Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư văn hóa biển Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) được Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung tài trợ xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2012 với mục đích ban đầu là nơi tránh trú bão cho bà con khu dân cư sát biển.
Ngôi nhà kiên cố 2 tầng với 8 phòng chức năng được xây dựng trên diện tích đất hơn 500m2 là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi tổ chức khám chữa bệnh cho người dân do Đồn Biên phòng Hải Vân đảm nhận, trở thành ngôi nhà “3 trong 1”, là một thiết chế văn hóa hoạt động hiệu quả của các tổ dân phố 18, 19, 20 với 354 hộ dân.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Bí thư Chi bộ khu dân cư văn hóa biển Kim Liên cho biết, sau hơn 10 năm sử dụng, nhà sinh hoạt cộng đồng được Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Liên Chiểu và Thành đoàn hỗ trợ đầu tư bàn ghế, làm sân chơi thể thao và khu vui chơi cho trẻ em.
Nhà sinh hoạt cộng đồng này dù không nằm ở trung tâm song mỗi lần có việc gì cần tập hợp, bà con đều tụ hội về đây. Vì thế mà ngôi nhà “3 trong 1” này là mô hình khu dân cư văn hóa được thí điểm xây dựng, trở thành điển hình để nhân rộng không chỉ trong địa bàn thành phố, mà nhiều địa phương lân cận cũng đến tham quan, học tập.
Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư 34, 35 Mỹ Đa Đông, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) được xây dựng năm 2021 với diện tích 60m2, trước sân có trồng hoa, cây cảnh.
Ông Võ Văn Kiềm, Bí thư Chi bộ 34, 35 chia sẻ, năm 2023 chi bộ vận động đảng viên đang sinh hoạt và đảng viên đương chức đóng góp 25 triệu đồng để lắp 2 máy điều hòa, 1 ti-vi cỡ lớn và dàn âm thanh.
Phần lớn nhà sinh hoạt cộng đồng thực hiện tốt chức năng là nơi tổ chức hội họp, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp thiết chế văn hóa đã góp phần rất lớn trong công tác dân vận, tuyên truyền, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư.
Một số nhà được các địa phương bố trí một phần là nơi làm việc của cán bộ công an khu vực, nơi nghỉ chân của lực lượng tuần tra phòng, chống tội phạm (tổ 8394).
Nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng mới được đầu tư nâng cấp, đang được sử dụng ổn định, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ hội họp.
Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của thành phố nhiều năm qua nỗ lực đáp ứng nhu cầu người dân về hưởng thụ, sáng tạo và bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tính cố kết cộng đồng dân cư bằng việc đầu tư xây dựng, cải tạo nhà sinh hoạt cộng đồng.
Sự phát triển đô thị làm cho nhà sinh hoạt cộng đồng ở các khu dân cư dần bị thu hẹp cả về diện tích, công năng, nhiều nơi làm ra chỉ để hội họp mà không có điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng.
Nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ kiệt 67 Nguyễn Du, bị kẹp giữa 2 nhà dân cùng diện tích chưa đầy 30m2, nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư Tân Lập 2, phường Thạch Thang (quận Hải Châu) có lẽ là nhà cộng đồng có diện tích nhỏ nhất hiện nay trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND thành phố, ngôi nhà này có diện tích 12m2. Nhưng ông Trần Thế Sơn, Chủ tịch UBND phường Thạch Thang cho biết sau khi xem xét hồ sơ, khẳng định ngôi nhà này có diện tích sử dụng 28,21m2.
Còn theo báo cáo của Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hải Châu, nhà sinh hoạt cộng đồng khu vực Tân Lập 2 có 1 tầng, là nơi họp chi bộ, họp tổ dân phố của 2 chi bộ, 3 tổ dân phố, với diện tích 20m2.
Bí thư Chi bộ Tân Lập 2 Phan Văn Bé cho biết, nhà sinh hoạt cộng đồng Tân Lập 2 cơ bản phát huy hết tác dụng làm nơi tổ chức họp chi bộ hằng tháng, tổ dân phố hằng quý và các cuộc họp khác của các chi hội, đoàn thể. Nhưng ngoài họp xong thì để không vì không bảo đảm diện tích để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao của khu dân cư.
Đây là thực trạng chung của nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng hiện có trên địa bàn thành phố, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Trong số 567 điểm sinh hoạt văn hóa ở các khu dân cư toàn thành phố, có rất nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng với diện tích chưa đến 60m2.
Nếu không tính các nhà sinh hoạt cộng đồng tại các khu chung cư, các nhà sinh hoạt cộng đồng được kết hợp sử dụng từ nhà văn hóa phường, các trường học, cơ quan công sở khác, các nhà văn hóa thôn ở Hòa Vang, vẫn còn hơn 100 nhà Nhà sinh hoạt cộng đồng không đủ diện tích đạt 100m2. Thạch Thang là phường trung tâm của quận Hải Châu, nhưng chỉ có 4 Nhà sinh hoạt cộng đồng, với nhà có diện tích lớn nhất khoảng 60m2.
Trong mạng lưới danh mục vị trí nhà sinh hoạt cộng đồng do UBND thành phố ban hành vào tháng 7-2023, ngoài các vị trí hiện trạng. Những vị trí này đều do địa phương đề xuất sau quá trình rà soát, kiếm tìm những lô đất trống còn thuộc quản lý Nhà nước... chứ không phải đã được quy hoạch bài bản, cụ thể từ cấp có thẩm quyền.
Các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn có nhu cầu bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng mới, với 30 điểm mỗi quận. Quận Hải Châu đề xuất vị trí mới theo nhu cầu thực tế lên đến 111 điểm. Quận Sơn Trà cần đến 54 vị trí mới.
Các Nhà sinh hoạt cộng đồng cơ bản đáp ứng được công năng sử dụng cho mục đích hội họp nhưng chưa đáp ứng được các hoạt động khác của cộng đồng như vui chơi, giải trí, không có diện tích để bố trí các hoạt động thể dục, thể thao của người dân tại khu vực, chưa có cây xanh,...
Để giải bài toán thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng, tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc lập danh mục vị trí, triển khai công tác phân kỳ đầu tư, theo quyết định ban hành danh mục vị trí nhà sinh hoạt cộng đồng, UBND thành phố đã phân cấp nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, quận, huyện liên quan đến vấn đề này. Việc phân cấp giúp đẩy nhanh hơn tiến độ lập danh mục cũng như công tác đầu tư, xây dựng.
Quyết định ban hành danh mục mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng được thành phố phê duyệt dựa trên đề xuất thực trạng nhu cầu của các địa phương.
Số lượng nhà sinh hoạt cộng đồng được phê duyệt, nhất là các vị trí mới kèm theo quyết định không phải là số liệu cứng nhắc, mà có thể thay đổi, hoán đổi vị trí dựa trên nhu cầu cũng như điều kiện thực tế của từng địa phương.
UBND thành phố giao UBND các quận, huyện phối hợp các cơ quan liên quan triển khai hoạt động đầu tư xây dựng theo đúng quy định, bảo đảm phù hợp về số lượng, vị trí, quy mô, diện tích, bán kính phục vụ, hiệu quả sử dụng tại địa phương, đồng thời tuân thủ quy định về quy hoạch, xây dựng.
Các quận, huyện tiếp tục rà soát, tiếp thu, giải trình kiến nghị của cộng đồng dân cư để nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung danh mục nhà sinh hoạt cộng đồng khi có nhu cầu cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng tại địa phương.
Các địa phương tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lý hoạt động bảo đảm hiệu quả đối với các trường hợp kết hợp với công viên, vườn dạo, chịu trách nhiệm về việc xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng tại công viên, vườn dạo, phải bảo đảm mật độ và chỉ tiêu đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị theo quy định.
Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng quận Hải Châu Đặng Văn Hiếu cho biết, hằng năm, công tác đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng được triển khai thường xuyên.
Quận thông báo cho các phường lập danh mục nhà sinh hoạt cộng đồng cần cải tạo hoặc đầu tư xây mới để xem xét, quyết định phân kỳ đầu tư. “Việc xem xét quyết định đầu tư từ nhu cầu thực tế của địa phương đặt trong tổng quan phát triển kinh tế - xã hội toàn quận, trong đó có việc đầu tư thiết chế văn hóa.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Khê Nguyễn Văn Hải cho hay, trường hợp có đất sẽ bố trí nên đầu tư xây mới. Nhưng phương án kết hợp nhà sinh hoạt cộng đồng từ các cơ sở trường học, cơ quan công sở là một giải pháp phù hợp nhất hiện nay để khắc phục tình trạng “có thì thừa, không có thì thiếu”. “Thực tế, nhiều khu dân cư đề xuất có nhà sinh hoạt cộng đồng, nhưng khi có rồi, nhu cầu sử dụng là không đáng kể, ngoài việc hội họp là chủ yếu”, ông Hải nói.
Theo phân kỳ đầu tư, quận Sơn Trà sẽ xây 31 nhà sinh hoạt cộng đồng giai đoạn 2024-2026; quận Liên Chiểu xây dựng 24 nhà sinh hoạt cộng đồng. Sau khi hoàn thành, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp và các hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân các khu dân cư trên địa bàn các quận.