Giữa những áp lực về chuyên môn, khối lượng công việc nhiều, những băn khoăn, lo lắng và bức xúc của người bệnh, họ phải thật “tĩnh” để làm chỗ dựa cho người bệnh. Trong khó khăn, phẩm chất cao đẹp, y đức, y đạo của người thầy thuốc quên mình cứu người càng tỏa sáng.
Nằm tách biệt gần như hoàn toàn với khu dân cư, Bệnh viện dã chiến số 1 (Khu ký túc xá phía tây thành phố, quận Liên Chiểu) từ lâu được chọn làm nơi tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố. Lực lượng chính là nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng, cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị khác, nơi đây trở thành cơ sở y tế chủ lực với quy mô hơn 2.300 giường bệnh để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân.
Bắt đầu từ tháng 11-2021, khi số ca mắc Covid-19 tăng cao, số bệnh nhân trở nặng nhiều lên, áp lực công việc lại thêm phần nặng hơn trên vai các nhân viên y tế. Nếu như trước đây, Bệnh viện dã chiến số 1 là cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ, không triệu chứng được phân công theo tháp điều trị 3 tầng của Bộ Y tế, thì nay các điều kiện đó được điều chỉnh lại. Cụ thể, những bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng được chỉ định điều trị, theo dõi tại nhà. Bệnh viện dã chiến số 1 là cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, người lớn tuổi, người có bệnh nền nguy cơ.
Bác sĩ Nguyễn Duy Thành, khoa Lão, Bệnh viện Đà Nẵng, phụ trách chính về chuyên môn, hành chính tại Bệnh viện dã chiến số 1 chia sẻ, Covid-19 giờ đây không còn mơ hồ, xa lạ, lo lắng so với những ngày đầu. Điều đó có nghĩa, tâm lý, tư tưởng của các nhân viên y tế đã trải qua nhiều cung bậc, toàn tâm toàn ý cho các nhiệm vụ được giao. Nhưng khi tâm lý, tinh thần ổn định, họ lại đối mặt với một thực tế khác, đó là áp lực trong điều trị, chăm sóc toàn diện và áp lực trong quá trình phục vụ bệnh nhân.
Từ tháng 12-2021, khi người dân tự chi trả chi phí suất ăn trong quá trình điều trị bệnh Covid-19, các nhân viên y tế vốn chỉ tập trung cho công tác chuyên môn bỗng trở thành nhân viên cấp dưỡng, lo luôn chuyện bếp núc, hậu cầu và nhận những phê bình, chỉ trích không đáng có.
“Đến bữa, bọn mình lại đi nhận đăng ký suất ăn của các bệnh nhân. Mọi người được phân loại bệnh, tư vấn, hướng dẫn về chế độ ăn uống phù hợp. Sau khi nhận phiếu đăng ký suất ăn, các nhân viên y tế sẽ liệt kê, tổng hợp rồi chuyển cho đơn vị cung cấp suất ăn ký hợp đồng trước đó làm, chuyển đến đúng giờ”, bác sĩ Thành chia sẻ.
Điều đáng buồn, có lẽ là tư tưởng muốn phục vụ cho “đáng đồng tiền bát gạo” mà không ít bệnh nhân tỏ thái độ với nhân viên y tế. Cơm nhão một chút, trách! Thức ăn không vừa miệng, trách! Canh không còn nóng, trách!...
“Cũng là một nhân viên đó, khi khoác lên mình bộ đồ blouse trắng, bảo hộ để thăm khám, điều trị, rửa vết thương và tư vấn, bệnh nhân nhẹ nhàng, cởi mở và dường như trút bỏ, gửi gắm được nhiều lo toan trong người. Nhưng khi họ trong vai là một nhân viên phục vụ bữa ăn hàng ngày, lại trở thành nơi để bao nhiêu muộn phiền, chê trách cho người bệnh gửi gắm. Lắm lúc nghĩ cũng buồn, xong anh em lại động viên nhau, bởi suy cho cùng, bệnh nhân cũng có nỗi khổ của họ”, bác sĩ Thành tâm sự.
Giữa bốn bề là những máy móc vô tri phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị, tiếng gọi gấp gáp của nhân viên y tế để cấp cứu bệnh nhân và vô số thanh âm mệt mỏi khác, người bệnh yếu đuối dễ căng thẳng, lo lắng. Không ai khác, túc trực kịp thời bên giường bệnh, dù ngày hay đêm muộn là những nhân viên y tế.
“Bệnh nhân mắc Covid-19 bị tác động tâm lý rất nhiều. Nên ngoài chuyên môn, cái mà bọn mình cần làm đó là bình tĩnh, nhẹ nhàng, kiên trì với mỗi hoàn cảnh. Cũng giống như phục vụ bữa ăn, biết bệnh nhân yếu, khó ăn uống nên các nhân viên y tế linh động tiếp nhận nhu yếu phẩm mà người nhà gửi vào cho họ bồi dưỡng. Lắm lúc nhận thùng hàng 30-40kg từ cổng, vác lên đến tầng 4 để giao cho bệnh nhân là mệt đứt hơi rồi”, bác sĩ Thành cười.
“Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là cái Tết thứ hai liên tiếp mình không ăn Tết với gia đình ở quê nhà”, chị Nguyễn Thị Thu Nhẫn (SN 1994, bộ phận hành chính Bệnh viện dã chiến số 1) vừa nói vừa chăm chú vào màn hình nhập liệu trước mặt.
Nhẫn quê Quảng Ngãi, sống và làm việc ở Đà Nẵng gần 10 năm, trong đó có 5 năm công tác ở khoa Ngoại - lồng ngực của Bệnh viện Đà Nẵng. Ở Bệnh viện dã chiến, công việc của Nhẫn là phụ trách thanh toán chi phí khám, chữa bệnh và xác minh, cập nhật thông tin bảo hiểm xã hội của bệnh nhân.
Chị cười: “Gọi là hành chính nhưng có khi không theo giờ hành chính. Theo lý thuyết, sáng 7 giờ mình vô việc, trưa 11 giờ 30 là xong ca sáng, nhưng có ngày lượng bệnh nhân ra viện đông, mình rồi anh chị em làm xuyên trưa, bỏ cơm để kịp hoàn thành thủ tục cho bệnh nhân được xuất viện sớm nhất có thể”.
Những buổi làm việc xuyên trưa như thế dần trở thành “chuyện thường ngày ở viện”. Qua trưa, tới ca chiều, chị Nhẫn lại cặm cụi “cắm mắt” vào màn hình cập nhật, xác minh từng con số ngày sinh, năm sinh, họ tên, thông tin bảo hiểm của từng bệnh nhân, hầu hết là bệnh nhân có bệnh nền. Có thời điểm lượng hồ sơ, giấy tờ dày đặc, chị nói chỉ muốn… thả trôi nhưng trách nhiệm với công việc, cả trăm, cả ngàn bệnh nhân không cho phép. “Ba mẹ ở quê hay gọi động viên mình lắm, mình lấy đó làm động lực để công tác, ban đầu còn hơi buồn nhưng quen rồi”, chị cho biết.
Năm ngoái, chị Nhẫn ở lại Đà Nẵng theo đề nghị nhân viên ăn Tết tại chỗ của lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng, rồi vội vàng về quê sau Tết với ba mẹ. Năm nay khác, Nhẫn vẫn chưa thể về, nhưng may mắn ở Bệnh viện dã chiến vẫn có cà phê, kẹo, bánh và những lời chúc từ những người cùng chung nhiệm vụ. “Những ngày giáp Tết, giao thừa, đầu năm rồi tới hiện chừ, mình ăn Tết nội trú tại nơi này trong sự động viên của thành phố, của lãnh đạo bệnh viện và sự sum vầy, sẻ chia của đồng nghiệp. Ai cũng mong sớm về với gia đình, mong lắm…”, chị Nhẫn tâm sự.
“Hôm nay em xuất viện rồi, sức khỏe đã ổn định, em có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 rồi mới báo cho gia đình là mình từng bị nhiễm Covid-19”, bác sĩ Nguyễn Thị Thảo (SN 1996), công tác ở khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng hào hứng “khoe” niềm vui qua tin nhắn zalo sau thời gian trở thành… bệnh nhân bất đắc dĩ.
Chị Thảo quê Quảng Nam, được phân công “tác chiến” tại Bệnh viện dã chiến số 1 từ tháng 11-2021, khi Covid-19 có dấu hiệu tái bùng phát tại Đà Nẵng. Công việc hằng ngày của chị là chăm sóc trực tiếp cho F0, thực hiện y lệnh thuốc, theo dõi, chăm sóc dinh dưỡng và động viên tinh thần cho bệnh nhân.
Không may mắc Covid-19 mới đây, Thảo không dám báo gia đình vì sợ người ở nhà lo lắng. Tập trung điều trị để quay trở lại công việc, chỉ tới khi được xuất viện, cô gái trẻ mới thở phào nhẹ nhõm gọi về nhà tâm sự.
Nhận công tác từ ngày 9-1, hộ lý Nguyễn Thị Thu Ngân (SN 1972, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng) trở thành người phục vụ những bệnh nhân mọi nơi, mọi lúc. Chị thường làm việc từ sau giờ trưa, chủ yếu là chăm sóc những bệnh nhân nặng, có bệnh nền, già yếu… Trong đó có thay quần áo và vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân, đưa bệnh nhân đi chụp X-quang, mang nước uống cho họ, rồi nhận hàng tiếp tế từ người nhà chuyển đến.
“Ở đây, tôi rất cảm thông và xót xa cho những trường hợp già yếu khó đi lại, việc vệ sinh, tiểu tiện nhiều khi diễn ra tại chỗ, lại xa người thân. Mình dọn dẹp cũng không khổ bằng người ta, nên anh chị em y tế xem bệnh nhân như là cha, mẹ, người thân để giúp họ vượt qua bệnh tật”, chị Ngân chia sẻ.
Với chị, qua nhiều năm chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần mới thấy chăm sóc cho bệnh nhân mắc Covid-19 ở đây… đỡ vất vả hơn đôi chút, bởi người mắc Covid-19 vẫn có lý trí để lắng nghe cán bộ y tế. Chị tâm niệm, bệnh nhân ở đâu cũng như nhau.
“Tôi chưa trực tiếp chứng kiến trường hợp bệnh nhân nào qua đời do Covid-19 nhưng bệnh nhân khác thì có, đó là khoảnh khắc ám ảnh, rồi mình buồn theo, rồi day dứt. Đó là lý do để gắn bó với công việc, ở Bệnh viện Tâm thần rồi nay là Bệnh viện dã chiến này”, chị Ngân tâm sự.
Nhà chị Ngân ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Chồng chị làm kỹ thuật điện, con lớn làm điều dưỡng ở Bệnh viện C Đà Nẵng. Chị khoe, gia đình vẫn luôn động viên, nhất là các con hay bảo “mẹ cố gắng lên, đừng lo lắng, cứ làm tốt nhiệm vụ rồi về với con”. Cũng như chị Nhẫn, chị Thảo, chị Ngân đón Tết tại chỗ với những đồng nghiệp là bác sĩ, điều dưỡng… trên toàn thành phố đổ về. Họ, khác nhau ở nơi làm việc, quê quán, tuổi tác nhưng cùng chung trách nhiệm đẩy lùi Covid-19 trong 2 năm qua…
Những câu chuyện đẹp, những hình ảnh xúc động về những bác sĩ, nhân viên y tế đang ngày đêm thầm lặng làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người bệnh, nhất là người bệnh mắc Covid-19, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, đức hy sinh, sự cống hiến và lòng quả cảm của người thầy thuốc.