Người dân đến giờ vẫn không thể quên vào ngày 13-10, mưa lớn không ngừng trút xuống khiến “rốn lũ” K161 Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) nhanh chóng ngập sâu. Càng về tối, nước càng lên cao, nhiều khu vực ngập sâu 1,5-2 m.
Ngay trong đêm, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang được huy động đến tuyến đường Mẹ Suốt trắng đêm đội mưa, lội nước hỗ trợ người dân di dời đồ đạc, kê cao tài sản.
Nhiều trường hợp bị mắc kẹt do nước lớn được cán bộ, chiến sĩ kịp thời tiếp cận, sơ tán đến nơi an toàn.
Tờ mờ sáng 14-10, nhận tin báo có nhiều người mắc kẹt gặp nguy hiểm tại K161 đường Mẹ Suốt, lực lượng cứu hộ cứu nạn gồm Công an phường Hòa Khánh Nam, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an quận Liên Chiểu) nhanh chóng tiếp cận hiện trường.
Trong đêm tối mịt mờ và đèn pin chập chờn, các chiến sĩ sử dụng phao tròn, áo phao, dây thừng vượt dòng nước xiết vào từng nhà dân di chuyển mọi người ra nơi an toàn.
Sau hơn 1,5 giờ, lực lượng chức năng đã giải cứu thành công 12 người, gồm 2 người già, 9 em nhỏ và 1 phụ nữ đưa về UBND phường Hòa Khánh Nam tá túc.
Kể lại sự việc, Đại tá Lê Thọ, Phó trưởng Công an quận Liên Chiểu cho biết, thời điểm cứu hộ là đêm tối, mất điện, nước lớn chảy siết, nhiều đoạn ngập sâu đến 2,2 m nhưng với quyết tâm bảo toàn tính mạng cho nhân dân, lực lượng cứu hộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Không chỉ có lực lượng chức năng, trong đêm ấy nhiều hội, nhóm, cá nhân cũng đi vào “rốn lũ” giúp dân. Từ những dòng tin cầu cứu được chia sẻ trên mạng xã hội, anh Hồ Ngọc Thanh, Chủ nhiệm CLB Chuyến xe Vạn tình 0 đồng huy động anh em bạn bè cùng hướng về “rốn lũ”.
Đi cùng anh Thanh có các thành viên Đội SOS Đà Nẵng, anh Trần Vũ (quận Hải Châu) và nhiều người hùng khác. Ngay trong đêm tối, anh Thanh lái chiếc xe bán tải chất đầy xuồng hơi, áo phao tiến về tâm lũ.
Đến nơi, mặc kệ con nước mỗi lúc một lớn, các anh dò dẫm từng bước trong đêm tối, len lỏi vào từng kiệt đưa những người dân đang gặp nguy hiểm ra ngoài.
Trong đó phải kể đến những trường hợp như: giải cứu gia đình 9 người tại K176 Mẹ Suốt khỏi dòng nước dữ, giúp 1 em học sinh lạc đường về nhà, đưa thành công 3 mẹ con chị Trần Thị Thu (35 tuổi, trú K163/40 Mẹ Suốt) đến nơi an toàn.
Ngay trong những ngày mưa ngập trên địa bàn thành phố, lãnh đạo thành phố đã lập tức có mặt tại các điểm ngập, chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương chủ động, tích cực hỗ trợ giúp dân di chuyển đồ đạc, bảo đảm an toàn cho người, tài sản tại các vùng bị ngập, đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh…đến kiểm tra, chỉ đạo ứng phó áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, sạt lở đất... tại các khu vực trên địa bàn các quận và huyện Hòa Vang.
Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai lực lượng tiếp cận địa bàn và kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ, di chuyển người dân ở những khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao.
Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố liên tục lội nước mang theo phao cứu sinh đi vào các ngõ, hẻm sâu và khu vực thấp trũng tiếp cận từng nhà để hỗ trợ người dân kê cao đồ đạc, di chuyển người già, phụ nữ, trẻ em đến nơi an toàn...
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, cùng với việc triển khai hiệu quả các các kế hoạch, cán bộ, chiến sĩ tiếp tục tích cực phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng ứng cứu, hỗ trợ nhân dân vùng ngập úng do mưa lũ.
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chỉ đạo các đơn vị trong lực lượng vũ trang thành phố phân công cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại các điểm công cộng để sớm đưa cuộc sống trở lại hoạt động bình thường trong thời gian sớm nhất.
Công an thành phố đã huy động 100% quân số ứng trực, tập trung nhiệm vụ hỗ trợ di dời dân và cứu nạn, cứu hộ vùng xung yếu. Đặc biệt tập trung quân số ở những khu có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất.
Công an 7 quận, huyện và 56 phường, xã bám địa bàn cơ sở, xuống tận những vùng trũng thấp hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân di chuyển tài sản và con người đến nơi an toàn.
Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố chủ động chỉ đạo các đồn, trạm, Hải đội biên phòng 2 và Trung đội thường trực cứu nạn cử hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện và dụng cụ cần thiết kịp thời có mặt tại điểm xung yếu, khẩn trương sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, trong đêm 13 và ngày 14-10, lực lượng vũ trang và các địa phương, đơn vị đã triển khai hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân kê cao tài sản, di dời 1.941 hộ gia đình với hơn 5.693 người trên địa bàn các quận: Liên Chiểu, Thanh Khê và huyện Hòa Vang ra khỏi vùng ngập lụt.
Riêng tại “rốn lũ” trên tuyến đường Mẹ Suốt, các lực lượng đã di dời 1.700 hộ với hơn 5.110 người dân đến nơi an toàn. Sau khi sơ tán, người dân được cung cấp lương khô, bánh mỳ, nước uống chu đáo, đầy đủ.
Nhớ lại đêm ấy, với em Nguyễn Thị Thảo Nhi (sinh viên năm 3 Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), kỷ niệm về tình người trong ngày chạy lụt có lẽ sẽ mãi khắc sâu. Nhi kể, chiều 13-10, khi nhìn thấy mực nước đang ngày càng dâng cao, em vội ôm chiếc balo chứa tài sản quan trọng cùng 3 bạn khác dìu nhau vượt khỏi dòng nước lũ đang ào ạt tràn vào khu trọ. Cả nhóm đến “tá túc” tại trường học và một quán cà phê mở cửa xuyên đêm trên đường Phạm Như Xương (phường Hòa Khánh Nam).
Đến chiều 14-10, khu trọ vẫn ngập trong biển nước. Không biết đi đâu về đâu, một thành viên trong nhóm đăng thông tin cần giúp đỡ về chỗ ở lên mạng xã hội. Ngay lập tức, nhiều cánh tay đã chìa ra giúp đỡ, trong đó có anh Phan Xuân Phúc (Trưởng CLB Máu nóng Ban Mai Xanh).
Sau cuộc điện thoại, nhóm Nhi được anh Phúc hướng dẫn đến trú tại Trường Mầm non Cô Tiên Xanh (đường Tôn Đức Thắng, phường Hòa Khánh Nam). Giây phút đó, Nhi và cả nhóm mừng rỡ như vừa tìm được phao cứu sinh. Những ngày sau đó, 4 thành viên trong nhóm có nơi ở an toàn và ấm áp, có thể sử dụng bếp của trường để nấu ăn.
Câu chuyện về tình người trong mưa lũ đâu chỉ có giúp nhau về chỗ ở mà còn là những bữa ăn ấm lòng ngày mưa gió. Suốt những ngày ngập lụt ấy, không ai bảo ai, những bếp ăn miễn phí liên tục “đỏ lửa” nấu những phần cơm, cháo, bún, mỳ ấm lòng gửi đến bà con vùng lụt. Sau đó, chúng tôi có mặt tại điểm nấu ăn của Chi hội phụ nữ 7 Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam). Từ sáng sớm, các chị tất bật sơ chế nguyên liệu để nấu 200 suất cơm cho người dân tại tổ 42 - một trong những điểm ngập sâu của phường.
Bà Phạm Thị Tuyết, Chi hội phó Chi hội phụ nữ 7 Đà Sơn cho hay, khi chi hội có kế hoạch nấu ăn, chị em ai cũng xung phong tham gia. Có người tạm nghỉ bán một ngày để lấy quán làm nơi nấu ăn. Có người dù bận công việc nhưng rảnh chút thời gian là tranh thủ chạy đến phụ để mong có cơm sớm cho bà con.
Sau khi nấu xong, dưới cơn mưa rả rích, các chị len lỏi qua những con đường nhỏ hẹp mang cơm đến từng nhà. Nghe tiếng gọi của các chị, bà Lê Thị Thừa (tổ 42) vội ra nhận cơm. Nâng niu hộp cơm nóng hổi, bà rất xúc động.
Thống kê sơ bộ, liên tiếp trong các ngày từ 14 đến 18-10, các đơn vị đã hỗ trợ hàng nghìn suất ăn, nước uống, sữa đến bà con vùng lũ. Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Khánh Nam và các chi hội khu dân cư hỗ trợ hơn 3.045 suất ăn; Đoàn Thanh niên phường Hòa Khánh Nam và các chi đoàn khu dân cư hỗ trợ hơn 700 suất ăn cho người dân.
Sau mưa lũ, nướt rút dần, 22 thành viên thường trực của Đội SOS sinh viên Đại học Đông Á (Đội SOS) nhanh chóng tiến về “rốn lũ” Mẹ Suốt để sửa xe miễn phí cho người dân.
Anh Lê Đình Lượng, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Đông Á cho biết, đây là năm thứ 2 liên tiếp đội tham gia sửa chữa xe máy giúp bà con và sinh viên sau mưa lũ. Các thành viên trong đội chủ yếu là những sinh viên thuộc khối kỹ thuật nên có kiến thức và kinh nghiệm sửa xe.
Mang chiếc xe máy bị ngập nước đến điểm sửa, ông Nguyễn Quang Minh (tổ 37) cho biết, nhà ông có tới 4 chiếc xe bị ngập nước. Khi hay tin có đội sinh viên đến sửa miễn phí, ông mừng vì vừa tiết kiệm được một phần chi phí, vừa đỡ tốn thời gian mang xe đến tiệm sửa.
Dù cả trọ và xe đều bị ngập lụt nhưng sau khi nước rút, nhận được thông báo ra quân hỗ trợ sửa xe cho người dân vùng lũ, Nguyễn Văn Tú (thành viên của Đội SOS) liền xung phong cùng các anh em lên đường hỗ trợ bà con.
Sau 2 ngày liên tiếp túc trực tại “rốn lũ”, Đội SOS đã sửa miễn phí khoảng 150 chiếc xe, giúp người dân và sinh viên có phương tiện đi lại; tạo sự gắn kết, tinh thần sẻ chia, giúp đỡ nhau trong lúc gian nan.
Trong khi đó, Thành đoàn chỉ đạo 56 đội hình “Thanh niên tình nguyện ứng phó với các tình huống mưa bão” tại các phường, xã đồng loạt ra quân hỗ trợ chính quyền địa phương, người dân. Không chỉ tham gia sơ tán dân, kê cao tài sản khi nước lũ lên cao, màu áo xanh thanh niên cũng phủ khắp các khu dân cư sau khi lũ rút. Họ tham gia cùng các lực lượng hỗ trợ những trường hợp đơn thân, người già neo đơn dọn dẹp nhà cửa sau cơn lũ; đến các cống thoát nước để thu gom rác thải, khơi thông dòng chảy; cào dọn bùn đất vùi lấp tại các tuyến đường, chợ dân sinh để các hoạt động sớm trở lại bình thường.
Bên cạnh đó, Tổ xung kích xử lý ngập lụt phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) phối hợp cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Sông Hàn (Đồn Biên phòng Sơn Trà) tổ chức ra quân dọn rác, lá cây, vật dụng, khơi thông miệng cống, cửa thu nước các tuyến đường nhằm ứng phó với tình hình ngập cục bộ do mưa lớn kéo dài.
Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân, cùng các lực lượng tình nguyện tại địa phương, cơn lũ đã qua đi với thiệt hại được giảm thiểu đáng kể. Chính tình người, sự sẻ chia, giúp đỡ, đùm bọc nhau trong thiên tai, hoạn nạn đã dìu người dân đi qua cơn lũ, giúp họ nhanh chóng quay trở lại với cuộc sống thường ngày.