Chuyện đời sau những quang gánh tại cảng cá Thọ Quang

.

ĐNO - Từ lâu, hình ảnh những đôi quang gánh đã dần vắng bóng trên đường phố. Nhưng suốt nhiều năm qua, chưa khi nào, những hình ảnh ấy lại thôi xuất hiện tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà).

làm việc từ tối
Những người làm nghề gánh cá thường bắt đầu công việc từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

22 giờ, khi thành phố dần đi ngủ, cũng là lúc chị Nguyễn Thị Lệ (trú quận Sơn Trà) cùng một số chị em trong khu trọ đặt đôi quang gánh trên vai, rảo bộ đến cảng cá Thọ Quang để bắt đầu ngày làm việc của mình. Dù “ai có nỡ xa quê” nhưng vì ruộng vườn không đủ nuôi sống gia đình, chị Lệ đành rời Huế vào Đà Nẵng làm nghề gánh cá. Thấm thoắt, đã gần 10 năm chị gắn bó với công việc này.

Dụng cụ mưu sinh của những người hành nghề gánh cá gồm chiếc đòn gánh được làm bằng tre và một đôi quang bằng thép, được đặt ở hai đầu đòn gánh. Mỗi gánh, chị Lệ kiếm được từ 5.000 – 20.000 đồng tuỳ thuộc khối lượng cá. Gom góp lại, thu nhập dao động từ 150.000 – 400.000 đồng/ngày. Tiền công ít hay nhiều, phụ thuộc hôm ấy, chợ có đông hay không.

“Nhìn ngư dân ra khơi, mình cũng mong sóng yên biển lặng, cho tàu trở về với đầy ắp cá tôm. Có như vậy thì chợ cá mới tấp nập người mua bán, mình cũng gánh được hơn”, chị Lệ kể.

Sau nhiều tiếng làm việc, chị Lệ lặng lẽ đứng nép một bên, đưa tay vào túi lấy ra số tiền mình đã kiếm được. Chị cẩn thận nhẩm đếm và vuốt thẳng từng tờ tiền với đủ mệnh giá từ 2.000 - 20.000 đồng.

“Hằng tháng, cứ tích góp lại rồi gửi về cho chồng chăm con. Anh ở quê làm ruộng cũng mùa được, mùa mất”, chị Lệ chia sẻ.

Chị Lệ có 4 người con, hai trong số đó đã có gia đình riêng. Với số tiền kiếm được mỗi tháng, chị Lệ gửi về quê để cùng chồng chăm sóc cho người con bị tai nạn và một người đang học cấp 1. Chị Lệ tâm sự, tuy không khấm khá nhưng nhờ vào nghề này, đời sống gia đình đã đỡ khổ phần nào.  

fghfgh
Những người làm nghề gánh cá đa số là phụ nữ, đến từ nhiều khu vực như: Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi,...

Khi đã dần ổn định cuộc sống, nhận thấy chị Lê Thị Hòa (SN 1972) cũng đang chật vật với đời sống ruộng vườn tại Huế, chị Lệ đã giới thiệu công việc gánh cá tại cảng cho hàng xóm của mình.

Ngày mới vào nghề, mùi cá tanh nồng khiến chị Hòa phải nhiều lần nhăn mặt. Cộng với những hôm thức xuyên đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau để gánh cá khiến chị mệt rã người. Nhưng nghĩ đến các con đang tuổi ăn học, sau này không phải lao động chân tay vất vả, bữa được bữa mất như mình, chị dần thích nghi với môi trường làm việc để có tiền cho con tiến đến giảng đường đại học.

“Cảng cá đã nuôi sống chúng tôi. Nhờ cảng cá mà con chúng tôi được đến trường, đời sống cũng đỡ vất vả một phần. Dù nghề này không mấy thơm tho, sau mỗi lần làm việc, người toàn mùi cá nhưng chúng tôi quý nghề này lắm”, chị Hòa tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Ngọc
Bà Nguyễn Thị Ngọc, một trong những người lớn tuổi và gắn bó lâu với nghề gánh cá nhất tại cảng cá Thọ Quang. 

Chấp nhận xa gia đình, xa quê hương đâu phải là chuyện dễ. Nhưng khi mảnh vườn, ruộng đồng không thể cho họ một cuộc sống ổn định thì buộc lòng họ phải rời đi. Bà Nguyễn Thị Ngọc (SN 1954, quê tỉnh Quảng Nam) là một trong số đó. Từ thời còn trẻ, trải qua nhiều công việc, được chỉ đến làm nghề gánh cá để kiếm thêm thu nhập, từ đó bà gắn bó luôn với công việc này.

Ẩn dưới vành nón lá là đôi mắt sáng và nụ cười hiền, với chất giọng khỏe khoắn, bà Ngọc nói: “Mình còn khỏe, còn tự kiếm tiền được thì mình vẫn làm để tự lo bản thân, lo chồng bệnh. Mỗi tháng, con cái vẫn cho một ít. Nhưng nó còn phải lo cho con, đồng lương công nhân đâu mấy dư dả”.    

Nói xong, bà vội vàng đặt đôi quang gánh trên vai, tiến về phía các tiểu thương đang mua bán để chờ người gọi gánh cá.

Trời sáng, chợ tan, từng quang gánh lại nhanh chóng rảo bước về phòng chuẩn bị bữa cơm, lấy lại sức trước khi vào buổi trưa làm việc tiếp theo. Công việc cứ thế lặp đi lặp lại hằng ngày. “Có những hôm vai đau lắm, cứ nghĩ không thể làm được nữa. Nhưng cứ để đòn gánh trên vai thì lại hăng hái đi ngay”, chị Lệ vừa cười vừa kể.

Xa quê, xa gia đình, động lực để họ cố gắng mỗi ngày có lẽ là tình yêu dành cho chồng, cho con, niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn; là sự đồng cảm, đùm bọc, yêu thương giữa những người xa lạ nhưng có chung một nỗi niềm. Từ những người không quen biết ở những nơi khác nhau, họ lại về sống với nhau tại một khu trọ, chia nhau căn phòng với vài mét vuông để tiết kiệm chi phí sinh hoạt và cho vơi đi nỗi nhớ nhà. Và còn đáng quý hơn khi họ luôn trân trọng công việc của mình.  

Chị Nguyễn Thị Lệ
Trời sáng, chị Nguyễn Thị Lệ nhanh chân rảo bước về khu trọ để chuẩn bị cho buổi làm việc tiếp theo lúc 10 giờ.

THU DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.