Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ, đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng dành cho Báo Đà Nẵng cuộc phỏng vấn đặc biệt. Đề cập điều lo lắng nhất khi nhận trọng trách là người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền thành phố, đồng chí Bí thư chia sẻ:
Ảnh: LÊ HUY TUẤN |
- Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế cả nước, năm 2013 vừa qua đối với Đà Nẵng là quãng thời gian có nhiều biến động với nhiều thách thức. Sau khi đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh được Bộ Chính trị điều động giữ trọng trách Trưởng ban Nội chính Trung ương, thành phố khuyết 2 chức danh đó trong một thời gian khá dài. Điều đó không ảnh hưởng lớn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhưng có tác động nhất định đến tâm trạng của cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân thành phố.
Tuy nhiên, với sự quan tâm của Trung ương và sự đoàn kết, nỗ lực, nhất trí cao, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã tin tưởng giao phó cho tôi đảm trách những nhiệm vụ đó, bảo đảm cho sự liên tục trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn chung của thành phố. Với rất nhiều nỗ lực của cán bộ, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, đến cuối năm 2013, chúng ta cơ bản hoàn thành những chỉ tiêu quan trọng, bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao của thành phố. Điều đó một lần nữa cho thấy, sự đoàn kết trong Đảng và đồng thuận trong nhân dân luôn là sức mạnh to lớn để chúng ta vượt khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ |
Nhận nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân thành phố giao phó, đứng trước những vấn đề mới đặt ra trong yêu cầu phát triển thành phố, thực lòng tôi cũng không ít băn khoăn, lo lắng. Lo nhất là làm sao tìm được đúng giải pháp, giải quyết có hiệu quả những vấn đề đặt ra trong bối cảnh khó khăn chung, để kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong hơn 16 năm qua, làm sao gìn giữ hình ảnh một Đà Nẵng năng động, quyết liệt và hiệu quả trong quá trình đô thị hóa…
Tình hình kinh tế suy thoái làm cho hàng loạt doanh nghiệp đình đốn, phá sản, trong khi doanh nghiệp Đà Nẵng thì quy mô còn nhỏ, thiếu sức cạnh tranh; thị trường bất động sản “đóng băng” ảnh hưởng đến nguồn thu, đến đầu tư phát triển và tác động đến tốc độ đô thị hóa của thành phố, đến chính sách an sinh xã hội; trong khi việc thực hiện những chính sách đó của chúng ta chưa thực sự ổn định.
Đó là những vấn đề như nợ đất tái định cư; là việc chăm lo cho gia đình người có công cách mạng, đối tượng chính sách phải có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn đối với đa số người dân cùng khu vực; bảo đảm cuộc sống ổn định cho người làm công ăn lương, cán bộ hưu trí… Nếu không bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, thì cũng khó lòng giữ vững an ninh trật tự, không có người lang thang xin ăn, không có cướp giật, trộm cắp, ma túy, ảnh hưởng đến hình ảnh một thành phố đáng sống mà chúng ta nhủ lòng phải làm cho bằng được.
- Nhìn lại một năm ngắn ngủi nhưng hết sức có ý nghĩa, những nỗi lo của đồng chí trong năm mới liệu đã “dịu” bớt phần nào?
* Đồng chí Trần Thọ: Nỗi lo thì luôn luôn thường trực trong lòng. Bởi chúng ta vẫn chưa thực sự thoát khỏi những khó khăn chồng chất, cả hiện tại cũng như ở phía trước; bởi đòi hỏi của cuộc sống ngày càng cao. Dẫu chưa thỏa mãn, nhưng nhìn lại năm qua, chúng ta tự hào đã làm được nhiều điều, mà khi đảm nhiệm chức vụ mới, tôi hết sức suy nghĩ. Đó là việc hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách.
Nhiều lĩnh vực có sự phát triển vượt trội và tạo ấn tượng mạnh như lần đầu tiên lượng khách du lịch đạt trên 3,1 triệu lượt, kim ngạch xuất khẩu vượt 1,3 tỷ USD, hàng hóa qua cảng Đà Nẵng đạt trên 5 triệu tấn, trong đó việc xuất hiện nhiều thương hiệu mới như ô-tô Nissan, săm lốp ô-tô xuất khẩu, nước giải khát... cơ cấu nguồn thu có sự chuyển biến tích cực theo hướng phát sinh từ sản xuất tăng trưởng khá. Đặc biệt lòng dân đồng thuận, các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm... đó là điều đáng mừng với bản thân tôi nói riêng và với tập thể lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền thành phố nói chung, để chúng ta tự tin hơn khi bước vào năm mới 2014.
- Khi vừa nhận chức Bí thư Thành ủy, một trong những công việc quan trọng hàng đầu là đồng chí thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) với Bộ Chính trị (khóa XI). Trong Kết luận số 75-KL/TW, Bộ Chính trị đánh giá cao những thành quả đạt được của Đà Nẵng cũng như chỉ ra những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là nhấn mạnh Đà Nẵng phải tạo động lực mới trong giai đoạn phát triển trong những năm tiếp theo. Vậy theo đồng chí, đâu là “động lực mới” của thành phố?
* Đồng chí Trần Thọ: Đây là vấn đề mang tầm chiến lược, là yêu cầu cao của Bộ Chính trị, đồng thời cũng là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn. Trước đây, một trong những động lực của Đà Nẵng được hiểu là từ khai thác quỹ đất. Thực sự là từ việc khai thác nguồn lực đất đai hợp lý, chúng ta đã có một bộ mặt đô thị khang trang, tương đối hiện đại; thu hút nhiều nhà đầu tư vào các lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, dịch vụ và công nghiệp; đồng thời có nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội... Từ đó, chúng ta đã tạo ra một nguồn lực mới, chủ yếu từ sản xuất, kinh doanh du lịch, thương mại, công nghiệp… để bảo đảm nguồn thu, giữ vững tốc độ phát triển của thành phố.
Tuy nhiên, đó chưa phải là nguồn lực chủ yếu, mà nói đến động lực mới phải xác định những nền tảng cơ bản, tạo sự phát triển một cách bền vững. Nền tảng đó là thế “kiềng ba chân”: kinh tế, văn hóa và xây dựng Đảng, mà trong đó quan trọng là nguồn lực từ đội ngũ cán bộ.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, tặng hoa chúc mừng đồng chí Trần Thọ được bầu làm Chủ tịch HĐND thành phố ngày 1-4-2013.Ảnh: V.NỞ |
- Như vậy, chúng ta sẽ phải làm gì với từng thành tố trong “kiềng ba chân” đó để tạo động lực mới một cách bền vững cho thành phố, thưa đồng chí?
* Đồng chí Trần Thọ: Trước hết, về kinh tế, chúng ta phải rà soát và giải phóng một cách tích cực các năng lực của thành phố; xem xét nguồn lực phong phú và đa dạng để khai thác, sử dụng một cách hợp lý. Có những tài nguyên mà chúng ta đã tạo ra được trong quá trình đô thị hóa phải được nhìn nhận, đánh giá một cách đúng đắn và đầy đủ để khai thác hiệu quả, như giá trị hình ảnh Đà Nẵng trong mắt du khách, người dân, nhà đầu tư trong và ngoài nước, môi trường đầu tư, điều kiện sống… Việc xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch… phải được triển khai một cách khoa học, chuyên nghiệp hơn nhằm thu hút đầu tư một cách có chọn lọc và hiệu quả chứ không dàn trải, tràn lan, làm giảm hiệu suất đầu tư, chú trọng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và thực sự có thiện chí trong làm ăn.
Với doanh nghiệp thành phố, cần tạo môi trường thực sự thông thoáng, đặc biệt là xây dựng nguồn vốn hỗ trợ tích cực để doanh nghiệp phát triển bền vững. Việc HĐND thành phố ra nghị quyết chọn năm 2014 là “Năm doanh nghiệp” cũng là để thể hiện quyết tâm và làm cho bằng được điều đó, tạo tiền đề cho 10 năm tiếp theo trong thực hiện Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); đồng thời xây dựng nguồn thu bền vững từ chính hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong xác định chiến lược phát triển cần quán triệt quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội”. Nói thì dễ, nhưng để văn hóa là động lực không phải một sớm một chiều mà có được. Chúng ta phải biết biến những lợi thế từ vị trí địa - chính trị, địa - văn hóa… của thành phố “đầu biển cuối sông”, thành phố môi trường, thành phố “5 không, 3 có”, thành phố hấp dẫn và đáng sống… thành một nét văn hóa đặc trưng, thành động lực cho phát triển. Từ nét văn hóa không lẫn vào đâu đó, chúng ta mới có sức hấp dẫn, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội một cách căn cơ hơn trên một nền tảng văn hóa dần hoàn thiện vững chắc hơn.
Vấn đề then chốt của then chốt trong công tác xây dựng Đảng, chính là đội ngũ cán bộ. Hơn 16 năm qua, chúng ta đã quyết liệt trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ và luôn xem đây là động lực chính cho phát triển của thành phố. Là người từng làm công tác cán bộ, xây dựng chính quyền, tôi hiểu được giá trị cơ bản của động lực này. Chúng ta đã mạnh mẽ, kiên quyết trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm yêu cầu công việc với nhiều chính sách đột phá, sáng tạo. Nhưng nhìn lại thì thực sự chưa yên tâm lắm. Cứ nhìn vào cách đánh giá của doanh nghiệp, của dân thì ta sẽ hiểu mình thiếu thốn, hụt hẫng như thế nào, cả về năng lực và cái “tâm” của đội ngũ cán bộ. Vì vậy, động lực chính của động lực mới trong thời gian tới của Đà Nẵng, chắc chắn vẫn sẽ là đội ngũ cán bộ. Và đây tiếp tục cũng là nhiệm vụ mới, ngày càng nặng nề hơn, cấp bách hơn của Đảng bộ thành phố.
- Nhân nói về động lực văn hóa, tại kỳ họp thứ 8 HĐND khóa VIII, đồng chí cũng đã nêu dẫn chứng đánh giá của một tổ chức và bày tỏ nỗi lo thực sự về xây dựng văn hóa của Đà Nẵng. Lo lắng như vậy, thì đầu tư về văn hóa của Đà Nẵng sẽ chuyển biến như thế nào trong thời gian tới, thưa đồng chí?
"Nhận nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân thành phố giao phó, đứng trước những vấn đề mới đặt ra trong yêu cầu phát triển thành phố, thực lòng tôi cũng không ít băn khoăn, lo lắng. Lo nhất là làm sao tìm được đúng giải pháp, giải quyết có hiệu quả những vấn đề đặt ra trong bối cảnh khó khăn chung, để kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong hơn 16 năm qua, làm sao gìn giữ hình ảnh một Đà Nẵng năng động, quyết liệt và hiệu quả trong quá trình đô thị hóa…" Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND |
* Đồng chí Trần Thọ: Là lãnh đạo thành phố, tôi thực sự suy nghĩ trước con số do một tổ chức đưa ra mà tôi đọc ngay trong phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố vừa qua. Trong báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương (của Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế NCIEC-PV), những chỉ số về kinh tế của ta được đánh giá cao, nhưng một điểm trụ cột không vui lắm là văn hóa chỉ xếp thứ 39/63. Điều này cho thấy văn hóa chưa được đầu tư thỏa đáng.
Đầu tư ở đây không có nghĩa chỉ là đầu tư cho thiết chế văn hóa, cho mặt vật chất phục vụ tinh thần…, mà quan trọng là đầu tư xây dựng một nếp sống, một cách ứng xử có văn hóa với môi trường tự nhiên và xã hội. Đầu tư ở đây còn phải được hiểu là đầu tư xây dựng một cơ chế, chính sách bảo đảm cho mọi người dân, mọi cán bộ, đảng viên có điều kiện và môi trường thuận lợi để thực hiện nếp sống văn hóa.
Ở đó, chúng ta vừa gìn giữ được văn hóa truyền thống xứ Quảng, nhưng cũng vừa chọn lọc để xây dựng một nét văn hóa riêng có của Đà Nẵng. Ví dụ, từ việc nhỏ như thói quen bỏ rác vào giỏ trong các quán ăn, tuân thủ luật giao thông như biết dừng trước đèn đỏ khi ra đường, đi đúng phần đường làn đường, hạn chế bấm còi trong đô thị…, đến những việc lớn như ứng xử một cách hài hòa với môi trường, di sản văn hóa; con người ứng xử với nhau một cách nhẹ nhàng, hòa thuận; làm sao cho mỗi người dân thành phố thích đọc sách và xem việc đọc sách là nhân tố hướng tới sự hoàn chỉnh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, theo kịp nhịp sống hiện đại; từ đó tạo lập một môi trường thành phố an bình, hấp dẫn và đáng sống. Xác định đúng hướng đi như vậy, thì việc đầu tư mới đúng chỗ, đúng trọng tâm trọng điểm và đạt được hiệu quả như mong muốn.
- Không ít lần, trong phát biểu chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến nhân dân, đồng chí từng cho rằng, việc gì có lợi nhất cho dân thì phải làm và làm đến nơi đến chốn. Đó có phải là kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn về bài học “đồng thuận” của lòng dân Đà Nẵng hay không, thưa đồng chí?
Lần đầu tiên lượng khách du lịch đạt trên 3,1 triệu lượt. Trong ảnh: Tàu Azamara Journey do hãng Saigontourist khai thác chở theo 650 khách du lịch quốc tế cập cảng Tiên Sa vào sáng 5-12-2013.Ảnh: Hồng Nhung |
* Đồng chí Trần Thọ: Nếu nói một cách rốt ráo, thì người lãnh đạo suy cho cùng là phải phục vụ cho nhân dân. Bởi, dân bầu anh để làm việc đó, dân tin cán bộ của Đảng cũng là từ đó. Vì thế, không có gì là sáo rỗng khi nói rằng việc gì có lợi nhất cho dân thì phải ráng làm.
Thế nhưng, việc triển khai trong thực tiễn mới là điều quan trọng. Ở đó, việc bảo đảm quyền lợi cho nhân dân phải xuất phát từ những vấn đề cụ thể, phải được giải quyết một cách cụ thể, chứ không xa xôi, chỉ nằm trên giấy. Ví dụ như dự án triển khai chậm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân thì phải hỗ trợ một cách hợp lý, người dân được hưởng các quyền mà họ có tại đó, chứ dân không thể bụng đói mà nhìn dự án; nếu dự án đi qua nhiều địa phương mà có chính sách đền bù không công bằng thì phải có phương án hợp lý để cân đối, bảo đảm quyền lợi cho người dân vùng dự án. Nếu vì những thắc mắc chưa được giải quyết dẫn đến người dân khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, thì phải có cách giải quyết đến tận cùng vụ việc, không để người dân chịu thiệt và đồng thời chính sách của Nhà nước phải được thực thi một cách đúng đắn, đầy đủ…
Trên quan điểm đó, thời gian qua, thành phố đã có những chính sách phù hợp, giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn đề ra. Minh chứng rõ ràng nhất là hơn 100.000 hộ dân phải di dời giải tỏa nhưng có rất ít trường hợp khiếu kiện kéo dài và vượt cấp. Nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan, thỏa mãn vì còn một trường hợp băn khoăn, thắc mắc là lòng chúng ta không yên, dù lòng dân đã thuận.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, cùng với thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “5 xây”, “3 chống”, việc thực hiện các giải pháp quyết liệt về công tác cán bộ… cũng chính là để làm cho mỗi cán bộ, công chức ý thức được rằng, họ sinh ra từ chính lòng dân, và có được lòng dân hay không chính là từ tinh thần, thái độ phục vụ được thể hiện qua mỗi hành động hằng ngày. Bài học này không phải đến nay, mà được đúc kết một cách rõ ràng, thuyết phục qua chặng đường hơn 16 năm xây dựng và phát triển Đà Nẵng. Thấu hiểu bài học đó, chúng ta sẽ làm được nhiều chuyện, vì sự phát triển chung của thành phố.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí. Kính chúc đồng chí sức khỏe, tiếp tục lãnh đạo Đảng bộ, nhân dân thành phố gặt hái những thành công mới trong năm mới Giáp Ngọ 2014!
NGUYỄN THÀNH thực hiện