![]() |
![]() |
![]() |
Nói về những dấu ấn của văn hóa Đà Nẵng trong chặng đường nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, không thể thiếu sự hiện diện, đóng góp to lớn của văn học, nghệ thuật.
Thành quả sáng tác, biểu diễn của lớp lớp văn nghệ sĩ từ sau ngày giải phóng đến nay góp phần không nhỏ vào sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam. Đối với văn học, các nhà văn, nhà thơ của Đà Nẵng như: Phan Tứ, Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Bùi Tự Lực, Vĩnh Quyền… sớm vang danh với nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và âm nhạc của Đà Nẵng 50 năm qua có bước phát triển nổi bật, trở thành đầu tàu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
![]() |
Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng ghi dấu với nhiều thành tựu đáng tự hào. Trong đó, đáng chú ý là nghệ thuật tuồng xứ Quảng được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2015, nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (trong đó có Quảng Nam - Đà Nẵng) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017.
Khó có thể kể hết thành quả sáng tạo văn học, nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ Đà Nẵng suốt 50 năm qua, song có thể nói, những kết quả ấy góp phần khẳng định vị thế của Đà Nẵng trên bản đồ văn hóa cả nước.
![]() |
Theo Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật thành phố Nguyễn Nho Khiêm, thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975) đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho biết bao sáng tác nghệ thuật, đưa văn học, nghệ thuật thành phố vươn lên như một biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất và sức sáng tạo vô hạn.
Giai đoạn 1975-1997, Đà Nẵng đã là trung tâm văn hóa, nghệ thuật của Trung Trung Bộ, khi thu hút rất đông lực lượng văn nghệ sĩ đến hoạt động, sáng tác và biểu diễn.
![]() |
Từ khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1997) đến nay, lực lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật có điều kiện phát triển, số lượng, chất lượng tác phẩm ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân.
Đội ngũ văn nghệ sĩ Đà Nẵng qua các thời kỳ luôn tiên phong trong việc thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển của văn học, nghệ thuật quốc gia. Văn học, nghệ thuật thành phố 50 năm qua tạo được vị trí nhất định đối với văn học, nghệ thuật trong cả nước.
![]() |
Là thành phố trẻ năng động, Đà Nẵng lại có hệ thống di tích, di sản rất phong phú, đa dạng với bề dày lịch sử hàng trăm năm. Tính đến nay, thành phố có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 69 di tích cấp thành phố; có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 9 bảo vật quốc gia.
Đặc biệt, cuối năm 2022, hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là di sản cấp quốc tế đầu tiên của Đà Nẵng, là niềm vinh dự, tự hào của đất nước Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng.
![]() |
Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như: Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Loại di sản tư liệu này có số lượng ghi danh khiêm tốn trong các danh sách di sản tư liệu khu vực, thế giới và là đầu tiên ở Việt Nam, khởi đầu cho việc khai phá tiềm năng di sản tư liệu đặc biệt giá trị trong kho tàng di sản văn hoá Việt Nam và lan tỏa đến với bạn bè, đồng nghiệp khu vực, thế giới.
Có được hệ thống di tích, di sản phong phú, thành phố đặc biệt trân trọng, quan tâm giữ gìn và dành nguồn lực lớn để bảo tồn, phát huy giá trị. Theo số liệu từ Sở Văn hóa và Thể thao, trong giai đoạn 2021-2024, ngân sách thành phố đã đầu tư gần 163 tỷ đồng để trùng tu 30 di tích xếp hạng.
![]() |
Đây là con số không nhỏ, khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo thành phố trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương. Đặc biệt, những năm gần đây, thành phố dành nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều công trình văn hóa quan trọng, tạo môi trường sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa cho nhân dân.
Trong đó, phải kể đến việc đầu tư hơn 500 tỷ đồng xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng ở địa chỉ 42 - 44 Bạch Đằng; xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Công viên APEC…
Vừa qua, di tích quốc gia Hải Vân quan đi vào hoạt động sau thời gian tu bổ, phục hồi, với sự chung tay đầu tư của Đà Nẵng và thành phố Huế. Dự án này đã tạo lập một hình mẫu tiêu biểu trong công tác khôi phục bảo tồn di sản, khi được thực hiện bởi hai địa phương.
Hiện nay, thành phố đang triển khai một số dự án trong danh mục công trình động lực trọng điểm như: dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 2; quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn; dự án bảo tồn và phát huy giá trị khảo cổ học Chăm Phong Lệ… để đầu tư, tạo điểm nhấn phát triển thành phố.
![]() |
Đà Nẵng được biết đến với nhiều danh hiệu như: “Thành phố của những cây cầu”, “Thành phố đáng sống”, “Thành phố sự kiện và lễ hội”. Trong đó, danh hiệu “Thành phố sự kiện và lễ hội” có được bởi thành phố đã đăng cai, tổ chức thành công nhiều sự kiện tầm cỡ quốc tế như: cuộc thi dù bay quốc tế, Đại hội thể thao bãi biển châu Á năm 2016; Tuần lễ cấp cao APEC 2017…
Đặc biệt, không thể không nhắc đến Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF), thương hiệu riêng của Đà Nẵng. Theo NSND Huỳnh Hùng, bản sắc văn hóa là những giá trị văn hóa kết tinh qua nhiều thời kỳ, tạo nên nét độc đáo, riêng biệt cho một vùng đất. DIFF góp phần tạo nên bản sắc độc đáo của Đà Nẵng, bởi nói đến pháo hoa là nói đến Đà Nẵng và ngược lại.
![]() |
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng cho rằng, qua DIFF, bản sắc văn hóa Đà Nẵng - đất Quảng - Việt Nam được khẳng định rõ nét khi có cơ hội tiếp cận với đặc trưng văn hóa của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến dự thi, đồng thời thể hiện bản sắc văn hóa của họ tại Đà Nẵng.
“Với DIFF, Đà Nẵng khẳng định năng lực giao lưu quốc tế, lòng khoan dung về văn hóa và khả năng quảng bá khắp thế giới hình ảnh một thành phố an toàn, thân thiện và hiếu khách”, ông Tiếng nhận định.
![]() |
Cùng với pháo hoa, một sự kiện khác cũng để lại dấu ấn đậm nét cho văn hóa Đà Nẵng trong thời gian qua, đó là Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng.
Không chỉ mang ý nghĩa quảng bá, đây còn là sự kiện được xác định để phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển du lịch, văn hóa, kinh tế - xã hội thành phố và cả nước.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử, với định hướng xây dựng “Thành phố sự kiện và lễ hội”, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng đã và đang tiếp tục được kỳ vọng trở thành một sự kiện thương hiệu của thành phố, song song với DIFF. Đây sẽ là một trong những hoạt động nổi trội của Đà Nẵng trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là điện ảnh.
![]() |
Trong hành trình xây dựng và phát triển thành phố, sự hiện diện của văn hóa và lối sống Đà Nẵng trở thành điểm sáng nổi bật. Văn hóa vừa giữ những giá trị truyền thống, vừa tiếp cận đến các giá trị văn hóa mới, vừa xây dựng một bản sắc riêng có của Đà Nẵng.
Những giá trị văn hóa đã góp phần gìn giữ, bồi dưỡng những giá trị nền tảng xã hội trong hành trình phát triển của thành phố, trở thành nền tảng, động lực phát triển quan trọng cho chặng đường đã qua và sắp tới.
Nội dung: KHÔI NGUYÊN - Thiết kế: THANH HUYỀN