.

Mùa Xuân nghĩ về sự trường tồn của đất nước

.
Trọng dụng nhân tài - sách lược quan trọng để phát triển đất nước. Ảnh: NGỌC HỢI
Trọng dụng nhân tài - sách lược quan trọng để phát triển đất nước. Ảnh: NGỌC HỢI

1.

Vậy là một năm nữa lại trôi qua, năm mới 2014 - Giáp Ngọ đã đến. Mọi người đều có nhiều việc phải làm và một việc rất cần thiết là ngồi lại tổng kết những gì đã làm được, những gì chưa làm được hoặc còn dang dở. Chúng ta cùng nhau thắp nén hương nhớ lại công lao, sự nghiệp của tổ tiên và những người đi trước đã nằm xuống cho đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn.

TS Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng. Ảnh:  VĂN NỞ
TS Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng. Ảnh: VĂN NỞ

Mỗi khi Tết đến, Xuân về, mọi con dân nước Việt không ai lại không hứng khởi và xúc động khi nhớ lại chiến thắng thần tốc vô tiền khoáng hậu của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ lãnh đạo quân dân Đại Việt tiêu diệt hơn 20 vạn quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789). Chiến thắng đó dù đã lùi xa 225 năm nhưng trong mỗi người dân Việt vẫn vang vọng lời hịch đanh thép, hào hùng của người anh hùng áo vải: “Đả cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Đánh cho chúng biết nước Nam anh hùng có chủ). Đó cũng là sự khẳng định bản lĩnh, khí phách của dân tộc ta trong  hơn 1.000 năm giữ nước. Lịch sử đất nước còn ghi lại biết bao nhiêu công lao to lớn của các anh hùng dân tộc qua các triều đại, các thời kỳ; để hôm nay các thế hệ con cháu chúng ta thừa hưởng được nền độc lập, tự do trường tồn, được sống những ngày Xuân ấm áp, thanh bình.

2.

Tổ tiên đã để lại cho chúng ta một dải giang sơn từ Nam chí Bắc và khẳng định với thế giới “nước Nam anh hùng có chủ”, vậy các thế hệ con cháu chúng ta sẽ tiếp tục làm gì để không những kế thừa sự nghiệp của tổ tiên mà còn vươn lên cùng với các quốc gia, dân tộc khác làm chủ thế giới hiện đại hôm nay?

Chúng ta biết rằng thế giới đang ở vào thời kỳ công nghiệp hóa thứ năm, thời kỳ này bắt đầu vào những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Đất nước ta, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Đảng đã xác định được nguy cơ tụt hậu về kinh tế là nguy cơ lớn nhất đối với đất nước ta(1). Đây rõ ràng là sự tự đánh giá sáng suốt, là sự “đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất”(2). Từ đó đến nay vừa tròn 20 năm và đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng. Việt Nam vừa thoát khỏi nhóm nước nghèo và tham gia vào nhóm các nước có thu nhập trung bình, hình ảnh đất nước đã được thay đổi rất nhiều trong mắt bạn bè thế giới. Tuy vậy, kể từ khi công cuộc đổi mới được khởi xướng (1986) đến nay, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn chưa được giải quyết cơ bản, đây vẫn là vấn đề cốt tử của đất nước cộng thêm nguy cơ rơi vào bẫy của một nước phát triển trung bình.

3.

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) khi đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI đã rút ra bài học đầu tiên là “phải đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất…”. Đây là kinh nghiệm đắt giá mà sau một chặng đường dài Đảng ta đúc kết được. Điều tâm đắc hơn là bài học này phù hợp với xu thế chung của thế giới và chiến lược của các nước đã thành công trong công nghiệp hóa.

Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… là những nước đã công nghiệp hóa thành công ở các giai đoạn khác nhau, đều tập trung thực hiện những chiến lược chủ yếu giống nhau: i) Xác định phát triển kinh tế là mục tiêu chính yếu và lâu dài để đưa đất nước thoát ra khỏi các nguy cơ tụt hậu và có các chính sách, giải pháp phù hợp để thực hiện thành công công nghiệp hóa;  ii) Lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm động lực chủ yếu để phát huy mọi nguồn lực hướng vào mục tiêu công nghiệp hóa; iii) Trọng dụng nhân tài, trọng dụng trí thức không phân biệt thành phần, địa phương, huyết thống, trong nước hay ngoài nước…

Chúng ta đều hiểu rằng, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có hoàn cảnh lịch sử riêng của mình, có thể chế xã hội tùy thuộc sự lựa chọn của nhân dân mỗi nước. Nhưng trong kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế đất nước, là quốc gia đi sau trong công nghiệp hóa, chúng ta có thể tham khảo, học tập các quốc gia đi trước, nhằm vận dụng và phát huy những kết quả, thành tựu họ đã đạt được cũng như tránh được những sai lầm. Điều đó thực sự có lợi cho đất nước nhờ rút ngắn được thời gian phát triển so với các nước đi trước. Trong mấy chục năm qua chúng ta cũng đã có những thành công nhất định; tuy vậy, lúc này hơn lúc nào hết Đảng và Nhà nước ta cần tham khảo những kinh nghiệm thành công cũng như thất bại của các quốc gia để chọn lựa những giải pháp, triển khai mạnh mẽ và triệt để hơn nữa, quyết liệt hơn nữa chiến lược công nghiệp hóa nhằm sớm rút ngắn khoảng cách tụt hậu xa hơn về kinh tế với các nước trong khu vực.

4.

Một bài học có ý nghĩa quan trọng của các nước công nghiệp phát triển là toàn xã hội tạo môi trường thuận lợi để phát huy tinh thần doanh nghiệp. Mọi doanh nghiệp đều được bình đẳng cùng phát triển dù là doanh nghiệp của Nhà nước hay doanh nghiệp của tư nhân. Sức sáng tạo của doanh nghiệp, doanh nhân mới là tiêu chí đánh giá đẳng cấp giữa các doanh nghiệp. Chúng ta biết rằng doanh nghiệp là nơi mà công nghệ, kết hợp với trí tuệ và sức lao động sẽ tạo ra giá trị mới, giá trị thặng dư cho xã hội. Do vậy, chỉ khi doanh nghiệp phát triển mới tạo ra sự tăng trưởng cho nền kinh tế. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ ngày một tăng lên cả về số lượng và chất lượng, tạo điều kiện cho sự sáng tạo, sự cạnh tranh lành mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, trên cơ sở đó tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của xã hội.

Để làm được những điều này, cần có nhiều yếu tố tác động, nhưng hai yếu tố có tính quyết định là: i) Tinh thần doanh nghiệp của doanh nhân; và ii) Cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Theo tôi, yếu tố thứ nhất quan trọng hơn, nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong mọi thời đại, mọi thể chế. Vì vậy ở đây, tôi muốn trao đổi đôi điều về vấn đề này. Tinh thần doanh nghiệp là phẩm chất và năng lực của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp; trước hết đó là tinh thần tự lập và tự tôn dân tộc; đó là bản lĩnh và ý chí vươn lên để góp phần phát triển xã hội; và đó còn là sự sáng tạo và tầm nhìn xa trông rộng của cộng đồng doanh nhân trong mọi hoàn cảnh.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển mới tạo ra sự tăng trưởng cho nền kinh tế. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) ký kết kế hoạch hoạt động dự án “Tăng cường tác động của cải cách hành chính ở thành phố Đà Nẵng”.  Ảnh: MAI TRANG
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển mới tạo ra sự tăng trưởng cho nền kinh tế. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) ký kết kế hoạch hoạt động dự án “Tăng cường tác động của cải cách hành chính ở thành phố Đà Nẵng”. Ảnh: MAI TRANG

Trường hợp Công ty Apple của cố Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Steve Jobs là một ví dụ điển hình cho tinh thần doanh nghiệp, cho phẩm chất và năng lực của doanh nhân. Vào ngày 1-4-1976, Công ty Máy tính Apple với chiếc máy tính đầu tiên được hai thanh niên thành lập trong một ga-ra nhỏ bỏ hoang ở miền bắc California. Thiết bị này mở đầu cho một cuộc cách mạng mà hai chàng trai tên Steve được công chúng tôn vinh như những vị thánh. Và sau đó là quá trình phát triển mạnh mẽ của công ty với sự ra đời liên tiếp những thiết bị mới làm say đắm vô số tín đồ. Hai chàng trai trẻ nhanh chóng đứng trên đỉnh của thế giới. Nhưng sau đó một thời gian, mọi thứ đột nhiên sụp đổ. Nguyên nhân chính là sự ra đời Công ty Microsoft của Bill Gates. Và cuối cùng vào năm 1985, hai người sáng lập ra công ty bị buộc phải rời bỏ Apple vì lý do không còn hữu ích và sau khi thất bại trong cuộc tranh giành quyền điều hành công ty. Rồi đến lượt những người điều hành mới của công ty cũng tiếp tục thất bại, những khách hàng trước đó ủng hộ Apple đành phải quay lưng với các thiết bị mang nhãn hiệu trái táo khuyết mà họ đã từng tôn thờ.

Trong 11 năm rời khỏi Apple, Jobs đã thành lập và điều hành Công ty phần mềm NeXT được đánh giá là một sự thành công tuyệt vời. Tháng 7-1996, Steve Jobs được đón chào quay về một lần nữa với Apple với cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị “lâm thời”, trở thành sự quay trở lại vĩ đại nhất trong lịch sử kinh doanh. Trở lại Apple lần này, Jobs tiếp tục làm thế giới rúng động bởi những sản phẩm công nghệ mới bằng bộ óc siêu việt của mình. “Sự hồi sinh của Apple đơn giản là thần kỳ và đặc biệt ấn tượng” như nhận xét của Giám đốc điều hành Tập đoàn Google.

Viết những dòng này nhân những ngày đầu Xuân của đất nước, tôi hy vọng được đóng góp đôi điều cho giải pháp “huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”(3) trong giai đoạn hiện nay của đất nước.

Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… là những nước đã công nghiệp hóa thành công ở các giai đoạn khác nhau, đều tập trung thực hiện những chiến lược chủ yếu giống nhau: i) Xác định phát triển kinh tế là mục tiêu chính yếu và lâu dài để đưa đất nước thoát ra khỏi các nguy cơ tụt hậu và có các chính sách, giải pháp phù hợp để thực hiện thành công công nghiệp hóa;  ii) Lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm động lực chủ yếu để phát huy mọi nguồn lực hướng vào mục tiêu công nghiệp hóa; iii) Trọng dụng nhân tài, trọng dụng trí thức không phân biệt thành phần, địa phương, huyết thống, trong nước hay ngoài nước…

VÕ DUY KHƯƠNG


(1) Văn kiện Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ Đại hội VII của Đảng (1-1994)

(2) và (3) Kết luận số 74-KL/TW, ngày 17-10-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về kinh tế-xã hội, trọng tâm là ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng”.

;
.
.
.
.
.