Từ quý 4-2023 đến nay, thành phố Đà Nẵng triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn gắn với trí tuệ nhân tạo (AI).
Ngày 10-10-2023, thành phố tổ chức hội thảo về giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Đà Nẵng.
Ngay sau đó, tháng 11-2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng dẫn đầu đoàn công tác thành phố đến Hoa Kỳ làm việc với các tập đoàn hàng đầu của nước này về thiết kế vi mạch bán dẫn như: Synopsys, Nvidia, Marvell, Intel…
Trong khuôn khổ sự kiện APEC 2023 tại Hoa Kỳ, UBND thành phố Đà Nẵng đã ký bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến phát triển lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn thành phố trong thời gian tới với Tập đoàn Synopsys.
Để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nói chung và lĩnh vực vi mạch bán dẫn nói riêng, thành phố tổ chức sự kiện “Meet Danang - Gặp gỡ Đà Nẵng 2024” ngay từ những ngày đầu năm. Trong khuôn khổ sự kiện, Đà Nẵng ra mắt Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC), trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông và đi vào hoạt động vào ngày 26-1-2024.
Trung tâm có 3 chức năng chính là đào tạo, bồi dưỡng thiết kế vi mạch bán dẫn và AI; hỗ trợ thu hút đầu tư vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thúc đẩy nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và AI.
Cuối tháng 2-2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh dẫn đầu đoàn công tác thành phố đến Hoa Kỳ, làm việc với Tập đoàn Qualcomm, Công ty bán dẫn ARM, Ampere…Trong chuyến công tác, DSAC phối hợp với chính quyền bang Oregon và Đại học Portland tổ chức hội thảo đầu tư vào Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI.
Từ sau các chuyến công tác của lãnh đạo thành phố, nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ đánh giá khả quan tiềm năng, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, AI của Đà Nẵng; tiến hành khảo sát môi trường đầu tư và chuẩn bị các điều kiện để hợp tác đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực tại thành phố.
Ngay từ những ngày đầu năm 2024, hai tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ trên lĩnh vực vi mạch bán dẫn là Qualcomm và Marvell có chuyến đi khảo sát, tham quan thực địa và làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Cả hai tập đoàn đều có những buổi trao đổi để tìm hiểu môi trường, cơ hội hợp tác, đầu tư, đào tạo về vi mạch bán dẫn.
Đặc biệt, vào cuối tháng 4-2024, đoàn công tác của Tập đoàn Nvidia (Hoa Kỳ) tại Đà Nẵng do Phó Chủ tịch Tập đoàn Keith Strier dẫn đầu đã có chuyến thăm Đà Nẵng trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 của tập đoàn trong vòng 4 tháng. Đoàn công tác của Nvidia làm việc với các cơ quan, đơn vị, tìm hiểu và khảo sát các điều kiện về đầu tư tại Đà Nẵng.
Cùng với các chuyến thăm làm việc của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Qualcomm, Marvell, Nvidia, Đà Nẵng đã tiếp đón và làm việc với 22 tập đoàn, công ty lớn về vi mạch, bán dẫn, AI trong 5 tháng đầu năm 2024.
Giữa tháng 5-2024, Tập đoàn Marvell (Hoa Kỳ) quyết định mở văn phòng thiết kế chip tại Đà Nẵng. Đây là văn phòng thứ 3 của Trung tâm thiết kế vi mạch Marvell tại Việt Nam, sau hai văn phòng ở thành phố Hồ Chí Minh. Việc mở văn phòng tại Đà Nẵng giúp tập đoàn mở rộng mạng lưới hoạt động, hướng tới mục tiêu phát triển trung tâm thiết kế vi mạch đẳng cấp thế giới ngay tại Việt Nam.
Đây là kết quả cụ thể sau chuyến thăm, tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đà Nẵng vào tháng 1-2024 của lãnh đạo tập đoàn với chính quyền thành phố, các trường đại học.
Ngay sau đó, ngày 30-5, Công ty TNHH Synopsys Việt Nam khai trương văn phòng mới tại Đà Nẵng với diện tích sử dụng 2.800m2, bố trí khoảng 280 chỗ làm việc. Việc công ty khai trương văn phòng mới, kết hợp với văn phòng trước đây nhằm mở rộng diện tích làm việc của công ty lên hơn 400 chỗ làm việc.
Trong tổng thể các nhóm chính sách, giải pháp đề ra để phát triển vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng tập trung vào 3 nhóm giải pháp: cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư.
Về hạ tầng, thành phố chuẩn bị quỹ đất, các khu công nghệ thông tin tập trung, công viên phần mềm, khu công nghệ cao để các doanh nghiệp triển khai dự án về vi mạch bán dẫn, AI. Hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, hạ tầng điện và giao thông, logistics hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư về vi mạch bán dẫn và AI. Đà Nẵng có 1 khu công nghệ cao và 3 khu công nghệ thông tin tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận.
Dự kiến công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 90.000m2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2024; đồng thời, thành phố chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phù hợp cũng như đầu tư thêm 3 khu công nghệ thông tin mới.
Về đào tạo nhân lực, thành phố đã triển khai khóa lớp đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên của thành phố, có 3 trường đại học mở 3 lớp đào tạo thiết kế vi mạch; 3 trường đại học thông báo tuyển sinh kỹ sư thiết kế vi mạch với 170 chỉ tiêu từ tháng 8-2024. Đến nay, Đà Nẵng có được 41 kỹ sư ngành gần và 59 giảng viên đang học lớp thiết kế vi mạch.
Bên cạnh đó, thành phố đã hình thành liên minh đào tạo DSAC và 5 trường đại học lớn trên địa bàn thành phố ký kết hợp tác với Đại học Phenikaa (Hà Nội) và Công ty TNHH Synopsys Việt Nam để thành lập liên minh đào tạo VASA Việt Nam.
Thành phố dự kiến xác định mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch đến năm 2030 là có ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Việc xác định mục tiêu dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại thành phố Đà Nẵng.
Về chính sách, theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI thuộc nhóm chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố.
Theo PGS.TS Nguyễn Gia Như, Hiệu trưởng Trường Khoa học máy tính, Trường Đại học Duy Tân, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư và phát triển công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc giảm các rào cản về thuế, hải quan, thủ tục hành chính và thuê đất sẽ thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, vi mạch bán dẫn và AI hàng đầu thế giới đến Đà Nẵng.
Các chính sách đặc thù sẽ thúc đẩy việc phát triển công nghệ cao, phát triển các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), cung cấp hạ tầng kỹ thuật và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ.
Với các ưu đãi về thuế và hỗ trợ từ chính quyền, các doanh nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, môi trường thuận lợi sẽ thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, từ đó phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
"Sự phát triển của ngành công nghệ cao sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Những tác động này sẽ giúp Đà Nẵng nâng cao vị thế trên bản đồ công nghệ toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển bền vững của thành phố", PGS.TS Nguyễn Gia Như nhận định.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong nước tiên phong trong công nghiệp bán dẫn; đồng thời cho rằng việc thành lập DSAC là hướng đi đúng đắn trong việc phát triển ngành này.
Bộ sẽ xây dựng, phát triển mạng lưới trung tâm nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bán dẫn quốc gia đến năm 2030 gồm 3 trung tâm tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với thế mạnh và đặc thù của từng vùng, đưa vào hoạt động vào năm 2025; 1 trung tâm nghiên cứu và chế tạo, đưa vào hoạt động muộn nhất vào năm 2027.
“Đà Nẵng đã có những quyết tâm và hành động cụ thể trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.Thành phố cần tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai sớm các nội dung chiến lược quốc gia nói trên để có một số kết quả vào năm 2025 và đưa vào vận hành từng bước. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành cùng với thành phố thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và kinh tế số nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung của thành phố Đà Nẵng”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Khẳng định quyết tâm phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn của thành phố tại hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” do Tập đoàn Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys, Đại học Arizona tổ chức tại Hà Nội sáng 4-5-2024, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, Đà Nẵng xác định công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là một bộ phận quan trọng trong 5 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho thành phố.
Đây là những lĩnh vực mới, phức tạp nhưng nếu quyết tâm đạt được thì sẽ bảo đảm sự phát triển bền vững. Đà Nẵng nhận thức rõ việc thu hút đầu tư và phát triển vi mạch bán dẫn, AI là lĩnh vực có sự ưu tiên nghiên cứu, đầu tư, phát triển một cách bài bản, dài hạn.
Có thể thấy, sự hiện diện và mở rộng của các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn chỉ trong thời gian ngắn là minh chứng cho những nỗ lực của thành phố Đà Nẵng trong thúc đẩy lĩnh vực này. Hiện thành phố đang xây dựng đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng".
Đây là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai các giải pháp, xây dựng các chính sách hỗ trợ, góp phần đưa Đà Nẵng tham gia vào chuỗi giá trị và trở thành điểm đến hấp dẫn trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và công nghệ tương lai toàn cầu.
Nội dung: THẢO NHI – MAI QUẾ - HOÀNG HIỆP – THU HÀ
Thiết kế: THANH HUYỀN
Đà Nẵng đi tìm động lực phát triển mới - Bài 1: Cần thiết có cơ chế đặc thù mới, vượt trội
Đà Nẵng đi tìm động lực phát triển mới - Bài 2: Đột phá từ thí điểm khu thương mại tự do