Báo Đà Nẵng Xuân 2015
Từ Tokyo nhìn lại 40 năm
Năm nay là năm chẵn đặc biệt đối với Việt Nam. Trong nhiều sự kiện đáng kỷ niệm trong năm này, cảm khái nhất đối với tôi là kỷ niệm 40 năm chấm dứt chiến tranh, tiến tới thống nhất đất nước. Trong suốt 4 thập kỷ này, tôi từ Tokyo theo dõi sự chuyển động của kinh tế vùng Đông Á và buồn vui với những thay đổi ở quê nhà.
Tháng 4-1975, tôi bắt đầu năm học đầu tiên bậc tiến sĩ. Sau khi học xong (1978), tôi làm việc trong một viện nghiên cứu về kinh tế Nhật, sau đó chuyển sang dạy học và nghiên cứu ở đại học. Với chuyên môn là kinh tế phát triển và kinh tế quốc tế, tôi phân tích kinh tế Đông Á và đã nhiều lần hy vọng Việt Nam sẽ nhập vào dòng thác công nghiệp đang chảy mạnh và lan tỏa từ đông bắc sang đông nam châu Á.
Cuối năm 1975, trong những số báo đặc biệt đón năm mới 1976 ở Nhật Bản tôi có ấn tượng mạnh nhất là tuần báo Economisuto (Kinh tế). Trên trang bìa trước họ in ảnh chân dung của gần 10 nhà lãnh đạo của những nước mà họ cho là sẽ có ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế thế giới. Tôi thật sự xúc động và tự hào khi thấy hình Thủ tướng Phạm Văn Đồng được in cùng với Tổng thống Mỹ, Pháp, thủ tướng Nhật, Anh, Tây Đức, v.v…
Lúc đó thế giới đánh giá rất cao tiềm năng Việt Nam, vì dân tộc này đã thể hiện sự kiên cường, dũng cảm trong chiến tranh chống ngoại xâm, có truyền thống, có văn hóa và cần cù, ham học; bây giờ trong thời bình và đất nước thống nhất, dân tộc sẽ hòa hợp và chung sức xây dựng đất nước, chắc chắn Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, sẽ có một vị trí xứng đáng trên vũ đài kinh tế và chính trị thế giới.
Sản xuất ở Nhà máy lắp ráp xe Nissan tại Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN |
Lúc đó tại Á châu chỉ có Nhật Bản là nước công nghiệp hiện đại. Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan đã ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa nhưng chưa được chú ý vì chưa có sự hiện diện đáng kể trên vũ đài quốc tế.
Rất tiếc là những diễn tiến từ nửa sau thập niên 1970 đã làm giấc mơ ban đầu của tôi về một nước Việt Nam phát triển không thành hiện thực. Sau đó Việt Nam phải mất 18 năm mới được thế giới chú ý trở lại. Trong lúc đó ở Đông Á nhiều nước công nghiệp mới liên tiếp xuất hiện. Năm 1979, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore được Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thường được gọi là câu lạc bộ của những nước tư bản tiên tiến (bản bộ ở Paris), mệnh danh là những nước công nghiệp mới (NICs) hoặc những nền kinh tế công nghiệp mới (NIEs). Sau đó một tên gọi khác là những con rồng nhỏ hoặc những con hổ nhỏ ở Á châu. Năm 1989, cũng OECD gộp thêm Malaysia và Thái Lan vào NIEs và gọi chung là những nền kinh tế năng động ở Á châu (DAEs).
Do đồng yen của Nhật lên giá đột ngột vào cuối năm 1985, các doanh nghiệp Nhật ồ ạt mở làn sóng đầu tư trực tiếp (FDI), chuyển nhiều ngành công nghiệp sang các nước Á châu mà Thái Lan và Malaysia là những điểm đến chủ yếu. Thành công của Thái Lan và Malaysia đã kích thích Indonesia cải cách thể chế, cải thiện chính sách nên thu hút được tư bản và công nghệ, và nhờ vậy, đã đạt được thành quả phát triển đáng ghi nhận. Năm 1993, Ngân hàng thế giới phát biểu bản báo cáo nổi tiếng Kỳ tích của Đông Á, trong đó bao gồm cả Indonesia, phân tích những nguyên nhân giúp cho các nước Đông Á vừa phát triển cao độ vừa thực hiện việc phân phối thu nhập tương đối bình đẳng.
Trong lúc Việt Nam loay hoay với các chính sách đối nội, đội ngoại mà phần lớn xem như thất bại (1975-1985) và dò dẫm đổi mới từng bước (1986-1993) thì các nước Đông Á đã chuyển mình theo nhịp với làn sóng công nghiệp mới và tiến lên địa vị quan trọng trên vũ đài thế giới.
Giấc mơ lần thứ hai của tôi là vào đầu thập niên 1990 khi các điều kiện trong và ngoài nước đã hội đủ để Việt Nam khởi động lại quá trình công nghiệp hóa. Đổi mới bắt đầu cuối năm 1986 nhưng phải mất 5-6 năm mới ổn định kinh tế vĩ mô và mới lập lại quan hệ bình thường với các nước tư bản tiên tiến và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng phát triển châu Á.
Các nước tiên tiến và các tổ chức quốc tế này lần đầu tiên tổ chức Hội nghị quốc tế hỗ trợ Việt Nam vào cuối năm 1993, mở đầu một hoạt động thường niên giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng và thể chế kinh tế thị trường. Trong các nước tiên tiến, Nhật Bản là tích cực nhất. Từ năm 1992 họ đã vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam và đóng vai trò quan trọng nhất trong Hội nghị quốc tế hỗ trợ Việt Nam. Điều này rất có ý nghĩa vì Nhật Bản lúc đó là khởi nguồn của dòng thác công nghiệp ở Á châu, là nguồn cung cấp vốn, công nghệ, và tri thức kinh doanh cho các nước đi sau tại vùng này.
Sản xuất ở Công ty Daiwa, doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản tại Đà Nẵng. Ảnh: Đ.T |
Lúc này cũng trùng hợp với hai sự kiện quan trọng là Việt Nam gia nhập ASEAN và nối lại quan hệ bình thường với Mỹ vào năm 1995. Cùng với vị trí địa lý thuận lợi, với số dân khá đông và chất lượng lao động được đánh giá cao, tình hình chính trị xã hội ổn định, bối cảnh quốc tế thuận lợi làm cho tiềm năng của Việt Nam một lần nữa được chú ý. Đặc biệt ở Nhật từ năm 1993 xảy ra hiện tượng “bùng nổ Việt Nam” (Vietnam boom).
Các phương tiện truyền thanh, truyền hình luôn thông tin về Việt Nam với những bình luận tích cực về tương lai nước ta. Nhớ lại hồi đó, tôi rất bận, luôn được mời thuyết trình và viết báo về kinh tế Việt Nam. Nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản liên tiếp sang Việt Nam thăm dò, điều tra thị trường, tìm các cơ hội đầu tư. Trước khi đi, họ thường mời tôi đến nói chuyện về kinh tế, xã hội Việt Nam.
Nhưng lại rất tiếc là “bùng nổ Việt Nam” chỉ kéo dài có 3 năm, đến đầu năm 1996 xem như tắt ngụm. Một sự kiện khó quên đối với riêng tôi là cuốn sách Phương hướng triển khai của kinh tế Việt Nam viết bằng tiếng Nhật theo yêu cầu của nhà xuất bản Nikkei. Ngay khi bùng nổ Việt Nam đang mạnh mẽ, năm 1994, họ yêu cầu tôi viết cuốn sách với hy vọng sẽ bán rất chạy vì đáp ứng nhu cầu của độc giả Nhật Bản đang rất quan tâm đến kinh tế Việt Nam nhưng chưa có cuốn sách nào hoàn chỉnh. Sách dự định xuất bản vào năm 1995. Nhưng như đã nói, lúc đó tôi quá bận nên đến giữa năm 1996 mới xong bản thảo và sách xuất bản vào tháng 8 năm đó, vừa lúc Nhật Bản đã hết quan tâm về kinh tế Việt Nam. Và sách chỉ bán được rất ít!
Bùng nổ Việt Nam chỉ kéo dài vài năm vì chính sách bất cập và thường xuyên thay đổi liên quan đến hành lang pháp lý và môi trường đầu tư. Thêm vào đó, bộ máy và thủ tục hành chính phức tạp, năng lực và đạo đức của quan chức cũng có vấn đề. Vào giữa thập niên 1990, đồng yen của Nhật lại lên giá đột ngột tạo ra làn sóng mới của FDI từ Nhật, nhưng họ đã đầu tư nhiều ở Thái Lan và Malaysia, điều kiện về hạ tầng không cho phép đầu tư nhiều hơn tại hai nước này.
Lúc đó nhiều công ty Nhật định chọn Việt Nam làm thị trường đầu tư mới. Nhưng do các lý do vừa kể, họ ngần ngại. Đúng lúc đó, Quảng Đông và các tỉnh khác ở ven biển Trung Quốc tích cực cải thiện môi trường và đón nhận dòng thác FDI mới từ Nhật. Năm ngoái trong một hội nghị, tôi gặp một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Nhật, người phụ trách thương lượng trong quá trình nối lại viện trợ cho Việt Nam năm 1992. Ông nói với tôi với sự tiếc rẻ: Hồi đó chúng tôi tin rằng Việt Nam, chứ không phải Trung Quốc, sẽ phát triển mạnh mẽ, vươn lên thành một nước công nghiệp quan trọng tại vùng Đông Á.
Giữa thập niên 1990, ở Việt Nam còn có tranh luận về nguy cơ nào quan trọng trong những nguy cơ mà đất nước đang trực diện. Những lãnh đạo có xu hướng cải cách chủ trương nguy cơ tụt hậu là lớn nhất nên cần mạnh dạn chuyển sang cơ chế thị trường để kinh tế phát triển nhanh, trong khi những lãnh đạo có tư tưởng bảo thủ thì cho rằng nguy cơ chệch hướng chủ nghĩa xã hội mới quan trọng. Kết cuộc sự giằng co này làm chậm cải thiện môi trường đầu tư và các nguồn lực trong nước không được dùng có hiệu quả.
Đầu tư nước ngoài bị trì trệ suốt từ giữa thập niên 1990 sang đầu thập niên 2000. Nhân sự kiện Việt Nam gia nhập WTO (quyết định năm 2006, gia nhập năm 2007), FDI tăng trở lại từ năm 2006. Nhưng lần này thì ngược lại, chính sách FDI của Việt Nam có khuynh hướng cho tự do tối đa đầu tư từ nước ngoài, nhất là cho chính quyền địa phương tự chủ trong việc tiếp nhận FDI. Do chính sách này, không ít những dự án kém chất lượng hoặc không cần thiết được cấp giấy phép.
Ngoài ra, thiếu nỗ lực nuôi dưỡng, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp bản xứ, nên các dự án FDI thường là 100% vốn nước ngoài thay vì liên doanh với công ty bản xứ, và ít có sự liên kết giữa công ty FDI với doanh nghiệp bản xứ. Tình trạng này tạo ra nguy cơ phận hóa nền kinh tế thành hai khu vực, khu vực có vốn nước ngoài và khu vực của tư bản trong nước.
Trong 40 năm qua, một số thành tựu của đổi mới cũng đáng ghi nhận. Chẳng hạn lúa gạo sản xuất và xuất khẩu tăng nhiều từ cuối thập niên 1980, số hộ nghèo giảm đáng kể và Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. Tuy nhiên đó là so sánh với chính mình trong quá khứ. Nếu so với các nước Đông Á khác, giữa họ với Việt Nam còn một khoảng cách lớn. Hàn Quốc từ khi chấm dứt chiến tranh (1953) chỉ cần độ 40 năm là đủ để chuyển biến từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành một nước tiên tiến (gia nhập OECD, Câu lạc bộ của các nước phát triển năm 1996).
Nhìn lại 40 năm, tôi thấy mình đã hai lần mơ về một nước Việt Nam phát triển, một nước công nghiệp hiện đại. Nhưng cả hai lần kết cuộc không thành hiện thực. Năm nay kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, Việt Nam có thể nhân cơ hội này mở ra một thời đại mới để người dân có thể mơ về một ngày mai xán lạn không? Và giấc mơ kỳ này sẽ chắc chắn trở thành hiện thực hay không?
Tokyo, trước thềm năm Ất Mùi 2015
TRẦN VĂN THỌ