Trước Tết năm 1969, sau khi vượt qua những dãy núi cao miền Trị Thiên, trung đoàn tôi vào đất Quảng Nam. Cảm giác đầu tiên của những người lính chủ lực chúng tôi với vùng đất này là rừng bạt ngàn và dốc liên hồi.
Hoạt động ở chiến trường đường 9 rồi Huế, tuy cũng gắn bó với rừng nhưng không thể dữ dội như ở đây. Đóng quân trên sườn núi, bước ra khỏi đơn vị là dốc, rồi cứ triền miên dốc rồi dốc tưởng như vô tận. Chúng tôi được lệnh chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng đánh xuống đồng bằng. Ai cũng háo hức với miền đất mới và đêm đêm nhìn về phía đông có một vầng sáng hắt lên, người ta nói với chúng tôi đó là Đà Nẵng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Vậy mà đã gần 50 năm trôi qua. Trong gần 50 năm ấy tôi đã gặp nhiều người Đà Nẵng nhưng cuộc gặp đầu tiên bao giờ cũng gây ấn tượng sâu đậm. Khoảng giữa năm 1974, nhà văn Nguyễn Khắc Phục bên Tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn khu ủy sang Ban Văn học, Cục Chính trị Quân khu 5 với chúng tôi. Đi với anh có họa sĩ Nguyễn Thế Vinh, một con người tài năng và hóm hỉnh.
Thời ấy tuy đã bớt khó khăn, nhờ có đường xe hơi từ trên đường Hồ Chí Minh về tận cơ quan Quân khu nhưng đời sống vẫn rất đạm bạc. Nhà văn Nguyên Ngọc có sáng kiến: Khi anh em bên Tiểu ban Văn nghệ khu ủy sang chơi với chúng tôi đều là khách của thủ trưởng Cục Chính trị. Ngoài tiêu chuẩn cơm khách, có được món thịt gà sang trọng nhờ đàn gà của tổ cần vụ nuôi.
Tôi được phân công đưa hai vị khách sang giới thiệu với Cục phó Hoàng Thế. Một người là họa sĩ cách mạng lão thành, một người là nhà văn trẻ tài năng. Tôi nói với hai vị khách: Cứ yên tâm bồi dưỡng nhé. Còn chúng tôi, kể cả các thủ trưởng Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung thì ăn bếp tập thể. Đêm đến, tôi và Phục giăng võng gần nhau và câu chuyện gần suốt cả đêm là về một người Đà Nẵng. Với tài kể chuyện của Phục, con người đó đã ám ảnh tôi dù tôi chưa được gặp. Người anh hùng đó được Phục cho biết tên với một vẻ bí mật là Phan Chánh Dinh.
Một tuần sau, tôi lại theo anh Vinh và Phục sang bên Khu ủy thăm anh em bên đó. Vì không dễ gặp nhau nên mỗi cuộc thăm thú đều rất vui. Lần này tôi nhìn trộm được người anh hùng từ Đà Nẵng lên. Phan Chánh Dinh làm thơ lấy bút danh là Phan Duy Nhân.
Anh đang nói chuyện về Đà Nẵng, về những sự kiện mà anh tham gia. Toàn những chuyện phi thường cả. Cái con người thư sinh, đeo kính cận nặng này đã dẫn đầu đoàn biểu tình nổi dậy năm Mậu Thân xuất phát từ chùa Tỉnh hội.
Khi bị đánh đập tàn bạo cương quyết không cho các bác sĩ Mỹ cứu chữa mà đòi cho được chuyển sang bác sĩ Việt Nam để tiếp tục móc nối với cơ sở trong thành phố. Rồi những năm tháng đấu tranh ngoài Côn Đảo. Mỗi câu chuyện của anh với tôi là một bản anh hùng ca. Ở chiến khu, tôi cũng chỉ được nhìn con người từ Đà Nẵng lên đó từ xa.
Sau giải phóng, tôi gặp Phan Duy Nhân thường xuyên khi anh làm công tác dân vận rồi sau đó ra Hà Nội làm đến Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Anh sống giản dị, chân tình với mọi người. Anh nói chuyện chậm rãi, khúc chiết, thấu đáo mọi lẽ. Mấy năm trước, anh mặc bộ đồ nâu sòng ở chùa nuôi mẹ già bệnh trọng, hiếu thảo tận cùng.
Ai nhờ việc gì cũng tận tâm giúp đỡ. Anh người gốc Quảng Trị nhưng đã gắn bó với Đà Nẵng từ nhỏ. Cả cuộc đời sống chết với Đà Nẵng. Tuy đã thân quen, gần gũi, nhưng ấn tượng về người hùng Phan Chánh Dinh từ ngày còn trên núi vẫn còn ám ảnh tôi đến bây giờ.
Sau 29-3-1975 mấy ngày, một cô sinh viên hoạt động nội thành đưa tôi đến một căn nhà trong kiệt 6 Hoàng Diệu. Căn nhà xây theo kiểu Pháp nằm trong một vườn cây, lúc nào cũng đông người ra vào, người nào cũng có vẻ bận bịu với những công việc của những ngày đầu giải phóng Đà Nẵng.
Chủ nhà là một phụ nữ đứng tuổi, lúc nào cũng ân cần với mọi người: Đó là bác Khoa, chủ căn nhà mà hai lá cờ lớn cắm trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng đều may ở đây. Đó là lá cờ đỏ sao vàng của tháng Tám năm 1945 và lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng của ngày 29-3-1975. Căn nhà với hai sự tích lớn lao thế, nhưng lại thật bình dị từ chủ nhà đến mỗi thành viên nơi đây. Mỗi lần tôi ghé căn nhà này, cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp, bình dị, qua từng cử chỉ, lời nói đến từng ly trà, bữa ăn tình cờ. Mấy năm sau, khi tôi tổ chức đám cưới với cô gái lần đầu đưa tôi đến căn nhà này, bác Khoa nói: “Để bác lo cho”.
Một con người Đà Nẵng nữa ghi dấu ấn mạnh trong tôi là Thượng tướng Nguyễn Chơn. Ông sinh ra ở làng Phú Lộc, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Ông là một vị tướng nổi tiếng “không có trận thua, không có trận hòa, chỉ có trận thắng” như đánh giá của nhiều người. Một lần ông nói với tôi: “Hòa Vang quê tao có ba người khá đấy, mày biết ai không?”.
Tôi đang chần chừ thì ông nói: “Nguyễn Bá Phát, Nguyễn Chơn, Nguyễn Bá Thanh”. Giọng nói của ông trầm tĩnh, chẳng có vẻ gì là cao ngạo cả, cứ như đang đánh giá về những người khác. Trong chiến trận, ông tiết tháo và quyết đoán, nhưng tôi thấy gần gũi ông ở những ứng xử đời thường.
Một lần về Sư đoàn 2 dự lễ kỷ niệm thành lập Sư đoàn, nơi ông trưởng thành rồi làm Tư lệnh, xong lễ, từ An Khê về Đà Nẵng thường chỉ mất một buổi nhưng chúng tôi đã đi từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối. Nguyễn Chơn cho lái xe dừng lại trên 10 lần, có nhiều chỗ phải đi sâu vào đường làng vài chục cây số. Nguyễn Chơn thuộc hết đường nơi mình đến. Ông vào tận cổng nhà hét to tên người muốn gặp. Những cái bắt tay, những câu nói làm người nghe rơi nước mắt: “Thằng nhỏ có việc làm chưa?”.
Ông rút những gói tiền nhỏ chuẩn bị từ trước: “Cầm lấy mua thuốc uống” rồi ôm nhau trước khi chia tay. Chập tối, đến một xóm nhỏ xe không vào được, chúng tôi phải đi bộ nửa cây số. Một người đàn bà trên 60 chạy ra ôm lấy Nguyễn Chơn, không nói câu gì, chỉ khóc. Vẫn những câu hỏi như người trong nhà hỏi nhau, món tiền nhỏ trao tay.
Bỗng nhiên người đàn bà tươi tỉnh, đập mạnh vào lưng Nguyễn Chơn: “Hôm thủ trưởng xuống đơn vị em có hứa sau ngày thắng lợi, mỗi chị em được hưởng tiêu chuẩn hai, ba chồng trở lên. Em chưa đủ tiêu chuẩn đó nghe”. Tiếng cười ran khắp nhà. Nghe nói hồi còn đương chức, mỗi lần Tết đến, Nguyễn Chơn phải chuyển quà bằng xe lửa từ Hà Nội về cho đồng đội. Mỗi người một tí nhưng đồng đội của ông thì đông quá. Có một Tết tôi cũng được ông cho một chai rượu. Trong chiến trận, Nguyễn Chơn rất nghiêm, cấp dưới chấp hành lệnh của ông răm rắp, nhưng trong sâu thẳm, ông chinh phục lính của mình không phải chỉ là mệnh lệnh.
Tôi đã gặp những con người Đà Nẵng như mong ước trong đêm giáp Tết từ núi cao nhìn xuống thành phố, nhưng tôi đã gặp không chỉ ba người...
THÁI BÁ LỢI