Ảnh và Video

Nghệ nhân Xuân La gìn giữ nghề tò he

22:45, 05/08/2022 (GMT+7)

ĐNO - Cứ đến chủ nhật, vào khoảng 8 giờ sáng và hơn 4 giờ chiều, ông Nguyễn Văn Kính (57 tuổi) lại có mặt tại một góc Công viên 29-3 (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) với chiếc thùng chứa đầy tò he. Món đồ chơi đã có tuổi nghề hàng trăm năm. 

 
Video: THU DUYÊN
Tò he hình rồng đòi hỏi quá trình nặn phức tạp, tỉ mỉ.
Tò he hình rồng đòi hỏi quá trình nặn phức tạp, tỉ mỉ.

Để nặn tò he, nghệ nhân phải trải qua một quy trình tỉ mỉ từ công đoạn chuẩn bị đến lúc tạo hình. Nguyên liệu để tạo nên tò he được làm từ bột gạo nếp. Sau đó, bột được trộn chung với màu rồi nhào thành từng cục với đủ màu sắc. Các cục bột được bỏ vào túi ni lông riêng và đóng kín để giữ không bị khô. Bột khi hoàn thành phải có độ dẻo, lúc nặn không dính tay thì mới đạt chuẩn.

Tùy vào mức độ đơn giản hay phức tạp, quá trình nặn tò he có thể mất từ 1 đến 3 phút. Dù chỉ là những chi tiết nhỏ nhất nhưng cũng được nghệ nhân Kính trau chuốt một cách cẩn thận.

Nghệ nhân này chia sẻ, không phải ai cũng biết về tò he. Công việc của ông không chỉ để tạo thu nhập cho bản thân mà còn để mọi người biết về món đồ chơi dân gian của người Việt.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nặn tò he tại thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội – một trong những cái nôi của làng nghề tò he, nghệ nhân Kính đã được tiếp xúc đất nặn từ khi còn là cậu bé 4 tuổi. Ông nhớ những phiên chợ ngày xưa khi theo chân ba mẹ ra chợ. Ông chia sẻ: “Lúc ấy, tò he được đựng trong những chiếc rổ, không cắm trên que như bây giờ, chỉ cần ngồi một lát là bán hết ngay”.

Ông kể, thời xưa cả thôn đều sống với nghề này. Nhưng hiện nay số lượng thanh niên theo nghề còn rất ít. Để nghề gia truyền không bị mất đi, nghệ nhân Kính đã sớm chỉ dạy cho con, cháu của mình.

Từ thứ Hai đến thứ Bảy, vào lúc 6 giờ đến 7 giờ sáng, nghệ nhân Kính bán tò he tại các trường học trên địa bàn thành phố. Đến tối, ông lại rong ruổi đến các chợ đêm hoặc khu vực gần Công viên APEC. Riêng chủ nhật, ông bán tại Công viên 29-3 vì lượng khách nơi đây thường đông vào dịp cuối tuần. Cứ thế, thấm thoắt đã hơn 20 năm nghệ nhân Kính mang tò he đến Đà Nẵng sau khi đi qua những tỉnh thành khác.

Vốn yêu thích những giá trị truyền thống và mong muốn được góp phần lan toả những giá trị ấy, chị Nguyễn Thị Phương Thùy, giáo viên Trường Mầm non Baby Shark (quận Ngũ Hành Sơn) đã ngỏ lời mời nghệ nhân Kính đến trình diễn nặn tò he trong dịp Tết Trung thu sắp tới của trường. Theo chị, tò he là đồ chơi truyền thống của người Việt, có nguyên liệu tự nhiên, không độc hại cho trẻ. Những giá trị đơn sơ, gần gũi này cần được khơi dậy cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Để thực hiện điều đó, chị Thùy cũng đã nhiều lần mời nghệ nhân Kính đến trường nặn tò he vào các dịp đặc biệt.

Dù chỉ mới nhìn thấy tò he lần đầu nhưng em Nguyễn Phương Thảo (12 tuổi, trú tại quận Liên Chiểu) đã cảm thấy tò he rất quen thuộc đối với mình. Thảo bày tỏ, khi cầm tò he trên tay, em cảm thấy có điều gì đó rất gần gũi, nhìn ngắm màu sắc rực rỡ và cách tạo hình khéo léo của tò he khiến em rất vui.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Kính đã lan tỏa tình yêu tò he đến với nhiều người, gìn giữ và trân trọng những giá trị Việt, văn hóa làng nghề nơi mình sinh ra. 

 

Tò he
Giá mỗi tò he dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng.
Dù trên thị trường hiện nay có nhiều loại đất nặn khác nhau nhưng nghệ nhân Kính vẫn sử dụng bột nặng được làm từ bột gạo nếp.
Dù trên thị trường hiện nay có nhiều loại đất nặn khác nhau nhưng nghệ nhân Kính vẫn sử dụng bột nặn được làm từ bột gạo nếp.
Nhiều khách
Chị Nguyễn Thị Phương Thùy (áo sọc) đang ngỏ lời mời nghệ nhân Kính đến trình diễn tò he tại trường mầm non.

THU DUYÊN

.