Báo Đà Nẵng xuân 2016
Mong ngày về…
Thực lòng mà nói, ít ai muốn ngày nào đó phải rời xa gia đình, xa quê hương để tới những vùng đất hoàn toàn mới lạ. Có chăng, đó là sự thôi thúc ra đi tìm cơ hội làm giàu bằng sức lao động của chính mình nơi xứ người, nhằm tích lũy vật chất giúp đỡ gia đình, để dành chút vốn liếng sau này trở về quê nhà sinh sống, làm ăn.
Góc chợ Việt ở Thủ đô Paris – Pháp. |
Xứ người đâu “dễ thở”
Năm năm trở lại đây, hoạt động buôn bán của người Việt Nam ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn bởi tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng, bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia. Ở Đà Nẵng, nhiều gia đình có con em đi xuất khẩu lao động hay buôn bán tự do ở nước ngoài thừa nhận, họ sẵn sàng chấp nhận làm việc vất vả thời gian đầu đến khi có số tiền đảm bảo sẽ trở về quê.
Trong câu chuyện của mình, vợ chồng anh Nguyễn H., chị Trần Thị C.G (quận Thanh Khê) cho biết, anh chị sang Thái Lan làm ăn đã vài năm nay với công việc chính là thu mua hàng thời trang cũ để bỏ mối lại cho các cửa hàng bán lẻ.
Phải thức khuya dậy sớm để có thu nhập ổn định, cao hơn ở quê nhà. Tranh thủ cơ hội kiếm tiền, một năm có khi anh chị mới về Đà Nẵng 1-2 lần để thăm con cái. Tuy nhiên, điều anh chị lo lắng nhất là sự bất ổn về an ninh khu vực buôn bán, là tỉnh biên giới giáp ranh giữa Thái Lan và Campuchia.
“Buổi tối chúng tôi không dám bước ra đường vì sợ cướp giật bởi trước đó, một số đồng hương đã bị trấn lột hết tiền bạc mà chính quyền cũng không thể can thiệp tới nơi tới chốn”, chị G. than phiền.
Khoảng thời gian bán giày dép ở chợ Admiral – thành phố Kazan (Nga) đối với chị Minh Tâm (quận Liên Chiểu) là những chuỗi ngày ám ảnh khó quên. Tháng 3-2015, khi chợ xảy ra cháy lớn thiêu rụi toàn bộ tài sản, hàng trăm người Việt lâm vào cảnh trắng tay.
Trong khi thu nhập chưa đủ để tạo dựng cơ hội làm ăn khác thì khoản tiền gia đình vay ngân hàng cho chị đi nước ngoài với số lãi và gốc chồng chất không thể trả nổi. Chị rơi vào hoàn cảnh suy sụp đến mức lâm bệnh phải nằm nhà gần hai tháng trời cô quạnh nơi xứ người.
Buôn bán ở thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp) đã trên 15 năm nay, anh Nguyễn Đình Minh (quận Hải Châu) không ngờ có ngày mình suýt mất mạng vì vụ đánh bom khủng bố hôm 13-11-2015. Cuộc điện thoại gọi về cho gia đình lúc nửa đêm, anh vẫn chưa hết bàng hoàng và tin mình vẫn còn may mắn đến vậy.
Anh kể: “Hôm đó, tôi cùng với mấy anh em đi giao hàng cho đối tác ở cách địa điểm khủng bố tấn công chỉ chừng nửa cây số. Nhớ lại buổi tối hôm đó, tôi không khỏi rùng mình. Sau vụ này, chính quyền sở tại khuyến cáo người dân không nên tập trung chỗ đông người đề phòng khủng bố tấn công. Nhưng tôi làm công việc này không đến chợ và các trung tâm thương mại thì chỉ có bỏ nghề về nước”.
Theo anh Minh, việc làm ăn ở xứ người giờ đây đã không thuận buồm xuôi gió bởi tính mạng bị đe dọa bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể tới sự tranh giành giữa những người lao động châu Á với nhau đến từ Trung Quốc, Malaysia, Philippine…
Đa số những người ra nước ngoài mưu sinh đều phải đi làm từ sáng đến tối. Thời gian đầu không ít người cảm thấy chán nản, muốn về nước ngay vì chưa thích ứng được môi trường sống, khả năng giao tiếp với người nước ngoài hạn chế.
Vì thế, không phải người Việt Nam nào đi ra nước ngoài làm ăn đều thành công, mặc dù phải trải qua những năm tháng vất vả, khó nhọc. Song nhiều người “xuất ngoại” đã xác định cho mình một mục đích thật rõ ràng, dù cuộc sống đôi khi có phần buồn tẻ, tủi thân nhưng hầu hết đều cố gắng vượt qua.
Tiết mục múa lân phục vụ kiều bào tại Cộng hòa Pháp. |
Tìm về thành phố an bình
Khó khăn, mệt mỏi, nản chí, nhớ quê hương… nhưng động lực kiếm tiền để quay về với gia đình thôi thúc họ quyết tâm hơn với giấc mơ ngày trở về không xa.
Chị Đậu Thị Lan Hương (buôn bán ở chợ Việt - Ba Lan) trải lòng: “Buôn bán ở bên đó mấy năm nay kém lắm chị ạ. Buôn lớn có cơ sở vững chắc thì tồn tại được, còn những người buôn lẻ thì chỉ kiếm được 1.000 USD mỗi tháng, chỉ đủ ăn uống, tiền nhà. Nhiều người bị lỗ vốn, vỡ nợ, chịu không nổi đã phải bỏ về nước rồi. Thôi thì ráng dành dụm thêm chút tiền nữa làm vốn khi về nước để đầu tư cái gì đó sinh lời hơn là ở nước ngoài mà không bằng Việt Nam. Chắc 1-2 năm tới khi làm xong các thủ tục giấy tờ, em sẽ về Đà Nẵng mở hệ thống cửa hàng kinh doanh đồ dùng trẻ em”.
Về nước trong đợt nghỉ đông này, anh Minh được bạn bè đưa đi dạo một vòng quanh Đà Nẵng. Thời gian lưu lại thành phố biển xinh đẹp đã giúp anh cảm nhận không nơi nào bằng quê hương, vì vậy, được một người bạn mách nước anh đã dồn một khoản tiền lớn với dự định sắp tới mua đất xây khách sạn ven biển.
Anh nói: “Quanh năm lấn bấn chuyện buôn bán, ít có thời gian nghỉ ngơi hay giải trí. Ngay cả Tết cổ truyền của người Việt không phải ai cũng có điều kiện về quê. Những cái Tết Việt Nam ở nước ngoài, nhất là vùng có ít cộng đồng người Việt sinh sống quả là cô quạnh. Không có sự bình yên, hạnh phúc nào bằng được sống với những người thân của mình nơi quê nhà”.
Trong những ngày đầu năm mới 2016 này, có dịp trao đổi qua trang kết nối cá nhân, chúng tôi nhận được tin vui từ nhiều người bạn ở nước ngoài thông báo sẽ về Đà Nẵng ăn Tết. Niềm hân hoan và sự háo hức của những người đang sống xa Tổ quốc cũng làm chúng tôi vui lây. Những người hồi hương như các anh, chị sẽ là một phần đóng góp không thể thiếu để làm nên một Đà Nẵng ngày một phát triển.
Theo Sở Ngoại vụ thành phố, hiện Đà Nẵng có khoảng 18.000 Việt kiều sinh sống ở khắp nơi trên thế giới. Mỗi người với hoàn cảnh khác nhau, cư trú tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng đa số đều có tinh thần dân tộc cao, luôn hướng về quê hương và có mối quan hệ mật thiết với thân nhân trong nước.
Những thành quả do người Việt ở nước ngoài tạo dựng được đều hỗ trợ thân nhân phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển thành phố. Gần đây, bà con người Việt ở nước ngoài về thăm và đầu tư tại thành phố Đà Nẵng ngày càng nhiều, chứng tỏ đây là vùng đất lành cho kiều bào. Sự phát triển nhanh chóng của thành phố với diện mạo trẻ trung, xinh đẹp cùng với những chính sách thông thoáng, cởi mở của chính quyền sẽ là hấp lực mạnh để kéo thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước về Đà Nẵng trong tương lai.
DUYÊN ANH