.

Ngày xuân và tâm-thức-vọng-hải

.

Nếu thi sĩ Phạm Hầu còn sống đến hôm nay thì Tết này giới văn nghệ sẽ mừng thượng thọ ông 96 tuổi, cái tuổi bây giờ cũng không phải là quá hiếm đối với các cụ ông cụ bà. Nhưng thật không may, người thi sĩ tài hoa mà đoản mệnh ấy đã ra đi khi vừa tròn 24 xuân xanh, vào một ngày đầu năm 1944 thế kỷ trước.

Dù sao, nói như Nguyễn Du trong Truyện Kiều, với “những đấng tài hoa”, thác là thể phách, còn là tinh anh. Người con đa tài đa tình của quê hương Gò Nổi xứ Quảng đã kịp để lại cho đời hơn hai chục bài thơ, trong đó có tác phẩm nổi tiếng Vọng Hải Đài, gần như không ai không biết, và rất nhiều người thuộc.

Như có người nói, bài thơ như một cái “neo” của con tàu Phạm Hầu neo vào trong tâm tưởng người đọc với hai câu tuyệt tác Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai? Câu thơ thật buồn. Cái buồn vũ trụ. Cái buồn giữa không gian rợn ngợp. Một cái buồn sâu thẳm không được đáp trả. Đó cũng là nỗi buồn chung của một thế hệ khi nước mất nhà tan - một thế hệ mà trong đó không ít người mất phương hướng trong cuộc sống, chỉ quẩn quanh với những “giọt lệ sầu”, nhìn đâu cũng thấy nỗi buồn cô đơn, “sầu vạn nẻo”, “sầu vạn kiếp”.

Ở giữa nhân quần mà còn cảm thấy cô đơn sầu não như thế, huống hồ lên đỉnh núi cao cheo leo, trước biển rộng mênh mông, “vẫy ngoài vô tận” làm sao không thể thốt lên: Chẳng biết xa lòng có những ai?!

Lễ hội Cầu ngư  (Thanh Khê, Đà Nẵng). Ảnh: LÊ THỌ
Lễ hội Cầu ngư (Thanh Khê, Đà Nẵng). Ảnh: LÊ THỌ

Nhưng có lẽ còn một giá trị khác, ẩn đằng sau những câu chữ của nhà thơ tài hoa. Đó là, bên cạnh tài thơ tình thơ, điều đáng nói là ngay từ những năm tháng ấy, nhà thơ đã sớm đem đến cho người đọc một tâm-thức-vọng-hải, một cách nhìn ra hướng biển để trải lòng, cho dẫu đấy chỉ là nỗi lòng cô quạnh.

Trong khi hầu hết cảm xúc thi ca bấy giờ thường gửi gắm vào những điều trông thấy trước mắt mà tức cảnh sinh tình, từ lũy tre làng, dậu mồng tơi xanh rờn đến nắng mới trên hàng cau buổi sớm, hương bưởi thơm trong vườn khuya khi trăng lên... thì Phạm Hầu đã mang tư duy hướng biển, với lời nhắn hỏi đầy ý vị gửi gắm tấm lòng tri âm.

Những năm gần đây, khi Biển Đông dậy lên những cơn địa chấn chính trị, ngoại giao, an ninh biển, chúng ta đã có thêm những bài học lớn và mới, về sự cần thiết của Tư Duy Hướng Biển. Hướng ra biển, không chỉ vì mục tiêu kinh tế, an ninh cương vực, lãnh hải, mà còn là đạo lý, nhân nghĩa.

Biết bao anh hùng có tên và không tên với những chiến công lặng thầm giữa trùng khơi sóng nước, nếu không có một tình cảm thôi thúc hướng biển của cả dân tộc thì những con người ấy, chiến công ấy có nguy cơ bị bao lớp sóng lấp vùi.

Vô tình chúng ta đã có tội với lớp lớp những người đã hy sinh. Những con người ngã xuống vì bão giông quăng quật, vì thuyền đứt neo tan tác, vì những tay súng cướp đảo phá thuyền, những “hải tặc” của thời hiện đại cướp đi mạng sống con người, vét bòn từng con tôm con cá, từng mảnh ngư lưới cụ.

Đôi khi một câu thơ ngắn ngủi lại có thể gợi nên bao điều phải suy ngẫm dài lâu. Chẳng biết xa lòng có những ai? Nhà thơ Tế Hanh khi còn sống đã có lần giải nghĩa câu thơ trên cho một bạn thơ trẻ, rằng: theo cách hiểu của người miền Trung: xa lòng có nghĩa là người một lòng với mình mà phải xa cách.

Khi tâm-thức-vọng-hải đã mở ra, chúng ta như thức ngộ sâu sắc thêm về dân tộc mình, về đồng bào mình trên những con sóng đại dương. Từ mờ xa lịch sử, bao dáng người đi qua nơi đây thuở hồng hoang đến những con người của thời hiện đại, đã viết nên những câu chuyện “cổ tích” về những con đường huyền thoại trên biển.

Và những chiến sĩ hải quân của chúng ta, cả những ngư dân hiền lành lương thiện nhỏ bé nhưng tư thế của họ như những bức tượng đài sừng sững giữa biển khơi hôm nay.

Nhưng cũng chính trong những tháng năm này, chúng ta càng nhận ra, ở nơi xa ấy, không chỉ có những tri âm, tri kỷ phải “xa lòng”, mà còn có những mưu toan đen tối của những kẻ “khác lòng”, “cách lòng”...

Có phải câu thơ Phạm Hầu đã bị “thời sự hóa”, “chính trị hóa” đi chăng? Nhưng sao mỗi lần dạo bước lên ngọn Thủy Sơn của núi Ngũ Hành Đà Nẵng để đến với Vọng Hải đài, tôi vẫn cứ bị ám ảnh, ngân nga hai câu thơ của thi sĩ họ Phạm, không phải để tự “lịm mình trong cái thú cô đơn”, mà chính là để ngẫm nghĩ về thế thái nhân tình của thời đại chúng ta đang sống.

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn. Ảnh: ANH CHUNG
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn. Ảnh: ANH CHUNG

Nhớ lại vào dịp đầu năm 1967, nhà thơ Tố Hữu cho đăng báo một bài thơ mới của ông, có nhan đề Tâm sự. Khoảnh khắc đầu tiên khi tiếp xúc với bài thơ này, tâm trạng của tôi lúc ấy là hơi có chút ngỡ ngàng, bởi giọng thơ của một phong cách vốn nặng về “chính ca”, hùng tráng, thiên về xu hướng ngợi ca cuộc sống chiến đấu mang hơi thở thời đại “bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” của dân tộc Việt Nam, bỗng dưng lúc này như hơi chùng lại với những câu đầy tâm trạng: Thù bạn đời nay có khác xưa/ Nghĩa tình e sớm nắng chiều mưa?/ Chợ trời thật giả đâu chân lý?/ Hàng hóa lương tâm cũng thiếu thừa? Bốn câu thơ, 3 dấu hỏi bức xúc.

Đúng ra thì phải có đến 4 câu hỏi, ngay câu đầu tiên trong đoạn thơ này cũng xứng đáng cần có một câu hỏi: Thù bạn đời nay có khác xưa? Sao lại khác xưa? Lý do nào để Tố Hữu đưa ra câu hỏi này, mặc dù ngay đầu bài thơ, nhà thơ có một câu dẫn như một lời giải thích lý do viết bài này là để “trả lời một bạn văn nước ngoài”.

Rõ ràng là ở đây có vấn đề.  “Thù bạn ngày nay có khác xưa” đã trở thành  mối quan tâm của nhà chính trị kiêm nhà thơ Tố Hữu. Đoạn tiếp theo của bài thơ trên nhắc lại bài học đắng cay của lịch sử: Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/ Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu... Thú thật ở thời điểm ấy, trong bối cảnh chung của thời ấy, một thanh niên tuổi đôi mươi như tôi, không thể hiểu hết ý nghĩa sâu xa của những câu thơ như vậy.

Bây giờ thì biển đã chứng giám và đã cho tôi câu trả lời về tất cả mọi điều ngày nào còn đang trong ý nghĩ. Chẳng biết xa lòng có những ai? Câu hỏi của bài thơ vẫn xoáy vào lòng da diết. “Vẫy ngoài vô tận”, có những người con ưu tú của dân tộc, những đồng bào thân yêu của chúng ta. Nhưng không chỉ có những người thân yêu.

Còn có những thế lực đen tối, ẩn chứa những mưu mô, những ý đồ thâm hiểm giữa cái mênh mông vô tận của biển trời. Không quên là có bạn và có thù. Và vẫn luôn nhớ: Thù bạn ngày nay đã khác xưa. Trí tuệ hiền minh của cả dân tộc không còn ngây thơ để câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy lặp lại trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại.

Ngày Tết, thắp hương cúng tổ tiên đã thành nếp sinh hoạt tâm linh của bao thế hệ người Việt. Khi lãnh hải bị xâm lấn bởi những mưu đồ thâm hiểm, bên cạnh tình cảm hướng về tổ tiên, mỗi người dân Việt lại có thêm tâm thức hướng ra biển, tâm - thức - vọng - hải.

Hướng về biển, xây dựng “quốc gia biển” không chỉ là chiến lược ở tầm vĩ mô của cả quốc gia mà tâm thức-vọng-hải đồng thời cũng phải là nét tâm lý thường trực của mỗi người dân Việt Nam ta. Mỗi người dân cũng phải là một “vọng hải đài”. Phạm Hầu vẫn sống với chúng ta trong mùa Xuân này. Những câu thơ của ông vẫn được chúng ta chia sẻ, thao thức. Bởi “ngoài vô tận” kia, nơi đại dương xa thẳm, mùa Xuân vẫn chưa bình yên.

Cuối Đông 2015

BÙI CÔNG MINH

;
.
.
.
.
.