![]() |
![]() |
Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định cần có chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố trong đó ưu tiên phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng.
Quyết định 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, trong đó tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, mở rộng thị trường có khả năng tang trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm…
Nghị quyết số 43-NQ/TW và Quyết định số 147/QĐ-TTg được xem là cơ sở, động lực để ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, từng bước khẳng định thương hiệu điểm đến dịch vụ du
lịch chất lượng cao trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Cùng với lợi thế về tài nguyên du lịch của Đà Nẵng và các điểm đến lân cận, xu thế du khách, định hướng của Trung ương và ngành du lịch, Đà Nẵng đã có những đề án, định hướng, kế hoạch và quyết liệt trong công tác triển khai để đưa Đà Nẵng trở thành một điểm thu hút du khách nói chung và khách du lịch chất lượng cao cạnh tranh với các điểm đến khác tương đồng đang thu hút du khách chất lượng cao trong khu vực như Bali (Indonesia), Phukhet (Thái Lan), Singapore …
![]() |
Thành phố đã đề ra một số định hướng trong phát triển du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Cụ thể, định hướng hình thành các không gian trọng điểm để phát triển du lịch chất lượng cao và cao cấp như: Không gian du lịch ven bờ đông: phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp hạng sang, siêu sang; hình thành trung tâm kinh tế ban đêm và dịch vụ du lịch cao cấp, trọng tâm là tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí tổng hợp và casino.
Không gian du lịch vịnh Đà Nẵng: phát triển các khu phức hợp vui chơi giải trí chất lượng cao, các khu nghỉ dưỡng gắn với bất động sản nghỉ dưỡng dọc tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành… Không gian du lịch đô thị trung tâm (ven sông Hàn), không gian “đô thị sân bay” và cảng biển du lịch: định hướng phát triển kinh tế ban đêm, dịch vụ 24/7 chất lượng cao.
Định hướng ưu tiên phát triển các loại hình cơ sở lưu trú du lịch cao cấp, hạng sang, siêu sang, thiết kế sáng tạo, phong cách bền vững; hệ thống khu điểm du lịch chất lượng cao; cơ sở hạ tầng, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia/quốc tế...
Định hướng tập trung vào các nhóm sản phẩm chính và đặc trưng sau: du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp (có dòng sản phẩm/dịch vụ cho phân khúc khách cao cấp và siêu sang), du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí và du lịch MICE, du lịch văn hóa - lịch sử mang bản sắc địa phương, khác biệt trên cơ sở các tài nguyên di tích lịch sử, các giá trị văn hóa truyền thống, hành trình lịch sử vùng đất và con người Đà Nẵng; du lịch sinh thái; du lịch ban đêm; du lịch thủy nội địa, du lịch ẩm thực; sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn.
Định hướng tăng lượng khách chi tiêu cao từ các thị trường nội địa; nâng cao chất lượng nguồn khách (tang khả năng chi tiêu và thời gian lưu trú), thu hút các phân khúc khách cao cấp, trong đó thu hút khách công vụ, khách nghỉ dưỡng và đánh golf từ các thị trường quốc tế trọng điểm. Định hướng nguồn nhân lực ngành du lịch đảm bảo số lượng và chất lượng, đạt mục tiêu “nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp”, được đào tạo đạt chất lượng cao về chuyên môn nghiệp vụ, giao tiếp thông thạo ngoại ngữ trong phạm vi nghề và có kỹ năng, tác phong, thái độ phục vụ chuyên nghiệp. Định hướng xây dựng hệ thống doanh nghiệp mạnh và có thương hiệu trong và ngoài nước.
![]() |
Về cơ chế chính sách
Tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt, đồng thời rà soát, đánh giá và điều chỉnh kịp thời theo tình hình thực tế; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cáccơ chế, chính sách không còn phù hợp, hoặc đề xuất các cơ chế, chính sách mới để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là hệ sinh thái các sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Đề xuất chính sách thông thoáng hơn về thị thực để nâng cao sức cạnh tranh, ví dụ như chính sách thị thực chung cho các nước Đông Nam Á, thị thực du mục kỹ thuật số, mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, thí điểm miễn thị thực ngắn hạn cho khách từ các thị trường lớn và chi tiêu cao.
Sớm triển khai Khu thương mại tự do và Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng, trong đó đề xuất có khu mua sắm miễn thuế, khu kinh doanh hàng chất lượng cao.
Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch, thu hút nhân tài và chuyên gia về làm việc tại Đà Nẵng. Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành ngày càng mạnh, có khả năng khai thác thị trường quốc tế. Hỗ trợ nguồn lực cho công tác xúc tiến thị trường, có cơ chế hỗ trợ cho các đường bay trực tiếp từ các khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, Trung Đông…
Về đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch
Tiếp tục phát triển và hoàn thiện các nhóm sản phẩm trụ cột: du lịch biển cao cấp, du lịch văn hóa-lịch sử gắn với văn hóa bản địa, du lịch MICE, du lịch đô thị và du lịch sinh thái; đa dạng hóa sản phẩm du lịch để đón bắt các xu hướng khách hàng, gia tăng trải nghiệm phong phú tại điểm đến.
Phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp và siêu sang để thu hút các sự kiện cá nhân. Chuẩn hóa quy trình tổ chức phục vụ với định vị sản phẩm chất lượng cao, đẩy mạnh du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.
Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, thể thao trên nền tảng khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên đặc sắc, tạo nên dòng sản phẩm du lịch phong cách sống khác biệt; phát triển du lịch ẩm thực là sản phẩm du lịch văn hóa, nghệ thuật, tăng cường liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch ẩm thực.
Tăng cường kết nối về giao thông công cộng đến các khu vực trọng điểm du lịch ban đêm; quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng, vật chất đảm bảo không gian, tiện ích phục vụ du lịch; ứng dụng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ để đem lại tiện ích và trải nghiệm tối ưu cho khách hàng.
Tăng cường liên kết các đối tác trong chuỗi giá trị ngành du lịch, thương mại, dịch vụ để tạo ra các tổ hợp, con đường mua sắm đa dạng và đặc sắc; phát triển loại hình du lịch MICE gắn liền với cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ và chất lượng dịch vụ cao cấp.
![]() |
Về thị trường
Tập trung khai thác các thị trường trọng điểm truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Úc, châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông.
Chú trọng công tác chăm sóc khách hàng để biến mỗi du khách thành một kênh quảng bá hữu hiệu, thực hiện khảo sát ý kiến du khách định kỳ hàng năm để đánh giá mức độ hài lòng và đưa ra dự báo về tình hình thị trường. Kết hợp với các đại lý lữ hành truyền thống (TAs) và trực tuyến (OTAs) lớn để thực hiện các chiến dịch marketing, xúc tiến quảng bá sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là nhóm sản phẩm chất lượng cao.
Phát huy ứng dụng công nghệ vào công tác truyền thông quảng bá, bao gồm số hóa tài nguyên du lịch, số hóa các bài thuyết minh đa ngôn ngữ, nâng cấp website và ứng dụng du lịch thông minh, mời những người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng mang tầm quốc tế đến trải nghiệm và giới thiệu điểm đến trên mạng xã hội.
Bảo đảm môi trường du lịch và liên kết hợp tác phát triển
Cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về văn minh du lịch, đảm bảo chuyên nghiệp, uy tín, xây dựng văn hóa du lịch và đạo đức kinh doanh, tiếp tục khẳng định Đà Nẵng là điểm đến an ninh, an toàn, thân thiện, mến khách.
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng về phát triển du lịch, bảo vệ môi trường du lịch, phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với khai thác các giá trị bản địa, gắn với sinh kế của người dân địa phương; tạo các sản phẩm giàu trải nghiệm và cá nhân hóa cao phục vụ nguồn khách có khả năng chi tiêu cao, thích khám phá.
Đẩy nhanh các dự án chống ô nhiễm các bãi biển, bãi tắm; khuyến khích chuyển đổi sang các loại phương tiện giảm xả thải theo hướng net zero, hình thành hệ sinh thái xanh trong tất cả các hoạt động của thành phố.
Triển khai kế hoạch hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước, trong khu vực và quốc tế để phát triển du lịch, đặc biệt là Quảng Nam và Huế, phối hợp hình thành các nhóm sản phẩm đặc thù của 3 địa phương để phục vụ nhóm khách hàng cao cấp. Bên cạnh đó là phối hợp các nguồn lực trong định vị thị trường và triển khai các hoạt động xúc tiến.
![]() |
Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững. Nâng cao tỷ lệ nguồn nhân lực du lịch được đào tạo bài bản và có khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo. Chia sẻ các định hướng, dự báo về phát triển thị trường khách trong dài hạn để chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp, đặc biệt là một số thứ tiếng hiếm, nhân sự cao cấp, lao động lành nghề, có chuyên môn sâu trong một số lĩnh vực, một số loại hình dịch vụ chất lượng cao.
Kết hợp với nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch dài hạn và thu hút lao động theo tiến độ của các dự án lớn, kết hợp dịch chuyển lao động có chuyên môn cao, lao động lành nghề từ các trung tâm du lịch, các điểm đến phát triển với tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề thường xuyên cho lực lượng lao động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hệ thống dịch vụ.
Đẩy mạnh liên kết với các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học, đào tào nghề du lịch trên địa bàn thành phố; thường xuyên đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong dài hạn của thị trường lao động du lịch, đặc biệt là lao động chất lượng cao; tăng cường kết nối doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực tiếp cận thực tiễn và cung cấp nguồn lao động thời vụ linh hoạt cho các doanh nghiệp.
![]() |