.

Văn chương tuổi Thân

.

Nhìn dọc theo thế kỷ XX, những tác giả văn chương tuổi Thân thành danh (theo nghĩa là đã được khẳng định ở các từ điển tác giả, tác phẩm) ở nước ta gần 70 người, trong đó chỉ có 1 kịch tác gia, 8 nhà nghiên cứu lý luận, phê bình, còn lại chia đều suýt soát gần bằng nhau cho cả văn lẫn thơ, trong đó có cả những người thành công cả hai thể loại.

Đầu thế kỷ, tuổi Mậu Thân (1908), chỉ có một nhà thơ là Hằng Phương (1908-1983), 4 tác giả văn xuôi là Đái Đức Tuấn (1908-1969), Phùng Tất Đắc (1908-1978), Thượng Sỹ (1908-1998) và trường hợp đặc biệt là Phạm Duy Khiêm (1908-1974), một trong những người Việt đầu tiên viết văn bằng tiếng Pháp, với các tác phẩm gồm nhiều thể loại xuất bản ở Pháp, nhằm “tạo uy danh cho Việt Nam trên văn đàn thế giới” (T.Khuê).

Ba nhà nghiên cứu ở tuổi này là 3 cây đại thụ, có đóng góp quan trọng đối với lịch sử khoa học về văn học ở nước ta: Đào Đăng Vỹ (1908-1997), người từng tốt nghiệp cả đại học Y và Luật khoa, viết văn bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt, tác giả của hàng chục bộ từ điển Pháp - Việt, Việt - Pháp và Việt Nam bách khoa từ điển (3 tập, 1959-1963), người góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với cộng đồng các nước nói tiếng Pháp.

Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), nhà khoa học thực chứng xuất sắc cả về khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, là thạc sĩ toán học, kỹ sư cầu đường, kỹ sư năng lượng nguyên tử, lại nghiên cứu về các ngành khoa học xã hội như lịch sử, ngôn ngữ, văn học, giáo dục, các công trình về Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Lý Thường Kiệt, La Sơn Phu Tử… có nhiều phát hiện có giá trị học thuật.

Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (2000). Người thứ ba là nhà mác-xít tiên phong trong văn hóa - nghệ thuật Hải Triều (1908-1954), chủ soái và linh hồn của những cuộc tranh luận tư tưởng - nghệ thuật “duy tâm hay duy vật” (1933-1939), “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” (1935-1939), đưa đến sự toàn thắng của tư tưởng mác-xít và sự ra đời Đề cương văn hóa của Đảng năm 1943.

Tuổi Canh Thân (1920), chỉ có hai nhà nghiên cứu là Hoàng Châu Ký (1920-2013), Hoàng Trinh (1920-2010); bốn nhà văn là Đỗ Tốn (1920-1973), Phạm Tường Hạnh (1920-2008), Võ Quảng (1920-2008) và cây đại thụ Tô Hoài (1920-2013) với hơn 150 tác phẩm thuộc nhiều thể văn xuôi khác nhau, trong đó có những “tượng đài” sừng sững thách thức với thời gian như: Dế mèn phiêu du ký (1942), Cát bụi chân ai (1919)…

Bảy nhà thơ, trong đó có những tác giả tài danh một thuở của phong trào thơ mới như Chế Lan Viên (1920-1989), Đinh Hùng (1920-1967), Phạm Hầu (1920-1944), Nguyễn Xuân Sanh (1920-2007) và các nhà thơ cách mạng như Hoàng Lộc (1920-1949), Lương An (1920-2010) và Tố Hữu (1920-2000), người được tôn vinh là “lá cờ đầu của thơ ca cách mạng”.

Tuổi Nhâm Thân (1932) có 18 tác giả, trong đó chỉ có một kịch tác gia là Hoàng Tích Chỉ, hai nhà nghiên cứu là Thành Duy (1932-2014) và Trần Thanh Đạm (1932-2015), sáu nhà thơ là Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Bao, Nguyễn Văn Dinh, Phác Văn, trong đó đặc sắc, có người đã một thời góp phần cách tân thơ Việt như Nguyên Sa (1932-1998) và nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao (1932-1995), người nghệ sĩ đa tài nhưng cũng lắm đa truân, đang sống mãi cùng những chuỗi âm thanh trong Tiến quân ca sáng bừng đất nước.

Chín tác giả văn xuôi như Xuân Sách, Văn Linh, Xuân Cang, Trần Thanh Giao, Băng Sơn, Phùng Quán…, bên cạnh những gương mặt tiêu biểu cho văn xuôi chống Mỹ, góp phần làm nên “nền văn học đi tiên phong chống đế quốc” như Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng (1932-2014), Lê Vĩnh Hòa (1932-1967).

Tuổi Giáp Thân (1944) là một đội ngũ khá đông đảo, có đến 21 tác giả, trong đó có 8 nhà văn là Nghiêm Đa Văn, Chu Văn Mười, Đỗ Chu, Hoàng Thái Sơn, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Phạm Đình Trọng, Trần Diễn, Vũ Huy Anh, và 13 nhà thơ như Phùng Khắc Bắc (1944-1990), Trần Vũ Mai (1944-1991), Lê Văn Ngăn (1944-2015), Ngô Thế Oanh, Ý Nhi, Nguyễn Phan Hách, Lê Huy Quang, Lệ Khánh, Trần Mạnh Thường, Trần Nhuận Minh, Vũ Duy Thông, Vũ Đình Minh, Vương Anh. Văn chương tuổi này, nhiều người trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng vẫn có người mang nhiều trăn trở và cố gắng có những cách tân về cả hình thức lẫn nội dung, nhất là về thơ như: Lê Văn Ngăn, Ngô Thế Oanh, Ý Nhi…

Tuổi Bính Thân (1956) ít về số lượng nhưng ghi lại dấu ấn đậm nét trong dòng chảy văn học. Điều lạ nhất là không có người làm thơ, chỉ có một nhà nghiên cứu phê bình dịch thuật tài danh là Phạm Xuân Nguyên và 5 cây bút văn xuôi cũng tài danh không kém: Nguyễn Quang Lập, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quốc Trung, Phạm Sông Hồng, Phạm Thị Minh Thư. Có lẽ họ là thế hệ gối đầu từ cuối chiến tranh chuyển sang thời hòa bình, sáng tác của họ chủ yếu xuất hiện sau chiến tranh, một giai đoạn xã hội đậm đặc chất văn xuôi.

Tuổi Mậu Thân (1968), những người thành danh trên con đường văn chương quả là quá hiếm hoi, chỉ có một tác giả văn xuôi tạo được ấn tượng lâu bền trong lòng người đọc là Phan Thị Vàng Anh, tác giả của những tập truyện ngắn: Khi người ta trẻ (1993), Hội chợ (1995), tập truyện cho thiếu nhi Ở nhà (1994) và tập tạp văn Nhân trường hợp chị thỏ bông (2004).

Không những thế, những năm về sau, tuổi Canh Thân (1980), Nhâm Thân (1992) hầu như chưa có hiện tượng nào nổi bật. Sự thưa vắng này là vấn đề đáng lưu tâm đối với các tổ chức, các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý và tổ chức nền văn nghệ, cần có sự quan tâm đúng mức trong trong công tác đào tạo đội ngũ người viết trẻ.

PHẠM PHÚ PHONG

;
.
.
.
.
.