.

Khỉ trong tác phẩm nghệ thuật

.

Trong tác phẩm nghệ thuật hội họa hay điêu khắc, hình tượng của khỉ hay các loài tương cận như vượn hoặc tinh tinh thường được một số họa sĩ nổi tiếng trên thế giới quan tâm đến, nhất là đối với những nghệ sĩ yêu mến các loài động vật. Dẫu vậy, tập quán đời sống của mỗi nơi đã tạo nên góc nhìn khác nhau.

Ở phương Tây, nhân vật khỉ trong tác phẩm của họ hầu hết trông rất thô ráp, hung mãnh, hoang dã hoặc lém lỉnh, phá phách ngụ ý giễu cợt. Ngược lại, ở phương Đông, nhiều tác phẩm thường mô tả tính cách và sinh hoạt đời sống của nhân vật khỉ nhẹ nhàng, chi tiết sắc sảo, nhuần nhuyễn biểu hiện sự gần gũi, thân thiện.

Đón chào mùa xuân - Tranh của thần đồng Wang Yani.
Đón chào mùa xuân - Tranh của thần đồng Wang Yani.

Wang Yani, một họa sĩ trẻ, sinh năm 1975 ở miền nam Trung Quốc. Cha cô là một giáo viên nghệ thuật và là một họa sĩ. Khi cô được bốn tuổi, cha của cô đã cho cô một con khỉ vật nuôi. Sau đó, những con khỉ đã trở thành chủ đề yêu thích của cô để vẽ.

Bốn tuổi đã có tranh triển lãm và khi lên tám, một bức tranh vẽ khỉ của cô được in thành tem bưu chính trong nước. Sáu cuốn sách khác nhau đã viết về Wang Yani khi cô tròn mười sáu tuổi. Những cuốn sách in kèm tranh vẽ, kể  câu chuyện về một cô gái nhỏ tuổi, ngây thơ luôn yêu mến động vật nhất là khỉ.

Ngoài các cuộc triển lãm ở Trung Quốc, Wang Yani được mời đến trưng bày tranh tại Nhật Bản, Đức, Anh, và Hoa Kỳ. Đến nay, tác phẩm và tên của Wang Yani được biết đến trên toàn thế giới. Bức tranh “Đón chào mùa xuân” được đăng tải trên các phương tiện truyền thông với chú thích “Tranh của thần đồng Wang Yani”.

Sư và đệ - tranh của Yi Yuanji.
Sư và đệ - tranh của Yi Yuanji.

Lịch sử nghệ thuật Trung Quốc còn nhắc đến một họa sĩ ở triều đại Bắc Tống ( 960-1127, ông Yi Yuanji, nổi tiếng về tranh khỉ. Bức “Sư và đệ” đã được giới thiệu trên con tem vào năm con khỉ 2004. Những hình ảnh của Yi Yuanji, với kiến ​​thức sâu sắc của ông về bản chất động vật và thiên nhiên, đã thu hút được sự chú ý từ các họa sĩ hiện đại Trung Quốc.

Tranh thủy mặc Nhật Bản vẽ về khỉ cũng mang sắc thái nhẹ nhàng. Người ta chỉ nhắc khái lược về bức tranh “Gia đình khỉ” của Oki Kangaku, Nhật Bản (thế kỷ 19) nhưng bức tranh khác, với tựa đề “Ba con khỉ khôn ngoan” từ trước đến nay, quen thuộc với người xem hơn. Tranh minh họa từ câu tục ngữ “Thấy không xấu xa, nghe không ác ý, nói không khắc nghiệt” xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1912 qua hình thức bưu thiếp vẽ tay.

Nguồn phổ biến câu châm ngôn bằng hình ảnh này là một bản khắc từ thế kỷ 17, trên một cánh cửa của ngôi đền Toshogu nổi tiếng ở Nikko, Nhật Bản. Các hình chạm khắc tại Toshogu do nghệ nhân Hidari Jingoro thực hiện, và được cho là đã kết hợp “Quy tắc ứng xử của Khổng Tử”, bằng cách sử dụng con khỉ như một cách để mô tả chu kỳ cuộc sống của con người.

Câu tục ngữ mang ý nghĩa khác nhau được quy cho những con khỉ - bao gồm sự liên hợp giữa lời nói, hành động và tâm trí để tạo nên một phẩm chất tốt. Trong thế giới phương Tây, cụm từ này thường được sử dụng để chỉ những người đối phó với sự không thích đáng bằng cách làm ngơ. Hiện nay, nhiều nghệ sĩ hội họa và điêu khắc các nước trên thế giới chọn mẫu “Ba con khỉ khôn ngoan” làm phiên bản qua hình họa và tượng.

 “Ba chú khỉ khôn ngoan”, tranh Nhật Bản.
“Ba chú khỉ khôn ngoan”, tranh Nhật Bản.

Thế kỷ 20 và 21, ở phương Tây, hình ảnh con khỉ trong tác phẩm có xu hướng mạnh mẽ. Trong bức tượng đồng “Hai mẹ con khỉ đầu chó”, thực hiện trong năm 1951, Picasso biến đổi một loạt các yếu tố vào lối biểu hiện dí dỏm qua hình ảnh mẹ khỉ và khỉ con. Hiện bức tượng trưng bày ở Bảo tàng MoMA, New York.

Tương phản với ngôn ngữ lập thể của Picasso, nhà điêu khắc trẻ Mitsy Groenendijk (1952), người Hà Lan, hiện sống và làm việc ở Amsterdam, người chuyên mô tả các tượng khỉ qua sinh hoạt của con người. Cô tạo dáng và tô màu khỉ “như thật”. Mitsy Groenendijk đưa ra một tiếng nói bảo vệ các động vật và nói thêm về lòng nhân đạo và số phận của chúng.

Mô tả sự lặp lại hay sự bắt chước là chìa khóa để duy trì tính hiện thực ở  tác phẩm điêu khắc của Mitsys: Khỉ chơi banh, khỉ đứng tựa cửa sổ, khỉ nằm trên nền nhà, v.v… đã kích thích người xem, khuấy động thói quen suy nghĩ của con người.

Mẹ con khỉ đầu chó - Tượng đồng của Pablo Picasso (1951).
Mẹ con khỉ đầu chó - Tượng đồng của Pablo Picasso (1951).

Có một tượng khỉ bằng đồng, có tên là “Con khỉ đồng ở bên cầu Heidelberg”, một thị trấn trên sông Neckar ở tây nam nước Đức. Bức tượng đặt bên cạnh tháp cầu là một trong những điểm thu hút của Heidelberg. Nó đã được thực hiện bởi các nhà điêu khắc và giáo sư nghệ thuật Gernot Rumpf vào năm 1979.

Hai chân trước tượng khỉ giữ một tấm gương được bao quanh bởi những con chuột nhỏ. Truyền thuyết cho rằng nếu bạn muốn giàu có, chạm tay vào chiếc gương. Nếu bạn muốn con cái chạm vào những con chuột bên cạnh, còn bạn muốn có dịp trở lại Heidelberg, chạm vào những ngón tay của tượng khỉ.

Động vật làm chủ đề cho vô số tác phẩm nhưng đối với khỉ, một nhân vật “gần người” hơn cả. Nói như lời của một họa sĩ phương Đông “Tôi vẽ khỉ để thấy hạnh phúc và nỗi buồn của chúng, để minh họa cho sự hòa hợp tuyệt vời giữa môi trường, động vật và con người”.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.