Báo Đà Nẵng xuân 2016

Học Bác từ những điều nhỏ nhất

19:27, 03/02/2016 (GMT+7)

Điều nhà giáo Võ Phổ, giảng viên môn lý luận chính trị Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh đau đáu nhất hiện nay là làm sao tư tưởng của Người phải gần gũi, lan tỏa trong sinh viên? Làm sao để dạy miễn phí cho các em? Bác Hồ ngày xưa đâu lấy tiền của ai, tại sao sinh viên học tư tưởng Hồ Chí Minh phải nộp tiền như các môn khác. Trong sâu thẳm trái tim mình, ông luôn như có Bác ở bên động viên, cổ vũ, tiếp cho ông sức mạnh lớn lao.

Dũng sĩ Võ Phổ (bìa trái) cùng đoàn Dũng sĩ miền Nam với Bác Hồ.Ảnh tư liệu
Dũng sĩ Võ Phổ (bìa trái) cùng đoàn Dũng sĩ miền Nam với Bác Hồ.Ảnh tư liệu

Năm 1968, bước sang tuổi 17, vóc dáng gầy yếu, cậu bé Võ Phổ quê Hòa Liên, Hòa Vang từ biệt Đội quyết tử Nguyễn Văn Trỗi, nơi cậu tung hoành cùng 70 trận đánh, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ ngụy, 12 lần được phong Dũng sĩ diệt Mỹ, lên đường ra Bắc chữa 14 vết thương bị địch bắn. Hạnh phúc cậu bé không ngờ đến là được gặp Bác Hồ.

Giải thích vì sao trong bức ảnh chụp chung với Bác, Võ Phổ lại ngồi xa nhất, ông bồi hồi: “Các Dũng sĩ miền Nam vừa xuống xe thấy Bác Hồ, Bác Tôn thì mừng lắm, chạy ùa vào. Tôi chân còn đau nên đi rất chậm, nên ngồi ngoài cùng. Sau khi hỏi chuyện lần lượt từng bạn, bất ngờ Bác gọi: “Cháu Võ Phổ lại đây với Bác”, rồi Bác hỏi: “Cái vết thương bên chân trái của cháu khỏi hẳn chưa?”. Sợ Bác buồn nên tôi trả lời: “Thưa Bác, vết thương thì nặng nhưng các bác sĩ chữa hết rồi”. Bác lại nói: “Bỏ vớ ra cho Bác xem”. Tôi làm theo thì Bác ân cần: “Vết thương của cháu vẫn còn mủ. Ăn xong, Bác sẽ đưa cháu đi bệnh viện”. Tôi òa lên khóc.

Bác ôm đầu tôi: “Gặp Bác phải vui chứ sao lại khóc?”. Tôi thưa: “Bác cao tuổi rồi, trăm công ngàn việc của đất nước mà vẫn lo nghĩ cho các cháu như vậy. Nghĩa là Bác luôn nghĩ về miền Nam và các cháu thiếu nhi miền Nam. Vì vậy mà cháu khóc”. Bác vỗ về: “Nín đi để làm gương cho các bạn”.

Sau đó đoàn Dũng sĩ miền Nam gặp Bác nhiều lần nữa. “Tôi để ý, trong Phủ Chủ tịch, căn phòng nào cũng có đồng hồ. Những lần đi đón khách với Bác, chúng tôi luôn đến sớm. Bác chỉ tay vào đồng hồ và nói: “Các cháu đến rất đúng giờ”.  Nhớ lời Bác, 34 năm đi dạy học, ông chưa bao giờ đi trễ 1 phút.

Học tập và làm theo Bác, với ông, là rèn luyện sức khỏe tốt nhất để phục vụ đất nước. Vết thương ở cổ đau đớn làm ông nói lắp và ngọng. Hằng ngày ông úp vào lu nước, tập luyện cho tròn vành, rõ chữ. Có khi cổ họng đau rát, đỏ tấy, ông vẫn không chịu thua, rèn đến khi nói chuẩn mới thôi.

Lý luận chính trị gồm các bộ môn khá khô khan, đặc biệt với người học môn tự nhiên, vậy mà những buổi đứng lớp của thầy Phổ luôn chật cứng sinh viên, có khi tràn ra cả hành lang. Không chỉ dạy chính ở Trường Đại học Bách khoa, ông còn được mời đi giảng dạy ở nhiều trường đại học trong thành phố.

Có lần đang giảng bài, vết thương tái phát, ông quỵ xuống tại giảng đường phải đưa đi cấp cứu. Nghĩ sẽ bỏ nghề, thế mà tạm ổn định, ông lại trở về với học trò. Không chỉ thế, những mùa hè xanh tình nguyện, thầy giáo thương binh này lại rong ruổi theo học sinh đến các miền quê, lao động không mệt mỏi, tham gia mọi hoạt động văn hóa, làm động lực cho các em noi theo.

Nhiều người cho rằng với chiến công đặc biệt xuất sắc tuổi thiếu niên, Võ Phổ xứng đáng được phong anh hùng, nhưng giọng ông chùng xuống khi nói chuyện này: “Sau giải phóng, địa phương có cử cán bộ vào Sài Gòn lấy thành tích để làm thủ tục phong tôi anh hùng. Tôi bảo: “Các cậu cứ làm trước cho những đồng đội tôi đã hy sinh, tôi làm sau cùng”. Đoàn cán bộ nói: “Liệt sĩ từ từ cũng được, phải ưu tiên người đang sống”. Nghe vậy, tôi chạnh lòng, xin gác lại phần mình đến tận bây giờ”.

Người Đà Nẵng vốn tính ngang. Do thay đổi công tác, giấy tờ thương binh của ông bị thất lạc từ miền Bắc. Ông đi làm lại, cơ quan chức năng, là những người trẻ chưa nếm mùi chiến tranh, cứ hạnh họe, vậy là ông bỏ luôn không hưởng chế độ thương binh mấy chục năm nay.

Những năm bao cấp, chứng kiến những tiêu cực ở nhà trường, ông thẳng thắn, chỉ ra những sai phạm. Hai lần bị dọa đuổi khỏi trường vì tội danh “phá trường” ông vẫn mạnh mẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi sinh viên và cuối cùng đã giành thắng lợi.

Gia đình ông ở thôn Quan Nam 1 là gia đình tiêu biểu cách mạng. Cha, mẹ, anh trai, chị gái, em trai đều đã hy sinh. Lòng nhân hậu của thầy Võ Phổ, sinh viên Trường Đại học Bách khoa đều biết. Nhiều năm liền, ông dành tiền thù lao của mình gửi lại trường làm phần thưởng cho sinh viên học giỏi.

Có những sinh viên sắp bỏ học vì không có tiền đóng học phí, thầy đều sẵn lòng giúp. Nhiều trò được thầy dựng vợ gả chồng. Ông còn vận động các doanh nhân giúp đỡ các em mua vé xe về quê dịp Tết. Căn nhà của ông ở quận 2, luôn dành riêng một vài phòng cho con của đồng đội hoặc những học sinh nghèo.

Bác sĩ nha khoa Ngô Thị Thanh Tâm, Bệnh viện C Đà Nẵng, vẫn còn nhớ mãi 6 năm học ở Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh được ở nhờ mà không lấy một khoản phí nào. Hằng ngày gặp gỡ, nghe bác Võ Phổ kể chuyện, động viên, cô gái Đà Nẵng này không ngừng trưởng thành, được chọn đi du học Pháp và tiếp tục quay trở về phục vụ quê hương. Hai người con của ông được hưởng tính cách và nghị lực của cha mẹ đều học rất giỏi, ra trường đều được các công ty nước ngoài mời làm việc.

Điều nhà giáo Võ Phổ đau đáu nhất hiện nay là việc giảng dạy bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhà trường, nhất là các trường đại học chưa đặt đúng tầm. Làm sao tư tưởng của Người phải gần gũi, lan tỏa trong sinh viên hơn nữa là tâm nguyện của ông.

Điều quan trọng nhất là phải dạy miễn phí cho các em. Ông nhiều lần đề xuất với cấp trên về điều này. Theo ông, Bác Hồ ngày xưa đâu lấy tiền của ai, tại sao sinh viên học tư tưởng Hồ Chí Minh phải nộp tiền như các môn khác. Bản thân ông từ năm 2006 đến nay, không hề nhận tiền thù lao bộ môn này.

Đã về hưu 4 năm, không giữ cương vị trưởng khoa lý luận chính trị của Trường Đại học Bách khoa nhưng ông vẫn được mời giảng dạy với lịch dày đặc. Không ít lần thầy giáo Võ Phổ được mời ra Hà Nội góp ý về cải cách, đổi mới giáo dục.

Trong sâu thẳm trái tim mình, ông như luôn có Bác ở bên động viên, cổ vũ làm những việc có ích. Tấm ảnh chụp chung với Bác cùng đoàn Dũng sĩ miền Nam được treo trang trọng ở phòng khách tiếp cho ông sức mạnh lớn lao như đã từng giúp ông vượt qua 14 vết thương năm nào.

HỒNG VÂN

.