, bên cạnh những giải pháp mang tính ngắn hạn, xử lý tình thế, theo nhiều doanh nghiệp, nhà nghiên cứu cũng như các sở, ngành, thành phố cần tập trung giải quyết căn cơ những vướng mắc, tạo điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua như xử lý dứt điểm những sai phạm liên quan đến đất đai, tìm động lực mới cho sự phát triển của thành phố, phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của đội ngũ cán bộ các cấp. Từ đó, chủ động, sáng tạo, xây dựng và triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu để kiểm soát tốt dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ trong những năm đến.