Báo Đà Nẵng xuân 2017
Vận hội mới của đất nước đang tạo thế và lực mới cho Đà Nẵng phát triển
Đà Nẵng bước vào năm 2017 trong bối cảnh đất nước không ngừng phát triển, hội nhập sâu kinh tế toàn cầu; là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố, đúng dịp tròn 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.
Trao đổi đầu Xuân Đinh Dậu với Báo Đà Nẵng, đồng chí NGUYỄN XUÂN ANH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định: Thành quả đạt được trong 20 năm qua và những vận hội mới của đất nước đang tạo thế và lực mới cho Đà Nẵng tự tin bước vào Xuân Đinh Dậu- 2017, mở đầu giai đoạn phát triển mới.
Hai mươi năm qua, Đà Nẵng làm được nhiều việc đáng để tự hào về một thành phố phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: DƯƠNG XUÂN BÌNH |
* Thưa đồng chí Nguyễn Xuân Anh, thành phố chúng ta bước sang năm mới 2017 đúng vào dịp kỷ niệm tròn 20 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Chặng đường 20 năm qua không phải là dài so với lịch sử của thành phố nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã làm nên một “hiện tượng” Đà Nẵng. Vậy, điều gì gây ấn tượng nhất cho đồng chí trong giai đoạn 20 năm phát triển của thành phố?
Ảnh: ĐẶNG NỞ |
- Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh: 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã làm được rất nhiều việc đáng để chúng ta tự hào về một thành phố mới, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
Mỗi người dân đang sống ở thành phố hay người con xa quê, những du khách đã đến Đà Nẵng rồi trở lại, ai cũng ấn tượng mạnh với sự phát triển, đổi thay nhanh chóng. Không gian đô thị mở rộng gấp 4 lần so với năm 1997. Từ chỗ quay lưng với biển, chúng ta đã kiến thiết để Đà Nẵng có hai mặt tiền là biển và làm cho sông Hàn ngày càng đẹp hơn.
Cùng với phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, kinh tế thành phố đã có bước phát triển vượt bậc, trong đó du lịch - dịch vụ đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước hình thành thương hiệu cho Đà Nẵng là thành phố văn hóa - du lịch, thành phố sự kiện của khu vực và cả nước.
Song song với phát triển nhanh chóng về hạ tầng đô thị, kinh tế, chúng ta đã làm tốt công tác an sinh xã hội với chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” gây được tiếng vang trong cả nước. Từ năm 1997 đến nay, thành phố đã đề ra 5 giai đoạn giảm nghèo và trong mỗi giai đoạn đều về đích trước thời hạn ít nhất một năm, với mức chuẩn nghèo cao hơn chuẩn quốc gia.
Từ năm 2016, thành phố tiếp tục nâng lên chuẩn nghèo mới và hướng đến giảm nghèo đa chiều. Đổi thay diện mạo đô thị Đà Nẵng luôn gắn liền với công cuộc đổi đời, cải thiện nhiều mặt trong đời sống nhân dân thành phố.
Đặc biệt, trong 20 năm qua, “cái được” lớn nhất mà thành phố Đà Nẵng đã đạt được đó là: “lòng dân”. Thành phố luôn xác định phương châm hành động của cả hệ thống chính trị là tạo nên sự đoàn kết, đồng thuận cao nhất trong các tầng lớp nhân dân, “Đảng nói dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động dân theo; chính quyền làm, dân ủng hộ” để đưa Đà Nẵng tăng tốc phát triển trở thành một điểm sáng về sự phát triển năng động của cả nước.
Lịch sử thành phố ghi nhận 20 năm qua, chúng ta đã tạo nên một thời kỳ phát triển đầy ấn tượng. Trong các thế hệ lãnh đạo thành phố đã hình thành một truyền thống cán bộ Đà Nẵng đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm; dấn thân vì sự nghiệp chung của Đảng, của dân.
Những thành quả đó cùng với những vận hội mới của đất nước đang tạo thế và lực mới cho Đà Nẵng tự tin bước vào năm 2017, năm diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước mà Đà Nẵng được vinh dự đăng cai Tuần lễ cấp cao APEC 2017.
* Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của thành phố ngày 28-9-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc định hướng Đà Nẵng cần phấn đấu phát triển như một Singapore, Hong Kong trong tương lai. Thưa đồng chí, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ thực hiện mục tiêu này như thế nào?
- Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh: Sự phát triển của Singapore hay Hong Kong đều là những hình mẫu cho chúng ta học hỏi kinh nghiệm, vận dụng trong quá trình hoạch định đường hướng phát triển của Đà Nẵng.
Trong những năm đến, Đà Nẵng chú trọng phát triển chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực theo định hướng mà Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố đã xác định: Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa-xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung-Tây Nguyên; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước; phấn đấu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.
Theo đó, thành phố tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, trọng tâm là triển khai Nghị định số 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố; đồng thời tập trung thực hiện quyết liệt các chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh cụ thể hóa thực hiện ba đột phá về phát triển kinh tế-xã hội.
Năm 2017, thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện Đề án phát triển mạnh các ngành dịch vụ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035, Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, khai thác có hiệu quả các sự kiện diễn ra trên địa bàn như APEC 2017, Lễ hội pháo hoa quốc tế 2017; tạo điều kiện xã hội hóa, triển khai các sản phẩm du lịch mới; thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; đẩy nhanh xây dựng hạ tầng và kêu gọi đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; đẩy nhanh tiến độ dự án Khu Công nghệ thông tin tập trung; đầu tư Khu Công viên phần mềm số 2; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường.
Thành phố sẽ nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch không gian ngầm, định hướng phát triển giao thông thông minh, quy hoạch khu vực phía Tây kết nối với phía Đông và trung tâm thành phố, đồng thời sẽ có những điểm nhấn về kiến trúc không gian đô thị như: Quảng trường trung tâm thành phố, kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông Hàn, Công viên Đại Dương…
Thành phố phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với xây dựng, triển khai Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ theo chức danh, Đề án vị trí việc làm cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, Đề án tạo nguồn và phát triển đội ngũ cán bộ trẻ.
Ngoài ra, thành phố tập trung triển khai quyết liệt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2017; chú trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển các lĩnh vực văn hóa và xã hội; triển khai tốt chương trình “Thành phố 4 an”, gắn với chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, chủ trương xây dựng văn hóa, văn minh đô thị, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; bảo đảm trật tự đô thị và an toàn xã hội, tập trung các giải pháp hướng đến xây dựng thành phố thông minh hơn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương xã hội.
* Thưa đồng chí, năm 2016, lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức hội nghị và triển lãm khởi nghiệp. Năm 2017, thành phố sẽ có chương trình hành động như thế nào để Đà Nẵng thực sự là một môi trường năng động, sáng tạo cho phát triển khởi nghiệp?
- Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh: Bối cảnh đất nước hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới đã đặt ra những yêu cầu khắt khe về năng lực sáng tạo, trình độ công nghệ đối với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam; đồng thời đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách tạo điều kiện, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân tâm huyết, giàu kiến thức, kỹ năng, có trách nhiệm xã hội, có văn hóa kinh doanh và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ trong những năm tới.
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của chương trình khởi nghiệp, Đà Nẵng đã ban hành Chương trình “Phát triển khởi nghiệp năm 2016” nhằm tạo động lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố và khởi động tiềm năng phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp của Đà Nẵng.
Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các chính sách hỗ trợ về tài chính, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ mới, ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư…, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành môi trường năng động và sáng tạo phát triển khởi nghiệp.
Để các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng có kết quả tốt trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường công tác truyền thông khởi sự kinh doanh nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và đặc biệt là các tầng lớp thanh niên Đà Nẵng về khởi nghiệp, làm giàu, lập thân, lập nghiệp; tổ chức phổ cập kiến thức, kỹ năng khởi sự doanh nghiệp cho người dân có nhu cầu, nhất là thanh niên, sinh viên, học sinh, kể cả hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa; có giải pháp đào tạo doanh nhân, phát triển nguồn nhân lực cho khởi sự doanh nghiệp, giáo dục khởi nghiệp.
Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư tài chính cho các hoạt động khởi nghiệp; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức tài chính, tín dụng. Thành phố tạo điều kiện cho các doanh nhân Đà Nẵng hội nhập ngay từ khi khởi nghiệp thông qua Mạng lưới khởi nghiệp thành phố, quốc gia; tạo điều kiện cho các thành viên trong hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố tham dự các sự kiện khởi nghiệp khu vực; chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Xây dựng và ban hành Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp tới năm 2020 và tầm nhìn tới năm 2030 với định hướng xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố khởi nghiệp”.
* Thưa đồng chí, ngày 27-12-2016, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Đề án thực hiện Chương trình “Thành phố 4 an”. Chúng ta phải làm gì để “4 an” đi vào cuộc sống, trở thành phong trào của toàn Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân thành phố?
- Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh: Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu phát triển quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, trên lĩnh vực xã hội, nhiều chính sách an sinh xã hội đậm tính nhân văn được triển khai có hiệu quả như chủ trương “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố tiếp tục đề ra mục tiêu “xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại”. Đây là mục tiêu lâu dài. Trước mắt, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành và triển khai thực hiện Đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” (An ninh trật tự - ANTT, An toàn giao thông - ATGT, An toàn thực phẩm - ATTP, An sinh xã hội - ASXH) trên địa bàn đến năm 2020, với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác phòng ngừa và đấu tranh đẩy lùi tội phạm, giữ gìn ANTT, bảo đảm ATGT, ATTP, tiếp tục nâng cao chất lượng ASXH nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.
Đây là chủ trương hết sức thiết thực, có sức ảnh hưởng sâu rộng, gắn với cuộc sống của từng người dân và là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo sự phát triển bền vững của thành phố. Tập thể Ban Thường vụ Thành ủy đặt quyết tâm rất cao để thực hiện Đề án này.
Thường trực Thành ủy đã yêu cầu những người đứng đầu các quận, huyện, các sở, ngành của thành phố phải đặt sinh mạng chính trị của mình để cam kết thực hiện bằng được “4 an”. Ban Thường vụ Thành ủy cũng xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ, cất nhắc bổ nhiệm cán bộ. “4 an” không phải của riêng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể của thành phố mà của tất cả mọi người dân thành phố, mọi tổ chức không phân biệt của Trung ương hay địa phương.
Đối tượng thực hiện “4 an” cũng chính là đối tượng thụ hưởng. “4 an” phải xuất phát từ trong mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, trong mỗi gia đình, mỗi khu dân cư mới góp phần xây dựng nên thành phố Đà Nẵng an bình, đáng sống. Do vậy, công tác tuyên truyền có vai trò rất quan trọng trong việc tác động đến ý thức của mọi cán bộ, đảng viên và người dân tham gia và hiểu rằng thực hiện “4 an” chính là xây dựng cuộc sống no ấm, bình an cho chính mình.
Để thực hiện Đề án “Thành phố 4 an” đạt kết quả, đòi hỏi các cấp ủy Đảng phải nâng cao vai trò lãnh đạo sâu sát, chỉ đạo quyết liệt trên 4 lĩnh vực: ANTT, ATGT, ATTP và ASXH. Công tác tuyên truyền phải tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, tích cực chung tay vì thành phố Đà Nẵng an bình, đáng sống của mình.
* Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
"Đối tượng thực hiện “4 an” cũng chính là đối tượng thụ hưởng. “4 an” phải xuất phát từ trong mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, trong mỗi gia đình, mỗi khu dân cư mới góp phần xây dựng nên thành phố Đà Nẵng an bình, đáng sống." Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh |
Sơn Trung thực hiện