.

 

 

Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những vướng mắc về cơ chế, với tinh thần dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung, được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền, thành phố Đà Nẵng đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 - sự sửa đổi, bổ sung với nhiều cơ chế đặc thù mang tính vượt trội mà các cơ quan Trung ương đều khẳng định “hết sức cần thiết”.

Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW nêu rõ: “Rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách Quốc hội đã ban hành để sửa đổi, hoàn thiện ,đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố; bảo đảm tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải quyết các vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân sách.

 

Trước mắt, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để xây dựng thí điểm khu thương mại tự do; trung tâm tài chính quy mô khu vực; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...”.

Ngày 31-5, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết số 119/2020/QH14 đang chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa.

Do đó, cần có thêm các cơ chế, chính sách đặc thù mới để hỗ trợ thúc đẩy phát triển thành phố nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 của Bộ Chính trị.

 

Về mục tiêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, xây dựng nghị quyết này nhằm thực hiện chính quyền đô thị và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 và tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

 

Trước đó, khi chủ trì cuộc họp ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14, Bộ Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những chính sách đặc thù, đặc biệt là 5 chính sách mới (trong 30 chính sách) phải thực sự vượt trội, đặc thù, đi trước một bước.

Theo bộ trưởng, các chính sách đề xuất mới phải bảo đảm chặt chẽ, khả thi, thuyết phục; các chính sách không quan trọng về số lượng, mà cần phải xác đáng, thực sự là một điểm nhấn "tháo ngòi nổ" để đưa thành phố "bùng lên phát triển mạnh mẽ".

"Các chính sách không giới hạn nhiều hay ít mà quan trọng là phải trúng và đúng, thực sự cần thiết và tháo gỡ được vướng mắc, giúp địa phương có thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, thực hiện các mục tiêu, định hướng, quy hoạch để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn", bộ trưởng nói.

 

Thẩm tra dự thảo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, qua tổng kết Nghị quyết số 43-NQ/TW và quá trình thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 cho thấy, các quy định hiện hành chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Do vậy, cần sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo tiền đề cho sự phát triển của Đà Nẵng thời gian tới. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 là đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và đúng thẩm quyền. Hồ sơ dự thảo nghị quyết đã cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Trần Thị Thanh Tâm cho biết, kể từ khi bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng dự thảo nghị quyết, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng xác định tinh thần quyết tâm nỗ lực hết sức với mong muốn tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, có được những cơ chế, chính sách đặc thù mới nhằm tạo dựng một tiền đề mới cho thành phố tăng tốc phát triển.

Chính điều này đã thôi thúc và cũng là động lực rất lớn để đội ngũ lãnh đạo thành phố quyết tâm xây dựng và hoàn thành dự thảo nghị quyết trong thời gian chỉ 6 tháng.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Miền Trung - Tây Nguyên đánh giá, việc Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng được xem là “tấm áo mới” tạo động lực phát triển mới cho thành phố trong giai đoạn tới.

 

“Đây là điều hết sức cần thiết, bởi nếu không có cơ chế chính sách mới, đột phá, vượt trội mà chỉ dựa vào cơ chế, không gian phát triển như hiện tại thì thành phố khó mà tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, với việc hình thành khu thương mại tự do gắn với những lợi thế về ví trí, hạ tầng nói chung thì không gian phát triển kinh tế rộng mở hơn.

Đà Nẵng sẽ trở thành địa phương có độ mở cao trong giao thương, đầu tư với các nước trong khu vực và thế giới. Khu thương mại tự do sẽ giúp Đà Nẵng phát huy hết lợi thế so với các địa phương khác trong khu vực, khắc phục một trong những bất lợi của Đà Nẵng là diện tích tự nhiên nhỏ, quy mô dân số không lớn…và bị hạn chế bởi cơ chế, phát triển kinh tế trong địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố’, ông Nguyễn Tiến Quang phân tích.

 

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, khi thảo luận về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14, nhiều đại biểu đều tán đồng và nhất trí cao, bởi tạo cơ chế đặc thù, động lực mới cho Đà Nẵng tiếp tục phát triển là một nhiệm vụ rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới không chỉ người dân Đà Nẵng mà còn với cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Việc cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để Đà Nẵng chủ động vận động bứt phá, tăng tốc trong phát triển, xứng đáng là đầu tàu của khu vực miền Trung là hết sức cần thiết.

 

Chủ trì thảo luận ở tổ 11 về dự thảo nghị quyết này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng cho biết, Đà Nẵng định hướng vào phát triển xanh, phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa khọc công nghệ và đổi mới sáng tạo...; đây là những động lực mới cho tăng trưởng của thành phố.

Trong 30 chính sách của dự thảo nghị quyết, có 5 chính sách mới, trong đó có 2 chính sách đáng quan tâm được thành phố Đà Nẵng mạnh dạn đề xuất, được Bộ Chính trị đồng ý.

 

Thứ nhất, thí điểm thành lập khu thương mại tự do. Đây là một trong những đột phá, thể hiện tinh thần "dám nghĩ dám làm" của Đà Nẵng trong việc thử nghiệm một mô hình mà được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ và thực tiễn ở Việt Nam.

Thứ hai, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, một trong những điểm mới so với nhiều chính sách của các địa phương khác; trong đó Đà Nẵng sẽ thu hút nguồn lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, thành phố không dựa vào nguồn lực Trung ương mà sẽ xây dựng chính sách để tăng tính tự chủ và huy động nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 nhằm đạt mục tiêu các nghị quyết của Trung ương đã đề ra; góp phần tăng cường nguồn lực tài chính, cơ chế tự chủ và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là thành phố cảng biển, đô thị quốc tế, phát triển không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà thúc đẩy lan tỏa phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

 

Nội dung: THẢO NHI – MAI QUẾ

Thiết kế: THANH HUYỀN 

 

;
;
.