.

Danh hài kể chuyện Tết

.

Tết của những nghệ sĩ hài nổi tiếng là khoảnh khắc tranh thủ sum vầy với gia đình để rồi tất bật trên sân khấu mang tiếng cười giải trí phục vụ khán giả vui xuân.

Chí Tài: Vẫn giữ những nét đẹp truyền thống

Với nghệ sĩ hài Chí Tài, dù ở đâu, nơi chôn nhau cắt rốn hay chốn đất khách quê người, nam nghệ sĩ vẫn giữ nguyên thói quen thường thấy của người Việt mỗi dịp đón xuân mới. “Trước giao thừa, tôi hay dành thời gian xem năm nay mình hợp với màu nào, giờ xông đất, hướng xuất hành. Sau đó, tôi sẽ mặc chiếc áo đẹp nhất có màu may mắn của năm và đi dạo, ngắm phố phường nhộn nhịp trước thềm năm mới. Rồi tôi về nhà, chưa đến giờ xông đất thì đứng bên ngoài đợi, đúng giờ lành tôi mới mở cửa vào nhà. Sáng mồng một, tôi xuất hành theo hướng tốt với mình. Những ngày Tết, tôi thường kiêng quét nhà, hoặc nếu quét sẽ quét vào trong để giữ tài lộc…”, danh hài Chí Tài hào hứng kể.

Nhìn lại một năm đã qua, Chí Tài cho rằng đó là năm đọng lại nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nuối tiếc. Niềm vui lớn nhất là anh đã thực hiện thành công liveshow thứ hai với tên gọi “Chí Tài và những cuộc tình nghiệt ngã”. Tuy nhiên, anh còn day dứt vì dự định thực hiện album tập hợp những ca khúc do mình sáng tác nhiều năm qua vẫn chưa hoàn thành. Chào đón năm Đinh Dậu 2017, nam nghệ sĩ hy vọng những kế hoạch dang dở sẽ sớm thành hiện thực.

Hoài Linh: Gìn giữ nếp nhà

Nghe nhắc về Tết, hồi ức tuổi thơ cứ thế miên man kéo về trong tâm tưởng của Hoài Linh - người nghệ sĩ nặng lòng với những giá trị truyền thống. Anh kể, ngày còn bé, cuộc sống gia đình anh rất khó khăn, luôn thiếu thốn miếng ăn, cái mặc. Do đó, mỗi dịp xuân về, những đứa trẻ như anh luôn háo hức đợi chờ chiếc áo mới cùng những món ăn ngon. “Hồi đó, nhà tôi có trồng mấy cây mai. Cứ đến 15, 16 tháng Chạp là cha lại phân công chị em tôi chăm chút cho sắc vàng xuân mới. Đứa trảy lá, đứa gom lá, đứa hốt lá, cứ ríu rít, rộn ràng một khoảnh sân nhà…”, nam danh hài bùi ngùi nhớ lại.

Tết cứ thế chóng vánh đến trong tiếng cười vô tư của trẻ thơ, niềm hân hoan của người lớn. Đêm cuối cùng của năm, tất cả các thành viên trong gia đình nam nghệ sĩ đều cố gắng thức để đón thời khắc giao thừa. Trong tà áo dài truyền thống, cả nhà cùng bưng lễ lên bàn thờ, ra sân thắp hương, khấn nguyện những điều lành sẽ đến trong năm mới. “Nhà tôi có một quy tắc bất thành văn, đó là trong hai ngày đầu xuân, mỗi người có thể đi thăm bà con, bạn bè riêng nhưng vào giờ cơm trưa phải có mặt đông đủ để sum họp, cúng cơm cho tổ tiên…”, Hoài Linh tâm sự.

Kỷ niệm khắc sâu trong tâm trí nên với Hoài Linh, Tết luôn phải có nhành mai. Mấy năm trước, anh dành thời gian để lựa chọn, mua một cây mai mang về nhà trang trí. Đêm 30 Tết, nam danh hài thích thú ngồi ngắm, đếm xem mai có bao nhiêu chiếc lá lộc, bao nhiêu bông hé nụ. Sáng mồng một, điều đầu tiên anh làm là thắp hương cho ông bà, rồi lại đếm xem bao nhiêu bông đã nở. Nhiều thói quen, nếp cũ vẫn được Hoài Linh gìn giữ cho đến tận hôm nay. Năm nào cũng vậy, mặc dù bận rộn với lịch diễn, nam nghệ sĩ vẫn cố gắng thu xếp có mặt ở nhà, quây quần bên mâm cơm gia đình vào ngày mồng một, mồng hai. Và tất nhiên, nhất định là phải mặc áo dài để vui xuân mới

Năm qua, tâm nguyện lớn nhất của nam danh hài là xây dựng nhà thờ Tổ nghiệp đã hoàn thành. Do vậy, trong năm 2017, Hoài Linh dự định sẽ nghỉ ngơi một thời gian. Riêng Tết năm nay, anh hy vọng khán giả sẽ vui cùng anh trong hai bộ phim: “Nàng tiên có năm nhà” và “Rừng xanh kỳ lạ truyện”.

Việt Hương: Đón Tết cổ truyền cùng chồng con ở Mỹ

2016 được xem là năm thành công và có nhiều dấu ấn đặc biệt đối với Việt Hương. Bên cạnh hoạt động nghệ thuật, chị tiếp tục thực hiện nhiều chuyến thiện nguyện từ đồng bằng đến miền núi, hiện thực hóa di nguyện của mẹ trước lúc qua đời. Đặc biệt nhất, liveshow kỷ niệm 20 năm làm nghề với sự cổ vũ nhiệt tình của 15.000 khán giả trong cơn mưa tầm tã là kỷ niệm hạnh phúc khắc ghi trong lòng nữ nghệ sĩ.

Chị tâm sự: “Nhiều năm qua, tôi dành phần lớn thời gian hoạt động nghệ thuật trong nước nên vào cuối năm nhất định phải bay sang Mỹ để đón Tết cùng chồng con. Chuyến bay sum họp ngày Tết của tôi bao giờ cũng đậm đà hương vị quê nhà với những món ăn “chuẩn Việt” như dưa món, mứt gừng, mứt bí… Nơi tôi ở có nhiều người Việt nên đêm giao thừa, mọi người thường cùng nhau gói, nấu bánh tét, bánh chưng và chia sẻ nỗi nhớ nhà đong đầy trong những câu chuyện kỷ niệm lúc còn ở trong nước…”.

Mùa xuân luôn là mùa sum họp của gia đình Việt Hương. Nếu chị không đi diễn, cả gia đình sẽ quây quần, kể lại những điều đã làm được và chưa làm được trong năm cũ, chia sẻ những nét đặc trưng của Tết quê hương. Nếu chị phải đi lưu diễn, chồng con sẽ luôn song hành, đợi chị diễn xong và cùng nhau đi chơi. “Đối với tôi, Tết luôn là quãng thời gian hạnh phúc, vì vừa có thể cống hiến cho nghề, mang lại niềm vui cho mọi người, vừa được gần gũi bên chồng con. Tuy nhiên, điều khiến tôi chạnh lòng là không ở gần nội, ngoại nên không thể đến từng nhà thăm hỏi mà chỉ có thể gọi điện…”, nữ nghệ sĩ xúc động. Năm 2017, chị dự định sẽ về Việt Nam vào cuối tháng 2 để tiếp tục các dự án còn dang dở.

Hồng Vân: Lâu rồi không được đón Tết trọn vẹn

Là bầu sô nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn, Tết là dịp chạy sô tất bật nhất trong năm của nữ nghệ sĩ Hồng Vân. Do đó, gia đình chị luôn đón Tết sớm hoặc muộn hơn so với mọi người. Trước Tết tầm nửa tháng, chị thường tranh thủ thời gian dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ đồ đạc, tân trang nhà cửa... Chị cười hạnh phúc: “Tôi rất thích dọn dẹp hay sửa soạn, trang trí nhà cửa, đi dạo siêu thị mua áo quần cho tất cả thành viên trong gia đình, lựa chọn món ăn cho ngày Tết. Cảm giác được lo lắng, chăm sóc cho người thân luôn làm tôi hân hoan…”.

Kỷ niệm Tết ngày xưa in đậm nhất trong tâm tưởng nữ nghệ sĩ là những chiều 30 Tết, mẹ gội đầu cho chị. Chị bảo mình “nghiện” cái gãi đầu của mẹ, “nghiện” mùi bồ kết thoang thoảng. Mong muốn con gái cũng lưu giữ ký ức đẹp như mình khi lớn lên, chị bắt chước mẹ, thường hay gội đầu cho con gái vào ngày cuối năm. Đây cũng là dịp chị kể cho con nghe về hương vị Tết cổ truyền ngày xưa.

Vợ chồng Hồng Vân còn có thói quen phân công rõ ràng trong dịp Tết. Năm nào cũng vậy, đến 23 tháng Chạp, chị chuẩn bị mâm cơm đưa ông Táo về trời. Sau đó, các thành viên trong gia đình cùng nhau du xuân. Khoảng 29 Tết, chị háo hức đi mua hoa quả, câu đối… Ngày 30 Tết, cả gia đình sẽ cùng anh chị em nghệ sĩ rôm rả tổ chức buổi tất niên. Sáng mồng một, chị cảm nhận hạnh phúc mỗi khi con gái cười tít mắt nhận phong bao mừng tuổi từ cha  mẹ. “Sau khi gia đình chúc Tết bố mẹ hai bên, tôi lại đầu tắt mặt tối ở sân khấu cho đến mồng 10. Do đó, nhiệm vụ đi chúc Tết, tiếp đãi khách ở nhà được giao cho chồng tôi. Đặc thù công việc nên lâu rồi tôi không được đón cái Tết trọn vẹn. Rất may, chồng tôi cũng là người làm nghệ thuật nên thấu hiểu công việc của vợ, luôn cảm thông, chia sẻ và động viên tôi.

Kết thúc mười ngày bận rộn, Hồng Vân lại trở về với gia đình. Năm nào cũng vậy, cả gia đình nhỏ của chị luôn cùng nhau đi du lịch. Chuyến đi này không chỉ gắn kết tình thân mà còn giúp chị nghỉ ngơi, “vặn dây cót” tinh thần cho cuộc đua trong một năm mới.

AN DI – NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.