.

 

 

Hàng nghìn nhà ở của người có công với cách mạng trên địa bàn được thành phố hỗ trợ sửa chữa, xây mới, góp phần cải thiện cuộc sống, điều kiện sinh hoạt của các gia đình chính sách.

Ông Nguyễn Ngọc Lĩnh (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) là thương binh hạng 4/4, đang thờ cúng 5 liệt sĩ. Vợ ông Lĩnh là nạn nhân chất độc da cam. Trong căn nhà khang trang vừa được địa phương hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa chữa, ông Lĩnh cho biết không còn lo lắng khi đến mùa mưa bão. “Địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí kịp thời, chúng tôi vay mượn thêm để sửa nhà. Giờ thì đã có chỗ thờ khang trang, không còn lo bị dột ướt nữa”, ông Lĩnh chia sẻ.

 

Tại quận Ngũ Hành Sơn, công tác "Đền ơn đáp nghĩa" được địa phương rất quan tâm. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền quận luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng".

Gia đình bà Dương Thị Xuân, 97 tuổi, vợ liệt sĩ Lê Văn Minh, ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Bà Xuân sống cùng các con trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp. Mới đây, gia đình bà được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây lại căn nhà mới khang trang, chắc chắn. Bà bảo, tuổi già ăn không bao nhiêu nhưng có chỗ ở ổn định, có chỗ thờ chồng tươm tất là bà mãn nguyện rồi.

Ông Mai Xuân Linh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Ngũ Hành Sơn cho biết, thời gian qua, địa phương luôn chú trọng việc chăm lo cho gia đình có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ… Đến nay, trên địa bàn quận có hơn 5.200 lượt người có công và thân nhân người có công với cách mạng được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Nhà nước với kinh phí chi trả trợ cấp thường xuyên hằng tháng hơn 4,5 tỷ đồng.

Công tác hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công được quan tâm thực hiện xuyên suốt. Quận đã triển khai sửa chữa và xây mới 1.046 nhà người có công với tổng kinh phí hơn 47,6 tỷ đồng. Riêng năm 2022, quận đã xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 41 hộ người có công với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các hộ có công cách mạng có nhà ở khang trang, kiên cố để thờ cúng liệt sĩ.

 

Những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” và ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa”… nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng và đều khắp của toàn dân.

Bằng những việc làm thiết thực, có hiệu quả như: nhận phụng dưỡng và chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi các gia đình chính sách, thăm chiến trường xưa, tìm địa chỉ đỏ, tổ chức gặp mặt cán bộ ngành là thương binh, cựu chiến binh, gặp mặt con em gia đình thương binh - liệt sĩ nhân dịp 27-7…, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia và có trách nhiệm thể hiện sự quan tâm đối với công tác người có công với tấm lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh…

Thành phố đã ban hành bổ sung nhiều chế độ chính sách đặc thù phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội và triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công cách mạng đúng đối tượng, kịp thời, đầy đủ theo quy định pháp luật. Ngoài Nghị quyết số 19/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố quyết định chính sách trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với người có công với cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, thành phố đã ban hành thêm một số chính sách đặc thù riêng.

 

Điển hình như Nghị quyết của HĐND thành phố quy định về chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người có công với cách mạng đang phụng dưỡng tại Trung tâm Phụng dưỡng Người có công cách mạng và chính sách hỗ trợ đối với bộ đội phục viên, xuất ngũ bị bệnh tâm thần tại cộng đồng; Nghị quyết 245/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố quy định về chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đối với đối tượng người có công với cách mạng và chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo không còn sức lao động trên địa bàn thành phố…

Hiện nay, tổng nguồn lực đầu tư từ ngân sách thành phố khá lớn với hơn 60 tỷ đồng/năm cho hơn 50.000 lượt người thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đặc thù này đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo thành phố, qua đó góp phần từng bước nâng cao mức sống gia đình chính sách và bảo đảm an sinh xã hội cho thành phố.

Để tạo thuận lợi trong việc làm thủ tục đối với gia đình chính sách, UBND thành phố đã ban hành bộ thủ tục hành chính giải quyết chính sách đối với người có công với cách mạng. Hằng năm tổ chức rà soát để sửa đổi, bổ sung phù hợp. Bộ thủ tục hành chính hiện nay có 19 đầu việc liên quan đến người có công với cách mạng được thực hiện theo quy trình liên thông từ cấp phường, xã đến quận, huyện và thành phố với thời gian giải quyết được rút ngắn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu của người có công với cách mạng.

 

Công tác quản lý đối tượng, quản lý tài chính ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện số hóa hơn 63.000 hồ sơ người có công, xây dựng phần mềm quản lý danh sách các liệt sĩ… Thông qua hồ sơ số hóa, các chương trình phần mềm quản lý, công tác quản lý đối tượng có công cách mạng ngày càng chặt chẽ, việc thực hiện chế độ bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời.

Công tác chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, tổ chức tham quan cho người có công với cách mạng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Ngoài nhận hỗ trợ mỗi tháng 1-1,5 triệu đồng cho một số nhóm người có công, theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi, người có công còn được hưởng chế độ điều dưỡng tại nhà, điều dưỡng luân phiên hằng năm và được cấp dụng cụ chỉnh hình, trang thiết bị phục hồi chức năng.

Bên cạnh đó, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thành phố và các quận, huyện cũng hỗ trợ thêm kinh phí để tạo điều kiện cho người có công còn đủ sức khỏe đi tham quan và điều dưỡng ở các khu du lịch, nghỉ mát và thăm các danh lam thắng cảnh khu, di tích lịch sử và thăm chiến trường xưa, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang đường 9 ở tỉnh Quảng Trị…

Thành phố Đà Nẵng hiện có 20 nghĩa trang liệt sĩ, an táng 9.400 mộ liệt sĩ. Nhiều năm qua, việc nâng cấp, tôn tạo và chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Đến nay, thành phố đã hoàn thành nâng cấp 9.400 mộ, đồng thời đầu tư nâng cấp và hoàn thiện các hạng mục khác như: tượng đài, nhà bia ghi tên liệt sĩ, tường rào, cổng ngõ, vườn hoa, cây cảnh… với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng.

Nhiều địa phương tiếp tục đầu tư mở rộng, xây dựng nhà bia ghi danh Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tháp chuông để nghĩa trang liệt sĩ trở thành công trình tâm linh, ghi công các anh hùng liệt sĩ, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ hôm nay.

 

Hội Cựu chiến binh, Thành Đoàn và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện kế hoạch liên tịch thường xuyên từ 10 năm nay đó là tổ chức thắp nến tri ân các nghĩa trang liệt sĩ vào ngày rằm và đêm 30 âm lịch hằng tháng. Đoàn viên thanh niên và Hội viên Hội Cựu chiến binh tổ chức chăm sóc nghĩa trang, trồng cây xanh và tổ chức những buổi kể chuyện về các gương anh hùng liệt sĩ ngay tại nghĩa trang liệt sĩ các địa phương, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm, các đơn vị cùng phối hợp tổ chức lễ dâng hương, thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ các phường, xã và Nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Ngoài ra, Thành Đoàn còn tổ chức tuyên truyền ca khúc cách mạng và đã trở thành những hoạt động tri ân thật sự sâu sắc.

 

Nhiều mô hình triển khai thực hiện hiệu quả, mang lại ý nghĩa. Tiêu biểu như mô hình “Chúng con luôn bên Mẹ” do tuổi trẻ quận Ngũ Hành Sơn thực hiện. Mô hình đã nhận chăm sóc, phụng dưỡng 8 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn phường Hòa Hải và Hòa Quý.

Đón các đoàn viên đến thăm vào một ngày giữa tháng 7-2022, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Nhờ, phường Hòa Hải không khỏi xúc động. Mẹ bảo có các con đến, mẹ không còn thấy trống trải nữa và muốn kể cho các con nghe chuyện ngày trước đồng thời dặn các con cố gắng hơn nữa trong học tập và công tác để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Đến thăm mẹ, các bạn đoàn viên cùng nhau quây quần, kể cho mẹ nghe những câu chuyện hay tự tay cắm lọ hoa, đơm dĩa trái cây và chuẩn bị các món ăn thắp nén nhang cho các anh hùng liệt sĩ.

 

Việc ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa” đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao. Hằng năm, vào tháng 7 - Tháng Đền ơn đáp nghĩa, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước và cả doanh nghiệp ngoài công lập đều tình nguyện trích một ngày lương để ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.

Nguồn quỹ này dành cho việc tu sửa, chỉnh trang, chăm sóc và dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ; sửa chữa nhà ở và trợ cấp khó khăn đột xuất cho gia đình người có công, Hội viên Hội tù yêu nước gặp khó khăn do đau ốm thường xuyên và mắc bệnh hiểm nghèo. Tổng nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa toàn thành phố vận động trong 25 năm qua là 192 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

 

;
;
.