.

Việc gì có lợi cho dân thì làm

.

Vậy là Xuân Đinh Dậu đã tới! Nghe tiếng Gà gáy vang chào bình minh của một mùa Xuân mới bỗng nghĩ đến sự khởi đầu. Một công trình, một con người hay một chặng đường…, sự khởi đầu bao giờ cũng ôm chứa những ý tưởng, dự định và hy vọng tốt lành.

Với đất nước Việt Nam, sự khởi đầu có ý nghĩa lịch sử là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình đã được sử sách nói đến nhiều và được đưa vào sách giáo khoa, nên hầu như ai cũng biết. Tuy vậy, cũng vào năm 1945-Ất Dậu này, để xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ trong tình thế éo le như “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chủ tịch còn có nhiều bài viết quan trọng khác nữa.

Ất Dậu - Đinh Dậu, hơn bảy mươi năm đã qua, đất nước chúng ta có biết bao thay đổi! Mặc dù thế và cũng có thể nói, chính vì thế mà chúng ta cần nhắc lại những ý tưởng đẹp đẽ, những  điều tâm huyết mà vị lãnh tụ anh minh của dân tộc đã gửi gắm vào thời kỳ đầu của cách mạng, như một chiến binh qua bao trận mạc, trở về tắm gội nơi suối nguồn trong trẻo để trút bỏ bụi bặm đường trường, tiếp thêm sinh lực, xốc lại hành trang để vững bước lên chặng đường mới.

Trong Tuyển tập các bài nói và viết cơ bản nhất của Hồ Chủ tịch được xuất bản ngay sau khi Người qua đời (“Vì Độc lập Tự do, vì Chủ nghĩa Xã hội” - NXB Sự thật, 1970), ngoài Tuyên ngôn Độc lập, còn có 4 bài nữa công bố năm 1945, trong đó bài “Hô hào nhân dân chống nạn đói” không ghi rõ ngày tháng, nhưng căn cứ vào sự kiện nạn đói Ất Dậu (khoảng từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945) để lại hậu quả nặng nề cho chính quyền cách mạng non trẻ, có thể bài viết này được Hồ Chủ tịch thực hiện sớm nhất.

Hẳn sẽ có người nói: Bây giờ, Việt Nam xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, lời “Hô hào nhân dân chống nạn đói” liệu còn ý nghĩa gì nữa? Xin thưa: Nạn đói càn quét mấy chục tỉnh miền Bắc năm 1945 đã là chuyện quá khứ, nhưng những năm gần đây, Nhà nước vẫn phải luôn xuất gạo dự trữ cứu đói một số vùng dân cư và trận lũ nhấn chìm mấy tỉnh miền Trung đã khiến hàng ngàn gia đình trắng tay.

Trong tình hình đó, tinh thần tương thân tương ái “vùng này san sẻ thức ăn cho vùng khác, đỡ đầu cho vùng khác… Chắc không ai thấy đồng bào chết đói mà nỡ lòng no ấm một mình” mà Hồ Chủ tịch nêu ra từ năm 1945 vẫn luôn phải được đề cao.

Từ năm Ất Dậu 72 năm trước, Hồ Chủ tịch đã viết: “Các Ủy ban phải có sáng kiến để tìm ra cách làm được việc mà không mất lòng dân. Nhất là đối với chữ CẦN, chữ KIỆM, chữ HY SINH, chữ CÔNG BẰNG (*) thì các Ủy ban phải thực hành trước, phải làm gương cho nhân dân”.

Những dòng chữ quả đã xuất hiện từ “ngày xưa” nhưng nay nhắc lại vẫn nóng bỏng tính thời sự trước tình hình nhiều “Ủy ban” hiện nay suy thoái đến mức Trung ương Đảng phải cấp bách ra Nghị quyết 4 (khóa XII): “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước”; mục 5 trong 9 loại suy thoái còn chỉ rõ: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”.

 Yêu cầu cán bộ “làm được việc mà không mất lòng dân”, “làm gương cho nhân dân” còn được Hồ Chủ tịch nhấn mạnh hơn nữa trong thư “Gửi các Ủy ban nhân dân các Bộ, Tỉnh, Huyện và Làng” viết tháng 10-1945. Có lẽ đây là lần đầu tiên, vị lãnh đạo tối cao của dân tộc, dù chính quyền non trẻ vừa thành lập, đã mạnh mẽ và quyết liệt chỉ rõ những vấn đề rất cơ bản về trách nhiệm của người cầm quyền:“Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì… các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân…”. Tiếp đó, Người nhấn mạnh:

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.
Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.

Đọc lại những dòng chữ này, chúng ta không khỏi giật mình vì sự suy thoái, biến dạng của một số kẻ “đầy tớ của dân” thời nay và càng khâm phục sự tiên báo của Hồ Chủ tịch về nguy cơ “quyền lực làm tha hóa con người” đang “đe dọa tồn vong của chế độ”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói với cử tri Hà Nội hôm 7-10-2016.

Cũng trong lá thư trên, Hồ Chủ tịch đã sớm chỉ ra những “lầm lỗi rất nặng nề” mà nhiều cán bộ phạm phải. Đó là: 1- Trái phép; 2- Cậy thế; 3-Hủ hóa; 4- Tư túng; 5- Chia rẽ; 6- Kiêu ngạo. Tiếp đó, Người cảnh báo: “Đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa… nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”.

Cuối thư, Người nhắc nhở “Chúng ta phải ghi sâu những chữ công bình, chính trực vào lòng”.
Vấn đề thật là sáng rõ. Điều đáng suy nghĩ là vì sao từ Ất Dậu đến Đinh Dậu, 72 mùa Xuân đã qua, mà “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn…” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII).

Mùa Xuân là mùa của hy vọng, mùa cây thay lá mới. Chúng ta hy vọng việc nhắc lại những ý tưởng đẹp đẽ, trong sáng đã xuất hiện tự buổi khởi đầu cách mạng sẽ góp phần thúc đẩy quyết tâm “đổi mới toàn diện” mà Đảng đã ghi vào nghị quyết, hy vọng đội ngũ cán bộ “phải có sáng kiến để tìm ra cách làm được việc mà không mất lòng dân” như Hồ Chủ tịch đã viết từ năm Ất Dậu-1945, để mùa Xuân thực sự đến với mọi người, để dân tộc ta đủ sức vượt qua những trở ngại và cạm bẫy trong thế giới vẫn đầy những biến động phức tạp, khó lường như hiện nay.

NGUYỄN KHẮC PHÊ


(*) 4 từ in chữ lớn trong nguyên bản của NXB Sự thật.

;
.
.
.
.
.