Em Nguyễn Khải Trường, học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu) được gia đình cho đi học bơi ở CLB bơi DAT, số 36 Trần Phú. Sau thời gian đầu bỡ ngỡ với nước, cậu học trò 7 tuổi tỏ ra quen dần với những động tác bơi cơ bản. Anh Nguyễn Thành, bố của Khải Trường hào hứng chia sẻ: “Cháu đã có thời gian ở nhà khá lâu trong hai năm ảnh hưởng Covid-19, việc học tập và vui chơi bị gián đoạn. Vì vậy ngay đầu hè, gia đình quyết định cho cháu đi học bơi. Môn này vừa giúp con em mình có sức khỏe, có kỹ năng bơi lội cơ bản, hoạt bát hơn hẳn so với việc sa đà vào chơi game”.
Khải Trường là một học viên nhí của lớp bơi trẻ em 6-15 tuổi tại CLB bơi DAT. Tại đây, vào tất cả các ngày trong tuần, đơn vị tổ chức 2 buổi bơi sáng (từ 5 giờ 30) - chiều (từ 14 giờ), trong đó có lớp cho dành cho trẻ em từ 6 tháng tuổi - 15 tuổi. Các em được học bơi từ cơ bản đến nâng cao với các kiểu bơi: Bơi chống đuối nước, bơi trườn sấp, bơi ếch, bơi bướm, cách đứng nước…
|
Bảo tàng Đà Nẵng những ngày đầu hè rộn ràng không khí tham quan từ những đoàn khách, trong đó không thể thiếu những du khách nhí. Có em đi cùng gia đình, có em đi cùng trường, cùng lớp như một hoạt động ngoại khóa. Dưới sự hướng dẫn tham quan của cán bộ bảo tàng, các em được tìm hiểu những chuyên đề cụ thể dựa trên nội dung trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng. Trong đó, bảo tàng dành riêng hai chuyên đề giới thiệu cho học sinh về truyền thống cách mạng của Đà Nẵng, trong hai cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860) và chống Mỹ (1965-1975)…
Dẫn theo “đàn con nhỏ” là những học trò tại Trung tâm Anh ngữ Open World, cô Đỗ Bảo Ngân, Giám đốc Trung tâm cho hay: “Đây là hoạt động ngoại khóa mùa hè ý nghĩa và thiết thực cho các em nhỏ. Các em có một ngày nghỉ hè bổ ích khi được tham quan, tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc”. Theo ông Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục - truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng, đơn vị này nỗ lực tiếp tục xây dựng các chương trình nhằm đa dạng hóa hoạt động và đẩy mạnh công tác truyền thông mạng xã hội nhằm kết nối và đưa hình ảnh bảo tàng đến gần hơn với công chúng. Trong đó mong muốn mang đến những trải nghiệm thú vị, nâng tầm hiểu biết về văn hóa, lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ nói riêng và khách tham quan nói chung.
Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Chào hè 2022” với đa dạng các hoạt động kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng 8-2022. Các em nhỏ sẽ được hóa thân, thử sức mình ở nhiều ngành nghề khác nhau như: “Thuyết minh viên”, “Thương gia nhí”, “Nhà khảo cổ học”, “Người thợ nhí”… và còn được tự tay trải nghiệm, khám phá các hoạt động mới mẻ, thú vị.
Mới đây, Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tổ chức chương trình “Học kỳ trong quân đội” năm 2022 tại Trung đoàn Bộ binh 971 với sự tham gia của 140 học viên đến từ các trường THPT, THCS trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Hào hứng xếp hàng cùng tiểu đội trước giờ lên xe “nhập ngũ”, em Võ Văn Truyền (14 tuổi) chia sẻ: “Em chưa biết gì về môi trường trong quân đội, chỉ thấy qua tivi. Em mong những ngày trong quân đội sẽ là những ngày hè bổ ích, đặc biệt với em và các bạn”.
Từ ngày 18-6 đến 1-7 tại Trung đoàn Bộ binh 971, Truyền và các “chiến sĩ nhí” khác được huấn luyện điều lệnh quân đội, làm quen với một số vũ khí thông thường, được học nhiều kỹ năng như: sinh hoạt tập thể; phòng cháy và chữa cháy; làm việc nhóm; giao tiếp; tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; trải nghiệm sinh hoạt cùng người dân ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang).
Theo Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Nguyễn Bá Duân, chương trình được tổ chức dành cho thanh, thiếu niên từ 12-16 tuổi. “Đây là hoạt động rèn luyện ý nghĩa giúp các em trải nghiệm thực tế trong môi trường quân đội. Tham gia chương trình, thanh, thiếu niên được đào tạo, huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội, các nội dung hoạt động giáo dục về quân đội, qua đó, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm đối với xã hội và gia đình, góp phần định hướng nhân cách cho các em”, anh Nguyễn Bá Duân chia sẻ.
Phát biểu tại Chương trình gặp mặt trẻ em thành phố năm 2022 do HĐND thành phố tổ chức ngày 24-6, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố luôn dành sự quan tâm đến trẻ em; UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các sở, ngành làm việc với tinh thần và trách nhiệm cao nhất để chăm lo cho các em đầy đủ nhất với khả năng và nguồn lực của thành phố.
Với tinh thần trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết: “Trong những năm qua, thành phố có nhiều chính sách đột phá, toàn diện, phát triển nhanh chóng trên mọi lĩnh vực. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội cùng những đổi thay nhanh chóng của thành phố đã tác động tích cực đến việc thực hiện chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Thành phố đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và lồng ghép trong các hoạt động an sinh xã hội đã tạo điều kiện cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được bảo đảm các quyền và lợi ích theo luật định, được tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin, vui chơi, giải trí…”.
Bên cạnh những chính sách nhân văn vì trẻ em, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố đã có những cách làm sáng tạo để bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đơn cử, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục duy trì mô hình điểm Công tác xã hội tại huyện Hòa Vang và quận Hải Châu; triển khai các hoạt động hỗ trợ tham gia Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em do tổ chức UNICEF tài trợ; dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng” tại 3 quận: Hải Châu, Sơn Trà và Cẩm Lệ; dự án “Xây dựng năng lực và duy trì bền vững mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật trẻ em từ 0-6 tuổi” tại quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn do tổ chức VietHealth tài trợ...
Thông qua các hình thức vận động trực tiếp các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và thực hiện các chương trình, dự án của Tổ chức Cứu tế Thế giới - Úc (AOGWR), Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố đã triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho hơn 22.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng (trong đó tiếp nhận thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam với hơn 760 triệu đồng).
Năm qua, Trung tâm Công tác xã hội cũng đã tiếp nhận và tư vấn, tham vấn cho 24 trường hợp (trong đó có trẻ gặp khó khăn về giao tiếp, trí tuệ, tăng động...). “Các hoạt động tư vấn, tham vấn và can thiệp, trị liệu được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và kết nối được tập trung chú trọng, góp phần vào việc xây dựng môi trường thân thiện, an toàn cho trẻ em và thanh, thiếu niên được phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần”, ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội cho biết.
Trong năm qua, Thành Đoàn thành lập Hội đồng trẻ em cấp cơ sở tại 6 quận, huyện và triển khai thí điểm tại 2 xã Hòa Phú và Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (hiện có 372 em là thành viên Hội đồng trẻ em các cấp) và tổ chức các kỳ họp Hội đồng trẻ em; các hội thảo tham vấn ý kiến trẻ em về các vấn đề liên quan đến trẻ em; phối hợp với tổ chức UNICEF tổ chức hội thi tranh biện “Thanh thiếu nhi Đà Nẵng tham gia xây dựng thành phố thân thiện, lành mạnh với trẻ em”…
Mới đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố công bố website Bảo vệ trẻ em, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội và Ứng dụng di động dành cho trẻ em và thanh, thiếu niên tại Đà Nẵng. Chương trình do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hợp tác với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cùng thực hiện. Website “Baovetreemdanang.vn” và Ứng dụng di động “Tre em DaNang” là kênh để trẻ và gia đình có thể truy cập để được chia sẻ, tư vấn và hỗ trợ kịp thời khi gặp các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em, chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cho trẻ em và thanh, thiếu niên trên địa bàn thành phố.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng Lê Văn Minh cho biết: “Website và ứng dụng này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận của trẻ em đến các dịch vụ hỗ trợ. Hoạt động này nhằm giúp trẻ em và thanh, thiếu niên thành phố tiếp cận được các kênh hỗ trợ thân thiện về phòng chống bạo lực trẻ em, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội, đồng thời thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và thanh, thiếu niên tại Đà Nẵng trên nền tảng công nghệ số”.
Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, sự tham gia tích cực của toàn xã hội với nhiều cách làm sáng tạo, cùng với sự hỗ trợ có hiệu quả của các tổ chức quốc tế, nhiều trẻ em đã được hưởng các quyền cơ bản của mình, được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tốt hơn.