Báo Đà Nẵng xuân 2016
Cãi nhau quanh... đòn bánh tét
Bánh tét là thứ không thể thiếu trong ngày Tết của cư dân vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ, cũng như bánh chưng đối với đồng bào vùng Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Quanh đòn bánh Tét đơn giản, mộc mạc lại có bao nhiêu điều cần được hiểu một cách đầy đủ, thật chính xác. Vì vậy cứ phải “cãi” cho ra lẽ…
Vì sao gọi là bánh tét? Có người nói đơn giản thôi, bánh tét là bánh Tết vì đây là loại bánh sử dụng chủ yếu vào dịp Tết. Tét là từ chữ Tết đọc trại mà ra. Thế vì sao Tết lại đọc trại thành Tét? Không ai lý giải được một cách thuyết phục cho nên họ bảo đó cũng là việc bình thường cũng như Tết là do chữ tiết (tiết khí, thời tiết) đọc trại mà thành.
Người đồng tình cách lý giải này khá nhiều nhưng người phản bác lại cũng không ít. Theo họ gọi bánh tét vì cách cắt bánh ra để dùng: “Tét” là một hành động cắt bánh, một tay cầm đòn bánh, tay kia khoanh dây tròng vào đòn bánh đã lột vỏ, “tét” từng khoanh một đơm lên đĩa, nên có tên gọi “bánh tét” (1).
Xem ra cách giải thích này cũng khá hợp lý. Đối với bánh tét, ở nông thôn Quảng Nam thường nói “tét bánh” thay vì cắt (xắt) bánh ra cúng (hay ăn). Trong khi bánh chưng, bánh ú, bánh tổ… thì không ai lại dùng động từ “tét” cả. Mặt khác, tên gọi của nhiều loại bánh khác cũng đều bắt nguồn từ cách thức hay nguyên liệu để chế biến mà có như bánh nổ (làm bằng hạt nổ), bánh in (in bằng khuôn), bánh lăn (lăn cho tròn), bánh thuẫn (có hình cái thuẫn)…
Về nguồn gốc bánh tét. Có người cho rằng từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa (1558) và nhất là sau khi vượt đèo Hải Vân vào kinh lý vùng Quảng Nam (1602) tư tưởng cát cứ đã được nhen nhóm. Sau này con cháu Nguyễn Hoàng đã thực hiện ý đồ của tổ tiên, xây dựng Đàng Trong thành một triều đình riêng đối lập với xứ Đàng Ngoài: “Họ quyết cãi lại một xã hội cũ, một cách sống cũ, đi tìm một xã hội mới, một cuộc sống mới, một cách làm người Việt kiểu khác, mới…”(2).
Trong cách “cãi” lại cái xã hội cũ đó, cái bánh chưng “vuông vức” của Đàng Ngoài được cải biến thành đòn bánh tét “dài thượt, tròn trịa” ở Đàng Trong, mặc dù về nội dung, ý nghĩa vẫn không thay đổi, đó là lá xanh (biểu tượng của Trời), nhân vàng (biểu trưng của Đất); từ những hạt nếp hạt đậu là những cá nhân riêng lẻ rời rạc đã kết dính nhuần nhuyễn với nhau thành cộng đồng bền chặt.
Nhiều người lại cho rằng, bánh tét là sản phẩm của nhà Tây Sơn chứ không phải là của các chúa Nguyễn. Quang Trung đã cải tiến bánh chưng thành bánh tét để phục vụ cho quân sĩ. Quân đội Tây Sơn có một ưu thế là sử dụng bánh tráng và bánh tét làm lương thực khi hành quân. Mỗi binh sĩ chỉ cần đeo lủng lẳng hai cặp bánh tét trên cổ là đủ lương thực cho cả cuộc hành quân. Bánh tét có lợi thế hơn bánh chưng là gọn hơn, dễ bảo quản và sử dụng hơn.
Lương thực treo sẵn ở cổ, trên đường hành quân khi nào đói là lột bánh, “tét” một khúc, sau đó gói kỹ lại và bảo đảm... an toàn vệ sinh thực phẩm. Cầm cục bánh tét vừa hành quân vừa ăn, ai ăn phần nấy, không phải dừng lại nấu nướng tốn thì giờ lại phải mang vác nồi niêu xoong chảo lỉnh kỉnh, làm mất tính cơ động.
Họ cho rằng chính nhờ sự tiện lợi của bánh tét mà quân đội Tây Sơn thường có những cuộc hành quân thần tốc làm cơ sở cho những trận đánh cơ động, chớp nhoáng, tạo yếu tố bất ngờ, làm quân địch trở tay không kịp. Và như vậy bánh tét đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng của Quang Trung - Nguyễn Huệ vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), đánh tan nhanh chóng 20 vạn quân Thanh và 10 vạn quân nhà Lê.
Một số người khác nhìn hình dạng của đòn bánh tét liền liên tưởng đến hình tượng Linga trong văn hóa Chăm. Mặc khác bánh tét chỉ phổ biến ở vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ vốn là vùng đất cũ của người Chăm nên cho rằng đó là là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt - Chăm.
Nhưng nếu bánh tét là biểu tượng của Linga thì biểu trưng của Yoni là gì, đâu rồi? Hai thứ này phải song hành với nhau. Lại thêm, một số dân tộc thiểu số ở miền Bắc cũng có bánh tày rất giống với bánh tét mà GS. Trần Quốc Vượng gọi đó là bánh chưng nguyên thủy.
GS. Trần Quốc Vượng cũng cho rằng bánh chưng cổ xưa không phải là hình vuông. Theo ông: “Bánh chưng vuông tượng Đất, bánh dày tròn tượng Trời là một triết lý rất Trung Hoa nhưng triết lý ấy thực ra còn chưa có ở đời Hán. Vậy, làm gì có chuyện “bánh chưng vuông tượng trời” ra đời ở Việt Nam vào thời Hùng Vương?”(3).
Vậy ngày đó bánh chưng có hình dạng như thế nào? Ông cho rằng trước khi có hình dạng như ngày nay, bánh chưng nguyên thủy có hình tròn và dài như bánh tét. Bánh chưng và bánh dầy tượng trưng cho hai cơ quan sinh dục của người nam và người nữ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam. Và bánh chưng ngày nay phải gọi là bánh tét mới đúng. Phức tạp thật!
Nếu luận điểm của GS. Trần Quốc Vượng là đúng thì tất cả những nhận định mà chúng ta vừa nêu ở trên đều… trật lất! Rất tiếc là ông không còn sống để lý giải kỹ hơn về vấn đề này.
Không những cãi nhau về tên gọi, nguồn gốc, người ta còn đi xa hơn, cãi nhau về cả ý nghĩa của đòn bánh tét. Khi đặt đòn bánh tét lên cúng trên bàn thờ tổ tiên vào ngày Tết, có người cho rằng đặt nằm ngang là sai. Họ bảo phải dựng đòn bánh thẳng đứng lên mới đúng. Nhà nghiên cứu Phan Quốc Hải cho rằng: “Cách đặt bánh dựng đứng có một triết lý khác biệt. Thứ nhất, với cách giải thích hữu thức ngày nay thì đó là“gậy chống ông vải”, thuộc về tín ngưỡng phồn thực. Thứ hai, hành động này mang ý nghĩa của thuyết Thiên - Địa - Nhân. Đặt bánh thẳng đứng như một cột trụ có ý nghĩa như nối, liên hệ cả ba yếu tố Thiên, Địa, Nhân lại với nhau theo cách đòn bánh là trung gian gắn kết”(4). Rắc rối quá!
Chưa lý giải được một cách thuyết phục về tên gọi, nguồn gốc, ý nghĩa… của đòn bánh tét thì người ta còn tiếp tục cãi. Nhưng cái sự “cãi” như vậy không gây ra việc gì nghiêm trọng mà chỉ làm cho ngày Tết với chén rượu, bên đĩa bánh tét càng thêm rôm rả và ý vị. Và các bạn trẻ sẽ được dịp há hốc mồm, thích thú nghe người lớn lý giải những điều hết sức lạ lùng, sâu sắc, đầy ý nghĩa về đòn bánh tét, một thứ cứ tưởng là bình thường, đơn giản, có khi còn bị xem là “nhà quê”. Ngày Tết, vì thế, cũng trở nên sâu thẳm và… thiêng liêng hơn.
LÊ THÍ
(1) Lê Tân, Ẩm thực Trà Vinh, Nxb VH-TT, Hà Nội, năm 2003, trang 73.
(2) Nguyên Ngọc, Tìm hiểu con người Xứ Quảng, Nxb Đà Nẵng, năm 2005, trang 324.
(3) Văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa và Viện Văn hóa, Hà Nội, năm 2009, trang 91.
(4) Ngày xuân luận về bánh tét xứ Quảng. Tạp chí Bản tin Diễn đàn Nhân dân Quảng Nam - số 28.