Đã nói đến Xuân ắt hẳn là kèm theo nghĩa “văn minh” rồi, chẳng phải bàn. Ba ngày Tết, theo phong tục từ xa xưa, giờ vẫn vậy, người người ăn mặc đẹp hơn, trang điểm chải chuốt hơn so với ngày thường. Đi lại, nói năng cũng nhẹ nhàng hơn. Đối nhân xử thế lịch thiệp. Không la mắng con cái, cau có vợ chồng. Có việc ra đường, mọi người đi lại cũng từ tốn hơn. Khi có va chạm, cũng nhẹ nhàng bỏ qua, người sai phạm có lời xin lỗi, người bị va chạm cũng cười “xí xóa”. Tết nhất mà! Đúng là mọi thứ, với mùa Xuân, dường như đều êm ả.
Ảnh: HÀ QUỐC TẤN |
Tất nhiên đó là những đường nét chính của bức tranh Xuân. Vẫn biết đằng sau nó còn ẩn chứa những điều không mấy tốt đẹp. Lợi dụng dịp Tết đến Xuân về, những hành vi kém văn minh lại rộ lên, như rượu chè, cờ bạc, đua xe trái phép, lạng lách trên đường phố v.v... Dù sao, đó vẫn là những cá nhân, những hành vi thuộc về thiểu số. Có thể nói, không lúc nào cuộc sống trở nên dễ chịu, mang đậm chất văn hóa như những ngày Xuân.
Nhưng rồi những ngày xuân tươi đẹp cũng sẽ qua đi. Mọi người trở lại với cuộc sống đời thường, đối diện với bao khó khăn, thách thức trong đời sống vật chất, căng thẳng trong đời sống tinh thần bởi đòi hỏi của công việc và gánh nặng của cơm áo hằng ngày. Ấy là lúc thử thách cái bản lĩnh văn hóa của con người, làm sao giữ được sự thăng bằng trong cách ứng xử từ trong gia đình ra ngoài xã hội, làm sao để trong một chừng mực nào đó, cái văn-minh-Xuân luôn được gìn giữ, luôn được lan tỏa suốt bốn mùa trong năm!
Nói đến đây, có thể có người cho rằng ý tưởng như vậy thì quá lãng mạn, quá cao siêu. Trong cuộc sống luôn vội vàng tất bật hiện nay, làm sao con người có thể giữ nguyên một tư thế luôn từ tốn đĩnh đạc, văn minh lịch sự.
Thực ra, chẳng có gì cao siêu nếu những điều tốt đẹp bình thường của lối sống văn minh trong xã hội hiện đại trở thành nếp sống hằn sâu trong nhận thức, trong hành vi của mỗi người. Lần giở lại những quy định của Đề án xây dựng văn hóa, văn minh đô thị mà thành phố đã phát động trong những năm qua, chúng ta sẽ thấy những quy định thật cụ thể, rất “đời thường” mà có lẽ con cháu chúng ta sau năm mươi năm nữa sẽ thật sự ngạc nhiên tại sao lại có một thời ấu trĩ đến thế.
Chẳng hạn, ta thử trích ra những hành vi cần được ngăn cấm trong nội dung bản Phụ lục I của Đề án nói trên: Cởi trần, mặc quần áo lót đi ra đường phố; gây gổ, đánh nhau, chửi tục, say rượu bia; vứt xác súc vật, rác hoặc các chất phế thải khác ra lòng đường; đại tiểu tiện không đúng nơi quy định, khạc nhổ bừa bãi ngoài đường phố, nơi công cộng; lái xe, dắt xe đi vào đường ngược chiều hoặc đi xe trên vỉa hè dành cho người đi bộ; lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, đi hàng hai trở lên...
Những vi phạm trên đều được quy định về mức độ xử lý bằng biện pháp hành chính và nộp tiền phạt. Thực ra, trong cộng đồng, không phải đại đa số người dân vi phạm những điều cấm nêu trên. Nhưng thực tế là nó vẫn tồn tại, thậm chí có khi ngang nhiên. Vì vậy, vấn đề bức thiết là làm sao những hành vi văn minh phải được nâng niu, giữ gìn đối với từng người, trong mọi tình huống, trong mọi thời gian và không gian. Đó chính là mục tiêu hướng tới của chúng ta, vì một cuộc sống văn minh trong cả cộng đồng.
Ai cũng biết, để làm được điều này không phải dễ. Với thành phố chúng ta, mặc dù đã 20 năm trở thành đô thị trực thuộc Trung ương nhưng chính sự biến chuyển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa lại làm cho thói quen sống cũ ở một bộ phận cư dân không theo kịp bước phát triển của hạ tầng đô thị. Tâm lý tiểu nông, cách ứng xử theo kiểu “chòm xóm” vẫn còn nặng nề. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến ý thức hòa nhập cộng đồng, việc chấp hành pháp luật và các quy định trật tự vệ sinh chung cũng như các hành vi giao tiếp ứng xử theo phong cách văn minh lịch sự.
Chỉ cần nhìn lướt qua những cách ứng xử của người dân ở một số nước phát triển, sẽ thấy chúng ta còn phải học hỏi rất nhiều. Ở đó, đã thành như trong tiềm thức, tại những nơi công cộng, con người luôn tôn trọng những người chung quanh. Lẽ đương nhiên không có chuyện đi ngược chiều một cách vô tư, hoặc vứt rác, xả rác bừa bãi, dù chỉ là một que tăm, một mẩu giấy.
Chỉ nói riêng việc đi đường, nếu là đi bằng phương tiện xe hơi cá nhân, người lái xe tuyệt đối tuân thủ những quy định về giao thông, đi đúng tốc độ, làn đường, không phóng nhanh sỗ sàng mà luôn giữ cự ly quy định, đặc biệt là không bóp còi inh ỏi. Ở các ngã ba, bao giờ xe cũng chạy chậm, hoặc có lúc dừng hẳn, khi đã thực sự an toàn mới tiếp tục lăn bánh.
Nhưng thú vị nhất là bạn có dịp đi bộ trên các đường phố. Hầu như ai cũng vội, nhưng họ cũng tôn trọng cái vội của người khác, thậm chí là tôn trọng ngay cả cái chậm rãi của người khác. Xin lỗi và cám ơn là câu cửa miệng giữa chốn đông người.
Dù chỉ chạm khẽ người khác, thậm chí không đụng chạm gì nhưng có việc vội phải lách qua để vượt lên trước, bao giờ cũng không quên một lời “xin lỗi”. Những thói quen nhỏ li ti như vậy đã được hình thành và nuôi dưỡng từ tuổi ấu thơ, thông qua một hệ thống và phương pháp giáo dục cực kỳ kỹ lưỡng và nghiêm khắc, từ gia đình đến trường học ra ngoài xã hội, qua nhiều thế hệ, và có lẽ phải tính bằng thế kỷ.
Nhìn qua như vậy không phải để chúng ta tự phủ định mình. Sau 20 năm phấn đấu, Đà Nẵng đã có được “tiếng thơm” về sự thân thiện, hiếu khách, ứng xử với du khách lịch thiệp, văn minh. Nhiều địa chỉ có môi trường xanh-sạch- đẹp. Đó là biểu hiện của lối sống văn minh đô thị đang dần được nâng lên. Sơ kết 2 năm liên tiếp thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, chúng ta vui mừng với những chuyển biến rõ rệt trên nhiều mặt của đời sống tinh thần và đạo đức lối sống xã hội. Dần dần, đời sống văn hóa được nâng lên tầm cao và chiều sâu hơn.
Chỉ gần đây thôi, văn hóa đọc đã được hâm nóng bởi những lễ hội sách được mở ra không chỉ ở cấp thành phố mà còn ở ngay địa bàn các quận như Hải Châu, Sơn Trà. Có những chủ trương nhỏ của một ngành nhưng lại rất đáng quan tâm và khuyến khích. Chẳng hạn như ngành giáo dục - đào tạo thành phố vừa mới có một chủ trương mới và hay, đó là các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố bắt đầu thực hiện chương trình “Tủ sách mở”, mở cửa rộng rãi hằng ngày để học sinh, phụ huynh và nhân dân trên địa bàn có điều kiện đọc sách báo.
Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng cũng đã trình đề án xe thư viện lưu động nhằm tăng cường chất lượng phục vụ ở vùng ven. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, lối sống không phải là chuyện một ngày một bữa, mà nó phải được hình thành theo từng năm từng tháng. Không phải cứ có phương tiện hiện đại trong tay là người ta có ngay thói quen sử dụng phương tiện ấy một cách văn minh.
Không phải hễ có thư viện là mọi người đều tự giác đến đó đọc sách. Kể cả xe thư viện lưu động là cách để đưa sách đến bạn đọc, nhưng cái cần hơn là việc xây dựng thói quen đọc sách cho mọi người để họ tự “di động” đến các thư viện đang được mở ra ở nhiều nơi... Dù sao, những việc làm như vậy đã dần dần góp phần tạo lối sống văn minh thường xuyên hằng ngày trong các tầng lớp nhân dân. Cũng giống như nhờ những nỗ lực phấn đấu trong cả năm mà mỗi dịp Xuân về, dáng vẻ Xuân cũng trở nên văn minh, đẹp đẽ.
“Một năm là cả bốn Mùa Xuân”(*). Câu thơ ấy có thể được vận dụng trong những tình huống khác nhau. Với cái nhìn văn hóa, văn minh đô thị, chúng ta mong rằng, cách ứng xử văn minh của mùa Xuân phải trở thành lối sống của cả bốn mùa, của cả cộng đồng, cả ở trung tâm đô thị cho đến những miền quê xa xôi. Cuộc sống thường ngày của cả cộng đồng phải toát lên phong thái văn hóa văn minh. Và khi ấy, văn hóa đồng nghĩa với cuộc sống, cũng chính là cuộc sống.
BÙI CÔNG MINH
(*) Thơ Hồ Chủ tịch