Nhà đọc sách miễn phí giữa trung tâm thành phố

.

ĐNO - Mở cửa từ đầu tháng 6, nhà đọc sách cộng đồng An Bình nằm tại số 78 Thi Sách (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) đã trở thành điểm đến cho những ai yêu sách và là cầu nối để lan tỏa những giá trị tốt đẹp về đất và người Đà Nẵng.

Nhà đọc sách cộng đồng
Nhà đọc sách cộng đồng An Bình thu hút nhiều trẻ em trong khu phố Thi Sách đến đọc sách.

Tôi ghé nhà đọc sách An Bình lúc 3 giờ chiều, đẩy cửa bước vào, trái với cái nóng, sự ồn ào của bên ngoài phố thị, sau lớp cửa kính là không gian mát mẻ, im ắng, thỉnh thoảng vang lên âm thanh sột soạt khi ai đó lật trang sách. Trong không gian rộng chừng 45 m2, xung quanh là những giá sách gỗ cao từ 1 đến khoảng hơn 3 mét với đủ thể loại sách khác nhau. Tại đây, tôi gặp chị Lê Thị Mai, người sáng lập nhà đọc sách cộng đồng An Bình.

Ấp ủ mơ ước xây dựng một nơi đọc sách miễn phí dành cho cộng đồng từ vài năm trước, phải đến đầu tháng 6 năm nay, chị Mai mới thực hiện được dự định của mình. Ngày đứa con tinh thần được mở cửa, chào đón những độc giả đầu tiên là một trong những ngày chị cảm thấy hạnh phúc nhất.

Để ý tưởng được thực thi, chị đã nhận được sự hỗ trợ nguồn lực từ chồng và sự động viên từ con của mình. Cả hai đều có tình yêu đối với sách và coi trọng việc đọc.

Chị Lê Thị Mai
Chị Lê Thị Mai (ngoài cùng, bên trái), người sáng lập nhà đọc sách cộng đồng An Bình.

Nói về động lực để hoàn thành mơ ước của mình, chị Mai cho biết. Qua quan sát quá trình học tập của con, chị nhận thấy việc đọc sách mang lại hiệu quả tích cực trong rèn luyện tư duy và tính cách của con mình. Một người đọc sách nhiều sẽ nuôi dưỡng cơ thể và tâm hồn ngày càng hạnh phúc hơn, trí tuệ hơn và bao dung hơn. Vì theo chị, mỗi cuốn sách là một người thầy, ẩn chứa nhiều bài học hay, so với việc xem các video giải trí ngắn trên mạng xã hội, việc đọc sách giúp não bộ tư duy sâu, tăng khả năng tập trung và ghi nhớ.

Bên cạnh đó, chị Mai mong muốn bản thân sẽ đọc nhiều hơn, từ đó lan tỏa tình yêu sách đến với người thân, bạn bè, góp phần phát triển văn hoá đọc tại địa phương. Chị Mai bày tỏ: “Để khuyến khích người khác đọc sách thì trước hết mình phải đọc, phải là một tấm gương để họ thấy đó mà noi theo. Có thể mỗi ngày họ đọc một ít nhưng dần dần sẽ hình thành thói quen và gieo vào lòng họ một tình yêu với sách”.

Và cuối cùng, điều thôi thúc chị Mai thực hiện ý tưởng này chính là sự cho đi. “Tôi quan niệm, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Từ khi nhà đọc sách đi vào hoạt động, mỗi ngày, nhìn thấy dù chỉ một người đến đọc sách thôi, tôi cũng vui như được uống thuốc bổ. Như vậy, tôi không chỉ được cho đi mà còn nhận lại rất nhiều”, chị Mai vui vẻ cho hay.

Nhà đọc sách hiện có khoảng hơn 200 cuốn, trong đó phần lớn đến từ nguồn sách của gia đình và đang có xu hướng gia tăng khi thông qua mạng xã hội, nhiều tấm lòng hảo tâm từ mọi miền Tổ quốc đang muốn gửi sách đến quyên tặng. Chị Mai chia sẻ: “Tôi không ngờ việc làm của mình lại nhận được sự ủng hộ nhiều như thế. Có những cuốn sách quý được mọi người mang đến tặng làm tôi rất cảm kích. Tôi thấy rất vui và vinh hạnh khi mọi người biết đến nhà đọc sách An Bình nói riêng, cũng như hình ảnh tốt đẹp về đất và người Đà Nẵng nói chung”.

Không riêng chị Mai, từ khi nhà đọc sách mở cửa, những đứa trẻ trong khu phố Thi Sách cũng được sống trong niềm vui đó. Mỗi khi có thời gian, với một chiếc bút và quyển sổ nhỏ trên tay, em Nguyễn Bảo Linh liền chạy ngay đến nhà đọc sách. Khi đọc được những câu hay, Linh sẽ lập tức ghi lại. “Bình thường ở nhà con ít đọc sách nhưng khi qua đây con siêng đọc hơn vì có nhiều sách và nhiều bạn. Ở đây còn có không gian mát mẻ, mọi người ra vào thoải mái nên con thích lắm. Ba mẹ thường xuyên khuyến khích con đến đây”, Linh hào hứng chia sẻ.

Nguyễn Bảo Linh
Tại nhà đọc sách có nhiều sách thuộc các thể loại khác nhau như: văn học, thiếu nhi, lịch sử, trinh thám...

Nhìn những em nhỏ say mê lật mở từng trang sách, với ánh nhìn trìu mến, chị Mai tâm tình: “Biết đâu sau này khi lớn lên, chính các em đang ngồi đây sẽ xây dựng một nơi đọc sách miễn phí cho cộng đồng như những gì các em đã nhận được từ khi còn nhỏ”.

Theo chị Mai, nhà đọc sách còn là nơi để mọi người cùng nhau thảo luận về nội dung của sách, thể hiện những quan điểm, góc nhìn của bản thân về ý nghĩa của sách để từ đó không chỉ dừng lại ở việc đọc, mà còn hiểu và áp dụng vào cuộc sống.

Khi thắc mắc về việc có lo sợ sách sẽ bị mất cắp hay không, chị Mai cười bảo: “Có một câu nói tôi cảm thấy rất hay đó là người đọc sách thì không ăn cắp, người ăn cắp thì không đọc sách”.

“Việc tôi làm chỉ như một bông hoa nhỏ giữa muôn vàn bông hoa khác đang góp phần tô thêm hương sắc cho đời, cứ thêm một người đọc sách là tôi càng thêm hạnh phúc. Tôi hy vọng, nhà đọc sách cộng đồng sẽ giúp mọi người, đặc biệt là nhóm đối tượng có nguồn thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận với sách hơn. Đồng thời, mô hình này sẽ trở thành niềm cảm hứng để ngày càng có nhiều hơn nữa những nhà đọc sách miễn phí cho cộng đồng”, chị Mai bày tỏ.

Không gian đọc
Từ khi mở cửa, nhà đọc sách An Bình dần trở thành điểm đến yêu thích của nhiều em nhỏ sống tại khu phố Thi Sách.
Nhà đọc sách An Bình
Không gian đọc sách mát mẻ, sạch sẽ tại nhà đọc sách cộng đồng An Bình.

THU DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.