Báo Đà Nẵng xuân 2016

Trí tuệ và khí phách Đại Việt

08:11, 14/02/2016 (GMT+7)

Giữa người Việt và vua quan Trung Quốc đã diễn ra nhiều cuộc đấu trí trên nhiều lĩnh vực như cuộc đấu trí giữa Trương Trọng và Hán Minh Đế, giữa trạng nguyên Khương Công Phụ và vua Đường Đức Tông, giữa Mạc Đĩnh Chi và vua Nguyên.

Trên lĩnh vực văn chương nghệ thuật thì cuộc đấu trí diễn ra trong câu đối đã thể hiện tài trí và khí phách hào hùng của dân Đại Việt. Xin nêu một vài ví dụ tiêu biểu. Chuyện thứ nhất:

Ngồi trên chiếc thuyền xuôi về Thăng Long, đoàn sứ thần Trung Quốc nói cười hể hả. Trong lúc quá vui, viên chánh sứ đã vô ý văng ra một phát trung tiền u… út, cả đoàn bò lăn ra cười. Để chữa thẹn, tên chánh sứ đọc:

Lôi động Nam bang (Sấm dậy nước Nam), rồi nhìn bác lái đò cười ngạo nghễ. Danh dự Tổ quốc bị xúc phạm, bác lái đò thản nhiên tụt quần, vắt “cu” đái một vồng trên mui thuyền sứ thần, rồi đọc rành mạch từng chữ:

Vũ quá Bắc hải (Mưa qua biển Bắc), rồi nhìn tên chánh sứ mỉm cười. Một câu đối tài hoa và tràn đầy khí phách khiến cho cả đoàn sứ thần nhìn nhau, rồi cúi gằm mặt im lặng để suy ngẫm câu ngạn ngữ: “Gieo gió thì gặt bão” (1).

Chuyện thứ hai:

Hôm đó, đoàn sứ Tàu đi dạo chơi trong thành Thăng Long. Cô Đoàn Thị Điểm bày trầu thuốc để tiếp đãi khách. Thấy cô đẹp, ăn nói dịu dàng lịch thiệp, cả đoàn nhí nhố đua nhau tán tỉnh. Bỗng một tên trong bọn đọc to câu:

Nam bang nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh (Một tấc đất An Nam không biết mấy người cày).
Cả đoàn cười ồ rồi dỡ thói trêu hoa ghẹo nguyệt. Hành động bỉ ổi của bọn vô liêm sỉ khiến cô rất căm giận.

Vì danh dự của bản thân và Tổ quốc bị xúc phạm, cô quyết định: “Ăn miếng trả miếng” để dạy cho chúng một bài học. Lấy lại bình tĩnh, nhìn vào mặt họ, thong thả yêu cầu “Xin các ngài hãy nghe đây”:
Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất (Các đại phu phương Bắc đều chui ra từ chỗ đó).

Quá đau và xấu hổ trước câu đối tài hoa và sâu cay của người con gái Đại Việt nên họ chỉ còn cách: Tẩu vi thượng sách (chuồn là tốt nhất).

Chuyện thứ ba:

Thượng thư Hoàng Phúc được vua Minh cử sang Đại Việt để cai trị và truyền bá văn hóa Trung Hoa. Y mở trường để dạy cho các nho sinh Đại Việt. Nhân một hôm mưa bão nổi lên, nhà sập đổ, tường xiêu vẹo điêu tàn. Trước đám học trò, Hoàng Phúc đọc:

Tai chiêu phong vũ gia gia đồi hoại cựu viên tường (Hôm qua mưa gió nhà nhà sập đổ vách tường xiêu) và bắt học trò đối lại. Câu này có ý gì sâu xa không? Lẽ nào chỉ là câu tả thực? Trong lúc mọi người đang suy ngẫm thì một nho sinh xin đọc:

Kim nhật càn khôn xứ xứ phát sinh tân thảo mộc (Nay đất trời quang chốn chốn mọc lên cây cỏ mới).
Câu đối thật tài tình bởi quang cảnh đổ nát ở đây do mưa bão gây nên cũng như kẻ xâm lược đã làm cho nước Nam điêu đứng. Cây cỏ mới mọc lên cũng như nhân tài Đại Việt sẽ sớm xuất hiện để khôi phục lại đất nước.

Tác giả câu đối này là Lê Thúc Hiến, con trai của Lê Cảnh Tuân, từng viết bài Vạn ngôn thư nổi tiếng chấn động đất trời, dậy lòng trung nghĩa. Ông bị quân Minh bắt giam ở Kim Lăng cùng với con trai Lê Thái Diêu đều chết ở trong ngục. Sau vụ này, Lê Thúc Hiến cùng với anh là Lê Thiếu Đính vào Lam Sơn chiến đấu dưới lá cờ Lê Lợi và đã lập nhiều chiến công hiển hách.

Chuyện thứ tư:

Tại làng Phan Xá, Nghi Xuân, Hà Tĩnh có chàng hàn sĩ Phan Nhân bị quân Minh bắt về hầu hạ tên học quan Trung Quốc sang Đại Việt mở trường để truyền bá văn hóa Trung Hoa và ca ngợi công đức nhà Minh. Một hôm y ra một vế đối và bắt nho sinh Đại Việt đối lại:

Hồng lựu tự hỏa phi cầm lai vãng bất thiêu thân (Hoa lựu đỏ như lửa, chim bay qua lại thân chẳng bị thiêu). Phan Nhân ứng khẩu đọc:

Lục tảo như ti du lí phù trầm nan tước vĩ (Đám rêu xanh như tơ, cá lội nổi chìm đuôi chẳng bị vướng).
Vế ra tên quan nhà Minh muốn nói: đạo quân của chúng tuy bề ngoài có vẻ hung dữ nhưng thực chất là đạo quân nhân nghĩa chẳng làm hại ai. Còn vế đối của Phan Nhân khẳng định rằng: dù bị bủa vây nhưng không ngăn nổi ý chí tung hoành của người Đại Việt.

Sau cuộc đấu trí này biết kẻ thù đang theo dõi mình, Phan Nhân đã trốn vào Lam Sơn theo Lê Lợi và đã lập được nhiều chiến công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Bốn mẩu chuyện trên là những cuộc đọ trí tài hoa giữa ta và Trung Quốc diễn ra trên lãnh thổ Đại Việt. Còn tại cung đình phương Bắc đã diễn ra nhiều lần đấu trí giữa sứ thần Đại Việt và Hoàng đế thiên triều còn lưu lại trong sử sách như sau:

Năm Mậu Thân (1308), trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ, vua Nguyên bắt đối lại vế ra:

Thập khẩu tâm tư tư quốc tư gia tư phụ mẫu

Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu đáp lại:

Thốn thân ngôn tạ tạ thiên tạ địa tạ quân ân

Vế ra ba chữ Thập khẩu tâm ghép lại thành chữ tư, tư nghĩa là nhớ. Còn ba chữ Thốn thân ngôn ghép lại là chữ tạ, tạ là cảm ơn, tạ ơn. Cả hai câu là:

Nhớ nước nhớ nhà nhớ cha mẹ
Tạ trời tạ đất tạ ơn vua

Biết Mạc Đĩnh Chi là bậc kỳ tài vua từng nghe tiếng, nay được chứng kiến tận mắt nên rất khâm phục. Trước đình thần, vua phán:

“Mạc Đĩnh Chi là trạng nguyên Đại Việt và cũng là trạng nguyên của nhà Nguyên”. Từ đây trở đi bốn chữ “lưỡng quốc trạng nguyên” xuất hiện dành cho Mạc Đĩnh Chi.

Năm 1493, vừa đỗ Hoàng Giáp, Ngô Kính Thần được Lê Thánh Tông cử đi sứ Trung Quốc. Tại Cung Đình vua Minh ra câu đối và bắt sứ Đại Việt đối lại:

Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ (Mặt trời là lửa mây là khói ban ngày đốt cháy vầng trăng)

Ý bóng gió của câu này là kẻ mạnh sẽ thắng kẻ yếu, tức là Đại Việt phải thuần phục Thiên triều, Ngô Kính Thần ung dung đối lại:

Nguyệt cung tinh đạn hoàng hôn xạ lạc kim ô (Trăng là cung sao là đạn hoàng hôn bắn rụng mặt trời).
Vế đối lại hình tượng sắc sảo, khí phách quật cường. Nếu người Minh dùng “lửa mặt trời” (Nhật hỏa) để đốt cháy “trăng Đại Việt” (thiêu tàn ngọc thỏ) thì dân Đại Việt lại dùng cái “cung mặt trăng” (nguyệt cung) để bắn rụng “mặt trời phương Bắc” (xạ lạc kim ô).

Nghe xong vế đối, vua Minh nổi giận lôi đình, ra lệnh bắt Ngô Kính Thần tống giam vào ngục tối. Việc làm cực kỳ vô lý của vua Minh đã làm câu chuyện bi hùng và danh tính của người đối lại tồn tại và vang vọng mãi.

Năm 1637, vua Lê Thần Tông cử Thám Hoa Giang Văn Minh làm chánh sứ sang Trung Quốc để bàn chuyện bang giao. Khi tiếp sứ, Minh Sùng Trinh ra câu đối và bắt sứ đối lại:

Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng trụ đến nay rêu vẫn còn xanh).

Vua Minh nhắc đến cột đồng của Mã Viện dựng lên sau khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, trong buổi tiếp sứ Đại Việt là một sự lăng nhục đối với cả dân tộc. Lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trỗi dậy, bất chấp uy lực của Hoàng đế Thiên triều, có thể gặp tai họa như Ngô Kinh Thần, Giang Văn Minh dõng dạc ứng khẩu đáp lại.

Đằng giang tự cổ huyết do hồng (Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn đỏ).

Không thể bắt bẻ gì về ngôn từ, vì nó quá chỉnh, còn nội dung quá sâu sắc bởi ba lần chiến thắng ở sông Bạch Đằng của Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo khiến kẻ thù phương Bắc phải kinh hồn bạt vía.

Vế đối đã trở thành cái tát, tát thẳng vào mặt vua Minh ngay tại cung đình của họ giữa thanh thiên bạch nhật, trước hàng trăm văn võ bá quan khiến cho Minh Sùng Trinh hổ thẹn và căm giận nên đã tìm mọi cách để hãm hại Giang Văn Minh. Ngày 12-6 Mậu Dần, tức 12-7-1638, vua Minh ra lệnh giết ông bằng cách mổ bụng để xem lá gan của sứ thần Đại Việt (2).

Gần 380 năm trôi qua, nhưng khí phách hiên ngang, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, cùng với vế đối của ông tồn tại mãi muôn đời cùng hậu thế.

HOÀNG HIẾU NGHĨA


(1) Một số nơi cho rằng bác lái đò là nhà sư Đỗ Pháp Thuận cải trang để tìm hiểu Lý Giác – sứ thần Trung Quốc.

(2) Theo giáo sư Vũ Ngọc Khánh, vua Minh đổ thủy ngân và nhân sâm vào miệng khâu lại, rồi đuổi về. Ông mất trên đường về nước.

.