Năm Bính Thân năm nay lại về. Nếu tính từ những năm sau công nguyên đến nay đã có 168 năm Thân đã đi qua. Mỗi một năm Thân ấy đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự biến thiên của lịch sử dân tộc. Trong những thời khắc nhất định của các năm Thân đó, có những nhân vật, những sự kiện, những áng văn không thể nào quên.
Bình Ngô đại cáo và Hịch tướng sĩ (mộc bản). Ảnh: tư liệu |
Theo luật Can Chi Ất qua - Bính sang, Mùi đi - Thân đến và năm nay, năm Bính Thân - năm con Khỉ đã đến. Khỉ là loài vật có nguồn gốc sinh học gần gũi với con người, liên quan mật thiết và ảnh hưởng sâu rộng tới những giá trị tinh thần của nhân loại.
Khỉ là loại động vật nhanh nhẹn, thông minh, ngang nhiên hòa đồng, biến hóa khôn lường, đến nỗi con người phải nể trọng và đưa nó lên tận mây xanh “Tề thiên đại thánh”. Trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, năm Khỉ trong nhiều thời khắc của lịch sử nhất định, đã trở thành mốc son rực rỡ, ghi dấu ấn với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và cũng rất nhiều nhân vật tuổi Khỉ đã trở thành danh nhân trong lịch sử dân tộc.
Những nhân vật tiêu biểu
Trên lĩnh vực chính trị, tuổi Thân có Quốc vương Nguyễn Ưng Lịch tức vua Hàm Nghi (Nhâm Thân, 1872-1943), một vị vua hiền thời Nguyễn. Công thần vương quốc thời Lê, danh nhân văn hóa nhân loại Nguyễn Trãi (Canh Thân, 1380-1442), người không chỉ là đại thần có tài trong việc phò vua giúp nước mà còn là một nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc và nhân loại.
Đại thần triều Nguyễn, Nguyễn Tri Phương (Canh Thân, 1800-1873), một đại tướng lừng danh chỉ huy trong trận đầu đánh Pháp. Chí sĩ yêu nước, tiến sĩ Phan Châu Trinh (Nhâm Thân, 1872-1926), người khởi xướng và lãnh đạo Phong trào Duy Tân dân chủ đầu thế kỷ XX với luận thuyết nổi tiếng: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Ngô Gia Tự (Mậu Thân, 1908-1935), là một trong những người tham gia lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc và được Kỳ bộ Bắc kỳ Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí hội chỉ định vào tỉnh bộ Bắc Ninh.
Sau thành lập Đảng Cộng sản, trong chủ trương “vô sản hóa”, ông vào Sài Gòn, giúp Đảng thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên và được bầu Bí thư xứ ủy lâm thời của Đảng bộ Nam kỳ. Nguyễn Đức Cảnh (Mậu Thân 1908 - 1932), một trong những người đầu tiên tham gia thành lập tổ chức tiền thân Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia sáng lập Tổng công hội đỏ Bắc kỳ, tham gia lãnh đạo Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Bí thư đầu tiên Đảng bộ Đông Dương cộng sản Hải Phòng. Hồ Tùng Mậu (Bính Thân, 1896-1951), nhà hoạt động cách mạng và chính khách Việt Nam…
Trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, ngoài danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, còn có nhiều nhân vật nổi tiếng khác như: Đào Duy Từ với “Ngọa Long Cương Văn” (Nhâm Thân, 1572-1634); Nguyễn Tông Khuê, tiến sĩ thời Lê, nổi tiếng là một trong Trường An tử hổ(1) (Nhâm Thân, 1692 - 1766); Hoàng Ngọc Phách, tác giả cuốn “Tố Tâm” lừng danh (Bính Thân, 1896-1973); Vũ Đình Long (Bính Thân, 1896-1960) với tác phẩm “Chén thuốc độc” ra đời được xem là người mở đường cho kịch nói Việt Nam. Hải Triều (Mậu Thân, 1908-1954) vừa là nhà cách mạng vừa là một nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học, người kiên quyết bảo vệ luận thuyết “nghệ thuật vị nhân sinh” và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn chương nước nhà…
Những sự kiện lịch sử trọng đại
Năm Bính Thân 1056, tháng 5, vua Lý hạ chiếu khuyến nông, mở đầu với quy mô lớn cho chính sách phát triển nông nghiệp. Năm Giáp Thân 1224, tháng 11, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử nước nhà, công chúa Chiêu Thánh lúc 6 tuổi lên ngôi vua, trở thành nữ hoàng đầu tiên ở Việt Nam - Lý Chiêu Hoàng. Năm Bính Thân 1416, Lê Lợi tổ chức hội thề Lũng Nhai tại Thọ Xuân, Thanh Hóa cùng 18 người làm lễ tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em để đồng lòng đánh giặc và trải qua hơn 10 năm chống quân Minh thắng lợi. Năm Mậu Thân, ngày 29 tháng 4, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, mở ra thời Lê (1428-1786), đặt lại Quốc hiệu Đại Việt, miễn giảm tô thuế cho dân, khen thưởng người có công và ban hành luật lệ, xây dựng bộ máy Nhà nước Trung ương tập quyền.
Năm Bính Thân 1776, khởi nghĩa Tây Sơn lan rộng và giành nhiều thắng lợi; 8 tháng 2, Nguyễn Lữ đem thủy binh đánh chiếm Sài Gòn làm cho chúa Nguyễn đại bại, phải chạy về Đồng Nai; tháng 4, Nguyễn Nhạc xưng Tây Sơn vương, đánh úp quân chúa Trịnh ở Quảng Nam. Năm Mậu Thân 1788, ngày 22 tháng 12, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung rồi lập tức xuất quân ra Bắc đánh 29 vạn quân Thanh kéo sang xâm lược. Tháng 8 năm Nhâm Thân 1812, hoàn thành Bộ luật đồ sộ vào loại bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước ta - “Quốc triều luật lệ” hay còn gọi là “Luật Gia Long”.
Năm Bính Thân 1836, tháng 2, triều Nguyễn xác định chủ quyền toàn vẹn trên quần đảo Hoàng Sa, cử Phạm Hữu Nhật mang binh thuyền đến đo đạc và cắm mốc chủ quyền. Năm Canh Thân 1920, ngày 25 tháng 12, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, bỏ phiếu tán thành việc Đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Năm Nhâm Thân 1932, ngày 16 tháng 3 - ngày mở màn cho cuộc tranh luận sôi nổi một cách rộng rãi về vấn đề “Thơ mới - Thơ cũ” dẫn tới sự ra đời của trào lưu thơ mới, tạo ra bước đột phá cho tiến trình phát triển nền thi ca Việt Nam theo hướng hiện đại.
Năm Giáp Thân 1944, ngày 22 tháng 12, một sự kiện trọng đại của dân tộc là việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, bách chiến, bách thắng. Năm Bính Thân 1956, ngày 1 tháng 5, hơn 200.000 công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn xuống đường đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Ngày 8 tháng 5, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ của Cách mạng miền Nam. Ngày 11 tháng 5, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm cho Chính phủ Sài Gòn yêu cầu hiệp thương để tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Năm Mậu Thân 1968, ngày 29 tháng 1, mở đầu cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy chống Mỹ - ngụy quyền Sài Gòn trên khắp các tỉnh, thành miền Nam, đánh dấu sự sụp đổ của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Đế quốc Mỹ. Năm Canh Thân 1980, ngày 23 tháng 7, anh hùng phi công Phạm Tuân tham gia chuyến du hành vũ trụ Xô-Việt, trở thành người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ.
Năm Giáp Thân 1992, ngày 15 tháng 4, Quốc hội thông qua Hiến pháp mới 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và ngày 12 tháng 7, Việt Nam chính thức tham gia Hiệp ước thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (Hiệp ước Bali).
Và những công trình đồ sộ, những áng văn bất hủ
Trong lịch sử phát triển tư tưởng và khoa học của nhân loại có hàng trăm công trình nghiên cứu đồ sộ, có tính chất vạch thời đại. Trong sự phát triển khoa học lịch sử Việt Nam ở những năm Thân, có một công trình khoa học lịch sử lớn đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.
Tháng 7 năm Nhâm Thân 1272, Lê Văn Hưu hoàn thành bộ sử đồ sộ mang tên “Đại Việt sử ký” với tư cách là Quốc sử. Bộ quốc sử này gồm 30 quyển ghi chép lại lịch sử Đại Việt từ thời đại Triệu Vũ Đế năm 207 TCN đến hết năm 1225, đời Lý Chiêu Hoàng nhà Lý. Dưới đời vua Lê Nhân Tông nhà Hậu Lê, Phan Phu Tiên được giao biên soạn tiếp “Đại Việt sử ký” từ năm 1226 đến 1427 khi thời kỳ Bắc thuộc lần thứ tư kết thúc.
Trên cơ sở những công trình nghiên cứu của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên và một số nhà sử học khác, Ngô Sĩ Liên đã bổ sung, phát triển (thêm thời đại họ Hồng Bàng Kinh Dương Vương; Lạc Long Quân và Hùng Vương từ năm 2879 TCN và biên soạn thêm “Tam triều bản kỷ toàn thư”: Triều Lê Thái Tổ, triều Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông) chỉnh lý nó một cách khoa học, viết 174 lời bình các sự kiện, nhân vật lịch sử; đặt tên đầy đủ “Đại Việt sử ký toàn thư” và lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1697 triều vua Lê Hy Tông.
Đây là công trình sử học lớn nhất và toàn diện nhất thời kỳ cổ, trung đại Việt Nam, là di sản vô giá của văn hóa dân tộc, là kho tư liệu phong phú đáng tin cậy không chỉ cần thiết cho ngành khoa học lịch sử mà còn cho nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn khác.
Nói đến những áng văn bất hủ trong lịch sử dân tộc trong những năm Thân, trước hết phải đề cập đến “Hịch tướng sĩ”. Năm Giáp Thân 1284, tháng 10, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn công bố áng hùng văn “Hịch tướng sĩ ” và mở cuộc tổng duyệt binh thủy bộ, chuẩn bị sẵn sàng chống trên 50 vạn quân Nguyên - Mông. Hịch tướng sĩ được xem là “Tuyên ngôn độc lập” lần thứ hai sau Tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà…” của Lý Thường Kiệt.
Giá trị của “Hịch tướng sĩ” không chỉ lên án mãnh liệt tội ác của quân xâm lược Nguyên-Mông; xác định lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc là tối cao; mà còn biết khơi dậy, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc trong việc bảo vệ đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, tự do, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân và đã đưa ra một chân lý: Đánh thắng giặc, cứu được nước thì có tất cả, còn ngược lại thì mất tất cả. “Hịch tướng sĩ” đã chỉ rõ nếu không bảo vệ được Tổ quốc, “không tiêu diệt được thù thì chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng mất, chẳng những gia quyến của ta bị tan, mà vợ con các ngươi cũng khốn, chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo, mà phần mộ cha mẹ của các ngươi cũng bị quật lên. Ngược lại nếu chiến thắng, đuổi được giặc thì quyền lợi của cá nhân, cũng như quyền lợi của quốc gia dân tộc được bảo toàn.
Chẳng những thái ấp ta mãi mãi vững bền, mà bổng lộc của các ngươi cũng đời đời hưởng thụ, chẳng những gia quyến của ta được êm ấm gối chăn mà vợ con các ngươi được bách niên gia lão, chẳng những tông miếu của ta được muôn đời tế lễ, mà tổ tiên các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm”. Hịch tướng sĩ không chỉ mang giá trị lịch sử sâu sắc, mà còn là nghệ thuật của ngôn từ như một áng văn bất hủ.
Sau cuộc kháng chiến chống quân Minh toàn thắng vào tháng 1 năm Mậu Thân 1428, thì tháng 2 ban bố “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi thay lời Bình Định vương Lê Lợi trong thời khắc lịch sử Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, đặt lại quốc hiệu Đại Việt, mở ra sự ngự trị 358 năm của triều Lê (1428-1786).
Đây là bản “Tuyên ngôn độc lập” lần thứ ba trong lịch sử dân tộc ta, nó không chỉ có giá trị lịch sử to lớn như một bảo vật quốc gia tiêu biểu trong việc tổng kết lịch sử chống ngoại xâm từ trước đến nay nói chung, hơn mười năm chông quân Minh nói riêng: “Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng cứ một phương-Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/ Song hào kiệt thì đời nào cũng có”; khẳng định nền độc lập dân tộc tự chủ và chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; xác định bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu - Nước non bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc, Nam cũng khác”, và đã đưa ra triết lý: chính nghĩa nhất định thắng phi nghĩa, nhân nghĩa sẽ thắng bạo tàn: “Đem nhân nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”, mà còn là áng văn bất hủ trên văn đàn nước Việt mà người đương thời cũng như hậu thế đều tôn vinh nó là “Thiên cổ hùng văn”.
Trong những áng văn bất hủ trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ vào những năm Thân, chúng ta vô cùng xúc động và không thể nào quên những câu thơ trong bài Thơ chúc Tết Xuân Mậu Thân 1968 của chủ tịch Hồ Chí Minh:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!(2)
Thơ chúc Tết Xuân Mậu Thân 1968 có liên quan mật thiết với Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cũng giống như Hịch tướng sĩ, tuy hai thời điểm lịch sử khác nhau nhưng đều chứa đựng một thông điệp mang tính tất yếu của lịch sử. Hịch tướng sĩ như một lời kêu gọi mài sắt ý chí chiến đấu, lòng căm thù giặc Nguyên-Mông, đồng thuận Vua-Tôi, Tướng - Sĩ cho trận quyết chiến mang tầm chiến lược lúc bấy giờ.
Còn bài thơ Thơ chúc Tết Xuân năm Mậu Thân 1968 như một lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức thi đua để quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, nó chính là hồi còi xung trận, là hiệu lệnh chỉ đạo chiến lược cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 lịch sử và với thắng lợi của mùa xuân năm ấy, chúng ta đã buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc, ngồi vào đàm phán bốn bên tại Hội nghị Paris.
Có thể có nhiều nhân vật tiêu biểu, nhiều sự kiện lịch sử dân tộc không thể nào quên, nhiều áng văn làm lay động lòng người trong những năm Thân. Song với những nhân vật, các sự kiện lịch sử, những áng văn bất hủ nêu trên trong bài viết này được xem như những giá trị văn hóa vĩnh hằng trong thời khắc lịch sử của những năm Thân.
NGUYỄN HỒNG SƠN
(1) Bộ tứ học hành uyên bác, trí tuệ, tài hoa ở Thăng Long, Hà Nội: Vũ Diễm, TS. Đệ nhất giáp ; Nguyễn Bá Lân, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ (1751); Nhữ Đình Hiền, đổ tiến sĩ thời vua Lê Hy Tông (1680); TS. Nguyễn Công Thái đổ đầu khoa thi hội năm Ất Mùi 1715 thời vua Lê Dụ Tông.
(2 ) Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 12, tr 328.