.

Áo Tết

.

Tối qua ngồi xếp đồ, con gái bảo: “Sắp đến Tết rồi phải không mẹ, mẹ mua nhiều váy mới cho con nhé”. Tôi soạn lại tủ đồ của con, bộ nào cũng còn mới tinh. Nhiều bộ còn chưa mặc đến. Một số là do mình mua, một số được anh em bạn bè tặng. Nhưng sắp Tết rồi, chẳng lẽ không mua cho con bộ quần áo mới? Nhìn những chiếc quần chiếc áo bé xinh đủ sắc màu rất đẹp, rất dễ thương. Bất giác lòng tôi ngẩn ngơ, nhớ đến nao lòng những manh áo mới ngày tôi còn nhỏ dại.

Tôi được sinh ra vào những năm cả nước mình đang thời kỳ đầu đổi mới. Ngày đó chắc miền quê nào cũng còn nhiều nghèo đói, nhà tôi cũng vậy. Về cái ăn, thật ước lắm những bữa no. Đến nỗi mỗi khi sang nhà cô bạn hàng xóm thấy nhà nó lúc nào cũng có khoai ăn, tôi thèm thuồng bảo “nhà mày sướng thật đấy”. Mẹ cô bạn hỏi tôi “nhà bác sướng thế nào?”. Tôi hồn nhiên trả lời: “Nhà bác nhiều khoai”. Quần áo thì mấy anh chị em thay phiên nhau mặc, anh chị mặc ngắn thì truyền lại cho em. Rách thì vá lại mặc tiếp. Vì vậy mỗi khi mua đồ mới cho chúng tôi, mẹ thường sẽ mua cỡ rộng hơn, dài hơn so với người để chúng tôi mặc được nhiều năm. Và khi đứa lớn không mặc vừa nữa thì vẫn còn tốt cho đứa bé mặc.  Và như thế, năm nào cũng phải chờ đến Tết mới được may áo mới.

Tết với người lớn đôi khi là một gánh nặng, bởi dù nghèo đói thì ba ngày Tết không thể  không gói bánh chưng, mua vài cân thịt, sắm cho con manh áo. Sau này khi đời sống đã khá hơn, mỗi đêm cuối năm ngồi nấu bánh chưng bên bếp lửa hồng, anh tôi lại kể: Hồi ấy tôi và thằng út còn chưa ra đời. Vào chiều hai mươi tám Tết, mấy nhà trong làng mổ lợn, mẹ cũng đi mua được hai cân bảo anh trai tôi mang về nhà cất. Chả biết anh cất thế nào mà đến lúc mẹ về chẳng thấy thịt đâu. Tìm quanh thì ra miếng thịt đã bị con chó tha ra sau hè cắn nham nhở gần hết. Mẹ tôi bảo anh: “Thôi, thế là hết thịt ăn Tết rồi con ơi”, vậy là hai mẹ con ôm nhau khóc. Ông bà anh em biết chuyện, mỗi người đem cắt cho một miếng thịt nhỏ, cuối cùng nhà tôi cũng có một cái Tết như bao nhà. Chuyện xưa cũ lắm rồi, vậy mà Tết năm nào anh tôi cũng kể, ký ức khổ nghèo hiện về trong ánh mắt rưng rưng.

Trẻ con thì chẳng bao giờ hiểu được những lo toan của người lớn, tôi cũng vậy. Cứ mỗi khi nghe mẹ chép miệng “lại sắp Tết đến nơi rồi” là tôi bắt đầu xao xuyến đếm ngày đếm tháng. Tết được đi chơi, được ăn bánh chưng, chả giò. Tết, vào chơi nhà ai cũng được người ta hào phóng cho kẹo, còn được người lớn cho tiền mừng tuổi nữa. Nhưng thích nhất vẫn  là được mẹ mua cho quần áo mới. Như là một cái mốc, như là một lời hẹn ước không bao giờ thay đổi: Tết sẽ có quần áo đẹp. Vậy nên lũ trẻ chúng tôi mong Tết từng ngày.

Thông thường, cứ cách Tết chừng nửa tháng, mẹ sẽ dắt chị em tôi đến nhà cô thợ may trong làng để đặt may cho mỗi đứa một bộ quần áo mới. Những tấm vải hoa sặc sỡ đủ màu sẽ được tôi sờ đi sờ lại, ngắm tới ngắm lui cho đến khi mẹ giục: “Nào, con gái chọn áo màu gì?”. Rồi cô thợ may sau khi đo sẽ hẹn ngày đến lấy, thường là một tuần sau. Những ngày chờ đợi ấy sao mà lâu, sao mà dài. Có khi nóng ruột quá, tôi sẽ đến trước ngày hẹn để xem áo mình may đến đâu rồi, đã sắp xong chưa. Nhưng khi cô thợ may bảo cô chỉ mới cắt chứ chưa may đâu, thể nào lòng cũng buồn rười rượi. Ngày lấy quần áo mới sẽ là một trong những ngày vui nhất năm.

Cũng có khi gần Tết mẹ chưa có tiền, thì chiều 27 hoặc 29 tháng Chạp mẹ sẽ dắt chị em tôi đi chợ Tết. Chợ Tết tất nhiên là rất đông người. Người lớn chen chúc trẻ con. Người mua chen chúc người bán. Người chen chúc người. Hàng hóa bày la liệt, đủ thể loại, đủ màu sắc. Nhưng với chúng tôi lúc đó hấp dẫn nhất vẫn là ông bán bóng bay tai thỏ ngồi ở cổng chợ và những cô hàng xén. Sau một hồi lòng vòng theo mẹ đi khắp chợ mua thịt, mua hành, mua lá dong và hoa quả. Cuối cùng, hiện ra trước mặt tôi là sạp hàng quần áo đủ sắc màu. Quần áo được treo lên từng hàng, những chiếc áo hoa xinh luôn có sức mê hoặc đối với tôi. Mẹ sẽ ướm thử chiếc áo lên người tôi rồi hỏi tôi có thích không. Cô bán hàng khéo miệng khen “nhà chị có cô con gái xinh thế”, chỉ thế thôi tôi cũng đã thấy áo hoa cô bán đẹp thêm bội phần.

Tôi không bao giờ cho mẹ giặt ngay những chiếc áo mới mua vì sợ sẽ bay mất mùi vải mới mà sẽ treo lên, thi thoảng lại chạy vào chạy ra mê mẩn ngắm. Và vào đêm cuối năm,  khi những hạt mưa xuân lắc rắc xuống sân, khi tiếng pháo giao thừa râm ran khắp xóm nhỏ, mẹ sẽ thức mấy anh chị em tôi dậy, nói lời chúc mừng chúng tôi sang tuổi mới, mừng tuổi cho mỗi đứa một đồng tiền nhỏ, mặc áo mới cho từng đứa một.

Cho đến bây giờ, bao nhiêu năm đã qua, mỗi khi nhớ lại tôi vẫn còn như nghe thoang thoảng đâu đây mùi vải mới của những chiếc áo hoa. Tôi mặc nó suốt  mấy ngày Tết, không dám nghịch, không dám làm vấy bẩn. Rồi chạy quanh những nhà láng giềng, đợi đến khi nghe được một lời khen.

Giờ ngồi nghĩ lại mới thấy thương cha mẹ biết bao nhiêu. Dù đói khổ nhưng năm nào cũng cố gắng lo cho con cái một cái Tết tươm tất. Và cũng giờ nghĩ lại mới nhận ra rằng, rất ít khi thấy cha mẹ mặc áo mới, dù là ngày Tết. Tấm áo nâu của mẹ, tấm áo xanh của cha không được chọn ngày để mặc, mà theo cha mẹ từ mùa đông sang mùa xuân, từ năm cũ sang năm mới.

Cuộc sống bây giờ sung túc hơn rất nhiều. Và tất nhiên trẻ em bây giờ, dù nhà có nghèo vẫn  sung sướng  đủ đầy hơn rất nhiều so với những đứa trẻ khoảng ba mươi năm về trước như tôi. Nhưng chắc chắn những đứa trẻ hôm nay không thể nào có được sự háo hức mong chờ ngày Tết. Không được cùng thức với bố mẹ ngồi bên bếp củi rực lửa hồng luộc bánh chưng. Không phải run tay vuốt ve nâng niu hít hà mùi áo mới.

Chẳng ai đi nuối tiếc quá khứ nghèo khổ đã qua. Nhưng nỗi nhớ tuổi thơ như những con sóng ngầm trong lòng chỉ chờ một xúc cảm lướt qua bỗng bừng sống dậy. Tuổi thơ với những trò chơi ngây dại, những niềm mong ước đơn sơ. Tuổi thơ dù có khốn khó đến đâu vẫn đẹp lung linh như nụ cười xinh giấu sau tà áo mới.

LÊ GIANG

;
.
.
.
.
.