Ảnh và Video
Sinh viên làm nông kiếm thu nhập dịp Tết
ĐNO - Những ngày cuối tháng 12, các chủ vườn chuyên trồng cúc chậu đang khẩn trương tuyển lao động thời vụ chăm sóc hoa, nhằm bảo đảm chất lượng, kịp thời phục vụ hoa cho thị trường Tết Quý Mão 2023. Đây cũng là dịp giúp nhiều sinh viên kiếm thêm thu nhập.
Sinh viên làm việc tại vườn hoa của chị Lương Thị Hà (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). |
Đối với mỗi lao động, tùy vào khả năng, các chủ vườn sẽ trả mức lương dao động từ 160.000 – 180.000 đồng/8 tiếng. Thời gian làm việc từ 7-11 giờ và từ 13-17 giờ. Tiền công được trả theo ngày hoặc theo tuần, tùy vào ý muốn của mỗi người.
Tranh thủ ngày rảnh, Nguyễn Quốc Bảo, sinh viên năm nhất, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng đã cùng bạn đăng ký làm việc tại vườn cúc của chị Hà. Đây là lần đầu tiên Bảo “thử sức” làm nông.
“Tuy phải đứng ngắt lá, lặt chồi hàng giờ ngoài trời nhưng em thấy công việc này nhẹ nhàng, vui, thoải mái hơn, lương cũng cao hơn so với một số công việc khác như phục vụ, giữ xe…”, Bảo bày tỏ.
Chị Lương Thị Hà, chủ vườn hoa trên đường Trần Nam Trung (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), nơi Bảo theo làm cho biết: “Mỗi năm, vào độ này, tôi lại tuyển thêm nhiều lao động thời vụ đến phụ chăm hoa. Trong đó, chủ yếu là sinh viên. Như hôm nay có 7 người thì hết 6 bạn là sinh viên. Số lượng tuyển có khi không giới hạn để kịp tiến độ”.
Theo chị Hà, giai đoạn này, công việc chăm sóc hoa chủ yếu là ngắt lá và lặt chồi để cây tập trung dưỡng chất “nuôi” búp. Công việc tuy không khó nhưng đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ. Đặc biệt khi sắp bước vào giai đoạn lặt nụ thì phải cẩn thận hơn rất nhiều.
Chị Hà còn cho biết thêm, nhiều sinh viên đã gắn bó với vườn chị từ năm nhất đến khi ra trường. Sau mỗi mùa chăm hoa, có sinh viên đã kiếm được vài triệu để về quê ăn Tết.
Sinh viên làm việc tại vườn hoa của ông Nguyễn Quang Trường (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu). |
Rời Hòa Xuân, những ngày này khi đến thăm vườn ông Nguyễn Quang Trường (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) không khó để bắt gặp không khí rộn rã, náo nhiệt bởi tiếng trò chuyện của nhiều sinh viên.
“Nhận cuộc gọi của chú Trường, em biết mùa ngắt lá, lặt nụ đã đến. Một mùa Tết lại sắp về”, vừa đưa tay ngắt lá, Nguyễn Thị Bích Trâm (SN 2001) vừa chia sẻ.
Trâm cho biết, bản thân đã gắn bó với công việc này từ khi còn là sinh viên năm hai. Đến nay, dù đã ra trường, Trâm vẫn tiếp tục ngắt lá, lặt nụ để kiếm thêm thu nhập nhân lúc dự án tại công ty đang tạm dừng.
Kết thúc mỗi mùa chăm hoa, Trâm kiếm được khoảng 2-3 triệu đồng. Số tiền này Trâm dùng một phần mua sắm cho bản thân và sắm sửa đồ dùng cần thiết cho gia đình. Phần còn lại để dành trang trải khi cần.
Bên cạnh thu nhập, qua công việc này, T.N.T, sinh viên năm ba Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng còn hiểu hơn về nỗi vất vả của người nông dân trong từng chậu hoa Tết gửi đến khách hàng.
“Trước đây, em nghĩ quá trình làm ra chậu cúc rất đơn giản. Nhưng bây giờ, tiếp xúc rồi mới thấy, để có được chậu cúc đẹp, người nông dân phải tỉ mỉ từng bước. Hiểu được sự vất vả đó, dù không ai giám sát nhưng bản thân em vẫn tự giác làm thật cẩn thận. Chủ vườn bán được hoa thì mình nhận lương cũng vui hơn”, T vui vẻ chia sẻ.
Nhờ những vụ hoa Tết, nhiều sinh viên đã có thêm thu nhập để san sẻ chi phí với gia đình, vơi đi những nỗi lo, tăng thêm niềm vui trên những chuyến xe về quê đoàn tụ cùng người thân khi Tết đang dần gõ cửa.
Sinh viên được chủ vườn trang bị nón lá để tránh nắng. |
Phạm Minh Hưng, sinh viên năm ba Trường Đại học Duy Tân cẩn thận ngắt lá và chồi hoa trên thân cây. |
Lặt nụ là công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự nhẹ nhàng và tỉ mỉ. |
Không chỉ sinh viên, công việc ngắt lá, lặt nụ còn giúp những lao động không có việc làm kiếm thêm thu nhập dịp Tết. |
THU DUYÊN