.

Chiến dịch Mậu Thân qua tranh ký họa

.

Trong lịch sử mỹ thuật đương đại Việt Nam thế kỷ XX, mảng ký họa kháng chiến được xem là một thể loại độc đáo, đặc biệt, được nhiều người yêu thích. Trong đó, những ký họa về cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 chiếm một vị trí khá ấn tượng, bởi đó là những ghi chép từ những thực tế nóng bỏng, xúc cảm và đầy giá trị về một giai đoạn lịch sử quan trọng, góp phần đi đến thắng lợi mùa xuân 1975...

Phía nam cầu chữ Y (Xuân Mậu Thân 1968), ký họa Huỳnh Phương Đông.
Phía nam cầu chữ Y (Xuân Mậu Thân 1968), ký họa Huỳnh Phương Đông.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông có thể được xem là một trong những họa sĩ tiêu biểu về tranh ký họa trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đến nay, số lượng tranh của ông đã vượt con số 20 nghìn, trở thành một kho tư liệu lịch sử vô giá.

Đặc biệt, trong chiến dịch Mậu Thân, ông đã tham gia nhiều trận đánh và ông đã kịp ghi lại những sự kiện lịch sử bằng những bức tranh ký họa sống động, với bút pháp phóng khoáng làm xúc động lòng người. Bà Johanna Branson, tiến sĩ lịch sử mỹ thuật, người Mỹ, nhận xét về tranh Huỳnh Phương Đông: “Ông luôn chú tâm quan sát, ghi lại hình ảnh những người xung quanh mình.

Nhưng ông không đơn giản chỉ vẽ họ, mà còn chia sẻ những trải nghiệm của mình với họ, ông trở thành một phần trong đời sống của các nhân vật. Chính điều này đã tạo nên nét độc đáo, tiêu biểu, đặc trưng trong tác phẩm của Huỳnh Phương Đông, độc đáo đến mức kỳ lạ”.

Họa sĩ người Mỹ David Thomas, tác giả cuốn sách Huỳnh Phương Đông - góc nhìn chiến tranh và hòa bình (Visions of War and Peace), đã sưu tập giới thiệu 109 bức tranh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông. Trong đó cấu trúc 25% tranh nghệ thuật, 75% ký họa chiến trường, đặc biệt  rất nhiều tác phẩm ký họa từ cuộc tổng tiến công Mậu Thân.

Họa sĩ Quách Phong bên cạnh những tác phẩm chủ yếu chất liệu sơn mài và sơn dầu, còn có hàng trăm bức ký họa, tranh cổ động phục vụ chiến đấu. Trong chiến dịch Mậu Thân, ông đi khắp các chiến trường, bên cạnh ba lô, cây súng còn bút, giấy màu, có điều kiện là ông vẽ trực tiếp về chiến sĩ, đồng bào trong sản xuất, chiến đấu, vẽ những tấm gương điển hình tiên tiến.

Các tranh bức ký họa đó, về sau đã được ông tham gia tổ chức nhiều triển lãm lưu động, bày tranh tại trận cho bà con, chiến sĩ xem, các tác phẩm của ông có tác động rất lớn động viên tinh thần chiến đấu. Tranh của ông được triển lãm cho nhân dân và chiến sĩ xem tại chỗ và được đưa đi triển lãm ở một số nước trên thế giới. Tại buổi giao lưu văn hóa một số nước, báo chí đã viết: Các bức ký họa trên những tờ giấy úa vàng, nhàu nát vì thời gian, mưa gió và bom đạn, nhưng trong đó chứa đựng một khát vọng sống, khát vọng độc lập tự do của một dân tộc”.

 Họa sĩ Bùi Quang Ánh, cũng từng vẽ khoảng 150 ký họa về một giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh ở Trường Sơn, từ mùa xuân Mậu Thân năm 1968 đến 1975. Nhắc lại hoàn cảnh về sự ra mỗi bức tranh ký họa, ông nói, có những cảnh huống rất khốc liệt, ở chốt trọng điểm, phải vẽ thật nhanh, nhiều khi còn vẽ vào thời điểm giữa hai trận bom, ở dưới hầm vượt lên, ông vẽ nhanh rồi lại chạy xuống ngay. Sống chết đều may rủi cả, nên ông vẽ trong một tâm trạng hết sức mạnh mẽ, do vậy những hình vẽ của ông có sức thu hút lạ kỳ.

Thêm nữa, có bức ký họa ông vẽ dưới hầm sâu 40 mét, để mô tả cuộc họp quan trọng có tính quyết định ngay trên trận địa, nhưng chỉ diễn ra trong vài phút. Ông luôn tâm niệm, đây là những thời khắc hiếm hoi, sự thật chỉ có mình ghi lại được, nên không thể bỏ qua. Đó là những khoảnh khắc có một không hai trong lịch sử đã được ghi lại trong ký họa của họa sĩ Bùi Quang Ánh.

Tuy nhiên điều đáng tiếc, sau này ông đã bán 30 bức cho các cựu chiến binh Mỹ và các nhà sưu tập nước ngoài. Hiện chỉ còn một số ít tranh ký họa ông giao cho con trai và chỉ giữ cho riêng mình khoảng 20 bức để làm kỷ niệm.

Ký họa của Nguyễn Đức Hạnh được gia đình hiến tặng cho thành phố Đà Nẵng và hiện Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đang lưu giữ.
Ký họa của Nguyễn Đức Hạnh được gia đình hiến tặng cho thành phố Đà Nẵng và hiện Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đang lưu giữ.

Nhiều trường hợp từ những ký họa ghi chép chớp nhoáng trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, về sau được tác giả thực hiện thành tác phẩm sơn dầu hoàn chỉnh như bức tranh “Bản xô-nát Mậu Thân 1968” của họa sĩ Đại tá Phan Oánh (được Bộ Quốc phòng trao Giải B, mảng mỹ thuật khu vực phía Nam không có giải A năm 2010).

Theo tác giả, với tâm huyết của người lính đã từng tham gia vào chiến dịch Mậu Thân, ông muốn lưu lại khoảnh khắc lịch sử bằng hội họa. Từ những phác thảo ký họa đã ấp ủ qua bao năm tháng, ông đã cầm cọ vẽ rồi lại cạo đi rất nhiều lần. Chính vì vậy, cái không gian và thời gian làm bức tranh “Bản xô-nát Mậu Thân 1968” không những thể hiện chất bi hùng mà còn chứa chan tính lãng mạn.

Tại Quảng Nam, mới đây vừa ra mắt tập sách “Quảng Nam trong Ký họa thời kháng chiến 1960 - 1975” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp cùng  họa sĩ Giang Nguyên Thái thực hiện có thể được xem là một tư liệu mỹ thuật hết sức giá trị, là sự ghi chép chân thực và sinh động những thực tại cuộc sống, minh chứng hiển hiện, rõ nét, đậm dấu ấn lịch sử về một thời kỳ hào hùng của dân tộc ta nói chung, quân và dân Quảng Nam nói riêng. Tập sách dày 200 trang với hơn 300 ký họa, được trình bày khoa học, theo thứ tự thời gian vào Nam chiến đấu của các tác giả.

Trong đó, họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh - người đến với chiến trường Quảng Đà từ những ngày đầu chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân để lại khá nhiều ký họa. Nhắc lại giai đoạn này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An còn nhớ rõ: “Qua thử thách Mậu Thân, chúng tôi thấy anh Nguyễn Đức Hạnh là người ném vào hoàn cảnh nào cũng sống được và giao việc gì cũng có thể làm được...

Tuy nhiên, là họa sĩ, công việc chính của Hạnh là ký họa những người, những cảnh của đất Quảng thời chiến tranh, ký họa rồi cố mà giữ sau này sẽ là những tư liệu vô giá về cuộc chiến, cũng có thể để từ đó sáng tác những tác phẩm đàng hoàng. Hạnh nghĩ vậy làm vậy và chúng tôi ủng hộ anh”.

Điều đáng mừng, sau khi họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh qua đời (2010), toàn bộ số tranh ký họa của ông, trong đó có số lượng lớn về đề tài Mậu Thân đã được gia đình họa sĩ hiến tặng cho thành phố Đà Nẵng và hiện Bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày vào những dịp phù hợp.

Dầu vậy, nhiều ý kiến không ít lo âu, vì vẫn còn rất nhiều tác phẩm ký họa kháng chiến giá của các họa sĩ thiếu sự quan tâm đúng mức của các ngành liên quan, dẫn đến việc trôi dạt vào tay các nhà sưu tập trong và ngoài nước.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.