Tôi thích cách gọi của người xưa. Là Ải Vân. Một dạo, những ngày buồn tôi lại phóng xe lên đỉnh Ải Vân, bất kể sớm tối, gió mưa. Cũng không biết để làm gì. Cứ thả mình lạc vào trong sương, gió, trong mưa, tự chôn lấp vào nơi chốn chính mình cũng không nhìn thấy không nhận ra…
Ảnh: T.TUẤN |
Một đêm mưa gió như vậy cua cùi chỏ Ải Vân ngoặt gấp trơn trượt đã tặng tôi vết rách dài nơi khóe mắt, Huế may giúp tôi bốn mũi. Ngoảnh lại đã hơn hai chục năm rồi, chỉ còn mơ hồ vết thời gian trên mặt.
Những lần lang thang, tôi cứ bần thần về loài hoa ngãi. Loài hoa kỳ dị không rõ hơn ba trăm năm trước thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán ngang qua đây có phải tự nghĩ ra không, hay mù sương khiến người hoa mắt. Khi kể trong “Hải ngoại kỷ sự”, rằng nơi đỉnh núi này cứ khoảng cuối xuân, “hoa ngãi nở, trôi ra biển, cá ăn hoa ấy hóa rồng”. Còn lấy hoa đặt tên cho núi là Ngãi Lãnh.
Nay hoa đâu? Có hương không? Còn vương lại vết hương khuê nữ nơi cửa biển Tư Dung, cái tên lưu giữ huyền tích công chúa Huyền Trân trên đường xuất giá vào Nam dừng lại chốn này bái vọng tổ tiên?
Hai cánh cửa gỗ khổng lồ bằng gỗ kiền kiền đóng mở đỉnh đèo suốt trăm năm đã tan biến theo thời gian. Những người lính Việt trấn thủ ngọn đèo, giao chiến ác liệt với quân Pháp nằm lại nơi đây, không dấu tích. Ngôi làng trên đỉnh đèo có các “quán xá bán các thứ chè, gạo và các món khác bày ra cho khách…”, theo mô tả của John Crawfurd- đại diện sứ bộ Anh năm 1822. “Một xóm thôn với sáu chục mái nhà tranh hai bên đường… Từng tốp bé con vừa chạy vừa báo chúng tôi đến và vẩy bụi mù trước mặt. Đám thiếu nữ buông chày trong cối, ngưng hò hát, chạy núp sau bình phong dòm ngó chúng tôi”. Ghi chép của sĩ quan thủy quân Dutreuil de Rhins năm 1876. Hồn ở đâu bây giờ, những người muôn năm cũ ấy?
Cuối cùng, tôi cũng tìm được một người đàn ông có cái tên hơi lạ Đinh Lượm, người làng Kim Liên dưới chân đèo. Người biết những câu chuyện trước nay chưa từng nghe thấy. Kể rằng năm 1983, ông theo lời kêu gọi của Nhà nước lên Hải Vân trồng rừng. Vạch con đường mòn xưa cũ, ông và mọi người phát hiện một cái kiệu bằng gỗ đã mục gần hết. Còn nhớ đó là cái kiệu đơn dành cho một người, còn dấu vết chạm trổ, khổ lớn như chiếc xe bò kéo đủ chỗ cho 8 người khiêng. Rồi sau những vụ cháy rừng, quay lại chiếc kiệu đã không còn dấu tích. Có lẽ đã thành tro bụi. Duy chỉ một thứ không bị xóa bởi thời gian, đó là hai lùm tre bên phải đường đèo, bây giờ đứng trên đỉnh nhìn xuống thấy rõ. Xanh ngắt. Cách chừng cây số.
Ông Lượm và dân địa phương cho biết, người xưa kể lại bụi tre này đánh dấu điểm cuối của con đường mòn dẫn từ biển lên đỉnh đèo. Thời ấy, khi đường sá còn hiểm trở, những người phu nhọc nhằn kiệu khách từ dưới những con tàu thủy neo ở bãi biển làng Vân, xuyên đường mòn theo sườn núi này lên đỉnh đèo để qua cửa ải ra Huế. Tương truyền dưới hai lùm tre xưa có một quán cháo chuyên bán cho những phu khiêng kiệu. Nên nhiều người vẫn gọi chỗ này là Quán Cháo.
Những ghi chép của Thích Đại Sán về chuyến ngồi kiệu qua Ải Vân ra Huế, cuối năm Ất Hợi 1695, có lẽ cũng theo lối mòn này. “Đến rừng Ngãi Lãnh (đèo Hải Vân), đi ngựa không được, đều đổi qua võng. Dân chúng ở dưới đèo rất khổ, quan dịch đi đông, bắt phu không đủ... Quá trưa, lên đèo, đường sá gập ghềnh rất khó đi, hai bên toàn bụi rậm, dây leo chằng chịt… Trông lên đỉnh núi che khuất trong mây, chỉ thấy một dòng suối từ trên cao chảy xuống trắng toát như cây lụa. Chỗ đương đứng vừa lưng chừng núi vậy. Phu đài đi thoăn thoắt, hình như chân không bén đất, quanh co trên đá rêu hang hốc, bỗng chốc đã đi tuốt vào trong mây…”.
Một sáng cuối xuân của 7 năm trước, dưới bóng Ải Vân quan tôi can dự một cuộc đọc thơ “vô tiền khoáng hậu”. Chính xác tên gọi là Hội ngộ Hải Vân quan, gồm thơ, nhạc, triển lãm thư pháp về chủ đề Hải Vân…, với sự góp mặt của mấy chục văn nghệ sĩ Huế và Đà Nẵng. Du khách, người dân thấy cuộc lạ cũng tụ lại đông dầy. Nhà thơ Lê Anh Dũng của Đà Nẵng làm chủ sự, lụng thụng áo lễ đầy đủ cân đai trịnh trọng kính cáo đất trời, tiên tổ. Rồi cứ thế giữa cái nắng xiên khoai rát gáy, ai nấy chuyền tay nhau cái loa pin đọc thơ, hát hò và uống… nước lọc! Tôi nhớ bữa ấy có cả cuộc “giao lưu” giữa món mỳ Quảng với nậm lọc Huế.
Vượt Ải Vân. Ảnh: T.TUẤN |
Nhà văn Bùi Tự Lực (Đà Nẵng) sau về viết trên blog của mình, đầy cảm thán khi thêm một lần chứng kiến sự bỏ bê hoang tàn của Ải Vân quan. Nhà văn từng tham gia chiến tranh từ khi mới 12 tuổi ấy còn kể, trong lúc các nhà văn, nhà thơ đang làm lễ, ông nổi da gà khi phát hiện bên cạnh đó một quả đạn cối 81 ly còn nguyên kíp nổ “sáng lên ánh kim”!
Cuộc hội ngộ kỳ lạ giữa đỉnh đèo ấy, tới giờ chưa thấy có lại lần thứ hai. Lời hò hẹn về những cuộc tiếp theo “hoành tráng hơn” cũng đứt đoạn đôi đèo. Di tích càng thêm hoang phế.
Chừng dăm năm trước, Đà Nẵng từng lập quy hoạch kiến trúc trên đỉnh Ải Vân. Trên diện tích hơn 6.000m2 thuộc địa phận phía trong đèo, gồm các ki-ốt bán hàng lưu niệm, giải khát, sàn vọng cảnh rộng hơn 1.700m2, nhiều tầng bằng gỗ, vườn hoa cây cảnh, lối đi dạo, bãi đậu xe… Thậm chí còn dự phóng về một “thị trấn Hải Vân quan”. Nhưng rồi vẫn lại xếp vào ngăn kéo.
Tôi cứ nghĩ, phận số của cái gọi là dịch vụ du lịch chốn này cũng lòng vòng mò mẫm tự phát như cái cách Lại Phiền Hà một mình vần từng viên đá to vật vã từ trên núi xuống để làm sàn vọng cảnh ngắm đèo. Trồng từng cái cây, nắn từng dòng suối. Tự nghĩ, tự làm. Kỳ cụi năm này qua tháng nọ trên non ải. Từ mười mấy năm trước, người đàn ông này đã đi vào cái ký sự nhân vật của tôi với bao tình tiết, câu chuyện ly kỳ, oái oăm. Để rồi “nổi tiếng”. Các văn nhân tài tử cả nước sau này trên đường thiên lý dừng chân nơi đây ai cũng đòi “xem mặt”. Đặc sản Lại Phiền Hà.
Cũng lạ nữa, ngẫm lại chợt thấy nơi người đàn ông vâm váp, làm thơ như bổ củi này, mang bóng dáng một số phận Ải Vân. Số phận đôi đèo. Gốc Bắc. Đói. Từ Huế bồng bế vợ con lên đỉnh Ải Vân mở quán lá bán nước, xây toa–lét làm dịch vụ. Là người đầu tiên lên đây cắm dùi và trụ lại từ mấy chục năm trước, hẳn thế. Bởi nhìn vào thế đất “hai mặt tiền” của ông bây giờ, trong đó một mặt là vách vực sâu hun hút, nay thành điểm vọng cảnh kỳ thú. Chỉ có thể là người đầu tiên mới chọn được khoảnh ấy. Nhưng thế nào lại cắm dùi ngay phần đất thuộc Đà Nẵng! Thành công dân Đà Nẵng, xuống mua đất dựng nhà dưới Kim Liên, mở hộ khẩu, định cư. Nhưng rồi hôm nọ tôi lên đèo, Lại Phiền Hà khoe Thắng - thằng con trai đầu vừa mua đất ở bên đầm Lập An – Lăng Cô để mở nhà hàng, hết tỉ tư. Ở luôn bên ấy. Chỉ một thẻo đất trên đỉnh đèo mà giờ đây cả nhà đổi đời như trong mơ. Con cháu bây giờ đứa giọng Huế, đứa giọng Quảng, chia đều hai bên. Nhưng vẫn bám đỉnh đèo làm bàn đạp kinh tế.
“Nó tỉ phú, còn tôi thì tỉ… khổ”. Ông Hà thủng thẳng, khi cùng hai nhân công hì hục khuân đá, san ủi khoảng đất trên cao nhìn đối diện xuống Ải Vân quan. Từ đây phóng tầm mắt có thể ôm trọn cụm di tích phía bên kia. Du khách chen chân. Có cặp đôi say sưa chụp ảnh cưới trên nóc lô cốt. Kế bên cổng ải, quanh hàng rào ngôi nhà bỏ hoang xám xịt là từng dãy áo quần xanh đỏ, cả chăn chiếu, thảm chùi chân phơi phóng giăng mắc giữa dòng người qua lại...
Đọc thơ dưới bóng Ải Vân quan tại cuộc giao lưu văn nghệ sĩ Huế - Đà Nẵng 2009. Ảnh: T.TUẤN |
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hùng đã bộc bạch mấy chữ “hết sức vui mừng và xúc động”, khi nói về sự kiện mới đây ông và người đồng cấp của Thừa Thiên Huế ngồi lại với nhau ký biên bản ghi nhớ việc khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích đối với Hải Vân quan. Mà người đồng cấp – Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên Huế Phan Tiến Dũng ấy nào phải xa lạ, cùng là bạn đồng khóa thời Đại học Tổng hợp Huế từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Ông Văn ông Sử. Cũng nói thêm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng Hồ Tấn Tuấn bên Đà Nẵng với Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - Tiến sĩ Phan Thanh Hải vốn cũng đồng môn tại 27 Nguyễn Huệ - Huế, người trước người sau. Vậy mà “đến bây giờ mới thấy đây”… Cũng bởi lâu nay nhùng nhằng “vướng” về địa giới hành chính, bên nào đứng ra làm một mình cũng khó…
Tôi thực sự hiểu niềm xúc động của ông Hùng. Bởi nỗi ưu tư văn hóa lúc nào cũng toát ra tràn trề nơi người đàn ông có vóc dáng, gương mặt như một thầy giáo này. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông quản ngành Văn hóa thông tin huyện Điện Bàn lúc còn tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, mỗi bận ngang qua tôi đều tạt vào chơi. Chứng kiến có lần trước sân bảo tàng huyện, ông cứ run run khoe khẩu thần công gỉ sét vừa khai quật được, cùng những quả đạn đúc bằng gang lấm lem bùn đất. Người cứ đau đáu với tiền nhân, như một thời vận động, đề xuất xây dựng lăng mộ cho những danh nhân xứ Quảng như Trần Quý Cáp, Hoàng Diệu, Mai Dị… Rồi sau đó tự mình đi quyên góp kinh phí để trùng tu các di tích. Người sau này cứ chi chút từng chi tiết kịch bản, đến khuôn hình, góc máy với tư cách đạo diễn phim tài liệu lịch sử.
Nhưng phải nói lãnh đạo Đà Nẵng đã có “con mắt xanh”, khi bứt ông ra khỏi vị trí lãnh đạo ngành báo hình vốn đem lại cho ông rất nhiều thành công, để sang làm tổng quản ngành văn hóa. Bởi chỉ thời gian ngắn, ông đã mạnh dạn đề xuất “hướng mở” cho không gian di tích quốc gia thành Điện Hải, được lãnh đạo thành phố tán đồng. Và giờ cùng các cộng sự từ Trung tâm quản lý di sản văn hóa thành phố, bắt tay với các đồng nghiệp của tỉnh bạn Thừa Thiên Huế để cùng làm sống lại Hải Vân quan.
Câu chuyện hẳn còn dài, tất sẽ phải vắt qua năm 2017. Lãnh đạo hai địa phương cũng sẽ ngồi lại thống nhất nội dung trình bộ, ngành và Chính phủ. Nhưng từ bước đột phá ban đầu này, đã hình dung rất gần về một Di tích quốc gia, hướng tới Di tích quốc gia đặc biệt mang tên Hải Vân quan.
…Sau nhiều ngày mưa lạnh dầm dề, bữa nay nắng ấm rải đều hai bên Ải Vân. Cư dân đỉnh đèo biết tôi là nhà báo, cứ túm lấy hỏi chuyện về chuyện trọng đại sắp diễn ra nơi này mà họ vừa biết loáng thoáng qua báo đài. Bà Lê Thị Cúc, tổ trưởng tự quản của 18 hộ dân kinh doanh hàng lưu niệm trên đỉnh đèo, trong đó có 4 hộ lên từ phía Lăng Cô, hể hả: “Bao nhiêu năm tụi tôi mong Nhà nước sửa sang làm lại quy củ nơi này. Đà Nẵng hay Huế cũng đều là nhà nước mình chứ đâu, giờ hai bên cùng làm chung tốt quá. Chứ ngày nào khách cũng hỏi sao di tích hư hại, gãy sụp thế này mà không ai làm gì hết, tụi tôi không biết trả lời sao”.
Ngồi viết bài này, mắt tôi bỗng chạm phải viên đá nhỏ xíu đặt trong tủ sách. Viên đá màu xám lấy ra từ ruột núi Hải Vân đựng trong cái hộp nhựa trong suốt, do những người Nhật tặng hôm chính thức khoan thông hầm đường bộ Hải Vân. Tôi nhớ rạng sáng ngày 7-11-2003 ấy, khối đá cuối cùng cách ngăn hai đầu hầm bị đánh sập, lần đầu tiên bàn tay chai sần của những người thợ từ hai đầu Bắc – Nam của hầm quờ chạm được vào nhau. Sau 1.200 ngày lầm lũi làm việc trong bóng đêm thâm u của đá. Ánh sáng vỡ òa trong ruột “Đệ nhất hùng quan” suốt triệu năm chỉ là một màn đen bí ẩn.
Món quà - viên đá Hải Vân nhỏ bé ấy theo chân những người bạn, giờ có lẽ đang có mặt nhiều nơi trên thế giới. Trên những hành trình mới. Còn núi Mẹ, vẫn ngồi lại sừng sững nơi núi rừng kia, đang gìn giữ cho chúng ta báu vật Thời gian…
TRẦN TUẤN