.

Lạc vào xứ sở Katsuobushi

.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nơi tranh chấp giữa hai cường quốc châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng ẩn sâu trong nó là xứ sở của Katsuobushi. Quần đảo này cũng là nơi trú ngụ của loài chim hải âu lớn đặc hữu trên thế giới, chúng cho trứng và lông vào cuối mùa đông. Người Nhật ở chuỗi đảo Okinawa này không thể nào thiếu món Katsuobushi làm từ cá ngừ khô xắt mỏng nấu thành các món súp trong bữa ăn hằng ngày, có tên gọi súp misô.

                              Katsuobushi được người dân vùng Ishigaki (Okinawa, Nhật Bản) bày bán ở các siêu thị nhỏ trong vùng. 	                     						Ảnh: TẤN VŨ
Katsuobushi được người dân vùng Ishigaki (Okinawa, Nhật Bản) bày bán ở các siêu thị nhỏ trong vùng. Ảnh: TẤN VŨ

Lông hải âu và cá ngừ khô

Chuyến bay sớm từ Hiroshima đến đảo Naha lưa thưa hành khách. Naha bình yên hiện ra như một viên ngọc xanh giữa đại dương mênh mông. Sân bay Naha nằm chung trong khu vực với lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản nên có thể thấy rõ những chiến đấu cơ F-16, máy bay săn ngầm gầm rú cất, hạ cánh làm nhiệm vụ.

Sân bay Naha cũng chỉ cách căn cứ quân sự hùng hậu của Mỹ đóng ở Nhật Bản hơn 20km nên vùng đảo này là một trong những vùng “nhạy cảm” nhất ở chuỗi đảo phía nam Nhật Bản.

Chuyến xe từ sân bay về Trung tâm Hợp tác hòa bình Okinawa băng qua những đồng cỏ xanh bát ngát. Chị Kaizuka Hiroko, nhân viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản, bật cười đầy ngạc nhiên khi tôi thổ lộ rằng, trong các món ăn của Nhật Bản, tôi rất ấn tượng món súp misô.

Trong khi đó, súp misô chỉ là món canh rất bình dân hầu như trong bữa ăn hằng ngày của người Nhật. Với riêng tôi thì khác, những thứ tinh tế nhất, hồn cốt nhất của xứ sở có lẽ nằm ở đây, trong thứ bình dị nhất của bữa cơm hằng ngày.

Song, tôi còn ngạc nhiên hơn khi biết ở vùng Naha, súp misô thêm một ít Katsuobushi - cá ngừ khô xông khói xắt lát mỏng thì mọi chuyện sẽ khác biệt. Và câu chuyện Katsuobushi không những là câu chuyện dài mà nó còn là chứng nhân của một phần lịch sử ở quần đảo xinh đẹp này.

Ông Kuniyoshi Makomo, người biên soạn tư liệu về quần đảo Senkaku thuộc Trung tâm Hợp tác hòa bình Okinawa dành một buổi chiều để kể với chúng tôi về lịch sử của nó. Senkaku - quần đảo xa xôi nhất của Okinawa, cách đảo Ishigaki gần 170km về phía tây, ngày trước những cư dân ở Ishigaki phải đi thuyền 1 ngày 1 đêm mới tới nơi.

Quần đảo Senkaku là thuật ngữ dùng chung để chỉ nhóm hòn đảo gồm 5 đảo lớn và 3 đảo nhỏ có tên: Uotsuri, Kitakojima, Minamikojima, Kuba, Taisho, Okinokitaiwa, Okinominamiiwa và Tobise. Trước năm 1885, Senkaku vẫn là hoang đảo; mãi đến 1885, một thương gia người Nhật là Koga Tatsushiro bắt đầu khám phá và khai thác lông của loài chim hải âu lớn để làm chăn nệm. Năm 1886, gia đình Koga Tatsushiro được phép khai thác độc quyền lông chim trên đảo Senkaku đến 30 năm; nhưng chỉ sau 4 năm, đến năm 1890 thì lông chim cạn kiệt.

Sau khi nguồn lông chim hải âu cạn kiệt, người dân trên đảo bắt đầu chuyển sang đánh bắt cá ngừ đem sấy khô xông khói xắt mỏng theo tiếng địa phương là Katsuobushi. Đây cũng là thời kỳ hưng thịnh nhất của Senkaku với hơn 200 ngư dân sinh sống. Những căn nhà, những con đường lát đá được dựng lên sát bến cảng, đến ngày nay các dấu tích vẫn còn.

Ông Kuniyoshi kể rằng, người dân ở Ishigaki không thạo nghề làm Katsuobushi nhưng những người dân ở tỉnh Kumamoto cách đó hàng trăm km đã dong thuyền vượt sóng lặn lội tới đây hành nghề. Đưa tấm ảnh cũ về những người đàn bà mặc kimono, ông Kuniyoshi khẳng định đây chính là loại kimono cổ xưa mà chỉ người dân vùng Kumamoto mặc. Điều đó chứng tỏ nhiều gia đình, dòng họ đã tự di cư đến đây để khai thác cá ngừ và sấy khô xắt mỏng.

Gia đình ông Koga Tatsushiro khai thác cá ngừ vô cùng có trách nhiệm. Ông đã nhiều lần đệ đơn lên chính quyền Okinawa xin phép độc quyền khai thác lông chim và cá ngừ khô tại đây nhưng phải qua 3 lần xem xét, cân nhắc, chính quyền mới chấp nhận. Khoảng năm 1893, một đoàn người đến Senkaku ghé lại Okinawa, tỉnh trưởng địa phương này mở tiệc chiêu đãi trước khi họ xuất bến. Điều thú vị của chuyến đi là những chi tiết này đều được các tòa báo ở Okinawa, Tokyo, Kumamoto đưa tin khá chi tiết.

Đặc sản Katsuobushi ở Senkaku thời đó nổi tiếng và được bán khắp nơi tại Nhật Bản. Việc làm cá ngừ khô đã giúp Công ty Koga của gia đình ông Koga Tatsushiro phát đạt. Để khai thác hiệu quả, Công ty Koga đã đăng báo tuyển các bác sĩ đến đảo này làm việc. Một tờ báo cũ của tỉnh Okinawa là Ryukyu Shimpo xuất bản ngày 28-3-1899 ghi rõ: “Tuyển một bác sĩ, làm việc tại đảo Uotsuri (đảo lớn nhất ở quần đảo Senkaku) và tiền cơm công ty sẽ hỗ trợ. Lương mỗi tháng 30 yen. Ai có nhu cầu thì nộp đơn. Người dân có người thân đang sống, làm việc trên đảo có thể gửi thư hoặc quà cho thân nhân của mình”. Hàng loạt tờ rơi quảng cáo về Katsuobushi ở Senkaku cũng được rao trên các báo thời đó ghi rõ ngày đánh bắt cá, ngày sấy khô và ngày cá sẽ được mang về đất liền bày bán đều được ông lưu giữ.

Ngày nay, đặc sản Katsuobushi hiếm dần tại Nhật Bản vì ngư dân ít sản xuất loại cá ngừ khô trứ danh này. Những con cá ngừ sau khi hấp và sấy khô cứng lại như những thanh củi cháy. Để sử dụng Katsuobushi, người ta phải dùng một thiết bị sắc nhọn bào mỏng thịt cá ngừ ra và nấu chín trong nước cho ra thứ súp có vị thơm ngọt rất lạ.

Hồi ức một lớp người

Con trai của ông Koga Tatsushiro kế tục sự nghiệp làm cá ngừ khi cha mình qua đời năm 1919. Đúng một năm sau, những xưởng sản xuất Katsuobushi dời về đảo Ishigaki. Sự ra đi của những xưởng sản xuất cá ngừ khiến sự sống ở quần đảo Senkaku bắt đầu lụi tàn. Các cư dân trên đảo cũng lần lượt quay về quê cũ. Đến năm 1938, quần đảo Senkaku chính thức không còn người sinh sống. Con trai ông Koga Tatsushiro cũng chuyển hẳn gia đình về thủ đô Tokyo sinh sống đến tận ngày nay.

Tại Ishigaki hiện vẫn còn vài hộ gia đình sản xuất loại Katsuobushi để bán ở các chợ nhỏ. Chúng tôi dạo quanh các khu chợ nhỏ và rất thích thú khi nhìn những người phụ nữ thoăn thoắt đôi tay bào cá ngừ. Một ngư phủ cuối cùng trong đoàn người đến Senkaku làm thứ đặc sản trứ danh Katsuobushi ngày đó tên là Namizato vẫn còn sinh sống tại Ishigaki.

Ông Namizato đã già yếu, không thể trò chuyện được và người con gái của ông tên là Oguchi mở một cửa hàng nhỏ ngay trong chợ để bán những con cá ngừ khô - đặc sản cuối cùng của vùng đất này. Những con cá ngừ khô cứng được bào mỏng, cho vào bao ni-lông cân ký và bán cho người dân bản địa để nấu món súp misô.

Bà Oguchi cười bảo: “Những du khách đến từ Tokyo và những thành phố lớn khác của Nhật Bản thường mua thứ cá khô này làm quà. Nhưng với người dân địa phương, đó là thứ hương vị không thể thiếu trong bữa ăn. Món súp misô, cá sống nhấm nháp cùng thứ rượu truyền thống có tên Awamori là món ưa thích của những người đàn ông đánh cá trong vùng”.

Anh Tsuyoshi Nguyen, người Nhật gốc Việt làm việc ở Bộ Ngoại giao Nhật Bản, giới thiệu rằng ở các khách sạn tại Ishigaki hay Naha đều có món rượu Awamori đặt trước phòng lễ tân để du khách có thể tự do thưởng thức.

Awamori được làm từ các lò rượu địa phương và hòa với vị trái quất nên mùi rất thơm.
Màn đêm vừa buông xuống, đảo nhỏ Ishigaki rực rỡ ánh đèn vàng làm tôi nhớ Hội An da diết. Tsuyoshi Nguyen quyết tìm cho được quán cá sống nổi tiếng nhất vùng để nhấm nháp cùng thứ rượu Awamori.

Chén súp misô đặc trưng của xứ sở Katsuobushi với mùi như khói bếp không lạc vào đâu được. Tsuyoshi Nguyen chỉ chén súp bốc khói và đùa với tôi rằng, món ăn bình dân ở xứ sở này lại chứa một câu chuyện dài của lịch sử.

Sau thất bại của Nhật trong Thế chiến thứ hai, Okinawa tách khỏi Nhật Bản trở thành một thuộc địa ủy thác của quân đồng minh, trong đó có Mỹ. Dù người dân không ở hẳn trên đảo Senkaku nhưng quần đảo này vẫn là nơi tới lui của các ngư dân Okinawa, đặc biệt là lúc họ đi tránh gió bão hoặc lấy nước ngọt sau những ngày dài đánh bắt cá trên biển.

Mang những tấm ảnh cũ được giữ gìn cẩn trọng, ông Kuniyoshi phân tích rằng sau khi quân đồng minh và Mỹ tiếp quản Okinawa, số phận của quần đảo Senkaku cũng trôi dạt. Các đảo Kuba, Taisho của quần đảo này trở thành bãi tập bắn lý tưởng cho các loại đạn dược mới mà quân Mỹ sử dụng.

Cũng theo lời ông Kuniyoshi, khi quân đội Mỹ kiểm soát vùng biển đảo này, vẫn chưa có quy định về lãnh hải hoặc vùng EEZ (vùng đặc quyền kinh tế), nên nhiều tàu cá từ Philippines hay Đài Loan vẫn thỉnh thoảng ghé lại đảo.

Hình ảnh năm 1952 ghi lại có những con tàu nghiên cứu biển của các giáo sư và sinh viên của các trường đại học ở Tokyo, Okinawa vẫn thường tới lui nghiên cứu. Những dãy nhà hoang, ngõ đá vẫn còn nguyên vẹn, các loài cây như mía, khoai lang vẫn còn sau các khu vườn nhà ngày xưa. Năm 1969, trong một báo cáo về địa chất đánh giá khu vực quần đảo Senkaku có dầu mỏ, quần đảo này bỗng dưng rơi vào tranh chấp và “lận đận” cho đến tận ngày nay.

TẤN VŨ

;
.
.
.
.
.