![]() |
![]() |
Cuối tháng 3, ngư dân Lê Văn Xin (62 tuổi, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cùng các “bạn tàu” dóng thuyền ra khơi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa. Trong ít phút hiếm hoi gặp ông trên bến cảng, ông tâm sự về nghề biển của mình. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề biển ở quận Sơn Trà, cũng như bao thiếu niên khác, ông Lê Văn Xin được cha mẹ cho đi học, mong muốn con mình có chữ để đỡ khổ.
Cha ông Xin hùn vốn với những người dân trong địa phương đóng tàu công suất nhỏ vươn khơi để nuôi sống gia đình. Vốn đam mê nghề của cha nên Xin thường xuyên ra bến cá mỗi khi cha đi biển về. Những mắt lưới bị hỏng, Lê Văn Xin đều cùng mẹ vá lại. Thế rồi, vị mặn mòi vương trên lưới ngày ngày bồi đắp trong ông tình yêu biển.
Hết học, Lê Văn Xin làm nghề biển cùng cha. Dù còn trẻ nhưng kinh nghiệm biển cả của ông khá phong phú, nhờ đó mỗi chuyến biển về đều đầy ắp cá tôm. Năm 1993, sau khi cưới vợ, ông làm thuyền trưởng cho tàu của bố vợ.
Tuy nhiên, quyết không thể đi làm “thuê” mãi nên đến năm 2000, sau khi tích góp được một số vốn sau nhiều năm làm biển, ngư dân Xin đã hùn vốn với một người cùng phường để đóng mới con tàu có công suất 56CV với trị giá 12,5 lượng vàng. Có tàu lớn hơn, ông Lê Văn Xin tiếp tục công việc làm thuyền trưởng của mình.
![]() |
Sau khi gặp nhiều trục trặc trên con tàu 56CV, ông cùng người góp vốn quyết định bán tàu. Năm 2005, sau khi dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ theo Quyết định 393/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9-6-1997 thất bại, 42 tàu bị ngân hàng đưa ra hóa giá. Ngư dân Lê Văn Xin đã mạnh dạn mua lại tàu có công suất 165CV của ông Minh (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) với giá gần 300 triệu đồng.
“Tàu tuy công suất 165CV nhưng thuộc cỡ lớn. Để vươn ra biển lớn, tôi quyết định nâng cấp máy tàu lên 240CV, rồi 380CV. Đến đầu năm 2014, thì nâng cấp tàu lên 780CV làm 2 nghề là chụp mực và lưới rê 3 lớp”, ông Lê Văn Xin cho biết.
Năm 2006, khi thành phố thành lập tổ tàu thuyền an toàn, tự quản trên biển, ông Lê Văn Xin trở thành “thủ lĩnh” của tổ đội số 6, phường An Hải Bắc gồm 7 tàu, gần 70 lao động. Kể từ khi có tàu lớn, ông Lê Văn Xin bắt đầu trang bị máy móc thiết bị hiện đại cho tàu của mình, giúp việc khai thác, đánh bắt hải sản ngày một hiệu quả hơn. Tàu ông Xin lấy ngư trường Hoàng Sa làm ngư trường chính để khai thác hải sản cùng với tổ đội của mình.
![]() |
Ông Xin cho biết, ngư trường Hoàng Sa có thủy sản dồi dào nên mỗi chuyến ra khơi, thuyền đều về đầy ắp cá, thu nhập hằng năm vài trăm triệu đồng, các lao động cũng có thu nhập từ 80-100 triệu đồng.
Việc đánh bắt có những lúc khó khăn nhưng ông luôn biết vận dụng kinh nghiệm trong khai thác hải sản nên mỗi chuyến ra khơi vẫn mang lại thu nhập khá. Với kinh nghiệm của “lão ngư” Xin nên “bạn tàu” luôn bám trụ kể cả những lúc khó khăn...
![]() |
Không khí tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang những ngày cuối tháng 3 khá nhộn nhịp. Tại cảng cá, nhiều tàu lớn trở về từ ngư trường Hoàng Sa vào bán cá. Trên khuôn mặt của mỗi “bạn tàu” đều ánh lên niềm vui, hy vọng, với chuyến biển đầy cá cho thu nhập cao.
Anh Nguyễn Văn Cường, ngụ phường Xuân Hà chia sẻ: “Chuyến biển 10 ngày trúng mẻ cá chuồn lớn, “bạn tàu” ai nấy đều hy vọng thu nhập cao. 10 năm “theo bạn”, tuy vất vả những cuộc sống ổn định, con cái có điều kiện học hành”.
![]() |
Ở các khu vực lấy đá và dầu để ra khơi, nhiều tàu cá của Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định hết sức tất bật. Chỉ đạo lấy 130 cây đá chất xuống các hầm cấp đông, ngư dân Nguyễn Văn Tiến (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, trở về từ chuyến biển Hoàng Sa cách đây hơn 1 tuần, cho thu nhập mỗi lao động đạt khá, sau một tuần nghỉ ngơi lấy sức, các “bạn tàu” trở lại tàu để chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới dài hơn 10 ngày ở biển Hoàng Sa.
16 tuổi, ông Tiến đã thân thuộc với ngư trường Hoàng Sa. Từ con tàu có công suất nhỏ, qua nhiều lần thay đổi, ông Tiến đã có con tàu vững chãi công suất gần 850CV làm nghề lưới chuồn tại ngư trường Hoàng Sa.
35 năm vươn khơi bám biển đã thay đổi cuộc sống từng ngày của gia đình ông Tiến. Dù vất vả, nhọc, ông Tiến quyết tâm nuôi con ăn học để thay đổi cuộc sống. Hiện tại, đứa đầu đang học năm cuối đại học và ông quyết tâm sẽ cho 3 đứa con của mình ăn học đến nơi đến chốn.
![]() |
Ông Tiến cho biết, mỗi một ngư dân nói chung, ngư dân Đà Nẵng nói riêng, biển Hoàng Sa là một ngư trường truyền thống với nhiều hải sản. Tuy có những thời gian đánh bắt gặp khó bởi nhiều yếu tố tác động nhưng với quyết tâm phát triển kinh tế, bám biển bảo vệ chủ quyền, những đội tàu thường xuyên hiện diện trên vùng biển Hoàng Sa.
Trời đứng bóng, các lao động trên tàu cá ĐNa 91258 tất bật mang lương thực, thực phẩm, đá xuống các khoang tàu để đầu giờ chiều ra khơi. Hơn 30 năm bám biển Hoàng Sa, thuyền trưởng, kiêm chủ tàu ĐNa 91258 Hồ Văn Trường (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) tâm niệm: Hoàng Sa là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, là ngư trường truyền thống của ngư dân Đà Nẵng nên mỗi lần ra khơi đều hướng đến.
![]() |
Trưởng ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Nguyễn Lại cho biết, hiện nay, mỗi ngày có khoảng 20-30 tàu cập cảng, với sản lượng khoảng 100 tấn hải sản, đa phần từ vùng biển Hoàng Sa.
“Ngoài phát triển kinh tế-xã hội thì đây là lực lượng hết sức quan trọng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt là vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam”, ông Lại nhấn mạnh.
![]() |
Đại tá Đỗ Văn Đông, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, đến cuối năm 2024, trên địa bàn thành phố đã thành lập 94 “Tổ đoàn kết khai thác hải sản”, với 680 tàu cá tham gia; trong đó có 85 tổ, với 575 tàu hoạt động vùng khơi (hoạt động đánh bắt chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa) và 9 tổ, với 105 tàu hoạt động vùng lộng, vùng ven bờ.
Không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ nhau trên biển, các “Tổ đoàn kết khai thác hải sản” còn là đầu mối liên lạc với bộ phận trực canh thông tin biển của các đồn biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng thành phố. Qua thông tin từ các tàu cá, Bộ đội Biên phòng cập nhật liên tục diễn biến thời tiết, tàu cá bị nạn, tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển, đảo.
![]() |
Để ngư dân có đủ nguồn lực đầu tư tàu thuyền hiện đại, an toàn và đáp ứng yêu cầu khai thác thủy sản bền vững, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi; các chương trình bảo hiểm đối với tàu thuyền và ngư dân để giảm thiểu rủi ro trong quá trình vươn khơi, bảo vệ an toàn cho ngư dân và phương tiện.
Đặc biệt, Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa đã hỗ trợ giúp ngư dân sau mỗi chuyến biển xa.
![]() |
Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê Võ Kim Tú cho biết, đến nay, toàn quận có gần 90 tàu công suất lớn, khai thác xa bờ. Những năm qua, quận thực hiện chính sách hỗ trợ vươn khơi giúp ngư dân yên tâm bám biển. Đồng thời, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến ngư nông lâm, hằng năm, quận thực hiện 2 hầm mô hình bảo quản sản phẩm khai thác, 9 máy nhận dạng, 7 pin năng lượng mặt trời cho ngư dân.
Cùng với đó, đã có 1.032 chuyến biển của ngư dân được hỗ trợ 82,46 tỷ đồng theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, qua đó tạo điều kiện cho ngư dân duy trì, ổn định và bám biển. Bên cạnh đó, củng cố 14 Tổ Đoàn kết trên biển, thành lập Hợp tác xã Thủy sản Thanh Khê và tổ chức sản xuất, phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản, trong năm 2023 hỗ trợ máy hút chân không; bao bì sản phẩm cá chuồn áp dụng trên tàu cá khai thác xa bờ nhằm bảo đảm nguồn tiêu thụ ổn định; nâng cao giá trị sản phẩm và tăng lợi nhuận cho ngư dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố, ngoài các chính sách hỗ trợ như Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg, thành phố kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù như đóng mới tàu cá khai thác xa bờ, bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, trang thiết bị khai thác, bảo quản sản phẩm, thiết bị giám sát hành trình.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng đã xây dựng và tham mưu UBND TP Đà Nẵng trình HĐND TP Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019 về Quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2019-2025.
![]() |
Theo nghị quyết này, TP Đà Nẵng hỗ trợ 40% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu cho tàu khai thác thủy sản hoặc hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản ngoài mức hỗ trợ 50% theo các chính sách hỗ trợ của Trung ương; hỗ trợ 100% kinh phí để mua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá và kinh phí thuê bao năm đầu tiên; hỗ trợ 50% kinh phí để trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm; máy, thiết bị dùng trong khai thác thủy sản.
Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát, thẩm định hồ sơ, tham mưu UBND thành phố phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho ngư dân theo các chính sách của Trung ương và thành phố. Từ năm 2019 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt hỗ trợ hơn 958,7 tỷ đồng cho các chủ tàu cá; trong đó năm 2024 là 1,64 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Đà Nẵng tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nâng cấp âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Đến nay âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá và neo đậu đảm bảo tránh trú bão cho tàu cá của thành phố và các tỉnh miền Trung, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trong mùa mưa bão và từng bước xây dựng thành cảng cá, chợ cá, khu neo đậu văn minh, hiện đại gắn với phát triển du lịch nghề cá.
Đến cuối năm 2024, toàn thành phố có 148 tàu cá vùng khơi đóng mới, 584 tàu cá hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị máy giám sát hành trình và phí thuê bao năm đầu tiên, 666 lượt tàu hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và 4 tàu cá trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm trong khai thác hải sản. Đặc biệt, cơ cấu tàu thuyền của thành phố đang chuyển đổi theo hướng giảm số lượng tàu khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, tăng số lượng tàu cá khai thác ở vùng khơi, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển thủy sản tại địa phương.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết, thời gian qua, thành phố đã đặc biệt chú trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển thủy sản hiệu quả, bền vững, qua đó, kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ ngư dân.
Trong đó đặc biệt là hỗ trợ đóng mới tàu cá; chi phí nhiên liệu; bảo hiểm thân tàu, thuyền viên; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản sản phẩm; thiết bị thông tin liên lạc, giám sát hành trình, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển tại các ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa.
![]() |
Cơ cấu tàu thuyền thành phố đã chuyển đổi theo đúng định hướng, hiện tại số lượng tàu cá khai thác ở vùng khơi có hơn 590 tàu cá (chiếm 50% tổng số tàu cá của thành phố hằng năm), các tàu cá cung cấp 35 – 36.000 tấn hải sản (chiếm 60-65% giá trị sản xuất thủy sản nông lâm), giúp giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho hơn 6.000 lao động trực tiếp tham gia khai thác và góp phần thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung tổ chức thực hiện kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản và nghiên cứu đề xuất các giải pháp bổ sung chính sách hỗ trợ của thành phố; nghiên cứu xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị của sản phẩm và lợi nhuận cho ngư dân.
![]() |
![]() |