Đồng bào Chăm hiện nay sống rải rác ở các tỉnh miền Trung và miền Nam Việt Nam, trong đó có một số làng người Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Qua thời gian lâu dài hội nhập vào văn hóa của người Kinh, đồng bào Chăm cùng nghỉ lễ và ăn Tết Nguyên đán vào đầu năm âm lịch chung. Đồng thời, đồng bào Chăm còn có ngày lễ đầu năm theo lịch Chăm. Tháng 1 của lịch Chăm thường trùng vào tháng 4 dương lịch.
Người Chăm gọi lễ này là Rija Nưgar. Rija trong tiếng Chăm có nghĩa là một nghi lễ trong đó có nhảy múa. Nưgar có nghĩa là đất nước, xứ sở. Lễ Rija Nưgar được tổ chức ở đền tháp hoặc ở một nơi công cộng của một làng (plei) Chăm, diễn ra trong 2 ngày. Sau lễ chung của làng, cũng có các gia đình về tổ chức đơn giản hơn ở nhà riêng, tương tự như các ngày Tết Nguyên đán của người Kinh.
Múa phồn thực. |
Các hoạt động nghi lễ và hát múa trong lễ Rija Nưgar ở các làng có những sự khác biệt, có nơi gồm nhiều nội dung, có nơi giản lược. Qua khảo sát, nghiên cứu các lễ Rija nưgar tại các làng Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận trong vài thập kỷ gần đây, có thể nhận thấy những nội dung chính trong lễ Rija nưgar gồm: Dựng nhà/rạp để làm lễ (kajang) tại địa điểm tổ chức (ở đầu làng hoặc ở đền tháp). Rạp được che kín ở mặt phía tây, hướng nhìn ra phía đông, là hướng của thần linh (Po Yang).
Giữa rạp có một chiếc bàn (gọi là bàn tổ) để đặt khay trầu cau, các lễ vật; phía trên trần có treo một tấm vải trắng tượng trưng cho vũ trụ; Chuẩn bị lễ vật: gồm trầu, cau, rượu, xôi, chè, chuối và gà luộc (để cúng trong ngày đầu) hoặc thịt dê (để cúng trong ngày thứ hai). Người tham gia chủ trì và múa hát chính trong lễ Rija nưgar là Ong Mâduen (còn gọi là thầy vỗ, người vừa vỗ chiếc trống paranưng vừa hát xướng những bài ca chính trong buổi lễ), Ong Ka-ing (Ông vũ sư/thầy bóng) và Muk Pajau (Bà bóng) là hai người múa chính trong buổi lễ; Hai người đánh trống ginăng, một người thổi kèn saranai và một người đánh céng (chiêng). Ngoài ra có khi có thêm người kéo đàn nhị (kanyi).
Mở đầu buổi lễ, Ong Mâduen vừa vỗ trống vừa hát những bài xưng tụng thần linh, gồm các vị thần thiên nhiên và những người có công với xứ sở được hóa thần; cầu nguyện mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng khỏe mạnh. Nhạc điệu và vũ điệu mang âm hưởng thành kính, ca ngợi quyền năng của các thần linh.
Tiếp theo là những bài ca ngợi các vị anh hùng dân tộc cùng những chiến công của họ. Lúc này, nhạc điệu và vũ điệu mạnh mẽ, dồn dập hơn. Ong Ka-ing cầm roi, thể hiện động tác phi ngựa; hoặc cầm kiếm nhảy múa chung quanh đống lửa rực cháy hoặc có khi bước qua than hồng; hoặc cầm cây mía làm động tác chèo thuyền vượt qua cơn sóng dữ.
Các điệu múa roi, múa đạp lửa diễn ra say sưa trong không khí thiêng liêng với mong ước chiến thắng mọi trở lực trong cuộc sống, xua tan những điều xấu xa. Sau các điệu múa cuồng nhiệt là những bài ca kể lại sự tích các nữ thần linh ứng, thường gắn liền với niềm tin về sự ban phúc, chữa bệnh của các vị thần trong cuộc sống thường ngày của dân làng.
Điệu múa và âm nhạc chuyển sang sâu lắng, như truyền tải những nỗi buồn vui và thương kính. Người múa không cầm kiếm hay roi, mà chuyển qua cầm quạt và khăn, với những động tác mềm mại, uyển chuyển.
Múa đạp lửa. Ảnh: TRƯƠNG VĂN ẨN |
Ở một số nơi, sau các điệu múa nói trên còn có hát đối đáp (Adaoh Pasa) và điệu múa phồn thực (Tamia kayuw thiam likei). Trong điệu múa phồn thực, người múa được dân làng tuyển chọn là một người đàn ông đứng tuổi, gia cảnh êm ấm, biểu thị sức mạnh và hạnh phúc.
Khi múa, người đàn ông chỉ mặc chiếc xà rông trắng có đính diềm thổ cẩm thêu hình con rồng, thân mình để trần, lộ rõ cơ bắp rắn chắc, đầu chít khăn tua đỏ, tay cầm 3 khúc gỗ tròn, dài chừng 20cm – tượng trưng cho sinh thực khí nam.
Sau lời khấn thần linh, người đàn ông nhảy múa với 3 cây sinh thực khí đặt ở phía bụng dưới, làm động tác nẩy lên xuống theo 4 hướng rồi chạm xuống đất. Sau đó Muk Pajaw nhận 3 cây sinh thực khí tiếp tục nhảy múa trong giai điệu hưng phấn của đàn nhị (kanyi) và lời hát của Ong Mâduen.
Ngày nay, điệu múa này được một số nhà biên đạo múa dàn dựng thành một tiết mục biểu diễn với một người nam cầm một cây sinh thực khí và một người nữ choàng chiếc khăn quanh bụng. Khi múa, người nam nẩy cây sinh thực khí lên xuống trong khi người nữ làm động tác khép mở chiếc khăn, nhịp nhàng theo điệu trống.
Một nghi thức quan trọng trong lễ Rija nưgar là việc Ong Ka-ing nặn các hình nhân bằng bột gạo (salih) với những cặp người nam, người nữ, đặt lên bàn tổ trong ngày đầu để nhập hồn, đến ngày sau thì làm nghi thức tống tiễn về thế giới siêu hình, với ý nghĩa những hình nhân này thay cho dân làng mang đi những điều rủi ro, bệnh tật, nắng nóng của năm cũ, đồng thời tấu trình và cầu xin thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, ấm no, hạnh phúc trong năm mới.
Mặc dù Tết Nguyên đán phổ thông và lễ Rija nưgar của người Chăm tổ chức ở hai thời điểm khác nhau, nhưng đều mang những nét tương đồng. Về nguồn gốc, đó đều là một dịp lễ hội bắt đầu một chu kỳ thời tiết gắn liền với mùa vụ nông nghiệp.
Tết Nguyên đán có cơ sở từ sự chuyển mùa của thảm thực vật phương bắc; trong khi lễ Rija nưgar của người Chăm tính theo những cơn mưa đầu năm của phương nam. Nội dung của Tết Nguyên đán và lễ Rija nưgar đều để cầu mong mưa thuận, gió hòa, tưởng nhớ tổ tiên; tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để quên đi những bất trắc của năm cũ, hướng đến một năm mới tươi sáng hơn.
Về hình thức nghi lễ cũng có những cách diễn xướng (hát đối đáp, hát múa phồn thực), những nghi thức tín ngưỡng (hình nhân, tống ôn) mang dấu ấn lâu đời của sinh hoạt và tín ngưỡng dân gian của các cộng đồng cư dân nông nghiệp vùng Đông Nam Á. Do vậy, cùng với Tết Nguyên đán phổ thông, lễ Rija nưgar vẫn đang được bảo tồn như một cái Tết riêng của đồng bào Chăm.
VÕ VĂN THẮNG