Tết Nhâm Dần 2022, chị Nguyễn Thị Thục Trinh, làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Thành phố Hồ Chí Minh may mắn được về quê ăn Tết với gia đình sau khi tình hình dịch bệnh tại đây được kiểm soát. Xa Đà Nẵng 5 năm, mỗi chuyến về lại thành phố với chị Trinh là trải nghiệm ý nghĩa, bởi đây không chỉ làm sự sum họp, đoàn tụ gia đình mà còn cảm nhận những đổi thay của thành phố thân yêu.
“Mỗi lần về lại thấy thành phố mình thêm phát triển với nhiều công trình mới khang trang hơn, những ngóc ngách quen thuộc có thể không còn, thay vào đó bằng những điều mới mẻ hiện đại hơn, nhưng cái “hồn”, cái nét thân thương của Đà thành vẫn ở đó. Giáp Tết, thành phố vẫn đang kiên cường chống dịch và đó là lý do để thấy thương và đồng cảm với quê hương nhiều hơn. Dịch bệnh, khó khăn rồi cũng qua đi và mong người Đà Nẵng luôn kiên cường như người miền Trung xưa nay vẫn thế, rồi mọi thứ cũng sẽ tốt lên, theo một cách nào đó”, chị Trinh chia sẻ.
Chị Chi Nguyen đang sống cùng chồng tại thành phố Raleigh, thuộc tiểu bang North Carolina (Hoa Kỳ) trong vai trò của một bà nội trợ mà cô hay gọi là “stay-home mom”. Rời Đà Nẵng hơn 4 năm trước, điều cô gái này nhớ nhất là gia đình, người thân... và tất tần tật mọi thứ về thành phố.
“Tôi nhớ những điều mà mấy năm qua chưa một lần gặp lại, đó là buổi dậy sớm tập thể dục rồi đi ăn sáng, cà phê với bạn bè trên phố; là cảm giác lái xe lòng vòng trên đường Nguyễn Tất Thành hay bán đảo Sơn Trà để hít thở không khí trong lành, chụp vài bức ảnh…”, Chi Nguyen chia sẻ.
Sau những cái Tết xa nhà, Tết Nhâm Dần 2022 có lẽ đặc biệt nhất với Chi Nguyen khi cô gái gốc Đà Nẵng sắp làm mẹ. Ấp ủ dự định đưa gia đình nhỏ về Việt Nam trong 2 năm tới, Chi gửi tâm sự từ Raleigh: “Mình mong một ngày trở lại, thành phố sạch bóng dịch bệnh và phát triển hơn nữa về du lịch, cơ sở hạ tầng, giao thông, an toàn thực phẩm… và người thân, bạn bè lại được ngồi bên nhau”.
Những ngày đầu năm 2022 cũng là thời điểm tròn 3 năm anh Trịnh Hoài Nam, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo tại Đại học Dublin City (Ireland) rời Đà Nẵng. Làm việc, học tập ở xứ người, anh vẫn luôn mong một ngày trở về và đóng góp năng lực vào sự phát triển của đất nước trong lĩnh vực công nghệ.
“Với tôi, Đà Nẵng luôn là thành phố đáng sống, xanh-sạch-đẹp và tôi luôn hy vọng sẽ trở lại thành phố để phục vụ cho công tác phát triển công nghệ trong tương lai gần. Còn ước mơ trước mắt, có lẽ cũng như mọi người, đó là mong đất nước sớm chiến thắng Covid-19, mọi thứ trở lại bình thường và người người, nhà nhà bình an”, anh Nam cho biết.
Sau một năm dạy học trực tuyến, chị Nguyễn Phước Huyền Khải Thư, giáo viên Anh ngữ tại Trường THCS Kim Đồng (quận Hải Châu) có mong ước giản đơn trong năm mới, đó là… được mặc áo dài lên bục giảng, gặp lại học trò, được tiếp tục những bài giảng trực tiếp mà không bị gián đoạn hay hạn chế như khi học trực tuyến.
Đồng nghiệp và cùng chia sẻ với chị Thư, chị Nguyễn Thị Phương Lệ, giáo viên, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết: “Ước mơ giản đơn của mọi giáo viên lúc này là được nhìn thấy ánh mắt, nụ cười của học trò trực tiếp trên bục giảng thay vì qua màn hình máy tính. Đó là nguồn động lực to lớn để mình tràn đầy năng lượng truyền tải kiến thức, kỹ năng cho các em. Mong dịch qua mau để ngày ấy lại đến, và mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui”.
Là người Quảng Nam, sinh sống và làm việc ở Đà Nẵng tròn 10 năm, chị Trần Thị Minh Cầm hiện đang kinh doanh cửa hàng cà phê và là giáo viên đào tạo về đồ uống của Trường Cao đẳng Quốc tế Pegasus. Do ảnh hưởng dịch bệnh, quán cà phê nhỏ của chị với cái tên “Je m’aime cafe and eatery” mất 4 tháng để được mở cửa phục vụ khách tại chỗ. Bản thân chị và nhiều đồng nghiệp trong ngành du lịch ấp ủ kế hoạch xây dựng các tour dã ngoại khám phá Đà Nẵng, trải nghiệm thiên nhiên thông qua hoạt động đi bộ, leo núi, bơi lội... và hy vọng tour đầu tiên sớm được triển khai trong tháng 3-2022.
“Tôi mong muốn thành phố sẽ có những kế hoạch thiết thực để thúc đẩy nền du lịch Đà Nẵng, thu hút khách trong và ngoài nước đến thành phố để du lịch cũng như làm việc. Quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn cho các cửa hàng, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh lực du lịch dịch vụ để có cơ hội phục hồi”, chị Cầm cho biết.
Gần 5 năm nay, anh Đỗ Danh Hùng vừa làm nhiệm vụ sản xuất, vừa kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Công đoàn Công ty Murata Manufacturing Việt Nam Đà Nẵng. Anh Hùng kể, từ khi vào làm việc tại công ty đến nay, chưa bao giờ anh chứng kiến công ty gặp nhiều khó khăn như năm vừa qua. Có những thời điểm xuất hiện hàng loạt ca nhiễm, công ty phải tạm ngừng sản xuất hoàn toàn, thực hiện xét nghiệm diện rộng cho hàng ngàn công nhân để sàng lọc.
Hàng chục công nhân phải điều trị Covid-19, hàng trăm người phải cách ly y tế khiến tình hình hoạt động, sản xuất ngưng trệ kéo dài, đời sống công nhân vì thế cũng khó khăn. Công đoàn không thể tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt đông người như mọi năm mà tập trung vào công tác phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ người lao động trước tác động của dịch bệnh.
Trước thềm năm mới 2022, anh Hùng mong muốn thành phố sớm “phủ” kín vắc-xin phòng Covid-19, nhất là mũi 3 cho người dân để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Từ đó làm cơ sở để chính quyền và nhân dân thay đổi, xem đây là một dịch bệnh thông thường để có cách ứng phó linh hoạt, phù hợp, tạo điều kiện để mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống diễn ra bình thường.
Video: Người dân Đà Nẵng ước vọng gì trong năm mới?
Có thể thấy, dù là những người xa quê hương Đà Nẵng đã lâu, hay là những công dân đang sống và làm việc tại thành phố, tất cả họ đều gặp nhau ở một điểm chung rất ý nghĩa là mong ước nhiều điều tốt lành trong năm mới. Sự dung dị, mộc mạc nhưng rất chân thành và sâu lắng của mỗi người Đà Nẵng đều thể hiện tình yêu đối với thành phố bên sông Hàn.
Mùa xuân mới đang sắp chạm ngõ, tất cả đều ước nguyện năm mới mọi điều sẽ tốt đẹp hơn để lòng người cùng hòa với đất trời trong thời khắc giao thừa để cùng hướng về tương lai tươi sáng…