.

Bính Thân 60 năm trước, Hồ Chí Minh đã viết...

.

Bính Thân 1956 - Bính Thân 2016, tạo hóa hoàn thành một vòng quay “lục thập hoa giáp”. Với một đất nước - cũng như một con người, quãng thời gian 60 năm là đủ để khẳng định những chân giá trị, là dịp để nhìn lại và suy nghĩ trước chặng đường mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951).  (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951). (Ảnh tư liệu)

Tròn 60 năm về trước - Bính Thân 1956, đất nước còn chia làm hai miền, thời hạn để “hiệp thương tổng tuyển cử” theo Hiệp nghị Genève sắp hết mà triển vọng để hòa bình thống nhất đất nước đang bị đe dọa. Trước tình hình đó, ngày 6 tháng 7 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Thư gửi đồng bào cả nước”.

Sau khi nêu rõ “đường lối đấu tranh” là toàn dân từ Nam đến Bắc đoàn kết rộng rãi trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, Hồ Chủ tịch viết:

“Hễ là con Hồng cháu Lạc, người có lương tâm, thì chắc ai cũng tán thành và ủng hộ mục đích cao cả ấy. Cho nên chúng ta đoàn kết rộng rãi tất cả những người Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, yêu thống nhất trong cả nước và cả ở nước ngoài…”.

Trong đoạn kết, Người kêu gọi và khẳng định:

“Hỡi toàn thể đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài!

Nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất. Đồng bào Nam và Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Toàn thể đồng bào hãy quyết tâm đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ trên Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…”.

Một chi tiết rất đáng chú ý là trong một bức thư ngắn mà Hồ Chủ tịch nhắc đến từ đoàn kết 8 lần! Và đặc biệt, trong câu kết thì Người nâng lên thành “đại đoàn kết”: “…Nay chúng ta đại đoàn kết thì cuộc đấu tranh chính trị của chúng ta nhất định thắng lợi…”. Đây không chỉ là nét đặc biệt về tu từ học của Người mà còn là biểu hiện tầm quan trọng, mối bận tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúng ta đều biết Hồ Chủ tịch luôn nhắc nhở vấn đề đoàn kết dân tộc, nhất là từ khi Người về nước trực tiếp chỉ đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, nhưng chỉ trong một lá thư ngắn mà 8 lần Người nói đến đoàn kết; điều đó đã chứng tỏ mối quan tâm đặc biệt và cả nỗi lo lắng sâu sắc về tình trạng đất nước chia làm hai miền sẽ bị kéo dài, không chỉ về địa lý với con sông Bến Hải làm giới tuyến, mà là sự chia rẽ về ý thức hệ không thể “nối liền”, dẫn đến những hệ lụy sâu xa về nhiều mặt.

Không phải ngẫu nhiên, trong đoạn cuối lá thư, sau khi khẳng định “Nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất”, Hồ Chủ tịch còn viết thêm: “Đồng bào Nam và Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Hồ Chủ tịch vốn nổi tiếng về văn phong ngắn gọn, súc tích. Vậy thì vì sao Người đã khẳng định Việt Nam phải thống nhất, lại còn viết thêm “Nam Bắc sum họp một nhà”? Hai cụm từ đã quá quen thuộc và đã gắn kết thành một khẩu hiệu thể hiện quyết tâm của hàng triệu dân Việt mấy chục năm qua, nhưng có lẽ không nhiều người suy nghĩ, phân tích sự khác nhau cả về nội dung và tầm mức sâu rộng của hai cụm từ đó.

Nhiệm vụ “thống nhất đất nước” tuy hệ trọng nhưng đây là mục tiêu có thể được thực hiện bằng pháp lý, hay động thái chính trị, quân sự của bộ máy cầm quyền (như cuộc Tổng tiến công 1975, rồi cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước ngày 25-4-1976 đưa đến Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất họp ngày 24-6-1976); còn muốn “đồng bào Nam và Bắc” đi tới “sum họp một nhà” là một mục tiêu không hề đơn giản, không thể dùng cường quyền ép buộc được vì nó tùy thuộc vào tâm hồn, tình cảm và cả nếp sống, lễ giáo, tín ngưỡng… của mỗi con người.

Vì thế, đây là một mục tiêu thoạt nghe tưởng nhẹ nhàng, vui vẻ, gợi cảnh “đoàn viên” đẹp đẽ nhưng thực ra vô cùng khó khăn, lâu dài, nhất là với một dân tộc đã phải trải qua nhiều cảnh phân ly đau đớn vì ngoại xâm, vì sự khác biệt ý thức hệ, từ sau năm 1945, chứ không đợi đến cuộc di cư vào Nam năm 1954 cũng như cuộc di tản hàng triệu người 30 năm sau.

Chính vì thế, ngay từ năm 1956, chỉ trong một lá thư, Hồ Chủ tịch đã 8 lần nhắc đến việc đoàn kết dân tộc và sau khi viết đất nước phải thống nhất, Người dùng từ “sẽ” khi nói đến mục tiêu “sum họp một nhà”.

Tròn 60 năm đã qua từ ngày đó. Điều mà chúng ta đều thấy là ước mong và quyết tâm của Người cũng như của toàn dân tộc Việt Nam về một đất nước thống nhất đã được thực hiện hơn 40 năm về trước. Tuy vậy, sau năm 1975, đất nước thống nhất, nhưng biểu tượng đẹp đẽ “đồng bào Nam Bắc sum họp một nhà” vẫn chỉ là viễn cảnh, thậm chí hàng vạn gia đình ở miền Nam đã tan đàn xẻ nghé, ly tán khắp bốn phương trời.

Về một mặt nào đó, có thể nói Hồ Chủ tịch đã tiên báo tình cảnh đau thương đó; nhưng mặt khác, thiết nghĩ, nếu như sau chiến thắng 1975, những người có trách nhiệm với đất nước lúc đó biết vượt lên chỗ đứng kiêu hãnh của “bên thắng cuộc” để có tầm nhìn cao hơn, xa hơn, soi thấu những tâm tư tình cảm của cả dân tộc cùng những khác biệt nhiều mặt giữa hai miền không dễ hòa đồng, đồng thời nhớ đến hàm ý sâu xa và cũng là ước vọng đẹp đẽ của Hồ Chủ tịch 20 năm trước về mục tiêu “đồng bào Nam Bắc sum họp một nhà” sau khi 8 lần nhắc đến “đoàn kết dân tộc” để có những chính sách thích hợp hơn thì nhiều thảm kịch có thể đã không xảy ra, cảnh “sum họp một nhà” không chỉ là biểu tượng hòa hợp về tình cảm Nam Bắc mà thế mạnh của hai miền thực sự được kết hợp lại, khiến sức mạnh dân tộc tăng lên gấp bội.

Có thể nói, vì nhiều nguyên nhân, một cơ hội phục hưng đất nước đã bị bỏ lỡ - nói cách khác là mong ước hai miền đất Việt hòa nhịp để “cất cánh” bị hụt hẫng, khiến Việt Nam đã chậm bước với các nước trong khu vực trên nhiều lĩnh vực.

Một năm Bính Thân nữa lại đến. Trước thềm năm mới, trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc, một lần nữa, chúng ta lại như được nghe lời kêu gọi đoàn kết dân tộc mà Hồ Chủ tịch đã 8 lần nhắc đến trong lá thư viết năm Bính Thân tròn 60 năm trước, thông qua những lời phát biểu của các vị lãnh đạo cao cấp trên nhiều diễn đàn quan trọng nhất của đất nước.

Thực ra, ở bất kỳ đất nước nào, trước một giai đoạn mới, “đoàn kết dân tộc” là biện pháp đầu tiên nhất thiết phải nhắc đến. Như vậy cũng có thể hiểu, “đoàn kết dân tộc” là việc mà dân gian thường có câu: “Nói thì dễ, nhưng làm thì khó”! Rất khó, vì con người ta vốn “bách tính”, lại còn quyền lợi đơn vị, phe nhóm, địa phương trong bất cứ thể chế nào cũng ít nhiều mâu thuẫn, xung đột với nhau…

60 năm qua, thế giới cũng như Việt Nam đã có những đổi thay to lớn, nên vấn đề đặt ra cấp thiết lúc này là đường lối chính sách phải “Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ” như Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XII đã đề ra thì nhiệm vụ đoàn kết dân tộc từ khẩu hiệu mới trở thành hiện thực. Cuộc sống phức tạp nhưng cũng rất giản dị. Xin hãy lấy hình ảnh “sum họp một nhà” trong lá thư của Hồ Chủ tịch để dẫn giải.

Anh em trong một nhà làm sao có thể đoàn kết thân ái khi cha mẹ ôm ấp, coi trọng đứa này, xa lánh, khinh nhờn đứa kia, miếng bánh chia không đều, áo quần đứa “hàng hiệu”, đứa “đồ bành” rẻ mạt?... Vấn đề quả thật giản dị.

Bao nhiêu điều không công bằng, tình trạng độc quyền, “lợi ích nhóm” đang diễn ra ở không ít lĩnh vực.., đã dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện, nhiều vụ tham nhũng không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn làm xói mòn khối đại đoàn kết dân tộc.

Chương trình “tái cơ cấu nền kinh tế” mà Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện cũng như thái độ kiên quyết của UBND thành phố Hà Nội và Đà Nẵng đối với các công trình xây sai phép ở 8B Lê Trực và rừng Hải Vân trước thềm năm mới là để bảo đảm sự công bằng của công dân, của các thành phần kinh tế trước pháp luật, trước các cơ hội phát triển - một trong các điều kiện để đoàn kết toàn dân.

Tuy vậy, đây chỉ mới là các vụ việc cụ thể và trong hoạt động kinh doanh. Vấn đề là phải tạo thể chế bảo đảm sự công bằng quyền công dân về nhiều mặt quan trọng hơn nữa…

Hy vọng năm Bính Thân, những “cơ chế” lỗi thời duy trì tình trạng đặc quyền đặc lợi cũng như các hiện tượng tiêu cực như “gia đình trị”, đề bạt người thân quen… mà báo chí đã phản ánh, sẽ được giải quyết tận gốc.

Có như thế mới phát huy được “sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” và từ đó “khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước” như Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng đã đề ra, đưa Việt Nam thoát khỏi vị thế tụt hậu, tự hào sánh vai cùng bè bạn khắp 5 châu.

;
.
.
.
.
.